* Hà Nội có thêm một trạm cấp cứu 115 tại Đông Anh, đáp ứng trực 24/24
Sáng 5-6, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội tổ chức khai trương và đưa vào hoạt động Trạm cấp cứu 115 khu vực Đông Anh được đặt tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh. Đây là trạm cấp cứu ngoại viện thứ 8 trên địa bàn Hà Nội.
Trạm cấp cứu 115 khu vực Đông Anh được bố trí xe cứu thương đáp ứng trực 24/24, trang thiết bị y tế chuyên dụng với đầy đủ cơ số thuốc theo quy định. Đội ngũ nhân lực của trạm gồm 10 người có kỹ năng xử lý tình huống cấp cứu ngoại viện cao, nhất là các cấp cứu ngưng tim, ngưng thở, đột quỵ và tai nạn giao thông.
Trước đó, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã thành lập 7 trạm cấp cứu ngoại viện được đặt tại Trung tâm Y tế quận Đống Đa (Trạm cấp cứu khu vực Đống Đa); Trạm cấp cứu khu vực Tây Hồ (đặt tại Bệnh viện Tim Hà Nội); Trạm trung tâm (đặt ở quận Hoàn Kiếm); Trạm cấp cứu khu vực Thanh Trì; Trạm cấp cứu khu vực Gia Lâm; Trạm cấp cứu khu vực Từ Liêm và Trạm cấp cứu khu vực Hà Đông. Các trạm cấp cứu này được giao nhiệm vụ cấp cứu ngoài bệnh viện và các nhiệm vụ đột xuất khác.
Theo Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, những năm gần đây, số lượt yêu cầu cấp cứu của trung tâm khoảng 40.000 ca/năm, tỷ lệ người bệnh được xử lý cấp cứu ban đầu đạt trên 88%. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, các trạm cấp cứu 115 đã thực hiện cấp cứu ngoại viện và vận chuyển cấp cứu 10.565 bệnh nhân, với 15.333 chuyến cấp cứu.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, việc thành lập Trạm cấp cứu 115 khu vực Đông Anh góp phần tăng độ bao phủ mạng lưới cấp cứu ngoại viện, giúp người dân tiếp cận dịch vụ cấp cứu nhanh, kịp thời, làm tăng cơ hội cứu sống bệnh nhân.
(Báo Hà Nội mới)
* Đảm bảo tối đa quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
5 tháng đầu năm 2023, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước và thế giới. Với nỗ lực cao nhất, toàn ngành đã vượt khó, hoàn thành tốt các chỉ tiêu và đảm bảo tối đa quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.
Khoảng 17,47 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội
Phát biểu tại buổi họp báo chiều ngày 5/6, ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, trong 5 tháng đầu năm, công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt kết quả tích cực và tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, hiện có khoảng 17,47 triệu người tham gia BHXH, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, ngành BHXH đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia BHYT và đạt kết quả tích cực với khoảng 90,69 triệu người tham gia (tăng 4,43 triệu người so với cùng kì năm 2022). Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN ước đạt 178.772 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT cũng đạt được những kết quả nổi bật. Mặc dù số người hưởng các chế độ BHXH đều tăng, nhưng việc giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHTN luôn được đảm bảo đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng, qua đó đã góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh việc làm, thu nhập của người dân gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19.
Trong 5 tháng đầu năm, ngành BHXH Việt Nam giải quyết 26.014 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 547.989 người hưởng các chế độ BHXH một lần; giải quyết 3.638.974 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Ngành đã phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết 376.023 người hưởng các chế độ BHTN; trong đó 368.028 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và 7.995 người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề.
Ngoài ra, ngành đã thực hiện tốt công tác tác giải quyết, chi trả chế độ, đảm bảo quyền lợi BHYT cho 69,7 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, tương ứng số chi KCB BHYT là 47.466 tỷ đồng. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Tài chính thực hiện xử lý nhiều vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT, đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT và kinh phí hoạt động của các cơ sở KCB. Theo đó, tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở KCB BHYT và khó khăn vướng mắc trong sử dụng trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật thực hiện từ các trang thiết bị này cơ bản được giải quyết.
Các cơ sở khám chữa bệnh được đảm bảo đầy đủ kinh phí để mua sắm thuốc
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về một số cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT phản ánh thiếu kinh phí để mua sắm, đấu thầu thuốc men, vật tư, hóa chất do bị cơ quan BHXH treo thanh toán, ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết, điều này không đúng thực tế.
