* Cứu kịp thời người đàn ông bị xe máy đâm đứt động mạch đùi
Ngày 7/6, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, khoảng 19 giờ 50 phút ngày 3/6, khoa Cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân tai nạn giao thông D.V.Q., (sinh năm 1996, tại Long Biên, Hà Nội).
Được biết, khi bệnh nhân đang mở cánh cửa xe ô tô thì bị xe máy đâm vào từ phía sau, gây tổn thương vùng bẹn đùi chân trái chảy máu xối xả, được người đi đường đưa thẳng vào khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Sau khoảng 10 phút nhập viện, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu sốc mất máu, bệnh nhân đã được cấp cứu băng ép cầm máu.
Kíp trực đã báo động đỏ và đẩy thẳng bệnh nhân lên phòng mổ, tại đây khi mở băng thì máu chảy thành dòng. Lập tức tiến hành cặp cầm máu bằng clum mạch máu.
Sau đó, kiểm tra thấy tổn thương vết thương bên của động tĩnh mạch đùi, đứt động mạch mũ chậu nông tổn thương thần kinh đùi và dập nát nhiều tổ chức xung quanh vết thương. Các bác sĩ tiến hành khâu phục hồi động tĩnh mạch đùi, và các thương tổn kèm theo.
Hiện tại, bệnh nhân đang được theo dõi và điều trị tích cực tại khoa hồi sức ngoại dự kiến sẽ ra viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm – người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, đây là ca bệnh vết thương mạch máu ngoại vi lớn, nặng nề có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Với những trường hợp bị vết thương mạch máu ngoại vị nhanh chóng dùng gạc chèn vào vết thương chảy máu sau đó băng ép chặt và đưa đến cơ sở y tế gần nhất có thể can thiệp được chuyên khoa.
(Báo Kinh tế & đô thị)
* Thủ tướng trả lời chất vấn về chế độ chính sách với cán bộ y tế
Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về chế độ chính sách với cán bộ y tế.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng chất vấn Thủ tướng Chính phủ: Thực tế hiện nay cho thấy, chế độ chính sách dành cho cán bộ y tế chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống để cán bộ y tế yên tâm công tác và cống hiến. Hầu hết tại khu vực công, cán bộ y tế đều đang hưởng lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP và các chế độ phụ cấp theo lương, mức này rất thấp không đảm bảo cuộc sống cho người cán bộ y tế.
Cụ thể, đối với bác sĩ vì thời gian đào tạo kéo dài hơn so với các ngành nghề khác (6 năm), sau ra trường phải thực hành 18 tháng mới đủ điều kiện hành nghề, trong quá trình hành nghề phải thường xuyên cập nhật kiến thức ngắn hạn và dài hạn với kinh phí khá cao,... Trong khi đó, mức lương khởi điểm của các chức danh chuyên môn có yêu cầu trình độ đại học đều được đánh đồng theo mức bậc 1, hệ số 2,34 x mức lương cơ sở là chưa thực sự phù hợp.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, nhằm giải quyết vấn đề nêu trên.
Về nội dung chất vấn nêu trên, tại công văn 516/TTg-KTTH, Thủ tướng Chính phủ trả lời như sau:
Thực trạng chế độ tiền lương đối với viên chức ngành y tế
Hiện nay, cán bộ, công chức, viên chức nói chung và viên chức ngành y tế nói riêng đang được thực hiện chế độ tiền lương theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ. Theo đó, viên chức ngành y tế được được hưởng lương và phụ cấp như sau:
Các chế độ áp dụng chung đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, gồm:
- Được xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với viên chức (Bảng 3 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP).
- Được thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn (do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và khi có thông báo nghỉ hưu) và được hưởng các chế độ phụ cấp theo vị trí công việc đảm nhiệm và theo địa bàn công tác, gồm: Phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp độc hại, nguy hiểm; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác; phụ cấp khu vực; phụ cấp đặc biệt; phụ cấp thu hút và phụ cấp lưu động.
- Được hưởng các chính sách khi công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 của Chính phủ.
