* Bộ Y tế đề nghị xử nghiêm trường hợp mua bán, kinh doanh thuốc lá điện tử
Công văn do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn vừa ký gửi UBND các tỉnh/ thành phố, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Công thương; Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an đề nghị về tăng cường truyền thông các tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Theo Bộ Y tế, những năm gần đây, tại Việt Nam xuất hiện nhiều sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs), thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs) và shisha. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet.
Các sản phẩm này được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.
Theo Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13 -15 là 3,5%.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay có khoảng 20.000 loại hương liệu được sử dụng trong các sản phẩm thuốc lá điện tử, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe.
Thuốc lá điện tử có chứa nicotine là chất gây nghiện, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa. Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol, có thể tạo thành chất propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Qua phản ánh của các cơ sở khám chữa bệnh, chữa bệnh và phương tiện thông tin đại chúng cho thấy gần đây nhiều trường hợp các em học sinh phải cấp cứu vì ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong sản phẩm thuốc lá này.
Ngoài các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn có nguy cơ làm phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác.
Tại công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành thực hiện chỉ đạo các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; chỉ đạo các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị tăng cường phổ biến thông tin về tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đến công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn. Kịp thời ban hành các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm này tại các cơ quan, công sở, các cơ sở giáo dục đào tạo; tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha trên địa bàn tỉnh, thành phố;
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các Sở, Ban ngành, Đoàn thể và các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng thuốc lá điếu thông thường, cần kịp thời phổ biến thông tin về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên và người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên; tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng thuốc lá điện tử tại các cơ sở giáo dục; Chỉ đạo Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha, vì các sản phẩm này hiện là những sản phẩm là chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại Việt Nam.
Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp tích cực và chặt chẽ với Bộ Y tế triển khai hiệu quả nhiều hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là phòng chống tác hại của thuốc lá mới trong học sinh, sinh viên như: ban hành văn bản chỉ đạo, xây dựng tài liệu truyền thông, giáo dục, tổ chức tập huấn, truyền thông trực tiếp về tác hại thuốc lá và thuốc lá điện tử cho các cơ sở giáo dục.
Để ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá nói chung và các sản phẩm thuốc lá mới, Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp và tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới toàn thể học sinh, sinh viên, học viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục. Đẩy mạnh hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ sở giáo dục; chỉ đạo các trường học phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm quy định cấm bán thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới phía ngoài cổng các trường học theo quy định tại Khoản 2, Điều 25 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tại các cơ sở giáo dục.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Công an với chức năng và nhiệm vụ của mình chỉ đạo các đơn vị trược và các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông và ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Báo Sức khoẻ và đời sống
*Ca COVID-19 mới tăng, nhiều ca thở máy: Những ai cần tiêm vaccine?
Trước diễn biến gia tăng ca mắc COVID-19 mới, số bệnh nhân nặng cũng tăng, đã ghi nhận 9 trường hợp tử vong do COVID-19, Bộ Y tế và các chuyên gia dịch tễ, truyền nhiễm… tiếp tục đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine cho người thuộc nhóm nguy cơ cao để bảo vệ chặt chẽ hơn nữa những đối tượng này.
Tăng tốc tiêm vaccine COVID-19 cho những đối tượng nguy cơ cao
Theo thống kê của đơn vị chức năng thuộc Bộ Y tế, số mũi vaccine COVID-19 trong ngày 4/5 là 15.550 mũi tại 10 tỉnh, thành phố, trong đó 13.815 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 1.735 mũi tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Đây là ngày có số lượng tiêm vaccine cao trong khoảng 1 tuần trở lại đây.
Đến nay tổng số mũi vaccine COVID-19 đã tiêm ở nước ta là 266.266.588 mũi, trong đó nhóm từ 18 tuổi trở lên:
- Tiêm mũi 3: Tổng số có 52.106.937 mũi tiêm (81,8%) trong ngày có 8 tỉnh triển khai với 3.850 người được tiêm
Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (63,6%); Bình Định (65,8%); Đồng Nai (54%); Tây Ninh (65,7%); Đồng Tháp (60,7%).
Tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Nghệ An (100,1%); Lâm Đồng (102,8%); Sóc Trăng (100,7%).
