* Bảo đảm an toàn thực phẩm trong các kỳ thi trên địa bàn Hà Nội
Để tăng cường công tác y tế, phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thủ đô trước và sau kỳ thi vào lớp 10; thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2023, Sở Y tế Hà Nội đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chức năng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, Trung tâm cấp cứu 115, các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; bệnh viện trong và ngoài công lập trực thuộc ngành Y tế Hà Nội.
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố và các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát công tác an toàn thực phẩm, vệ sinh chất lượng nước trên địa bàn, đặc biệt tại khu vực có tổ chức thi. Sở Y tế cũng lưu ý, thí sinh và phụ huynh không nên ăn những thức ăn lạ, những thức ăn chưa được nấu chín kỹ…
(Báo Hà Nội mới)
* Hà Nội đẩy mạnh giám sát an toàn thực phẩm
Trong 5 tháng đầu năm 2023, công tác quản lý an toàn thực phẩm, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm đã được ngành Y tế Hà Nội triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Qua đó, lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, từng bước nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh; đồng thời giúp người dân phòng tránh ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Phát hiện và xử lý 38 cơ sở vi phạm
Thành phố Hà Nội hiện có 76.807 cơ sở thực phẩm. Cùng với việc triển khai có hiệu quả, kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và của thành phố về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm cũng tiếp tục được ngành Y tế Thủ đô tăng cường. Đặc biệt, tập trung kiểm tra hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Trong 5 tháng đầu năm nay, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức 3 đoàn thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm an toàn thực phẩm theo kế hoạch; 2 đoàn truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của 10 quận, huyện: Long Biên, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Đông Anh, Quốc Oai, Phúc Thọ, Ba Vì, Đan Phượng và truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả cung cấp cho các bếp ăn tập thể trường học. Đồng thời, Sở tổ chức các đoàn giám sát mô hình điểm về an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã. Kết quả, qua thanh tra, kiểm tra 206 cơ sở thực phẩm, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý vi phạm 38 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 578 triệu đồng.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, vệ sinh, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề “nóng” diễn ra hằng ngày, hằng giờ vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Vì vậy, thời gian qua, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm giảm thiểu nguy cơ về mất an toàn thực phẩm. Ngoài các cuộc kiểm tra định kỳ và đột xuất, công tác hậu kiểm cũng đã được tăng cường. Những hoạt động này nhằm kịp thời phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn, các cơ sở còn tồn tại các vi phạm, chưa tuân thủ đầy đủ quy trình chế biến.
Qua quá trình kiểm tra, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong đánh giá, các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm về cơ bản đã chấp hành nghiêm các quy định về Luật An toàn thực phẩm và các quy định về quá trình tham gia chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng phát hiện những cơ sở chưa thực hiện nghiêm các nguyên tắc vệ sinh, an toàn thực phẩm như: Chưa tuân thủ đầy đủ việc kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn; đeo đồ trang sức trong quá trình chế biến thực phẩm; người chế biến thực phẩm không kiểm tra sức khỏe định kỳ; khu vực sản xuất, chế biến không bảo đảm nguyên tắc một chiều; điều kiện vệ sinh thực tế không bảo đảm: Có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập… Tại thời điểm kiểm tra, các đoàn kiểm tra đã yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm, thậm chí đề nghị cơ sở phải tạm thời dừng hoạt động để khắc phục ngay những tồn tại.
Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kiến thức về an toàn thực phẩm theo các chuyên đề về bếp ăn tập thể trường học, bữa cỗ tập trung đông người… Bên cạnh đó, ngành Y tế thành phố cũng tiến hành đánh giá, thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời thẩm định kỹ năng điều tra ngộ độc thực phẩm và kỹ năng về tư vấn giám sát cho mạng lưới cộng tác viên an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh kiểm tra đột xuất, hậu kiểm
Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, từ nay đến cuối năm, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà thông tin, thành phố sẽ tiếp tục triển khai thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô. Đặc biệt, thành phố tập trung đẩy mạnh hậu kiểm cơ sở thực phẩm thuộc ngành Y tế quản lý, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định. Mặt khác, thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ các mô hình điểm về an toàn thực phẩm như: Tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát; kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người; bảo đảm an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…
Riêng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện mô hình “Đánh giá thực trạng an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc đối với bếp ăn tập thể khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất năm 2023”. Đồng thời, Chi cục tiếp tục là cơ quan thường trực về các hoạt động điều tra, xử lý và phòng, chống ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cũng mong rằng, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền về công tác an toàn thực phẩm tại cơ sở, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng thực phẩm và cần thận trọng trong việc lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã cấp 226 giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, 8 giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm, cấp 576 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và tiếp nhận 2.004 bản tự công bố sản phẩm thuộc ngành Y tế quản lý.