Ông Phúc cho biết, theo quy định của Luật BHYT, cơ quan BHXH Việt Nam thực hiện tạm ứng và thanh quyết toán hàng quý theo đề nghị chi của quý trước và cơ quan BHXH luôn luôn thực hiện đúng và nhắc nhở các địa phương, theo dõi, thậm chí là theo dõi trực tiếp tại BHXH Việt Nam những trường hợp tạm ứng thiếu để chấn chỉnh kịp thời. Đến thời điểm này việc tạm ứng thiếu với địa phương cơ bản đã không còn xảy ra nữa và các cơ sở KCB đều được đảm bảo đầy đủ kinh phí để mua sắm thuốc.
Ngoài ra, cơ quan BHXH luôn luôn phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc tham gia đấu thầu thuốc, nhắc nhở những địa phương chuẩn bị hết hạn kết quả lựa chọn nhà thầu có văn bản đề nghị chuẩn bị trước đó nửa năm để có thuốc kịp thời với các cơ sở KCB.
“Do vậy, không có chuyện vì cơ quan BHXH treo thanh toán mà không có tiền mua sắm thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác KCB BHYT” - ông Phúc khẳng định.
Liên quan tới vụ trục lợi BHXH, BHYT trong việc cấp khống giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH tại Đồng Nai, ông Phúc thông tin, việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc không đúng quy định đã xảy ra ở 2 loại cơ sở KCB: có hợp đồng với cơ quan BHXH và không có hợp đồng với cơ quan BHXH.
Theo ông Phúc, ở đây có sự cấu kết, bắt tay giữa cơ sở KCB và người lao động, làm khống hồ sơ để trục lợi. Cơ quan BHXH phát hiện ra và chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra làm rõ. Đồng thời, có văn bản sang Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở KCB triển khai đúng quy định về giám định BHYT, tránh trường hợp xảy ra như ở Đồng Nai.
(Báo Điện tử thoibaotaichinhvietnam.vn)
* Thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng mức độ nặng, Bộ Y tế nói gì?
Ca mắc tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng, chủng virus gây bệnh nặng Enterovirus 71 (EV71) đã xuất hiện trở l tại TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên TP đang hết thuốc điều trị tay chân miệng độ nặng với hiệu quả điều trị cao nhất.
Hết thuốc điều trị tay chân miệng mức độ nặng, các bệnh viện nhi đồng ở TP Hồ Chí Minh dùng thuốc thay thế và mong muốn có thêm thuốc dự trữ trong bối cảnh bệnh này đang gia tăng, đặc biệt là bệnh nặng.
Trước tình hình này, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có văn bản gửi đến Bộ Y tế đề nghị sớm hỗ trợ cung ứng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng, đặc biệt là thuốc điều trị cho phân độ nặng của bệnh (mmunoglobulin, Phenobarbital) khi tình hình dịch bệnh này diễn biến phức tạp.
Về vấn đề này, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết đã nhận được công văn của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh. Với thuốc chứa Immunoglobulin, hiện nay có 13 loại được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Các cơ sở nhập khẩu thuốc báo cáo, thuốc Human normal immunoglobulin 100mg/ml do Công ty Zuellig Pharma Việt Nam nhập khẩu còn 2.344 hộp loại 250ml và 215 hộp loại 50ml. Dự kiến giữa tháng 8, nhà sản xuất sẽ tiếp tục cung ứng cho Việt Nam 2.000 hộp loại 250ml.
Với thuốc Immunoglobulin 5% do Công ty TNHH Thương mại dược phẩm Duy Anh nhập khẩu, hiện Bệnh viện Chợ Rẫy còn tồn 300 lọ. Dự kiến, cuối tháng 7, nhà sản xuất sẽ cung ứng cho Việt Nam 5.000-6.000 lọ.
Đối với thuốc Phenobarbital, hiện có 1 loại thuốc này (do Công ty cổ phần Dược Danapha sản xuất) được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.
Ngoài ra, Cục Quản lý dược đã cấp phép cho Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương CPC1 nhập khẩu thuốc Barbit là thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt. Theo báo cáo, đầu tháng 7 sẽ có 21.000 ống thuốc Phenobarbital 200mg/ml về Việt Nam.
Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế TP Hồ Chí Minh xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp với thực tế để sẵn sàng cung ứng đủ thuốc. Đồng thời đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh tại TP Hồ Chí Minh có nhu cầu sử dụng thuốc kịp thời, chủ động liên hệ với các cơ sở nhập khẩu để dự trù, đặt hàng, mua sắm và dự trữ thuốc theo đúng quy định.
