*Chuyển từ khẩn cấp sang phòng ngừa dài hạn COVID-19
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng cho rằng, dù WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nhưng không có nghĩa chúng ta sẽ bỏ rơi, không hành động gì.
Ngày 3/5, WHO đã công bố chiến lược mới trong phòng, chống Covid-19 giai đoạn 2023-2025, chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang phòng ngừa và kiểm soát dài hạn.
WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, khi Ủy ban Khẩn cấp về Covid-19 của WHO đã đưa ra những bằng chứng rằng, Covid-19 đã giảm rủi ro đối với sức khỏe con người chủ yếu là nhờ khả năng miễn dịch từ nhiễm bệnh và tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên toàn cầu ngày càng cao. Cùng đó, độc lực của virus gây bệnh cũng có sự ổn định tương đối, kể cả với các biến thể phụ đang lưu hành của Omicron và các biến thể phụ trước đó. Dù virus SARS-CoV-2 có tiếp tục tiến hóa với các biến thể nhưng không liên quan đến mức độ nghiêm trọng và không gây ra yếu tố bất ngờ.
Dựa trên công bố của WHO, Việt Nam có cơ sở để xem xét đánh giá tình hình dịch ở nước ta. Thực tế dịch bệnh trên thế giới liên quan đến Việt Nam và ngược lại. Ông Phu nhấn mạnh: Hiện số ca mắc mới Covid-19 ở nước ta đang tăng trở lại, số trường hợp nhập viện và tử vong cũng gia tăng, nhưng tình hình dịch vẫn được kiểm soát, đa số ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, không gây quá tải hệ thống y tế. Với những trường hợp nặng và tử vong phần lớn vẫn là người có bệnh nền, người già, người chưa tiêm chủng, người suy giảm miễn dịch, bởi vậy, vaccine vẫn đóng vai trò quan trọng để giảm tỷ lệ chuyển nặng, tử vong ở nhóm nguy cơ này.
Trước một số ý kiến Covid-19 đã giống như cúm mùa, ông Phu cho hay, hội đồng chuyên môn sẽ họp, đánh giá, xem xét. Tuy nhiên, dù Covid-19 thuộc nhóm A hay nhóm B thì các vấn đề đánh giá nguy cơ và đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp là vô cùng quan trọng. Điều này giúp kiểm soát dịch, không bất ngờ trước diễn biến dịch và sẵn sàng đáp ứng phù hợp theo mức độ, dựa trên đánh giá nguy cơ đặc thù của từng bệnh, từng giai đoạn thời kỳ để kiểm soát dịch một cách bền vững, không tốn kém, lãng phí nhưng phải đủ nguồn lực để ứng phó với dịch bệnh cũng như đảm bảo được sự chăm sóc y tế tốt cho người dân.
TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO Việt Nam cho rằng: “Việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế về Covid-19 là một tin được đón chào. Đối với Việt Nam, đây là thời điểm để nhìn lại hoạt động ứng phó tổng thể đối với virus này. Nhưng đây không phải là lúc chúng ta mất cảnh giác. Covid-19 sẽ tiếp tục là một mối đe dọa: Công bố của ngày hôm nay thực sự là công bố về sự cần thiết phải tăng tốc và lập kế hoạch quản lý virus trong dài hạn”.
Báo Đại đoàn kết
*Nỗi lo ngộ độc thực phẩm gia tăng
Thời tiết nắng nóng của mùa hè khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn cộng với thói quen sử dụng, chế biến, bảo quản thực phẩm không đúng cách làm gia tăng nỗi lo ngộ độc thực phẩm. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đang tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Nguy cơ ngộ độc có ở mọi khâu
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 4-2023, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 117 người bị ngộ độc, trong đó có 1 người tử vong. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 25 vụ ngộ độc với 344 người bị ngộ độc, trong đó có 8 người tử vong. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm có thể đến ở mọi khâu, từ lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, cho đến bảo quản, bày bán…
Mới đây, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nữ bệnh nhân (44 tuổi, ở Hà Nội) bị ngộ độc thực phẩm, tan máu sau khi ăn thực phẩm trộn phẩm màu. Trước đó, người bệnh có mua 100g bột màu (còn gọi là bột mai quế lộ) ở chợ và trộn hơn một nửa lượng bột màu này với thịt lợn xay rồi gói nem rán. Bệnh nhân cùng con ăn nem vào các bữa trưa của 3 ngày liên tiếp. Sau bữa cuối cùng được 2 ngày, bệnh nhân thấy chóng mặt, hoa mắt, cảm giác gai sốt, đau đầu và phải nhập viện. Mẫu bột màu mà bệnh nhân sử dụng được xét nghiệm và phát hiện có a xít orange 7, là hóa chất được dùng làm chất màu công nghiệp, phụ gia thực phẩm nhưng nếu sử dụng với hàm lượng cao có thể gây tan máu.