(Báo Hà Nội mới)
* Nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ những bữa cỗ tập trung đông người
Thời gian gần đây, các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể liên tiếp xảy ra do nắng nóng. Nhất là với các bếp ăn tập thể, bữa cỗ tập trung đông người như đám cưới, tiệc… đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP).
Liên tiếp xảy ra ngộ độc ở đám cưới
Những ngày qua, dư luận xôn xao về vụ ngộ độc tập thể tại một đám cưới (nhà bà N.T.K.P., ở thôn Thượng Phú Phương, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) do cơ sở nấu ăn lưu động của bà T.T.C. chế biến vào ngày 15/5. Đã có 48/530 người dùng bữa tại đám cưới bị ngộ độc thực phẩm. Hầu hết người bị ngộ độc đều có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, một số người còn bị đau đầu, sốt nhẹ…
Khi vụ việc xảy ra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Quảng Trị đã điều động cán bộ phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cơ quan liên quan lấy mẫu kiểm nghiệm. Kết quả, cơ quan chức năng phát hiện trong các mẫu bê thui, bò nấu típ, cua để làm tiết canh cua, rau sống, đá viên có nhiều loài vi khuẩn có khả năng gây ngộ độc thực phẩm như: Phát hiện chủng Bacillus cereus sinh độc tố trong mẫu bê thui, bò nấu típ, rau sống. Đồng thời phát hiện nội độc tố Staphylococcal enterotoxin trong mẫu cua để làm tiết canh cua, mẫu rau sống.
Đặc biệt, cơ sở nấu ăn lưu động của bà T.T.C. không có các giấy tờ cần thiết như giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP, giấy chứng nhận sức khỏe đối với người trực tiếp chế biến, hợp đồng mua bán thực phẩm, không thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn.
Thực phẩm cung cấp cho tiệc cưới được nấu tại nhà bà N.T.K.P. - vị trí chế biến thực phẩm có ruồi và gần chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra, cơ sở của bà C. không thực hiện lưu mẫu thức ăn phục vụ bữa ăn ở tiệc cưới.
Trên cơ sở triệu chứng lâm sàng của các ca bệnh, kết quả điều tra, kiểm nghiệm mẫu thực phẩm có liên quan, Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Trị kết luận, đây là vụ ngộ độc thực phẩm nghi ngờ do nhiễm nhiều loài vi khuẩn có khả năng gây ngộ độc thực phẩm trong thức ăn ở tiệc cưới… Về sự việc này, Chi cục ATVSTP tỉnh Quảng Trị đã quyết định xử phạt chủ cơ sở nấu ăn lưu động 22,5 triệu đồng vì vi phạm quy định ATTP.
Tương tự, cuối tháng 5/2023, tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng cũng đã xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm tập thể khiến 49 người nhập viện với các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, một số bệnh nhân có sốt nhẹ và nhức đầu.
Trước đó, ngày 26/5, khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Di Linh tiếp nhận một số bệnh nhân có các triệu chứng nghi do ngộ độc thực phẩm. Qua thăm khám lâm sàng và khai thác bệnh sử, bác sĩ trực nhận định ban đầu các bệnh nhân rối loạn tiêu hóa, nghi ngộ độc thực phẩm. Tính đến ngày 29/5, 49 bệnh nhân đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Di Linh và các trạm y tế trên địa bàn. Tất cả bệnh nhân đều đã được khám, nằm theo dõi điều trị.