Theo Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận gần 9.000 ca mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, TP, 3 trường hợp tử vong tại Đắk Lắk, Kiên Giang và Long An.
Tại TP Hồ Chí Minh, ca mắc tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng nhanh trong các tuần gần đây, xuất hiện nhiều ca bệnh nặng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả giải trình tự gene ở một số ca bệnh cho thấy EV71 đã trở lại.
EV71 là chủng virus gây bệnh tay chân miệng nặng, dễ biến chứng ở trẻ nhỏ. Tối 5/6, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, kết quả giải trình tự gene của nhóm nghiên cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã xác định B5 là kiểu gene (subgenotype) của EV71.
(Báo Công an nhân dân)
* Số ca mắc tay chân miệng tăng nhanh, ghi nhận virus EV71 gây bệnh nặng
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy kết quả giám sát vi sinh về tác nhân gây bệnh tay chân miệng năm 2023 đã ghi nhận gia tăng tỷ lệ các trường hợp dương tính Enterovirus 71 (EV71).
Tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng là bệnh lưu hành và gặp tại hầu hết 63 tỉnh, thành phố và thường ghi nhận cao vào tháng 9-11 hàng năm, đặc biệt là mùa đầu năm học mới.
Tuy nhiên, thời gian gần đây số ca mắc bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng nhanh và đã có một số trường hợp tử vong.
Gia tăng các ca mắc virus EV71 gây biến chứng nặng
Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố; trong đó có 3 trường hợp tử vong tại Đắk Lắk, Kiên Giang, Long An. Số mắc tay chân miệng có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây đồng thời đã ghi nhận sự xuất hiện của virus Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.
So với cùng kỳ 2022 (12.649/1) số mắc giảm 28%, trong đó ghi nhận cao nhất tại miền Nam (6.204 ca), còn tại miền Bắc là 2.007 ca, miền Trung 316 ca và Tây nguyên 130 ca.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua giám sát của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố, số trường hợp trẻ em mắc bệnh tay chân miệng tại Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu gia tăng nhanh trong các tuần gần đây. Tuần 19 (từ 8/5 đến 14/5), số ca mắc tay chân miệng chưa tới 100 trường hợp, trong khi trong tuần 22 (từ 29/5 đến 4/6), số ca mắc đã tăng lên hơn 250 ca, cao gấp hơn 2 lần so với tuần 19.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh), vừa qua, các bác sỹ đã nỗ lực cứu chữa một trường hợp nghi mắc bệnh tay chân miệng nhưng tình trạng quá nặng, bệnh nhi đã tử vong vào ngày 31/5.
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), trong ba tháng đầu năm có hơn 100 trường hợp trẻ nhập viện do tay chân miệng. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, một số trường hợp, bệnh có diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm.
Trên toàn quốc, phân bố số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng theo tháng năm 2023 như sau: Tháng Một có 1.070 ca mắc/0 ca tử vong; tháng Hai có 1.192 ca mắc/0 tử vong; tháng Ba có 1.599 ca mắc /0 tử mắc/0 tử vong; tháng Tư có 2.408 ca mắc /0 tử vong và tháng Năm có 3.101 ca mắc /03 tử vong.
So với trung bình 5 năm gần đây, số mắc chưa có dấu hiệu tăng cao đột biến, tuy nhiên số mắc trong các tuần gần đây đã có xu hướng gia tăng nhanh và đã ghi nhận 3 ca tử vong trong tháng 5 năm 2023. Số ca mắc tay chân miệng chủ yếu gặp ở trẻ nam (chiếm 60%), trẻ nữ chiếm 40% tổng số mắc. Số ca mắc chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 98,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 84%) và dưới 1 tuổi (chiếm 18%).
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy kết quả giám sát vi sinh về tác nhân gây bệnh tay chân miệng năm 2023 đã ghi nhận gia tăng tỷ lệ các trường hợp dương tính Enterovirus 71 (EV71) trong tổng số mẫu được xét nghiệm, từ 5,9% tuần 14 năm 2023 lên 19,2% tuần 20 năm 2023. Sự xuất hiện của virus Enterovirus 71 (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.
Theo đánh giá từ Bộ Y tế, hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Bệnh xảy ra quanh năm và lây truyền theo đường tiêu hóa, nguyên nhân là do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.