- Tiêm mũi 4: Tổng số có 17.824.995 mũi tiêm (89%), trong ngày có 8 tỉnh triển khai với 9.333 người được tiêm
Nhóm từ 12-17 tuổi: Số tiêm mũi 3 có 5.813.288 mũi tiêm (69,3%)
Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (43,7%); Quảng Ngãi (48,6%); Bình Thuận (44,1%); TP HCM (36,4%); Đồng Nai (43,1%).
Tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,3%); Lâm Đồng (111,3%); Sóc Trăng (103,5%).
Nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi: Tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 18.663.896 mũi tiêm:
- Mũi 1: 10.214.069 mũi tiêm (92,5%)
Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (77,6%); Hải Phòng (72,7%); Đà Nẵng (68,6%); TP HCM (64,9%), Bà Rịa - Vũng Tàu (77%)
- Mũi 2: 8.449.827 mũi tiêm (76,5%)
Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (57,4%); Đà Nẵng (37,4%); Quảng Nam (50,7%); TP HCM (41,8%), Bà Rịa - Vũng Tàu (53,4%)
Vaccine có hiệu quả trong phòng bệnh và các biến chứng do COVID-19 gây ra
Trước diễn biến gia tăng các ca mắc COVID-19 thời gian gần đây, trong đó gia tăng cả bệnh nhân nặng và số trường hợp tử vong trong hơn 2 tuần qua đã ghi nhận 9 ca - có những trường hợp bệnh nền nhưng không tiêm đủ, chưa tiêm đủ mũi vaccine theo khuyến cáo, Bộ Y tế và các chuyên gia dịch tễ, truyền nhiễm… đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine cho người thuộc nhóm nguy cơ cao để bảo vệ chặt chẽ hơn nữa những đối tượng này trước diễn biến tăng về số ca mắc.
Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết tiêm vacccine phòng COVID-19 đã giúp Việt Nam chuyển từ giai đoạn Zero COVID-19 sang giai đoạn thích ứng an toàn hiệu quả, vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, miễn dịch của vaccine COVID-19 không thật bền vững. Sau 4-6 tháng, miễn dịch giảm đi rất nhiều và cần tiêm nhắc lại. Lịch tiêm nhắc lại được khuyến cáo tiêm sau mũi cuối cùng đã tiêm khoảng 6 tháng. Như vậy, những người đã tiêm mũi vaccine cuối cùng cách đây 6 tháng có thể tiêm bổ sung. Vaccine có hiệu quả giảm triệu chứng nặng, giảm nhập viện và giảm tỉ lệ tử vong.
Vì vậy, chuyên gia tiếp tục khuyến cáo những đối tượng nguy cơ cao dễ bị tổn thương là người già, người bệnh nền, phụ nữ có thai, người bị suy giảm miễn dịch cần tuân thủ tiêm vaccine theo khuyến cáo đủ liều, đúng lịch bởi đây ;à nhóm đối tượng khi nhiễm dễ chuyển nặng, làm tăng số bệnh nhân cần điều trị tại cơ sở y tế, có thể dẫn đến quá tải hệ thống y tế và tăng tỉ lệ tử vong.
Cùng đó chuyên gia khuyến cáo mọi người cần đeo khẩu trang để phòng bệnh cho mình và cộng đồng nhất là đối tượng dễ bị tổn thương như đã nêu trên. Điều này không chỉ giúp phòng COVID-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B...
TS Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nêu rõ: Vaccine phòng COVID-19 có hiệu quả trong phòng bệnh và các biến chứng do COVID-19 gây ra, giảm tỉ lệ mắc bệnh nặng và tử vong.
Hiện nay Tổ chức Y tế thế giới vẫn khuyến cáo các nước triển khai tiêm vaccine COVID-19, ưu tiên hoàn thành liều cơ bản đối với các đối tượng từ 5 tuổi trở lên và bao phủ trên diện rộng để đạt miễn dịch cộng đồng, phòng bệnh cho cá nhân và những người xung quanh. Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo các quốc gia triển khai tiêm nhắc các liều tiếp theo dựa trên tình hình dịch bệnh.
Báo Sức khoẻ và đời sống
*Bài toán giữ chân cán bộ y tế ở các cơ sở công lập
Làn sóng cán bộ y tế từ các cơ sở công lập chuyển ra cơ sở ngoài công lập đã, đang ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Dù muộn nhưng vẫn rất cần những giải pháp đồng bộ để ngăn chặn sự dịch chuyển đó.
