* Có 57 ca COVID-19 mới, cả nước còn 3 bệnh nhân thở oxy
Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 7/7 của Bộ Y tế cho biết có 57 ca COVID-19 mới, trong ngày có 15 bệnh nhân khỏi, hiện cả nước còn 3 bệnh nhân thở oxy.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.620.947 ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.438 ca nhiễm).
Tình hình điều trị COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 15 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.640.164 ca
2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 3 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 0 ca
- Thở máy không xâm lấn: 0 ca
- Thở máy xâm lấn: 0 ca
- ECMO: 0 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày ghi nhận 0 ca tử vong.
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 0 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.206 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tình hình tiêm vaccine COVID-19
Trong ngày 06/7 có 135 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 266.494.671 liều, trong đó:
+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.812.988 liều: Mũi 1 là 70.909.535 liều; Mũi 2 là 68.457.362 liều; Mũi bổ sung là 14.344.123 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.162.870 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.939.098 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.655 liều: Mũi 1 là 9.130.889 liều; Mũi 2 là 9.021.382 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.384 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.716.028 liều: Mũi 1 là 10.232.662 liều; Mũi 2 là 8.483.366 liều.
(Báo Sức khỏe&đời sống)
* Hà Nội dự kiến năm 2025 đưa vaccine phế cầu vào tiêm chủng mở rộng
Hà Nội đặt lộ trình đến năm 2025, dự kiến đưa vaccine phế cầu vào tiêm chủng mở rộng. Trong trường hợp huy động được nguồn viện trợ, hỗ trợ trong nước hoặc được bổ sung ngân sách nhà nước, lộ trình này có thể được thực hiện sớm hơn với các loại vaccine theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ký ban hành Kế hoạch số 183/KH-UBND về việc tiêm chủng mở rộng, giai đoạn 2023-2025.
Kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới thông qua việc tiêm chủng vaccine phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng; giảm tỷ lệ mắc/tử vong do các bệnh có thể phòng được bằng vaccine trên địa bàn TP. Hà Nội.
Đối tượng áp dụng được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia đối với từng loại vaccine và từng đối tượng được thụ hưởng, Cụ thể:
Năm 2023-2023, trẻ sơ sinh tiêm vaccine viêm gan B; trẻ dưới 1 tuổi tiêm vaccine lao, bại liệt uống, bại liệt tiêm, vaccine 5 trong 1, rota, Sởi; Trẻ 1 đến 5 tuổi tiêm vaccine phòng viêm não Nhật Bản; trẻ 18 tháng đến dưới 24 tháng tiêm vaccine phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, vaccine sởi - Rubella. Đối với phụ nữ có thai tiêm vaccine uốn ván.
Lộ trình đến năm 2025, dự kiến đưa vaccine phế cầu vào tiêm chủng mở rộng. Trong trường hợp huy động được nguồn viện trợ, hỗ trợ trong nước hoặc được bổ sung ngân sách nhà nước, lộ trình này có thể được thực hiện sớm hơn với các loại vaccine theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
UBND TP. Hà Nội yêu cầu việc triển khai Kế hoạch phù hợp với chủ trương, đường lối chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân của Đảng, theo đúng các quy định của Chính phủ và Bộ Y tế. Các vaccine mới được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng theo các quy định của Chính phủ; hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế; Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả.
(Báo Sức khỏe&đời sống)
* Liên tiếp các ca đột quỵ não do nắng nóng
Chỉ trong vài ngày gần đây, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) đã tiếp nhận cấp cứu liên tiếp 2 ca đột quỵ não, số ca vào khám liên quan đến bệnh lý do nắng nóng cũng cao hơn…
Cụ thể, ca bệnh thứ nhất là bệnh nhân N.V.D, sinh năm 1962, ở Lương Tài – Bắc Ninh, nhập viện ngày 5-7 trong tình trạng tê bì sau gáy, lan xuống tay, yếu liệt người trái, nói khó.
Tại bệnh viện, bệnh nhân D. được khám chẩn đoán đột quỵ não thể nhẹ, chỉ định dùng thuốc kháng tiều cầu kép, kiểm soát huyết áp, kiểm soát mỡ máu. Nhờ được đi cấp cứu sớm chỉ 1h kể từ khi xuất hiện triệu chứng đột quỵ nên sau dùng thuốc, ông D. đã có thể tự nói được, tay và chân bên phải có thể vận nhẹ.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân N.Đ.T, ở Gia Lâm (Hà Nội), 63 tuổi. Bệnh nhân này có tiền sử cao huyết áp nhiều năm, vào viện trong tình trạng nói khó, liệt nửa người trái. Cách nhập viện khoảng 2 giờ, bệnh nhân đột ngột xuất hiện tê bì nửa mặt trái, kèm theo yếu liệt nửa người trái, nói khó.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não cấp với thang điểm quy đổi đột quỵ NIHSS 10 điểm. Bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, sau dùng thuốc các triệu chứng đã có cải thiện.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Đức Giang khuyến cáo, thời gian là yếu tố quan trọng quyết định thành công và mang lại cơ hội sống cho người bệnh đột quỵ. Lý do vì thuốc tiêu sợi huyết khối đường tĩnh mạch chỉ có tác dụng tối ưu với những người bệnh nhồi máu cấp tính trong vòng 4,5 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng đột quỵ đầu tiên.
