*Thực phẩm chức năng M9, Metier quảng cáo sai sự thật
Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã thông tin cảnh báo về việc sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe M9, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Metier được quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.
Thời gian vừa qua tại đường link https://quaythuoc.org/m9-healthy-liver-met-foods-ho-tro-tang-cuong-chuc-nang-gan-hieu-qua.html quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe M9 nội dung quảng cáo không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp.
Tại đường link https://www.facebook.com/CJCondition/ quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Metier mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe M9, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Metier do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu TM phân phối thực phẩm MET, địa chỉ trụ sở chính: C2/24A1 đường Phạm Hùng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.
Tại buổi làm việc với Cục ATTP, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu TM phân phối thực phẩm MET là ông Nguyễn Văn Mết khẳng định các website, face book: https://quaythuoc.org/m9-healthy-liver-met-foods-ho-tro-tang-cuong-chuc-nang-gan-hieu-qua.html; https://www.facebook.com/CJCondition không phải của Công ty, Công ty không thực hiện và không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện quảng cáo trên các trang này.
Cục ATTP đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, Cục ATTP sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/ và cổng công khai y tế tại địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục ATTP đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo vi phạm sai sự thật tại đường link nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm.
Báo Kinh tế đô thị
*Quận Long Biên: Nhân rộng những mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm
Là địa phương có tốc độ đô thị hoá nhanh, công tác an toàn thực phẩm (ATTP) được quận Long Biên đặc biệt quan tâm. Nhiều giải pháp đã được địa phương triển khai trong "Tháng hành động Vì ATTP năm 2023" nhằm chấn chỉnh các vi phạm trong lĩnh vực này.
97 trường hợp vi phạm bị xử lý
Ngay sau khi UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch về "Tháng hành động Vì ATTP năm 2023", quận Long Biên đã xây dựng kế hoạch để triển khai. Quận và 14 phường đã tổ chức lễ ra quân, cùng nhiều lớp tập huấn, nói chuyện, hội thảo; phát thanh thông tin. Hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp, băng rôn, áp phích, poster được lắp đặt, truyền tải thông tin về ATTP đến người dân.
Các ngành chức năng và 14 phường phối hợp cùng Uỷ ban MTTQ Việt Nam đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và thực hành cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh, cũng như tiêu dùng thực phẩm về quy định của pháp luật trong bảo đảm ATTP; các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm, phòng, chống tác tại của rượu bia…
Trưởng phòng Y tế quận Long Biên Lương Thị Minh Nguyệt cho biết, công tác kiểm tra, giám sát ATTP thời gian qua được quận đặc biệt chú trọng. 4 đoàn liên ngành tuyến quận và 14 đoàn tuyến phường đã được thành lập, tiến hành kiểm tra hoạt động của các cơ sở.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, các đoàn của quận và 14 phường đã tiến hành kiểm tra 1.160 cơ sở (chiếm khoảng 20% tổng số cơ sở sản xuất - kinh doanh của quận). Xử lý vi phạm hành chính 97 cơ sở, với tổng số tiền phạt là gần 286 triệu đồng. Tiêu huỷ 45kg thực phẩm không rõ nguồn gốc (cá nục, mực ống, cá diêu hồng).
Tính riêng trong "Tháng hành động Vì ATTP năm 2023", toàn quận đã kiểm tra 416 cơ sở. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 43 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 147,2 triệu đồng. Phường và quận cũng đã kiểm tra, giám sát 218/218 (100%) cơ sở giáo dục có tổ chức ăn bán trú. Qua kiểm tra, ghi nhận các cơ sở đều thực hiện nghiêm túc công tác chống ngộ độc thực phẩm theo quy định…
Duy trì các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương, không chỉ trong "Tháng hành động Vì ATTP" mà từ đầu năm 2023 cũng như những năm trước, vấn đề ATTP được quận đặc biệt quan tâm, chỉ đạo triển khai nghiêm túc.