Với sự xuất hiện ngày càng nhiều đơn vị y tế tư nhân đã tạo ra nhiều cơ hội làm việc cho nhân viên y tế, nhất là những người có chuyên môn cao.
Ba nguyên nhân chính của sự dịch chuyển
Việc dịch chuyển cán bộ y tế từ khu vực công sang khu vực tư nhân không phải là chuyện mới, nó đã diễn ra từ nhiều năm, khá tự nhiên, phổ biến ở các thành phố, đô thị lớn. Những năm gần đây, nhất là sau khi dịch Covid-19 bùng phát thì việc cán bộ y tế xin nghỉ việc, xin chuyển tới cơ sở y tế tư nhân đã trở thành làn sóng. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, trong hai năm 2021-2022 đã có hơn 10 nghìn cán bộ y tế xin nghỉ, chuyển đơn vị làm việc.
Theo phân tích của Bộ Y tế, có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cán bộ y tế dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư nhân. Thứ nhất, đó là áp lực công việc trong khu vực công cao, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cán bộ y tế là lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống dịch; có cường độ làm việc lớn, hầu như không có ngày nghỉ. Có những thời điểm ở những địa phương có dân số lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam, cường độ làm việc của nhân viên y tế cao gấp hai, ba lần ngày thường. Mặt khác, do phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng… ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, động lực làm việc của cán bộ y tế.
Nguyên nhân thứ hai là thu nhập ở các đơn vị y tế công lập thấp hơn so với ngoài công lập, với cán bộ y tế làm việc tại đơn vị y tế dự phòng và y tế cơ sở thì sự chênh lệch càng lớn. Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì mức thu nhập mỗi tháng chưa tới 5 triệu đồng, chỉ bảo đảm một phần nhu cầu của cuộc sống. Trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần.
Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm, dẫn đến nguồn thu của nhiều cơ sở y tế bị giảm, kéo theo thu nhập của nhân viên y tế giảm mạnh, nhiều đơn vị được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên không có nguồn để chi, phải chậm trả lương, đây cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến việc nhân viên y tế xin nghỉ việc hoặc bỏ việc để tìm cơ hội việc làm với mức thu nhập cao hơn.
Tại một số tỉnh miền núi, hải đảo, chính sách thu hút nhân viên y tế chưa thật sự tạo được động lực để giữ chân họ và tạo sức hút để đội ngũ cán bộ, viên chức y tế trẻ, có trình độ và năng lực đăng ký tuyển dụng tham gia làm việc; một số cán bộ sau khi học nâng cao đã xin thôi việc, bỏ việc hoặc chuyển công tác. Trong khi đó, hệ thống cơ sở y tế tư nhân tại các địa phương ngày càng phát triển, môi trường làm việc thuận lợi, hiện đại, thân thiện, có nhu cầu tuyển bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên có trình độ cao, chuyên môn sâu và những người đã có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Các cơ sở tư nhân sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế.
Nguyên nhân thứ ba là áp lực của xã hội, gia đình và người thân. Cán bộ y tế cũng như những người lao động khác đều có nỗi lo về cuộc sống gia đình, cần bảo đảm điều kiện về ăn, mặc, ở, các chi phí điện, nước, học hành của con cái… nên khi mức thu nhập thấp trong khi công việc lại quá tải, cường độ và thời gian lao động tăng càng trở thành những áp lực lớn. Mặt khác, do môi trường làm việc đặc thù, cán bộ y tế phải thường xuyên chứng kiến sự ốm yếu, đau đớn của người bệnh, cá biệt là bệnh nhân tử vong mà mình không thể cứu chữa được, đồng thời chịu áp lực rất lớn từ người nhà bệnh nhân, thậm chí một số nhân viên y tế bị người nhà bệnh nhân đe dọa, sử dụng bạo lực, gây tâm lý hoang mang, lo sợ khi hành nghề, giảm sự nhiệt tình trong hoạt động nghề nghiệp…
Cần kết hợp động viên Với tạo cơ chế, chính sách
Để giữ chân cán bộ, thời gian qua, các cơ sở y tế công lập đã tổ chức các diễn đàn chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của viên chức y tế; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, những tấm gương người tốt, việc tốt trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, công tác phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với nhân viên y tế, tạo môi trường làm việc thân thiện, bố trí, sử dụng cán bộ y tế hợp lý, trong đó ưu tiên cho những lĩnh vực khó khăn và cho y tế cơ sở.