- Được thực hiện chế độ tự chủ về tài chính và trả lương tăng thêm theo Nghị định số 60/2021 /NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Các chế độ áp dụng riêng đối với viên chức ngành y tế:
Ngoài các chế độ áp dụng chung đối với viên chức nêu trên, viên chức ngành y tế còn được áp dụng các chế độ đặc thù sau:
- Được rút ngắn thời gian tập sự còn 9 tháng (quy định chung là 12 tháng) do đặc thù về thời gian đào tạo dài (6 năm đối với bác sĩ).
- Được xếp lương cao hơn khi tuyển dụng lần đầu đối với bác sĩ nội trú (xếp bậc 2 hệ số lương 2,67 của chức danh bác sĩ).
- Được hưởng các chế độ đặc thù, gồm: chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề y tế tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 và Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15/2/2023 của Chính phủ; phụ cấp thường trực, phụ cấp chống dịch, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ; chế độ đối với bác sĩ trong thời gian đi luân phiên quy định tại Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày 20/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ; chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn bản tại Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, tổng thu nhập của viên chức ngành y tế (bao gồm các chế độ áp dụng chung đối với viên chức và các chế độ đặc thù nêu trên) là có cải thiện hơn so với ngành, nghề khác, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với ngành y tế.
Do tác động bất lợi của nhiều yếu tố nên chưa đủ điều kiện để cải cách chính sách tiền lương
Về việc sửa đổi Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, chế độ tiền lương hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (trong đó có viên chức ngành y tế) thực hiện từ năm 2004 đến nay đã phát sinh nhiều hạn chế, bất cập và còn thấp so với mặt bằng thu nhập trên thị trường lao động và yêu cầu cuộc sống của người hưởng lương.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập này, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, trong đó đã chỉ rõ quan điểm, mục tiêu, nội dung cải cách và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời chỉ đạo việc xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức vụ, chức danh và các chế độ phụ cấp,... đối với cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có viên chức ngành y tế) để làm cơ sở xây dựng Nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định số 204/2004/NĐ-CP nêu trên. Tuy nhiên, do tác động bất lợi của nhiều yếu tố ở trong nước và quốc tế đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh COVID-19 nên chưa đủ điều kiện để cải cách chính sách tiền lương.
Trong thời gian chưa thực hiện cải cách tiền lương, để bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ động phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên mức 1.800.000 đồng/tháng (tăng thêm 20,8%) từ ngày 01/7/2023 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; đồng thời, giao Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu ý kiến của Đại biếu Quốc hội, của cử tri và của các Bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW (trong đó có ý kiến của Đại biểu về tiền lương của viên chức ngành y tế), trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
(Báo Kinh tế & đô thị)
* Triển khai phương án cung ứng vắc-xin phòng bệnh cho trẻ em
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như việc thay đổi phương án mua sắm vắc-xin cho nên từ đầu năm đến nay đã xảy ra tình trạng thiếu cục bộ một số loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Hai bộ Y tế và Tài chính đang cùng các địa phương triển khai các phương án nhằm cung ứng đủ lượng vắc-xin để tiêm phòng cho trẻ.
Trong nhiều năm qua, ngành y tế triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) phòng 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em và phụ nữ trong cả nước, gồm: viêm gan B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn Hib, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản.
Đáng chú ý, hầu hết các vắc-xin sử dụng trong chương trình TCMR được sản xuất trong nước, chỉ có hai loại nhập khẩu từ nước ngoài là vắc-xin phối hợp 5 trong 1 (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) và vắc-xin bại liệt tiêm (IPV).
Giai đoạn 2016-2020, thực hiện Chương trình mục tiêu y tế, dân số do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Y tế được bố trí kinh phí ngân sách trung ương để thực hiện mua sắm tập trung vắc-xin cho chương trình TCMR, ký hợp đồng với nhà cung ứng cấp phát cho các địa phương thực hiện.
Giai đoạn 2021-2022 do không còn Chương trình mục tiêu y tế, dân số, một số hoạt động được lồng ghép vào nội dung chi của ba chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và không có nội dung mua vắc-xin, các nội dung còn lại chuyển thành các nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, các cơ quan trung ương và các địa phương.