Quận đã xây dựng và đến nay vẫn đang duy trì hiệu quả nhiều mô hình đảm bảo ATTP trong chợ dân sinh, mô hình chợ văn minh thương mại - ATTP, mô hình cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, mô hình tuyến phố ATTP có kiểm soát…
Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, bà Đinh Thị Thu Hương cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác ATTP trên địa bàn quận Long Biên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nằm ở cửa ngõ Thủ đô, việc kiểm soát thực phẩm lưu thông trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, hoạt động quảng cáo, kinh doanh online các mặt hàng thực phẩm diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến công tác quản lý của địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc mới đây với quận Long Biên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Hà Nội Hà Tiến Nghi đánh giá cao công tác chỉ đạo triển khai "Tháng hành động Vì ATTP năm 2023" của quận, đặc biệt là công tác thông tin, tuyên truyền và xử phạt các cơ sở có vi phạm.
Quan kiểm tra thực tế một cơ sở sản xuất - kinh doanh bún tại phường Ngọc Thuỵ, ông Hà Tiến Nghi cho rằng, vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục. Điều này cho thấy, quận chỉ đạo quyết liệt nhưng tuyến phường cần quan tâm nhiều hơn để nâng cao nhận thức của các cơ sở, nhất là các đơn vị sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ.
Ông Hà Tiến Nghi cũng đề nghị quận Long Biên tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình bảo đảm ATTP hiệu quả hiện có. Xây dựng kế hoạch duy trì tốt quản lý ATTP sau Tháng hành động. Trong đó, tiếp tục quan tâm, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm cơ sở có vi phạm để tạo sức răn đe.
“Để thực hiện tốt công tác ATTP, đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo, bán hàng online. Đây là vấn đề rất nan giải, tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP cao nếu không được giám sát tốt…” - Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương.
Báo Kinh tế đô thị
*Cảnh báo nguy cơ bùng dịch do trẻ “nợ” vaccine
Tỷ lệ tiêm chủng nhiều vaccine ở Việt Nam đang ở mức thấp nhất 20 năm qua, tạo ra các khoảng trống miễn dịch ở trẻ, dẫn đến nguy cơ bùng dịch.
Hệ lụy “nợ” vaccine ở trẻ
Vừa đưa 2 con (bé trai 4 tuổi và bé gái hơn 1 tuổi) trở về nhà sau 5 ngày nằm viện điều trị viêm phổi, chị Nguyễn Minh Khang (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Hai bé sức đề kháng kém nên ốm lai rai, hết tai, mũi, họng rồi ho, sốt. Cả hai đều chưa được tiêm phòng đủ các mũi như: rubella, thủy đậu, phế cầu… theo lịch vì nhiều lý do”.
Theo BS. Đinh Xuân Hoàng, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ, dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng lượng bệnh nhi nhập viện chưa tiêm các loại vaccine thiết yếu khá nhiều.
Thông thường bệnh nhi nằm viện từ 3-5 ngày, song với trẻ chưa tiêm vaccine thì thời gian nằm viện thường kéo dài hơn. Bệnh nhân nặng có thể gặp tình huống suy hô hấp, thở ô xy, thở máy…
BS. Trương Hữu Khanh, Phó trưởng Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cho hay, việc chậm trễ hay bỏ lỡ tiêm chủng vaccine chắc chắn sẽ khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn và nguy cơ cao tạo nên các đợt dịch bệnh.
Đáng lo nhất là dịch sởi, bởi sởi thường lây lan mạnh, bùng phát nhanh, dễ trở nặng nếu không phát hiện kịp thời dẫn đến quá tải hệ thống y tế.
Trong báo cáo mới nhất về tiêm chủng, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo có tổng cộng 67 triệu trẻ em, trong đó có gần 250.000 trẻ em ở Việt Nam không được tiêm vaccine đầy đủ. Tỷ lệ bao phủ tiêm chủng sụt giảm tại 112 quốc gia trong 3 năm, từ năm 2019 - 2021.