Sẽ nhập khẩu thuốc để điều trị
Dịch bệnh tay chân miệng gây ra do các loại virus thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các virus đường ruột khác, trong đó hay gặp là virus đường ruột týp 71 (EV71) và Coxsackie A16.
Virus EV71 có thể gây các biến chứng nặng và gây tử vong. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phong nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.
Bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, tất cả những ai chưa từng mắc bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với các dụng cụ hoặc bề mặt bị nhiễm virus do người bệnh chạm vào, nhưng không phải ai bị nhiễm virus cũng có biểu hiện của bệnh.
Trẻ em có nguy cơ lây nhiễm virus và mắc bệnh cao hơn vì các em có khả năng đề kháng và miễn dịch yếu hơn người lớn. Hầu hết người lớn được miễn dịch nhưng những trường hợp thanh thiếu niên và người trưởng thành bị nhiễm virus cũng không phải là hiếm.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Khi bị bệnh người bệnh nên uống nhiều nước và có thể dùng thuốc để điều trị triệu chứng như hạ sốt hay giảm đau do các vết loét. Người dân có thể giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh bằng các biện pháp vệ sinh thường xuyên và can thiệp y tế kịp thời khi người bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng.
Liên quan đến bệnh tay chân miệng, ngày 5/6, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có văn bản thông tin về việc cung ứng thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng nặng (Immunoglobulin, Phenobarbital).
Cụ thể, Cục Quản lý dược cho hay đã nhận được công văn của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh về việc hỗ trợ cung ứng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng (Immunoglobulin, Phenobarbital) khi tình hình diễn biến phức tạp đồng thời dự kiến tháng Bảy sẽ có thuốc Phenobarbital nhập khẩu điều trị bệnh tay chân miệng về Việt Nam. Đối với thuốc chứa Immunoglobulin, hiện nay có 13 thuốc chứa Immunoglobulin được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.
Trước những lo ngại về dịch bệnh tay chân miệng có thể bùng phát vào mùa Hè, Bộ Y tế ngày 5/6 đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế đề nghị ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, chính trị-xã hội chủ động phối hợp với ngành y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, đặc biệt tập trung vào các khu vực có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.
Các đơn vị có liên quan theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết.
Các cơ sở y tế cần tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý những ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất tử vong; thực hiện tốt phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế…
(Báo Vietnamplus)
* Cẩn trọng với “thần dược tăng trí nhớ”
Cứ vào mùa thi là không ít phụ huynh lại chạy đôn chạy đáo săn lùng các loại thuốc bổ não nhằm mục đích tăng cường trí nhớ cho các sĩ tử. Có cầu ắt có cung, mặt hàng nói trên đã và đang được rao bán với những công dụng bị “thổi phồng” như “thần dược ôn thi”, “hack não siêu ghi nhớ”...
Một mùa thi nữa lại cận kề, đây là thời điểm mà cả phụ huynh lẫn sĩ tử đều đang tất bật cho việc ôn thi. Bên cạnh việc trang bị kiến thức thật tốt, nhiều phụ huynh cũng mong muốn con, em có đầu óc thật minh mẫn nên đã tìm mua các loại thuốc bổ não nhằm tăng cường trí nhớ cho con cháu.
Trên thị trường, không khó để tìm kiếm các loại thuốc, thực phẩm chức năng được giới thiệu là có công dụng tăng trí nhớ với đủ chủng loại, nhãn mác và giá thành khác nhau. Một trong số đó là Modafinil. Đây là loại thuốc được giới thiệu với những cụm từ như “thuốc thông minh”, “hack não siêu ghi nhớ”, “tập trung siêu cao độ”, “giúp não chạy hết 100 lần công suất”… Hiện loại hàng hóa này có thể mua được dễ dàng trên các trang mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Biết đến Modafinil thông qua một nhóm kín trên mạng xã hội, M. Ngọc (23 tuổi, Hà Nội) đã mua thử và sử dụng thuốc trong 3 ngày. Không chỉ có M. Ngọc mà trên mạng xã hội, nhiều tài khoản cũng thừa nhận đã sử dụng những loại thuốc này. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc mà không được tư vấn, hướng dẫn bởi bác sĩ, dược sĩ có thể khiến người dùng gặp nhiều rủi ro.