Cũng theo các bác sĩ, bệnh đột quỵ thường tăng hơn trong những thời điểm thời tiết nắng nóng gay gắt, với đối tượng nguy cơ cao là người già. Đột quỵ do nắng oi, nóng là tình trạng tăng thân nhiệt gây đáp ứng viêm hệ thống dẫn tới tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó tổn thương thần kinh là nổi bật. Đó là các rối loạn về thần kinh trung ương như run cơ, co giật và có thể hôn mê.
Vì vậy, người bệnh có triệu chứng đột quỵ cần được đưa đến viện sớm nhất và cấp cứu kịp thời, tránh những di chứng đáng tiếc khi quá “giờ vàng”.
(Báo An ninh Thủ đô)
* Hà Nội quyết đẩy lùi ma túy, thuốc lá điện tử ra khỏi trường học
Hiện nay, Công an TP Hà Nội phối hợp chính quyền địa phương và các trường học trên địa bàn, đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thuốc lá điện tử, ma túy học đường nhằm nâng cao nhận thức cho các em học sinh về tác hại của ma túy, thuốc lá điện tử, giúp các em nhận nhận diện nguy cơ và “nói không với ma túy”.
Trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xuất hiện một số trường hợp học sinh tại các trường phổ thông bị lôi kéo, dụ dỗ sử dụng trái phép chất ma túy và đã thành thực trạng đáng báo động trong cộng đồng.
Điển hình như vụ việc xảy ra mới đây trên địa bàn quận Hà Đông, 3 học sinh đã bị bạn học cùng lớp nhỏ tinh dầu thuốc lá điện tử vào chai nước ngọt khiến các em bị ngất xỉu, phải đưa đi bệnh viện, và một học sinh lớp 11 cùng trường bị choáng, mệt, và ngã ra sàn lớp học sau khi sử dụng Pod hút thuốc lá điện tử của bạn. Sự việc trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thuốc lá điện tử xâm nhập học đường.
Theo khuyến cáo của Sở Y tế Hà Nội, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng. Trong đó có rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể pha trộn các chất khác vào dung dịch như ma túy, cần sa và các chất kích thích khác. Loại thuốc lá thế hệ mới này đang thu hút giới trẻ và có thể làm ảnh hưởng đến tương lai của cả một thế hệ nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời. Sử dụng nicotine ở tuổi thiếu niên gây hại cho các phần của não kiểm soát sự chú ý, học tập, tâm trạng. Sử dụng nicotine ở tuổi vị thành niên cũng có thể làm tăng nguy cơ nghiện các chất gây nghiện khác trong tương lai.
Trung tá Hoàng Vũ Thủy, Chủ tịch Hội phụ nữ Công an quận Đống Đa cho biết, hiện nay, nhiều loại ma túy mới đã xuất hiện trong hình dạng bánh, kẹo socola, kẹo mút khiến các em học sinh tò mò gây nên hậu quả khôn lường. Do đó việc tuyên truyền, nhận diện ma túy trong học sinh là hết sức cần thiết.
Theo ông Hà Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, trên địa bàn quận hiện có 15 trường Đại học, Học viện; 3 trường cao đẳng; 4 trường trung cấp nghề; 6 trường THPT và 19 THCS. Bên cạnh sự phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển về công nghệ thông tin và những mặt trái tác động đến môi trường xã hội, trong đó có môi trường giáo dục. Một trong các mặt trái của tệ nạn xã hội là ma túy. “Đây là tệ nạn hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, đẩy lùi sự phát triển của xã hội, hủy hoại thể xác tâm hồn và sự phát triển của con người”.
Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ thực tế, UBND quận Đống Đa đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch số 160 về tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục qua các em học sinh của các trường học, nhằm giúp các thầy cô giáo và các em học sinh có kiến thức cơ bản, nhận biết và đánh giá những tác hại nguy hiểm của các chất gây nghiện, ma túy, thuốc lá điện tử, từ đó xây dựng các biện pháp phòng chống và nâng cao nhận thức trách nhiệm trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Đồng thời tăng cường công tác phối hợp hiệu quả thiết thực giữa Ban chỉ huy CAQ với Phòng Giáo dục Đào tạo, các ngành, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đảm bảo an toàn an ninh học đường, nâng cao và phát triển toàn diện chất lượng hệ thống giáo dục đào tạo của quận Đống Đa và Thủ đô Hà Nội.