Báo cáo Tình hình trẻ em Thế giới 2023 cũng cho thấy, có tới 48 triệu trẻ em trên toàn cầu đã không được tiêm liều vaccine nào, hay còn gọi là “0 liều vaccine”.
Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số trẻ em “0 liều vaccine “ nhiều nhất thế giới, với 187.315 trẻ dưới 1 tuổi không được tiêm một loại vaccine nào trong năm 2021.
Tại Việt Nam, hơn 20 loại vaccine được báo cáo bị gián đoạn tiêm chủng thường xuyên như: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib, viêm gan B, sởi, rubella...
Đặc biệt, tỷ lệ uống vaccine bOPV và tiêm IPV phòng ngừa bại liệt của cả năm 2021 chỉ đạt lần lượt 67% và 80%; năm 2022 đạt 70% và 90%.
Làm gì để xóa “nợ” miễn dịch?
BS. Trương Hữu Khanh cho biết, “nợ” miễn dịch ở trẻ chia làm 2 nhóm, trong đó có nhóm virus, vi khuẩn chưa có vaccine phòng bệnh như RSV (virus hợp bào gây viêm phổi), Adeno (virus gây sốt xuất huyết)…
Trong thời gian thực hiện các biện pháp ngăn chặn lây lan của virus Covid-19 trước đây như giãn cách xã hội, tăng cường rửa tay và khử trùng, đeo khẩu trang... cũng góp phần vào việc ngăn chặn sự lây lan của các loại bệnh này.
Nhưng khi các biện pháp ngăn ngừa này không còn phổ biến, trẻ quay lại trường học, tham gia các hoạt động cộng đồng, nguy cơ bùng phát các bệnh do virus và vi khuẩn sẽ tăng lên.
Còn với “nợ” miễn dịch do chưa tiêm chủng vaccine thì biện pháp duy nhất là cần đẩy mạnh việc tuyên truyền và tiêm chủng vaccine đầy đủ cho trẻ.
BS. Nguyễn Văn Thành, Trung tâm Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, cần khẩn trương khôi phục tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Đồng thời, triển khai các hoạt động tiêm chủng bù mũi, tiêm bổ sung cho đối tượng vùng có nguy cơ cao.
“Nguyên tắc trong tiêm chủng là đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các mũi. Nếu trường hợp không được tiêm chủng đúng lịch thì cần tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó. Trong trường hợp lỡ chưa được tiêm vaccine có thể đến tiêm các mũi bổ sung”, BS. Thành nói.
BS. Khanh cho biết thêm, mùa nắng nóng là cơ hội cho virus, vi khuẩn phát triển. Việc trẻ khó ăn, khó ngủ do thời tiết khiến hệ miễn dịch kém hơn sẽ khiến nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo sự gián đoạn trong việc tiêm chủng định kỳ trên toàn cầu, các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine như sởi và bại liệt đang bùng phát ở một số quốc gia.
Tại Việt Nam, WHO và UNICEF đang kêu gọi các nỗ lực bắt kịp tiêm chủng ở quy mô lớn cho tất cả trẻ em đã bỏ lỡ lịch tiêm chủng định kỳ trong khoảng thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, khôi phục độ bao phủ thiết yếu ít nhất là bằng với mức của năm 2019 để tránh bùng phát các căn bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine trong thời gian sắp tới.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có hướng dẫn về đối tượng, lịch tiêm chủng vaccine bắt buộc trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Theo đó, trẻ sơ sinh bắt buộc tiêm vaccine viêm gan B. Trẻ dưới 1 tuổi tiêm vaccine BCG (phòng bệnh lao), bOPV (phòng bại liệt), DPT-VGB-Hib (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib), IPV (phòng bại liệt), sởi. Trẻ 1 - 5 tuổi tiêm vaccine viêm não Nhật Bản B. Trẻ 18 - 24 tháng tiêm vaccine sởi- rubella, DPT. Phụ nữ có thai tiêm vaccine uốn ván.