Tương tự, thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận nhiều trường hợp bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm. Điển hình như trường hợp của nam bệnh nhân (32 tuổi, ở thành phố Hồ Chí Minh) bị đau bụng, tiêu lỏng, sốt, nôn ói sau khi ăn bún cua ốc vào buổi trưa. Sau 3 ngày được điều trị tích cực, bệnh nhân đã khỏi các triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Hoài Phương, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh lưu ý, các trường hợp tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn Salmonella, Botulinum, E.coli, Campylobacter, Listeria... gây ra. Thời tiết nắng nóng làm cho thức ăn nhanh hỏng, dễ bị ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách. Ở khoảng 32-43 độ C, vi khuẩn phát triển nhanh nhất, có thể nhân đôi chỉ sau 20 phút.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngộ độc thực phẩm có nhiều nguyên nhân, nhưng có thể chia thành 3 nhóm nguyên nhân chính. Nguyên nhân phổ biến nhất là do vi khuẩn và do các độc tố của vi khuẩn. Tiếp theo có thể kể đến ngộ độc thực phẩm do các loại hóa chất khác nhau như hóa chất bảo vệ thực vật, chất phụ gia, chất bảo quản… được đưa vào trong thực phẩm với mục đích cố tình hay vô ý. Bên cạnh đó, nhóm thực phẩm tự nhiên có chất gây độc như cá nóc, sắn, nấm độc… cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn tới ngộ độc thực phẩm.
“Ảnh hưởng của ngộ độc thực phẩm tới sức khỏe biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau; nhẹ nhất là đau bụng, nôn, tiêu chảy, mất nước...; nặng hơn là tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, liệt, co giật, hôn mê… Đây là những biểu hiện trước mắt, còn về lâu dài, ngộ độc thực phẩm có thể dẫn tới nhiều hậu quả khác nhau”, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.
Tăng cường kiểm tra, xử phạt
Ngay trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5), bên cạnh việc triển khai theo kế hoạch và chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, các quận, huyện, thị xã đã tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở, các mặt hàng có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm trong mùa hè. Qua đó, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vi phạm về an toàn thực phẩm.
Toàn quận Bắc Từ Liêm hiện có 4.317 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Từ giữa tháng 4-2023 cho đến nay, 16 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của toàn quận đã tiến hành kiểm tra, giám sát 367 cơ sở và xử phạt vi phạm hành chính đối với 36 cơ sở với số tiền 165,5 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương cho biết, thời gian tới, quận tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn các chủ cơ sở, người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh chấp hành tốt các quy định của pháp luật.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm hiệu quả, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đề nghị các địa phương phải tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất để đánh giá đúng thực tế trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Người tiêu dùng cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, có nhãn mác ở các cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm và nên tuân thủ việc “ăn chín, uống sôi”.
Báo Hà Nội mới
*Ai nên tiêm 'mũi 5' vắc xin Covid-19?
Gần đây, Thanh Niên nhận được câu hỏi của nhiều bạn đọc nêu vấn đề: Có nên tiêm mũi 5 vắc xin Covid-19 và ai nên tiêm? PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng VN (Bộ Y tế), cho biết:
Về mũi bổ sung (sau khi đã tiêm đủ 4 mũi) vắc xin Covid-19, thông thường với vắc xin AstraZeneca, Pfizer…, Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêm các liều cơ bản (mũi 1 và mũi 2) và 2 mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4). Tại VN, người đã tiêm đủ 4 mũi này, nếu tiêm mũi tiếp theo thì gọi là tiêm "mũi 5". Còn thế giới không gọi là tiêm mũi 5 mà là tiêm "mũi bổ sung".