Nhiều đơn vị, địa phương quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp; huy động các nguồn lực khác của xã hội để hỗ trợ vật chất cho viên chức y tế nhằm giảm bớt khó khăn…, kịp thời động viên cán bộ y tế yên tâm phục vụ lâu dài. Các địa phương cũng tăng cường xã hội hóa ở những đơn vị có điều kiện để tăng thu nhập cho viên chức y tế, nhất là cán bộ có trình độ chuyên môn cao; đồng thời xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập và công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Hiện nay, Bộ Y tế đang tích cực đầu tư cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho cán bộ, viên chức y tế; thực hiện việc mua sắm đủ trang thiết bị, vật tư, thuốc giúp cho nhân viên y tế có thể cung cấp các dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu của người dân; đồng thời, chỉ đạo người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp cần tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, công khai, minh bạch, dân chủ, xây dựng văn hóa công sở tạo điều kiện cho viên chức y tế gắn bó, tự hào về nghề nghiệp và tự hào về đơn vị công tác.
Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, trong đó nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40-70% lên mức 100%. Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023. Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp các bộ, ngành xây dựng, sớm ban hành khung giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ kể cả giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế làm cơ sở để động viên khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế.
Tại tọa đàm “Ngành y vượt khó” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng: Ngành y tế đang đứng trước hai thách thức cơ bản, đó là nguồn nhân lực thiếu và yếu; tiền lương, thu nhập và đời sống của thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động rất khó khăn. Hai thách thức này làm cho các thầy thuốc, đội ngũ cán bộ ngành y tế khó yên tâm công tác và gắn bó với nghề. Do vậy, trước mắt phải điều chỉnh phụ cấp, tiền lương cho ngành y tế càng sớm càng tốt; còn về lâu dài, phải cải cách chính sách tiền lương của ngành y tế, đồng thời cải cách chính sách tiền lương của cả nước.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nêu rõ, bên cạnh việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc cho các cơ sở, ngành y tế cũng như chính quyền địa phương cần tạo cơ chế, tạo môi trường làm việc tốt hơn cho đội ngũ nhân viên y tế. Việc đầu tư về nhân lực, trang thiết bị chính là điều kiện tiên quyết để y tế cơ sở phát triển và là tiền đề tạo động lực, giúp nhân viên y tế yên tâm, gắn bó lâu dài với nghề và giúp người dân tự tin đến khám và điều trị tại tuyến y tế cơ sở. Khi có đủ nguồn nhân lực chất lượng, các cơ sở y tế công lập thu hút được người bệnh, thì đội ngũ nhân viên y tế có điều kiện tăng thêm thu nhập và trau dồi trình độ chuyên môn.
Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ có chính sách chưa thực hiện giảm số lượng người làm việc (giảm biên chế sự nghiệp) của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; cho phép tăng định mức số lượng người làm việc tối thiểu tại trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã; điều chỉnh số lượng người làm việc tại trạm y tế xã theo quy mô dân số để các cơ sở có đủ nguồn nhân lực cần thiết.
Báo Nhân dân
*Trẻ vị thành niên quan hệ tình dục sớm: Hậu quả khôn lường!
Thời gian qua, nhiều trẻ gái đang ở độ tuổi là học sinh nhưng đã mang thai và sinh em bé. Khi trẻ đang tuổi vị thành niên (VTN) chưa phát triển đầy đủ, việc mang thai nguy hiểm cho bản thân, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và dễ dẫn tới vô sinh.
Báo động trẻ vị thành niên mang thai, sinh con
Mới đây, một bé gái 13 tuổi đã sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Tương tự, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng đã tiếp nhận một nữ sinh sinh con. Cô gái trẻ sinh năm 2009 phát hiện mình mang thai khi vừa học hết lớp 11, rất may mắn vì mẹ tròn, con vuông.
Hay trước đó, một số trường hợp sinh con khi mới 13 tuổi tại Bắc Giang, Phú Thọ. Tất cả trường hợp này đều được gia đình phát hiện khi thai đã được 6 tháng và chỉ có cách là để sinh.