Báo Giao thông
*Xử phạt nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống vi phạm an toàn thực phẩm
Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội, công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm vẫn luôn được chú trọng. Các đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, qua đó đã phát hiện một số vi phạm.
Thực hiện kế hoạch của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội, Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 của Thành phố đã tiến hành kiểm tra công tác chỉ đạo về an toàn thực phẩm và việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.
Bà Cao Thị Hoa - Trưởng phòng Y tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm quận Hai Bà Trưng cho biết, quận đã chủ động triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm và sơ kết công tác an toàn thực phẩm 4 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn quận.
Mới đây, Phòng Y tế quận đã công bố danh sách các cơ sở vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm trong tháng 4/2023. Cụ thể, UBND quận Hai Bà Trưng đã xử phạt 9 cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt 88 triệu đồng. UBND cấp phường trên địa bàn quận xử phạt 28 cơ sở vi phạm, tổng số tiền 56 triệu đồng.
Đáng chú ý, theo danh sách công bố, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bị phạt bởi hành vi “người trực tiếp chế biến thức ăn không cắt ngắn móng tay”. Cụ thể, nhà hàng Asahi Sushi - Công ty TNHH Thương mại Long Đình (địa chỉ 286 - 288 Bà Triệu) bị phạt 4 triệu đồng vì “người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay”.
Cùng với lỗi tương tự, Công ty cổ phần Toàn Minh Giang (địa chỉ 65 - 67 Triệu Việt Vương) cũng bị phạt 4 triệu đồng; cơ sở Mỳ cay Sasim (địa chỉ tại 121 Trần Đại Nghĩa) bị UBND cấp phường xử phạt 2 triệu đồng; cơ sở Cơm Thanh Nga (kiot 10 - A1 Tạ Quang Bửu) bị phạt 2 triệu đồng; cơ sở bún chả (địa chỉ số 299 Bạch Mai) bị phạt 2 triệu đồng.
Hộ kinh doanh cơm rang Cô Tám (126 Hồng Mai) bị phạt 12,5 triệu đồng vì hành vi “kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm”. Cùng lỗi này, hộ kinh doanh Cao Thị Kim Oanh (92 Bạch Mai) cũng bị phạt 12,5 triệu đồng. Đáng chú ý, cơ sở kinh doanh số 1 - Công ty TNHH Tonchan Việt Nam (109 Triệu Việt Vương) bị phạt tới 25 triệu đồng vì lỗi “kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm”.
Một số cơ sở khác bị xử phạt vì hành vi “không sử dụng gang tay khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn chín, thức ăn ngay”; “nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập”; “thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn”; “bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh”,…
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, Trưởng đoàn kiểm tra số 2 đánh giá, quận Hai Bà Trưng là một trong những quận đứng đầu Thành phố về làm tốt công tác an toàn thực phẩm; ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm; triển khai nhiều chuyên đề, mô hình điểm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cơ sở giáo dục, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, quản lý các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh thực phẩm trong chợ,…; tỷ lệ kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cao; công khai đường dây nóng, tiếp nhận thông tin về an toàn thực phẩm; công khai trên Cổng thông tin điện tử của quận, Trang thông tin điện tử phường về các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị trong thời gian tới, quận Hai Bà Trưng tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm của người quản lý, người kinh doanh, các hộ gia đình trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn.
Trong thời gian làm việc tại quận Hai Bà Trưng, Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 đã tiến hành kiểm tra Công ty cổ phần đầu tư thương mại Quốc tế Mặt trời Việt, địa chỉ số 155 phố Bà Triệu, phường Lê Đại Hành. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có vi phạm “Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước”. Đoàn kiểm tra đã bàn giao Đoàn kiểm tra liên ngành quận tiếp nhận biên bản kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt hành chính với số tiền phạt 8 triệu đồng
Nhân Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của Thành phố cũng đã kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa bàn quận Thanh Xuân.