Dù vắc xin Covid-19 không giảm lây nhiễm triệt để nhưng giúp giảm nguy cơ tăng nặng; giảm nhập viện, không gây quá tải hệ thống y tế; giảm tử vong. Vắc xin Covid-19 tiêm sau 4 - 6 tháng thì miễn dịch giảm thấp, không như bệnh sởi, vắc xin sởi có miễn dịch kéo dài; hoặc người mắc bệnh sởi có miễn dịch suốt đời. Cũng có loại vắc xin cần tiêm hằng năm, như vắc xin cúm.
Với vắc xin Covid-19, các đánh giá hiện nay cho thấy cần tiêm mũi nhắc lại do miễn dịch giảm dần sau tiêm. Mũi bổ sung có thể tiêm sau 4 - 6 tháng kể từ mũi tiêm cuối trước đó.
Vậy trường hợp nào cần tiêm mũi bổ sung? Mọi người tiêm thêm mũi này đều tốt để củng cố miễn dịch. Tuy nhiên, ở thời điểm này, chúng ta vẫn tập trung ưu tiên cho đối tượng nguy cơ cao, ví dụ như: người già, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, cán bộ y tế, để nếu họ bị nhiễm vi rút gây Covid-19 thì không bị chuyển nặng, hạn chế nhập viện, không tử vong.
Hiện tại nhiều tỉnh, thành phố vẫn khuyến khích mọi người tiêm mũi 5 như TP.HCM chẳng hạn, và còn tổ chức tiêm cả ngày lễ để phục vụ người dân. Các cá nhân muốn tiêm có thể liên hệ y tế xã, phường để được hướng dẫn.
Về mối lo các tác dụng không mong muốn do vắc xin Covid-19, PGS Trần Đắc Phu cho rằng trên thế giới đã tiêm hàng tỉ mũi vắc xin nhưng các báo cáo về ảnh hưởng sau tiêm vắc xin này cho thấy phân tích giữa lợi ích và rủi ro, thì vắc xin có rủi ro thấp với các phản ứng nhẹ hoặc không ảnh hưởng lớn, do đó vẫn cần dùng vắc xin.
Một số quan điểm anti vắc xin (phản đối vắc xin) do lo ngại ảnh hưởng của vắc xin với sức khỏe, theo PGS Phu, không nên lo ngại vì hiện chưa có báo cáo ảnh hưởng nghiêm trọng do vắc xin Covid-19 với hàng tỉ mũi đã tiêm. Và thực tế chống dịch tại VN cho thấy hiệu quả rất lớn của vắc xin Covid-19.
Đánh giá miễn dịch cộng đồng
Theo PGS Phu, muốn phòng bệnh thì tiêm vắc xin, trước tiên là có miễn dịch cá thể để phòng bệnh cho bản thân và người khác.
Thứ hai, cần đạt được miễn dịch cộng đồng, vì khi nhiều người không mắc bệnh thì sẽ hạn chế nguồn lây cho người khác. Với vắc xin Covid-19, chúng ta đánh giá miễn dịch để biết việc phòng bệnh cho các đối tượng đã đạt được như thế nào.
Ví dụ như, tiêm một vắc xin mà rất nhiều người có miễn dịch thì mặc dù vắc xin không hạn chế triệt để lây nhiễm nhưng vắc xin giảm được mức độ tăng nặng, hạn chế nhập viện, hạn chế tỷ lệ tử vong.
Khi chúng ta biết được miễn dịch cộng đồng, tỷ lệ miễn dịch cao nghĩa là những người nặng, nhập viện, tử vong sẽ giảm thấp, khi đó sẽ yên tâm trong đánh giá giá trị các giải pháp phòng bệnh. Với vắc xin, sẽ cần đánh giá miễn dịch về các yếu tố như: mỗi vắc xin tiêm như thế nào, vắc xin nào đạt miễn dịch tốt, hiệu quả như thế nào với từng loại đối tượng.
Thứ ba, đánh giá miễn dịch để chúng ta đặt ra vấn đề: sẽ tiêm vắc xin theo lịch như thế nào để phòng bệnh hiệu quả tối ưu (sử dụng vắc xin gì, tiêm cho đối tượng nào, lịch tiêm) để phù hợp với thực tế miễn dịch cộng đồng.
Thực tế trên thế giới, biến chủng đang gây dịch là Omicron có khả năng lẩn trốn miễn dịch nhưng vắc xin hiện vẫn có hiệu quả nhất định, do đó vẫn cần tiêm. Vì vậy, đánh giá miễn dịch cộng đồng là quan trọng.