Theo các bác sĩ, hiện nay, trẻ dậy thì sớm nên việc quan hệ tình dục sớm là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, quan hệ để mang thai ngoài ý muốn là vấn đề đáng cảnh báo. Thực tế cho thấy, không có kiến thức về sức khỏe sinh sản (SKSS), gia đình không quan tâm, bị lạm dụng hay không ít trường hợp đơn giản chỉ là tò mò đã khiến trẻ VTN mang thai.
Đáng lo ngại, có những em không hề biết là mình đang mang thai. Chỉ đến khi gia đình nhận thấy bất thường và đưa đi khám, tuổi thai đã rất lớn. Qua tư vấn và trao đổi, hầu hết các em đều không có kiến thức về phòng tránh thai hay SKSS. Đây là nguyên nhân khiến nhiều trường hợp thai 20 tuần tuổi, thậm chí là 32 tuần, gia đình mới biết.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, khi trẻ đang tuổi VTN chưa phát triển đầy đủ khiến việc mang thai nguy hiểm cho bản thân và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Đặc biệt, đáng báo động khi nguyên nhân dẫn đến vô sinh có thể đến từ nhiều hình thức phá thai không an toàn khác nhau, hơn nữa ở tuổi còn quá trẻ, các em chưa có ý thức và cả kiến thức trong việc bảo vệ SKSS của bản thân.
Việc quan hệ tình dục quá sớm sẽ gây ra nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như: HIV, AIDS... viêm nhiễm bộ phận sinh dục dẫn đến vô sinh sau này cho cả nam và nữ.
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế, tỉ lệ trẻ VTN mang thai trong tổng số người mang thai tăng liên tục qua các năm. Năm 2010 là 2,9%; năm 2011 là 3,1%; năm 2012 là 3,2%. Tương ứng, tỉ lệ phá thai ở lứa tuổi này lần lượt là 2,2%; 2,4% và 2,3%.
Theo số liệu điều tra của Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ quan hệ tình dục trong học sinh giảm nhẹ nhưng tỷ lệ quan hệ tình dục lần đầu trước 14 tuổi lại tăng gấp 2 lần trong 6 năm từ 1,45% (năm 2013) lên 3,51% vào năm 2019.
Đứng trước thực trạng trên, thời gian qua, nhiều cơ sở y tế, đơn vị, địa phương như: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, huyện Thạch Thất, huyện Quốc Oai, quận Cầu Giấy cùng một số địa phương trên địa bàn Hà Nội đã trang bị kiến thức, truyền thông chăm sóc SKSS VTN thông qua các buổi giáo dục SKSS VTN cho học sinh các trường THCS.
Tại các buổi sinh hoạt, truyền thông, học sinh đã được tư vấn, hướng dẫn và truyền đạt những nội dung cơ bản về chăm sóc sức khỏe VTN.
Đặc biệt, bác sĩ, nhân viên y tế của các bệnh viện, trung tâm y tế đã mang đến cho học sinh những nội dung về giới tính, tình bạn, tình yêu, tình dục, phòng tránh thai, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục... Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới nội dung các nguy cơ và cách phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em.
Thông qua buổi truyền thông đã trang bị cho các em những kiến thức để tự chăm sóc sức khỏe tuổi VTN, kỹ năng ứng xử trước sự thay đổi về tâm, sinh lý. Những kỹ năng sống cần cho sự phát triển về sức khỏe VTN; cách phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS, tránh mang thai ngoài ý muốn…
Đây là những kiến thức rất hữu ích đối với đối tượng học sinh đang bước vào giai đoạn dậy thì với những thay đổi lớn về tâm, sinh lý. Đó cũng là hành trang quan trọng giúp các em thêm tự tin để đối mặt với những khó khăn của lứa tuổi.
Báo Kinh tế đô thị
*Hà Nội: Không thẩm định và cấp phép cho cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng ''bút đo vi chất''
Sở Y tế Hà Nội khẳng định, không thẩm định, cấp phép cho cá nhân, cơ sở nào được thực hiện khám, chữa bệnh sử dụng “bút đo vi chất” để đo vi chất cho trẻ em.
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản đề nghị phòng y tế các quận, huyện, thị xã kiểm tra, ngăn chặn việc sử dụng “bút đo vi chất” để đo vi chất trên cơ thể người.