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, qua rà soát, 49 bệnh nhân trên đều đến bữa tiệc cưới tổ chức tại nhà của gia đình bà K. D. (thôn Krọt Dờng, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh) trưa 25/5. Đám cưới này có khoảng 540 người tham dự, món ăn do cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động Thái Phương Nam (xã Bảo Thuận, huyện Di Linh) của bà T.N.C.Q. nấu. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu thực phẩm đưa đi kiểm nghiệm để xác minh nguyên nhân ngộ độc.
Bảo quản thực phẩm đúng cách
Theo các chuyên gia y tế, vào mùa Hè khi nhiệt độ từ 37 độ C đến 40 độ C là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh với cấp số nhân, gấp 3 lần so với thời tiết bình thường. Thêm vào đó, thói quen đơn giản trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến... không bảo đảm ATVSTP cũng làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Đặc biệt, việc kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều nơi chưa tuân thủ đầy đủ những yêu cầu bắt buộc trên.
Đề cập đến vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Đặng Thanh Phong nhấn mạnh, việc thực hiện lưu mẫu thức ăn hỗ trợ rất lớn trong quá trình thu thập thông tin và điều tra khi có nghi ngờ xảy ra về ngộ độc thực phẩm, thể hiện tinh thần trách nhiệm cũng như tính minh bạch của cơ sở kinh doanh.
Với bếp ăn tập thể, việc lưu mẫu thức ăn được đánh giá rất quan trọng khi xảy ra sự cố liên quan đến vấn đề ATTP. Khi đó, việc lưu mẫu thức ăn sẽ được cơ quan chức năng thu giữ và dùng cho các công đoạn kiểm tra, chứng thực về độ an toàn, vệ sinh của từng thành phẩm nguyên liệu.
Trong khi đó, TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, nắng nóng là điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Do đó, các loại thực phẩm đều có thể là môi trường cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, đặc biệt với những thực phẩm thuộc nhóm nguy cơ cao như thịt, cá, trứng, sữa hoặc thực phẩm không được làm sạch, do quá trình sản xuất, vận chuyển bị ô nhiễm. Ngoài ra, một số món ăn như canh, súp hoặc thực phẩm phải chế biến qua nhiều khâu sẽ có nguy cơ “dính” vi khuẩn từ bên ngoài.
Theo TS Nguyễn Trung Nguyên, với các bếp ăn tập thể, bữa cỗ tập trung đông người như đám cưới, tiệc… đều tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP. Đơn cử như việc phải phục vụ nhiều người một lúc, tốc độ phục vụ nhanh khiến thức ăn chưa đủ thời gian chín, đồ chín để lẫn đồ sống dễ nhiễm khuẩn, hay việc đồ ăn phải chuẩn bị từ sớm có nguy cơ ôi thiu.
Ngoài ra, vào mùa Hè, những thực phẩm như hải sản giàu đạm, protein… nhanh chóng bị ôi thiu nên người ăn có nguy cơ bị ngộ độc. “Vào mùa nắng nóng, tất cả các thực phẩm đã qua chế biến chỉ nên để ở ngoài khoảng 2 - 3 tiếng. Nếu để lâu hơn, thực phẩm có thể ôi thiu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây ngộ độc khi ăn phải.
Nếu muốn bảo quản thực phẩm lâu hơn, hãy để trong điều kiện lạnh như tủ lạnh, phích đựng đá, tốt nhất là đông lạnh. Thức ăn đã chế biến để trong tủ lạnh trước khi ăn nên đun sôi lại ở nhiệt độ trên 100 độ C và thời gian trên 5 phút. Bên cạnh đó, việc ăn sống một số các loại thức ăn vẫn có nguy cơ bị ngộ độc. Do đó, tốt nhất nên ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn” – bác sĩ Nguyên khuyến cáo.
Theo các chuyên gia y tế, ngộ độc thực phẩm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân cần nhập viện ngay khi dấu hiệu ngộ độc thực phẩm có biểu hiện nặng như nôn ói nhiều, không thể ăn uống bất cứ thứ gì, chất nôn hoặc phân có máu, tiêu chảy hơn 3 ngày, đau quặn bụng dữ dội, sốt hơn 38 độ C.