Để có lộ trình phù hợp khi chuyển đổi cơ chế từ mua sắm bằng ngân sách trung ương chuyển giao cho các địa phương triển khai thực hiện, năm 2020 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, theo đó, Bộ Y tế được giao nguồn dự toán từ ngân sách trung ương thực hiện mua sắm để cung ứng vắc-xin cho chương trình TCMR bảo đảm cho hai năm 2021 và 2022.
Năm 2023, Bộ Y tế có đề nghị Bộ Tài chính bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chuyển từ Chương trình mục tiêu y tế, dân số về nhiệm vụ thường xuyên để mua vắc-xin, nhưng theo quy định của Luật Đầu tư công, phân cấp ngân sách nhà nước Bộ Y tế không được phân kinh phí để triển khai thực hiện nhiệm vụ mua vắc-xin cho chương trình TCMR.
Trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc cung ứng vắc-xin đã bị ảnh hưởng, dẫn đến gián đoạn cung ứng, thiếu vắc-xin cục bộ tại một số địa phương.
Đối với các vắc-xin sản xuất trong nước, chương trình TCMR đã cung ứng đủ số lượng vắc-xin của năm 2022 và gối đầu đến tháng 7/2023, riêng vắc-xin phòng viêm gan B, lao sử dụng đến tháng 8/2023; vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản sử dụng đến hết tháng 9/2023; vắc-xin phòng sởi, sởi-rubella, bOPV (bại liệt uống) đủ dùng đến hết tháng 7/2023; vắc-xin uốn ván và IPV (bại liệt tiêm) hiện còn tại các tuyến đủ đáp ứng đến hết năm 2023. Riêng đối với vắc-xin 5 trong 1 (nhập khẩu) bị thiếu trên toàn quốc từ tháng 2/2023.
Để bảo đảm vắc-xin năm 2023, Bộ Y tế đã làm việc, lắng nghe và trao đổi với các địa phương và đã trình Chính phủ tờ trình và dự thảo nghị quyết về nội dung này.
Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo quyết liệt Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính để bố trí kinh phí, ngân sách trung ương năm 2023 để Bộ Y tế triển khai mua sắm theo quy định như những năm trước đây.
Triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ Y tế đã tổng hợp nhu cầu đăng ký vắc-xin tiêm chủng mở rộng những tháng còn lại năm 2023 và đến tháng 6/2024; đồng thời đề xuất phương án bảo đảm cung ứng vắc-xin cho chương trình TCMR năm 2023 và 2024.
Theo đó, đối với vắc-xin sản xuất trong nước gồm: DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván); uốn ván hấp phụ (TT); phòng lao đông khô (BCG); uốn ván, bạch hầu hấp phụ (Td); viêm não Nhật Bản; viêm gan B; sởi; sởi-rubella; bại liệt (bOPV) và Rota sản xuất trong nước thì giao cho Bộ Y tế tổng hợp nhu cầu của các địa phương, thực hiện đặt hàng, tổng hợp phương án của các nhà sản xuất vắc-xin gửi Bộ Tài chính; các tỉnh, thành phố ủy quyền cho Bộ Y tế đặt hàng các đơn vị sản xuất trong nước; Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt giá làm cơ sở để các địa phương ký hợp đồng đặt hàng và thanh toán trực tiếp với đơn vị cung ứng.
Đối với vắc-xin nhập khẩu (gồm ba loại) thì vắc-xin bại liệt IPV hiện đã có đủ cho nhu cầu năm 2023 và 2024 từ nguồn viện trợ, sẽ cấp phát cho địa phương; vắc-xin 5 trong 1 (DPT-VGB-Hib), Bộ Y tế thực hiện việc mua sắm theo hình thức đàm phán giá, các địa phương đăng ký số lượng và đơn vị mua sắm tập trung của Bộ Y tế tiến hành đàm phán giá, ký thỏa thuận khung; các địa phương ký hợp đồng và thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp từ nguồn ngân sách địa phương; vắc-xin phòng bệnh do vi-rút Rota, Bộ Y tế sẽ thông báo đầy đủ thông tin, mức giá kê khai để địa phương lựa chọn, đăng ký nhu cầu.
