*Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương Kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm tại bếp ăn trường học, khu công nghiệp
Ngày 5/5, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương - Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của TP đã kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại quận Bắc Từ Liêm nhân "Tháng hành động vì ATTP năm 2023".
Tại đây, Đoàn đã kiểm tra siêu thị Mega Martket Thăng Long (địa chỉ 236 Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm). Qua ghi nhận thực tế, tại thời điểm kiểm tra, đoàn nhận thấy, mặt bằng siêu thị rộng rãi, thoáng mát, các mặt hàng được bày bán riêng biệt, ngăn nắp, có các biển chỉ dẫn...
Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra lưu ý, khu vực sơ chế thịt cần được sắp xếp gọn gàng, vệ sinh thường xuyên hơn, đặc biệt là các loại dụng cụ, trang thiết bị như cối xay thịt, bàn sơ chế, kho lạnh bảo quản thực phẩm… cần được vệ sinh sạch sẽ để tránh lây nhiễm chéo. Bên cạnh đó, siêu thị cần sắp xếp khu bán thịt tươi sống cách xa khu vực bày bán thực phẩm bao gói, hóa mỹ phẩm...
Ngoài ra, đại diện siêu thị đã xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận bảo đảm ATTP, tuy nhiên, chưa xuất trình được hóa đơn nhập một số loại thực phẩm như nước hoa quả, bánh…
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Đặng Thanh Phong yêu cầu siêu thị khắc phục ngay các tồn tại nêu trên, đồng thời, giao cho đoàn kiểm tra của quận tiến hành hậu kiểm.
Tại buổi làm việc, Trưởng phòng Y tế quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Thuận cho biết, trên địa bàn quận hiện có 4.317 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị 12 chợ có ban quản lý, có chợ đầu mối phân phối thực phẩm.
Công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở thực phẩm được tăng cường, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định. Toàn quận thành lập 16 đoàn kiểm tra về ATTP (trong đó 3 đoàn quận và 13 đoàn phường) tiến hành kiểm tra, giám sát ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn.
Toàn quận đã tiến hành kiểm tra, giám sát 367 cơ sở (trong đó, quận kiểm tra 32 cơ sở, tuyến phường kiểm tra 335 lượt cơ sở). Xử phạt vi phạm hành chính 36 cơ sở (trong đó, quận xử phạt 10 cơ sở; phường 26 cơ sở) với số tiền hơn 165 triệu đồng, trong đó, quận xử phạt hơn 110 triệu đồng; phường phạt 55 triệu đồng.
Đoàn cũng buộc tiêu huỷ 30 lít rượu trắng, 229,8kg thực phẩm (kê gà, tràng trứng gà, nầm lợn, cánh gà, dạ dày lợn, tim lợn, tràng lợn), 201 sản phẩm thực phẩm (bánh gạo, rong biển ăn liền, hạt hướng dương, kẹo, bánh bông lan, bột trà xanh, nước sữa chua) không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, đoàn kiểm tra cũng kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn các chủ cơ sở, người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt các quy định về ATTP. Trong quá trình kiểm tra tiến hành tổ chức xét nghiệm nhanh, mẫu đạt 346/418 mẫu (tỷ lệ mẫu đạt 82.8%). Trên địa bàn quận không để xảy ra ngộ độc tập thể và vi phạm ATTP nghiêm trọng.
Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Y tế quận Bắc Từ Liêm, quận cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử như số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất thời vụ thường xuyên biến động.
Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ quả, kinh doanh tại các chợ, các điểm bán lẻ, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không có giấy phép đăng ký kinh doanh tuyến phường quản lý gặp nhiều khó khăn.
Công tác quản lý ATTP từ quận đến cơ sở chưa thực sự chuyên sâu. Cán bộ làm công tác ATTP kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, thiếu chuyên môn.
Tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo ATTP vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số bộ phận người tiêu dùng vẫn chưa quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm do thói quen tiêu dùng tiện đâu mua đấy.
Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương kiến nghị các sở, ngành TP tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP tại tuyến quận, phường. Tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng thanh, kiểm tra cho các cán bộ tham gia quản lý công tác kiểm tra ATTP.
Ngoài ra, quận cũng mong muốn công tác phối hợp quản lý các đơn vị do TP, quận và phường cấp phép có sự phối hợp chặt chẽ để công tác đảm bảo ATTP ngày càng hiệu quả hơn.
Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương - Trưởng Đoàn kiểm tra nhấn mạnh, quận Bắc Từ Liêm cần lưu ý đến sự phân cấp, phối hợp thanh kiểm tra công tác ATTP trên địa bàn. Cùng với đó, quận cần tăng cường thanh kiểm tra, đẩy mạnh công tác truyền thông, thường xuyên rà soát, cấp giấy chứng nhận ATTP, giấy khám sức khỏe, tập huấn cho những người tham gia sản xuất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn.