Theo báo cáo của UBND quận Thanh Xuân, toàn quận đã thành lập 14 đoàn kiểm tra, bao gồm 11 đoàn kiểm tra liên ngành của phường, 2 đoàn kiểm tra liên ngành cấp quận và 1 đoàn liên ngành kiểm tra công tác y tế học đường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học.
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn quận đã tiến hành kiểm tra, giám sát 865 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Riêng trong đợt cao điểm Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, toàn quận đã kiểm tra, giám sát 227 cơ sở kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể…
Kết quả trong 4 tháng đầu năm 2023, toàn quận đã xử phạt vi phạm hành chính 56 trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt hơn 288 triệu đồng. Riêng trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, toàn quận đã xử phạt vi phạm hành chính 23 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 230 triệu đồng.
Các nội dung vi phạm chủ yếu là sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay…
Đoàn kiểm tra số 1 đã trực tiếp kiểm tra nhà hàng Maison Sen Buffet (địa chỉ 275 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân). Tại thời điểm kiểm tra, khu vực bếp của nhà hàng sắp xếp lộn xộn, không có sự phân khu sơ chế, chế biến thực phẩm riêng biệt và khép kín một chiều; không có kho bảo quản thực phẩm theo quy định nên thực phẩm bao gói, rau quả để lẫn lộn với thức ăn chín. Ngoài ra, việc lưu mẫu thức ăn và sổ kiểm thực 3 bước không thực hiện đúng theo quy định…
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong, Trưởng đoàn kiểm tra số 2 cho rằng, dù diện tích khu vực bếp của nhà hàng nhỏ hẹp nhưng vẫn phải bảo đảm sắp xếp ngăn nắp theo quy định, nhất là phải tuân thủ quy trình bếp ăn một chiều, sạch sẽ và khoa học. Bên cạnh đó, sàn nhà cần thiết kế các biện pháp chống trơn trượt, bảo đảm an toàn cho nhân viên khi bưng bê, sơ chế thực phẩm.
Ông Đặng Thanh Phong đề nghị, nhà hàng cần nghiêm túc khắc phục ngay những tồn tại nêu trên, đồng thời báo cáo về Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm quận Thanh Xuân để tiến hành hậu kiểm.
Báo Lao động thủ đô
*Việt Nam cần lập kế hoạch quản lý vi rút dài hạn, ứng phó Covid-19
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 5.5 tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại dịch Covid-19 sau hơn 3 năm. Hôm qua 6.5, TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại VN, cho hay việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của Covid-19 là một tin luôn được đón chào.
Theo TS Angela Pratt, đối với VN, đây là thời điểm để nhìn lại hoạt động ứng phó tổng thể vô cùng mạnh mẽ của đất nước đối với SARS-CoV-2, vi rút gây bệnh Covid-19, nhưng đồng thời phải hiểu rằng đây không phải là lúc mất cảnh giác. Covid-19 sẽ tiếp tục là một mối đe dọa; công bố của ngày hôm nay thực sự là công bố về sự cần thiết phải tăng tốc và lập kế hoạch quản lý vi rút trong dài hạn.
Đánh giá về dịch Covid-19 tại VN, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định VN là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin Covid-19 cao nhất thế giới. Trong nước, dịch Covid-19 đang được kiểm soát. Theo đánh giá sơ bộ về cấp độ dịch dựa vào số liệu (số ca mắc, tử vong, độ bao phủ vắc xin, khả năng đáp ứng thu dung với quy mô toàn quốc) thì hiện trong nước không vượt qua cấp độ 1 (có 4 cấp độ dịch, cao nhất là cấp độ 4). Biến thể Omicron đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế, là biến thể có đặc tính lây lan nhanh, chưa có biến đổi tăng nặng về độc lực, những nơi có tăng ca nặng là do số mắc tăng tương ứng.