Bộ Y tế cũng kiến nghị giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện mua vắc-xin cho chương trình TCMR từ năm 2024.
(Báo Nhân dân)
* Hà Nội: Chủ động trong quản lý, thanh kiểm tra công tác an toàn thực phẩm
Thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra công tác an toàn thực phẩm (ATTP) tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể; qua đó từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, hiện Thành phố có 76.807 cơ sở thực phẩm. Công tác quản lý ATTP, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả giúp phòng tránh trường hợp ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm cho người dân.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, ngành Y tế Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, giám sát ATTP tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; tiến hành kiểm tra giám sát thực tế tại 46 cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố; thường trực, thành lập các đoàn kiểm tra giám sát công tác đảm bảo ATTP phục vụ các sự kiện quan trọng của Thành phố và đất nước.
Đồng thời, kiểm tra giám sát điều kiện ATTP, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường tiểu học thuộc 5 quận và 5 huyện trên địa bàn Thành phố, gồm: Long Biên, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Đông Anh, Quốc Oai, Phúc Thọ, Ba Vì, Đan Phượng và truy xuất nguồn gốc rau củ quả cung cấp cho bếp ăn tập thể trường học tại 9 cơ sở.
Ngành Y tế Hà Nội triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kiểm tra giám sát định kỳ tiến độ duy trì thực hiện mô hình nâng cao năng lực tự quản lý ATTP bếp ăn tập thể trường học tại 10 quận, huyện, gồm: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Thanh Xuân, Gia Lâm, Thanh Trì, Mê Linh, Ba Vì...
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội tập huấn bồi dưỡng các văn bản quản lý nhà nước về ATTP cho Ban Chỉ đạo công tác ATTP các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; tập huấn kiến thức ATTP cho Ban Chỉ đạo công tác ATTP tại quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm; bồi dưỡng nâng cao kiến thức kỹ năng trong quản lý nhà nước về phát triển đô thị, kinh nghiệm làm việc ở các nước tiên tiến xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách về phát triển đô thị xanh thông minh hiện đại gắn với chuyển đổi số.
Liên quan đến thực hiện thủ tục hành chính về ATTP, trong 5 tháng đầu năm 2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã thực hiện cấp 226 giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, cấp 576 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, tiếp nhận 2.004 bản tự công bố sản phẩm ngành Y tế quản lý…
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cũng cho biết, Thành phố tổ chức 3 đoàn thanh, kiểm tra hậu kiểm ATTP theo kế hoạch; 2 đoàn truy xuất nguồn gốc thực phẩm bếp ăn tập thể tại 5 quận, 5 huyện; tổ chức các đoàn giám sát mô hình điểm về ATTP tại các quận, huyện. Cụ thể, tiến hành thanh, kiểm tra 206 cơ sở thực phẩm (thanh tra 76 cơ sở, kiểm tra 130 cơ sở), phát hiện và xử lý vi phạm 38 cơ sở với tổng số tiền hơn 500.000.000 đồng.
Từ nay đến cuối năm, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra ATTP tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt, sẽ tập trung công tác hậu kiểm cơ sở thực phẩm thuộc ngành Y tế quản lý, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực ATTP theo quy định; tổ chức kiểm tra giám sát định kỳ các mô hình điểm: Tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát, kiểm soát ATTP tại bữa cỗ tập trung đông người, đảm bảo ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Cùng với đó, tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện mô hình “Đánh giá thực trạng ATTP và truy xuất nguồn gốc đối với bếp ăn tập thể khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất năm 2023”; xây dựng kế hoạch và tổ chức mua mẫu thị trường, xét nghiệm mẫu đánh giá nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, cảnh báo cộng đồng.
Song song với đó, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức về ATTP theo các chuyên đề: Bữa ăn tập thể trường học; bữa cỗ tập trung đông người; thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm; kỹ năng giám sát tư vấn các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố...
Các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền về công tác ATTP tại cơ sở, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng. Ðối với người tiêu dùng, nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm, cần thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình.
(Báo Lao động thủ đô)