Đồng thời, Trưởng đoàn cũng đề nghị quận cần quan tâm, chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát, nguồn gốc thực phẩm. Đặc biệt, quận cần chú ý đến công tác đảm bảo ATTP những khu vực tập trung đông người như bếp ăn tập thể trường học, bếp ăn khu công nghiệp, các cơ quan, chợ đầu mối… Ngoài ra, quận cũng kiểm soát công tác đảm bảo ATTP qua hoạt động mua bán thực phẩm qua mạng.
Báo Kinh tế đô thị
*Hà Nội công bố kết quả giải trình tự gen thêm 36 mẫu bệnh phẩm nhiễm SARS-CoV-2
Ngày 5-5, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 29-4 đến 5-5), kết quả giải trình tự gen của 36 mẫu bệnh phẩm nhiễm vi rút SARS-CoV-2 cho thấy, 100% mẫu thuộc chủng Omicron.
Như vậy, cộng dồn từ đầu tháng 4-2023 cho đến nay, thành phố đã tiến hành lấy 58 mẫu bệnh phẩm nhiễm vi rút SARS-CoV-2 (gồm: 40 mẫu bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, 18 mẫu cộng đồng) để tiến hành giải trình tự gen. Kết quả cho thấy, 100% mẫu thuộc chủng Omicron. Trong đó có 26 mẫu XBB.1.5 (chiếm tỷ lệ 44,8%), 11 mẫu XBB.1.9.1 (chiếm 19%), 10 mẫu XBB.1.11.1 (chiếm 17,2%), 4 mẫu XBL (chiếm 6,9%), 3 mẫu XBB.1.9.2 (chiếm 5,2%), 1 mẫu XBB.1.16 (chiếm 1,7%), 1 mẫu XBB.1.16 (chiếm 1,7%), 1 mẫu XBB.2.3 (chiếm 1,7%), 1 mẫu XBB.1.3.5 (chiếm 1,7%).
Trong tuần từ ngày 29-4 đến 5-5, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.695 ca mắc Covid-19, tương đương so với tuần trước.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhận xét, các biến chủng qua giải trình tự gen tại Hà Nội cũng tương đồng như thế giới. Hiện chưa có bằng chứng về sự gia tăng độc lực của các biến chủng mới. Các triệu chứng bệnh đa số là nhẹ hoặc không triệu chứng nhưng khả năng lây nhiễm cao hơn các biến chủng cũ.
Còn theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), biến thể Omicron đã xuất hiện trong hơn 1 năm qua với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Việt Nam hiện đã ghi nhận tất cả những biến thể phụ của chủng Omicron. Đây là chủng có đặc tính lây lan nhanh nhưng biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn so với các chủng vi rút ghi nhận trước đó. Hiện chưa phát hiện biến thể thế hệ mới sau Omicron. Các biện pháp phòng dịch vẫn được áp dụng là tiêm vắc xin, khẩu trang và khử khuẩn.
“Trong giai đoạn hiện nay cần tập trung bảo vệ tối đa đối tượng nguy cơ cao như: Người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch…, từ đó, tránh sự quá tải hệ thống y tế”, GS.TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.
Trước đó, như Báo Hànộimới đã đưa tin, trước sự gia tăng của ca mắc Covid-19 trong thời gian gần đây, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế để chủ động giải trình tự gen, phát hiện sớm các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2.
Theo CDC Hà Nội, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát biến chủng của vi rút SARS-CoV-2. Cụ thể là ngành Y tế thành phố tiếp tục phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai để thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà, quản lý chặt chẽ đối tượng nguy cơ cao khi mắc Covid-19 để chuyển viện kịp thời, tránh để bệnh nặng mới chuyển viện. Đồng thời, tiếp tục triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho nhóm đối tượng người từ 18 tuổi trở lên có chỉ định tiêm chủng theo hướng dẫn và triển khai tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi khi có phân bổ vắc xin của Bộ Y tế.
Báo Hà Nội mới
*Sàng lọc ung thư cổ tử cung khi khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ
Thông tư số 14 của Bộ Y tế về hướng dẫn khám sức khỏe, trong đó có ban hành danh mục khám các chuyên khoa, chưa có chuyên khoa phụ sản. Do đó, việc bổ sung khám chuyên khoa phụ sản, bao gồm sàng lọc ung thư vú và ung thư cổ tử cung, bảo đảm được quyền lợi của lao động nữ.
Ngày 5/5, Bộ Y tế ban hành Thông tư 09/2023/TT-BYT (Thông tư 09) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 14/2013/TT-BYT (Thông tư 14) ngày 6/5/2013 của Bộ Y tế về hướng dẫn khám sức khỏe.
Theo đó, Thông tư 09 đã bổ sung việc khám chuyên khoa phụ sản đối với lao động nữ kèm theo mẫu sổ khám sức khỏe định kỳ theo quy định mới. Cụ thể, tại sổ khám sức khỏe định kỳ, có danh mục tiền sử sản phụ khoa…
Danh mục khám chuyên khoa phụ sản trong khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ cũng được cụ thể hóa. Đặc biệt, trong danh mục này, lao động nữ còn được sàng lọc ung thư cổ tử cung, phát hiện sớm các tổn thương cổ tử cung. Ngoài ra, lao động nữ cũng được sàng lọc ung thư vú.