Trên cơ sở đó, thời gian qua, Công an quận Đống Đa đã phối hợp với nhiều trường học trên địa bàn tổ chức tuyên truyền phòng chống ma túy học đường và tác hại của thuốc lá điện tử cho hàng nghìn học sinh trên địa bàn.
Thông qua những buổi tuyên truyền giúp cán bộ, giáo viên và học sinh các trường học nâng cao kiến thức, hiểu biết về tác hại của ma túy đối với bản thân, gia đình và xã hội. Đây là một chương trình ý nghĩa góp phần cùng với nhà trường thực hiện tốt mục tiêu giáo dục đào tạo toàn diện, xây dựng môi trường học đường trong sạch, lành mạnh, an toàn, từ đó có sự chuyển biến về nhận thức, luôn “nói không với ma túy”, và có hành động tự giác đấu tranh phòng, chống ma túy, tội phạm ma túy.
(Báo baodansinh.vn)
* Cấp bách phòng chống sốt xuất huyết
Năm 2022, dịch sốt xuất huyết tại nước ta bùng phát mạnh mẽ với số ca mắc và tử vong ở mức đỉnh điểm trong lịch sử.
Theo quy luật thông thường, vài năm tiếp theo, tình hình dịch sẽ có sự giảm sút đáng kể. Tuy nhiên, thực tế đang hoàn toàn đi ngược lại.
Từ đầu năm 2023 tới nay, số ca sốt xuất huyết có xu hướng tăng mạnh trên phạm vi cả nước. Trong đó, Hà Nội ghi nhận ca mắc tăng 5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến giữa tháng 6, toàn thành phố ghi nhận gần 400 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân bao gồm: Hà Đông, Thạch Thất, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Thanh Oai, Tây Hồ, Thanh Trì và Cầu Giấy.
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, năm nay, dịch sốt xuất huyết đến sớm hơn mọi năm. Ngay từ đầu tháng 5 - 6, đơn vị này đã tiếp nhận rải rác các bệnh nhân nhập viện vì sốt xuất huyết.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Không chỉ gia tăng số ca mắc, chúng tôi cũng đã tiếp nhận một số bệnh nhân nhập viện vì sốt xuất huyết trong tình trạng nặng. Lý do là thời gian này đầu vụ dịch, nhiều người khi bị sốt thì nghĩ là do mắc Covid-19, cúm hoặc một số bệnh khác nên không nghĩ mình mắc sốt xuất huyết”.
Theo PGS Cường, chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh, lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ thấp, hoặc trên các bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý nền, cơ địa phụ nữ có thai... thì họ mới đến viện. Khi đó, bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử. Một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng như men gan tăng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu…
Qua theo dõi, đánh giá tình hình sốt xuất huyết trên thế giới, tại Việt Nam cũng như ở Hà Nội trong nhiều năm qua, Sở Y tế Hà Nội nhận định, dịch bệnh năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp. Trong khi đó, công tác phòng, chống còn nhiều khó khăn.
Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, điều kiện khí hậu hiện nay, nắng lắm, mưa nhiều tạo thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh là muỗi vằn sinh sôi, phát triển. Thêm vào đó, nhiều nơi còn xả rác thải bừa bãi, phế liệu đọng nước chưa được thu gom…
Người dân có thói quen tích trữ nước mưa, nước sinh hoạt, nước tưới cây trong các bể xây, thùng phi, xô, thùng, chậu… hay trồng cây cảnh, hòn non bộ đã vô tình tạo ra môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và bọ gậy phát triển.
“Hiện nay, người dân ngoại tỉnh thuê trọ tại khu vực nội thành, các huyện ven nội thành là rất lớn. Đây là những nhóm có nhiều khả năng mắc bệnh do điều kiện sinh hoạt tạm bợ như ngủ không nằm màn, không để ý thu gom phế liệu, phế thải; nơi ở không ổn định, không biết và không thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch”, bà Trần Thị Nhị Hà cho biết.
Bà Trần Thị Nhị Hà cho biết thêm, để chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát trên địa bàn thành phố, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân.
Đồng thời, huy động cộng đồng tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết. Thực hiện truyền thông bằng nhiều hình thức (Zalo, Facebook, các mạng xã hội khác, tin bài, video clip, tờ rơi, áp phích, truyền thông trên loa phát thanh thôn xóm, truyền thông trực tiếp tại khu vực ổ dịch).
(Báo giaoducthoidai.vn)