Trước khi tiêm, các nghiên cứu đã có thử nghiệm lâm sàng, đánh giá hiệu quả khả năng sinh miễn dịch của vắc xin sau khi tiêm, đó là tiêu chí cực kỳ quan trọng. Bây giờ tiêm xong thì cần đánh giá miễn dịch cộng đồng xem hiệu quả phòng chống dịch khi tiêm vắc xin trên diện rộng.
Việt Nam chưa công bố hết dịch Covid-19
Theo Bộ Y tế, mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu, tuy nhiên điều đó không có nghĩa Covid-19 không còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Dịch bệnh Covid-19 vẫn được đánh giá diễn biến khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; các biến chủng mới, các tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi, xuất hiện; miễn dịch giảm theo thời gian, xu hướng dịch bệnh khó dự báo. Trên thế giới, nếu cuối tháng 3 ghi nhận 500 biến thể phụ Omicron thì hiện con số này đã lên đến 600. Các biến thể phụ lưu hành phổ biến tại các nước thì ở VN cũng đã ghi nhận.
Do đó, tại VN, các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tiếp tục được áp dụng. Đặc biệt, các địa phương đánh giá mức độ dịch, công khai tình hình dịch sẽ giúp người dân trên cả nước luôn biết được mức độ dịch, có các giải pháp phòng, chống phù hợp. Cùng với bao phủ vắc xin Covid-19 rộng, việc phòng, chống dịch linh hoạt, không áp dụng "zero Covid" như giai đoạn đầu giúp cho trong nước kiểm soát phòng, chống dịch hiệu quả và ứng phó phù hợp với tình huống dịch.
VN hiện đang tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 với hình thức quản lý bền vững. Bộ Y tế đã và đang theo dõi chặt chẽ tình hình, không để bị động trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh; đồng thời phối hợp các chuyên gia, tổ chức trong nước, quốc tế thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình nhằm chủ động có các điều chỉnh phù hợp.
Đối với người dân, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị cộng đồng chủ động đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, trên phương tiện giao thông, tại không gian kín và các địa điểm bắt buộc; khử khuẩn, nhất là vệ sinh tay; và tiêm phòng vắc xin đầy đủ.
Báo Thanh niên
*Thuốc lá điện tử: Mua bán tràn lan, hậu họa khó lường
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng hơn thuốc lá thông thường, thậm chí có loại được pha trộn ma túy tổng hợp. Tuy nhiên, các loại thuốc lá này đang thiếu sự kiểm soát, dẫn tới mua bán tràn lan, gây nhiều hệ lụy.
Mua dễ hơn rau
Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được giới thiệu tới một điểm kinh doanh thuốc lá điện tử trong một biệt thự ở khu Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Tại đây, chúng tôi gặp khá nhiều bạn trẻ, có người mặc đồng phục học sinh, tới thử thuốc, mua thuốc và phụ kiện kèm theo.
Theo tư vấn của nhân viên cửa hàng, tại đây có khoảng 200 loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và tinh dầu. Đối với thuốc lá điện tử có nhiều loại máy, kiểu dáng và tùy công suất mà mức giá từ 500.000 đến 2 triệu đồng/chiếc. Về tinh dầu có 3 mức nicotine (nặng, vừa và nhẹ) cùng nhiều hương vị khác nhau như vị dâu, dưa hấu, xoài, xoài đào, sôcôla, nho bưởi, nho vải, đào ổi… với giá từ vài chục tới vài trăm ngàn đồng/lọ.
Khi được hỏi về các thành phần trong tinh dầu liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe người hút thì nhân viên bán hàng cam kết là hàng ngoại nhập nên an toàn và không có chất cấm nguy hại.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn được bán công khai tràn lan trên các trang Facebook, Instagram, TikTok cá nhân và nhiều hội nhóm “chơi” sản phẩm này. Sản phẩm còn được bán tại một số nơi kinh doanh thuốc lá truyền thống, thậm chí có điểm bán gần khu vực trường học.
Đáng lo ngại khi hầu hết các nơi kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các clip hướng dẫn mua bán, sử dụng loại thuốc lá thế hệ mới này đều quảng cáo với giọng điệu mê hoặc giới trẻ như “sành điệu, văn minh, dễ sử dụng, không gây nghiện và từ bỏ được thuốc lá truyền thống”.