Trước đó, qua thông tin trên báo chí phản ánh về việc mạo danh bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương để bán thực phẩm chức năng. Nội dung bài phản ánh việc một số cơ sở, cửa hàng sử dụng “bút đo vi chất” để đo vi chất trên cơ thể người. Nhân viên của cơ sở, cửa hàng trên mạo nhận là bác sĩ của Bệnh viện Nhi trung ương thực hiện khám, tư vấn, kê đơn cho trẻ em để cơ sở, cửa hàng bán thực phẩm chức năng bổ sung vi chất dinh dưỡng cho người dân.
Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, “bút đo vi chất” nói trên không nằm trong danh mục trang, thiết bị y tế được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Sử dụng “bút đo vi chất” đo vi chất trên cơ thể người không được Bộ Y tế cho phép thực hiện để khám bệnh, chữa bệnh, đo vi chất cho con người. Sở Y tế thành phố không thẩm định, cấp phép cho cá nhân, cơ sở nào được thực hiện khám, chữa bệnh sử dụng “bút đo vi chất” để đo vi chất cho trẻ em, bán thực phẩm chức năng bổ sung vi chất dinh dưỡng cho người dân…
Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 8-2-2023 của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thanh tra Sở Y tế thông báo và đề nghị phòng y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát ngay trên địa bàn. Qua đó, đình chỉ hoạt động các cơ sở, cửa hàng, cá nhân mạo nhận là bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương sử dụng “bút đo vi chất” để đo vi chất trên cơ thể người; khám, tư vấn, kê đơn cho trẻ em, bán thực phẩm chức năng bổ sung vi chất dinh dưỡng cho người dân…
Đồng thời, xử lý nghiêm các cơ sở, cửa hàng, cá nhân có vi phạm theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý về Sở Y tế Hà Nội để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.
Báo Hà Nội mới
*Truy xuất nguồn gốc để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm
Sáng 4/5, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà làm Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội đã đi kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Nam Từ Liêm nhân Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023.
Tại đây, đoàn đã kiểm tra bếp ăn bán trú của Trường Tiểu học Nguyễn Du (Khu đô thị Vinaconex 3 Trung Văn, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm). Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hậu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du, toàn trường hiện có 1.500 học sinh, trong đó có 1.400 học sinh đăng ký ăn bán trú. Thời điểm kiểm tra, tại bếp ăn của trường có 10 nhân viên tham gia chế biến thực phẩm. Nhà trường và đơn vị cung cấp suất ăn do trường ký hợp đồng là Công ty TNHH Hương Việt Sinh đã xuất trình được đầy đủ các hồ sơ pháp lý có liên quan theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.
Tại thời điểm kiểm tra, bếp ăn của nhà trường bảo đảm rộng rãi, sạch sẽ. Đoàn đã lấy 5 mẫu bát, khay đựng thực ăn để xét nghiệm nhanh và kết quả 5/5 mẫu đều đạt yêu cầu.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm tại buổi làm việc, trên địa bàn quận hiện có 3.439 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, 4 trung tâm thương mại, 5 siêu thị, 9 chợ và một số chợ cóc. Triển khai Tháng hành động vì An toàn thực phẩm, quận đã thành lập 12 đoàn liên ngành (2 đoàn tuyến quận, 10 đoàn tuyến phường). Các đoàn đã kiểm tra 205 cơ sở, trong đó xử phạt 1 cơ sở. Hiện đang tiến hành xử lý 2 cơ sở.
Các lỗi vi phạm chủ yếu là không lưu giữ đầy đủ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn vệ sinh thực phẩm, hợp đồng mua bán thực phẩm; sổ kiểm thực 3 bước chưa đúng quy định, điều kiện vệ sinh cơ sở và vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc đã qua giết mổ không có kiểm soát thú y.
Trực tiếp kiểm tra và làm việc với Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm luôn được Thành phố đặc biệt quan tâm.
Qua kiểm tra tại bếp ăn của Trường Tiểu học Nguyễn Du, bà Trần Thị Nhị Hà cho rằng, Ban Giám hiệu nhà trường và Công ty TNHH Hương Việt Sinh cần chọn lọc các đơn vị cung cấp thực phẩm chuyên nghiệp, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Thời gian tới, quận Nam Từ Liêm phải tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất để đánh giá đúng thực tế khách quan về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quận nói chung và tại các trường học nói riêng. Đặc biệt, công tác kiểm tra cần chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.
Báo Lao động thủ đô