M.Quân (Hà Nội) thắc mắc về những dấu hiệu gặp phải khi sử dụng thuốc. “Khi mới uống thuốc thì đầu óc minh mẫn tập trung nhưng chỉ sau vài giờ thuốc hết tác dụng là em bị đau đầu, mệt mỏi cả ngày. Sau hai ngày sử dụng, người em lúc nào cũng như đi mượn, chỉ muốn nằm và ngủ”, M.Quân đăng trên mạng xã hội.
Theo nhiều chuyên gia, triệu chứng trên là một trong những tác dụng phụ của thuốc Modafinil nói riêng và các loại thuốc “tăng cường trí nhớ” nói chung, nếu sử dụng lâu dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. Được biết, Modafinil là thuốc kê đơn, tuy nhiên việc mua bán loại thuốc hiện diễn ra chủ yếu trên mạng xã hội hoặc các sàn thương mại điện tử, rất khó bảo đảm về chất lượng cũng như không được hướng dẫn từ chuyên môn y tế sẽ dễ dẫn đến những tác dụng ngoài ý muốn.
Theo một dược sĩ, thực chất, Modafinil là thuốc được dùng trong những trường hợp nhằm kích thích domainine nhằm cải thiện các triệu chứng giảm chú ý, cảm giác mệt mỏi. Đây là thuốc được dùng kèm trong những trường hợp đặc biệt được dùng để điều trị trầm cảm hoặc các rối loạn tâm thần khác.
Không chỉ có Modafinil mà hầu hết các loại thuốc hỗ trợ trí nhớ trên thị trường đều có tác động biến đổi tâm thần, có thể ảnh hưởng tới tư duy, cảm xúc... Việc dùng các loại thuốc kích thích thần kinh kéo dài sẽ làm cho thần kinh luôn luôn bị hưng phấn và ức chế quá mức, lâu ngày có thể gây ra rối loạn hành vi, hoang tưởng, thậm chí gây ra tai biến và tử vong.
Hầu hết các loại thuốc nói trên đều cần được kê đơn bởi những người có chuyên môn. Vì vậy, việc sử dụng tuỳ tiện không những không mang lại lợi ích cho việc học tập mà còn có nguy cơ mang hại đến sức khoẻ của các sĩ tử. Các vị phụ huynh, các sĩ tử cần phải rất thận trọng, đừng vì muốn đạt kết quả cao trong kỳ thi mà nhắm mắt làm ngơ trước nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.
(Báo Pháp luật Việt Nam)
* Gần 9.000 ca mắc tay chân miệng, 3 bệnh nhân tử vong
Ngày 6/6, Bộ Y tế cho biết, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận từ đầu năm 2023 đến nay, trên cả nước có 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó, 3 bệnh nhân tử vong.
Số ca mắc tay chân miệng có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây, đồng thời đã ghi nhận sự xuất hiện của virus Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, tại công văn số 3463/BYT-DP ngày 05/6/2023, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn.
Bộ Y tế đề nghị chính quyền các cấp, ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội chủ động phối hợp với ngành y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng. Đặc biệt, tập trung vào các khu vực có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.
Ngành y tế địa phương chủ động và phối hợp với UBND cấp huyện, sở, ban, ngành liên quan theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh.
Lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Củng cố các đội chống dịch cơ động nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết.
Thực hiện đầy đủ chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý những ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất tử vong.
Thực hiện tốt phòng, chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân, thực hiện 3 sạch “ăn sạch, uống sạch, ở sạch”.
Đảm bảo bàn tay sạch và đồ chơi sạch, tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và phòng chống dịch bệnh trong các tình huống. Tăng cường tập huấn về giám sát, điều trị bệnh tay chân miệng tại tất cả các tuyến, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế cơ sở.
Bộ Y tế đề nghị tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về bệnh tay chân miệng, các biện pháp phòng chống cho cá nhân, cộng đồng, đặc biệt tại các cơ sở GD-ĐT. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông tới người dân
Đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non về bệnh tay chân miệng và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Đảm bảo các cơ sở GD-ĐT có đủ các phương tiện để thực hiện rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay thường xuyên, đúng cách, thuận tiện.
Thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở GD-ĐT, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát, kiểm tra, hỗ trợ địa phương và chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.
(Báo Kinh tế & đô thị)
* Việt Nam hoàn thành tiêm chủng các mũi vaccine COVID-19 với tỷ lệ cao
Theo số liệu của Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã hoàn thành tiêm chủng mũi 1, 2, 3, 4 cho các nhóm đối tượng với tỷ lệ cao.
Hiện chỉ còn tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt dưới 80%.
(Báo Vietnamplus)