Nhiều nguy hại
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, cho biết, đến nay thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vẫn chưa được cấp phép để phân phối ở Việt Nam. Do đó, việc kinh doanh các loại thuốc này và các sản phẩm liên quan đều là hàng xách tay, nhập lậu.
Trong khi đó, bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, hành vi quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, kinh doanh, mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là vi phạm pháp luật. Hậu quả của việc thiếu kiểm soát sẽ có nguy cơ biến Việt Nam thành một trong những điểm nhập lậu sản phẩm thuốc lá mới từ các nước và gây ra nhiều mối nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng, nhất là thanh thiếu niên.
Dưới góc độ chuyên gia y tế, TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, số bệnh nhân bị ngộ độc thuốc lá điện tử đang có chiều hướng gia tăng và rất trẻ, không ít trường hợp bị đột quỵ, tổn thương phổi.
“Chúng tôi vừa điều trị cho một cô gái mới 20 tuổi ở Hà Nội vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não lan tỏa tất cả các vị trí, tổn thương gan, suy tim, suy thận… do hút thuốc lá điện tử”.
Từ đầu năm 2023 đến nay, kết quả xét nghiệm các mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân bị ngộ độc có mang đến Trung tâm Chống độc trong quá trình cấp cứu, đã phát hiện 13 mẫu có thành phần ma túy, cần sa tổng hợp. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không chỉ có nicotin gây nghiện mà còn chứa nhiều loại hóa chất, hương vị nhưng đều là nhân tạo và có cả chất cấm. Do đó, người hút thuốc lá điện tử sẽ bị nghiện; lâu dài bị phơi nhiễm hóa chất dẫn tới tổn thương phổi cấp tính, suy tim, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, ảnh hưởng hệ hô hấp, hệ thần kinh, gene và làm suy giảm hệ miễn dịch.
Trước sự nguy hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tới cộng đồng, hiện nay, nhiều nước như Ấn Độ, Thái Lan, Philippines... đã cấm kinh doanh, sử dụng.
Theo Bộ Y tế, các sản phẩm thuốc lá đều độc hại với sức khỏe và đến nay, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử gây nguy hại sức khỏe cộng đồng tương tự thuốc lá điếu thông thường. Nhưng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có đặc tính là sản phẩm mới, khác biệt so với đặc điểm của thuốc lá truyền thống nên không thể áp dụng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 cho các sản phẩm này.
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, nếu cho phép các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng lưu hành sẽ làm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng, dẫn tới nghiện nicotin và sử dụng thuốc lá ở giới trẻ. Đồng thời gia tăng nguy cơ lạm dụng ma túy biến tướng trong thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế thực hiện năm 2020 cho thấy, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử ở các lớp từ 8-12 là 8,35%; học sinh lớp 10-12 là 12,6%. Có tới 8% phụ nữ và trẻ em gái hút thuốc lá điện tử, trong khi hút thuốc lá điếu ở nữ chỉ 1,2%.
Báo Sài Gòn giải phóng
*Bộ Y tế thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của Công ty Cổ phần Phyto Quang Trung
Theo quyết định do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký ban hành, Bộ Y tế quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của Công ty Cổ phần Phyto Quang Trung.
Theo đó, tại quyết định số 2004/ QĐ-BYT do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành, Bộ Y tế đã quyết đinh thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của Công ty Cổ phần Phyto Quang Trung.
Cụ thể, Bộ Y tế thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược số 556/ĐKKDD-BYT ngày 27/1/2021 của Công ty Cổ phần Phyto Quang Trung. Địa chủ trụ sở chính: 97 Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.
Quyết định của Bộ Y tế cho biết phạm vi kinh doanh của Công ty Cổ phần Phyto Quang Trung là xuất khẩu, nhập khẩu thuốc.
Về lý do thu hồi, theo thông tin tại quyết định của Bộ Y tế: Do nhu cầu kinh doanh thực tế của Công ty nên Công ty có văn bản thông báo ngừng hoạt động kinh doanh dược tại địa điểm kinh doanh 97 Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.
Quyết định của Bộ Y tế có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành - ngày 4/5. Điều này đồng nghĩa với việc quyết định số 624/QĐ-BYT ngày 27/01/2021 của Bộ Y tế về việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược cho Công ty Cổ phần Phyto Quang Trung hết hiệu lực.
Báo Sức khoẻ đời sống