Theo Vụ Sức khỏe, bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), Luật An toàn, vệ sinh lao động hiện hành quy định: “Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động” và “Khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản”.
Tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động cũng nêu rõ: “Khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành”. Nghị định này cũng phân công Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục khám chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ.
Trước đó, Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 6/5/2013 của Bộ Y tế về hướng dẫn khám sức khỏe, trong đó có ban hành danh mục khám các chuyên khoa, chưa có danh mục khám chuyên khoa phụ sản. Do đó, việc bổ sung khám chuyên khoa phụ sản như Thông tư 09 rất hữu ích, bảo đảm được quyền lợi của lao động nữ.
Báo Lao động thủ đô
*WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 5/5 tuyên bố COVID-19 không còn là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.
Ủy ban Khẩn cấp về Quy định y tế quốc tế của WHO đã thảo luận về tình hình đại dịch hôm 4/5 trong cuộc họp lần thứ 15 về COVID-19. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đồng tình rằng nên chấm dứt “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế”, hay còn gọi là PHEIC.
“Trong hơn một năm, đại dịch đã có xu hướng giảm”, ông Tedros cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu. “Xu hướng này đã cho phép hầu hết các quốc gia trở lại cuộc sống như chúng ta biết trước COVID-19”.
“Hôm qua, ủy ban khẩn cấp đã họp lần thứ 15 và đề nghị tôi tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Tôi đã chấp nhận lời đề nghị đó.”
WHO tuyên bố đợt bùng phát COVID-19 là PHEIC vào tháng 1/2020, khoảng sáu tuần trước khi công nhận đây là một đại dịch.
PHEIC tạo ra một thoả thuận giữa các quốc gia trong việc tuân thủ những khuyến nghị của WHO để ứng phó với tình trạng khẩn cấp. Mỗi quốc gia cũng có thể tự tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng, và những tuyên bố này có giá trị pháp lý. Mỹ chuẩn bị kết thúc tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do COVID-19 vào ngày 11/5.
Theo dữ liệu của WHO, đã có hơn 765 triệu trường hợp được xác nhận mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát. Gần 7 triệu người đã tử vong. Châu Âu có nhiều ca bệnh nhất, nhưng châu Mỹ báo cáo nhiều trường hợp tử vong nhất.
Số ca bệnh lên đến đỉnh điểm vào tháng 12/2022, khi biến thể Omicron càn quét toàn cầu, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến Tây Thái Bình Dương. Nhưng ở thời điểm đó, hàng tỷ liều vắc xin đã được sử dụng trên toàn cầu nên số ca tử vong thấp hơn nhiều so với mức đỉnh trước đó.
Giờ đây, số ca mắc và tử vong do COVID-19 đang ở mức thấp nhất trong ba năm. Tuy nhiên, vẫn có hơn 3.500 người tử vong trong tuần cuối cùng của tháng 4 và hàng tỷ người vẫn chưa được tiêm chủng.
Báo Tiền phong
*COVID-19 tăng cao nhất hơn 6 tháng qua, Bộ Y tế yêu cầu bảo vệ người có bệnh nền
Hôm nay 5/5, Bộ Y tế cho biết cả nước ghi nhận 3.399 ca mắc, cao nhất trong 6 tháng qua. Bộ Y tế yêu cầu tăng cường thực hiện các biện pháp sàng lọc, giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện để kịp thời phát hiện, cách ly sớm các ca bệnh có nguy cơ lây nhiễm.
Theo Bộ Y tế, cùng với tăng mạnh ca mắc COVID-19, bệnh nhân nặng và trường hợp thở máy cũng gia tăng.
Cụ thể, số bệnh nhân đang thở ôxy là 161 ca, tăng so với ngày hôm qua, trong đó thở máy xâm lấn có 41 ca.
Ngày 4/5 có 15.550 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.266.588 liều.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn vừa ký công văn số 2639/BYT-KCB về việc tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, Bộ Y tế cho biết hiện nay, tình hình bệnh dịch COVID-19 và các bệnh có nguy cơ lây nhiễm khác vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Để bảo đảm an toàn, giảm thiểu tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và các bệnh dịch khác trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng đơn vị chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tuân thủ nghiêm các biện pháp kiểm soát lây nhiễm COVID-19, các bệnh lây nhiễm, đặc biệt tuân thủ vệ sinh tay và sử dụng khẩu trang.
Tăng cường thực hiện các biện pháp sàng lọc, giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện để kịp thời phát hiện, cách ly sớm các ca bệnh có nguy cơ lây nhiễm. Tăng cường bảo vệ người bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao như người bệnh nặng, thận nhân tạo, người cao tuổi, phụ nữ có thai....
Báo Công an nhân dân