"Dù vậy, tuyệt đối không chủ quan do vi rút biến đổi khó lường. Chúng ta vẫn duy trì cập nhật từ quốc tế và xét nghiệm giải trình tự gien các bệnh phẩm trong nước, đánh giá các biến thể của SARS-CoV-2 để có biện pháp phòng chống dịch kịp thời, phù hợp", lãnh đạo Cục Y tế dự phòng nói.
Báo Thanh niên
*Việt Nam có công bố hết dịch sau khi WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp Covid-19 toàn cầu?
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu thì Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu đánh giá để xem xét công bố cấp quốc gia…
Ngày 5-5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Trong bài phát biểu của mình, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ, hơn một năm nay, đại dịch đang có xu hướng giảm, khả năng miễn dịch của người dân tăng lên nhờ tiêm chủng, tình trạng lây nhiễm và tỷ lệ tử vong giảm và áp lực đối với các hệ thống y tế cũng giảm bớt. Xu hướng này đã cho phép hầu hết các quốc gia trở lại cuộc sống như trước đại dịch.
Với diễn biến mới nhất kể trên, công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam tới đây sẽ thay đổi như thế nào?
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, dù Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nhưng không có nghĩa chúng ta sẽ bỏ rơi, không hành động gì.
Thực tế WHO cũng đã xây dựng và đã công bố chiến lược mới trong phòng chống COVID-19 giai đoạn 2023-2025, trong đó tìm cách giúp các quốc gia chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang chiến lược phòng ngừa và kiểm soát dài hạn.
Ông Phu dẫn chứng, trong bài phát biểu tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu ngày 5-5, Giám đốc của WHO cũng cho rằng, điều này không có nghĩa nguy hiểm đã qua, đại dịch vẫn chưa kết thúc. Tình trạng khẩn cấp có thể được khôi phục nếu tình hình thực tế thay đổi.
Về việc các biện pháp ứng phó của Việt Nam trong bối cảnh COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, đây là cơ sở quan trọng để chúng ta xem xét đánh giá tình hình dịch trong nước.
“Thực tế, dịch bệnh có tính chất đại dịch thì tình hình và nguy cơ dịch trên thế giới có liên quan nhiều đến Việt Nam và ngược lại. Với Covid-19 cũng vậy, khi trên thế giới không còn tình trạng khẩn cấp, đáng quan ngại thì chắc Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu đánh giá để xem xét công bố cấp quốc gia” – ông Phu nói.
Về việc Việt Nam có nên xem xét loại Covid-19 ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A và coi là bệnh thông thường như cúm mùa, ông Phu cho rằng, vấn đề này, hội đồng chuyên môn sẽ họp, đánh giá, xem xét.
“Tôi cho rằng dù Covid-19 thuộc nhóm A hay nhóm B thì các vấn đề đánh giá nguy cơ và đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp là vô cùng quan trọng. Điều này giúp kiểm soát dịch, không bất ngờ trước diễn biến dịch và sẵn sàng đáp ứng phù hợp theo mức độ…” - ông Phu nêu quan điểm.
PGS.TS Trần Đắc Phu thông tin thêm, WHO cũng đã ban hành khuyến nghị tạm thời cho tất cả các quốc gia thành viên bao gồm duy trì việc tăng năng lực quốc gia và chuẩn bị cho các sự kiện trong tương lai để tránh xảy ra chu kỳ hoảng loạn và bỏ bê.
Các giải pháp được khuyến nghị là: lồng ghép tiêm chủng Covid-19 vào các chương trình tiêm chủng trong suốt cuộc đời; tiếp tục dỡ bỏ các biện pháp y tế liên quan đến du lịch quốc tế liên quan đến Covid-19; tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu để cải tiến các loại vaccine làm giảm sự lây truyền và có khả năng ứng dụng rộng rãi…
Báo An ninh thủ đô