Mùa Hè làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác, nước thải và sự phát triển mạnh của các loại côn trùng truyền bệnh như ruồi, nhặng, gián, muỗi... Với những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nếu không tuân thủ các quy định bảo đảm ATTP trong chế biến dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế
(Báo Kinh tế & đô thị)
* Bộ Y tế cảnh báo, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa Hè
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, trong thời gian tới nắng nóng tiếp tục xảy ra, đặc biệt tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, số ngày nắng nóng xảy ra nhiều hơn trung bình nhiều năm và gay gắt hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Trong khoảng thời gian từ tháng 6 - 8/2023 có nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng.
Tình hình ngộ độc thực phẩm có chiều hướng gia tăng do thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh và độc tố tự nhiên trong nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản...
Nguyên nhân chính là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của động thực vật chứa độc tố tự nhiên; ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ.
Nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch…
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng chống ngộ độc thực phẩm thời gian tới, Cục ATTP đã ban hành Công văn số 1281/ATTP-NĐTT đề nghị Sở Y tế các tỉnh/TP trực thuộc Trung ương, Ban Quản lý ATTP các tỉnh/TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động triển khai:
Tăng cường thanh kiểm tra, giám sát ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay.
Các cơ sở kinh doanh nước giải khát, nước đá, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất… Phát hiện sớm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy ATTP và công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Các đơn vị thông tin, tuyên truyền kiến thức về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm để nâng cao trách nhiệm chuyển đổi hành vi mất ATTP.
Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. Tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Thực hiện ăn chín, uống chín, nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm phải khử trùng, đặc biệt là trong thời gian bão, lụt xảy ra.
Tuyên truyền để người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động thực vật độc như nấm độc, côn trùng lạ, độc, cá nóc, so biển, ốc lạ, cây, quả lạ...; chú ý bảo đảm an toàn trong chế biến và sử dụng thịt cóc.
Phổ biến các quy định bảo đảm ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất… Yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh.
Các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác phòng chống ngộ độc do Clostridium botulinum. Kiểm soát chất lượng ATTP các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt nhằm đảm bảo không để sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng… đến tay người dân.
Ngoài ra, các đơn vị chủ động dự trữ thuốc men, hoá chất, phương tiện, nhân lực, phương án sẵn sàng phối hợp hoặc chủ động xử lý, khắc phục khi có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra, không để lan rộng trong cộng đồng.
(Báo Kinh tế & đô thị)
* Cán bộ dân số có được phụ cấp ưu đãi nghề 100% theo Nghị định 05 không?
Nhiều cán bộ dân số tại trạm y tế xã, phường quan tâm, liệu họ có được hưởng phụ cấp 100% theo Nghị định 05/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP không?
Có một số bạn đọc hỏi, Nghị định số 05/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP có bổ sung Khoản 7 Điều 3 về phụ cấp ưu đãi nghề y tế bắt đầu từ ngày 1/1/2023, vậy viên chức dân số tại trạm y tế có được hưởng phụ cấp ưu đãi 100% không?
Trường hợp khác cho biết đang làm việc tại Phòng Dân số truyền thông giáo dục sức khỏe thuộc Trung tâm Y tế huyện. Trong thời gian đại dịch COVID-19 bà được điều động vào làm việc tại khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Vậy trường hợp này có được hưởng phụ cấp nghề 100% theo Nghị định 05/2023/NĐ-CP không?
Về vấn đề này, Bộ Y tế cho biết sau:
Thực hiện Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị: Điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40 -70% lên mức 100%, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP, theo đó quy định tại Điều 1 như sau: Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023:
- Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Phòng khám đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và bệnh viện tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
- Trong thời gian áp dụng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở quy định tại Khoản 7 này thì không áp dụng quy định tại Điểm c Khoản 2 và quy định đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng tại Khoản 4 Điều 3.
Như vậy, đối tượng hưởng phụ cấp ưu đãi nghề mức 100% theo quy định tại Nghị định số 05/2023/NĐ-CP là viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế đã và đang được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức từ 40% - 70% quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 19/1/2012 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2011/NĐCP.
Các trường hợp không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định số 05/2023/NĐCP thì tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề theo quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập (như truyền thông giáo dục sức khỏe, dân số - kế hoạch hóa gia đình; viên chức quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế....).
Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn gửi 30 Sở Y tế tỉnh, thành phố thông tin 6 nội dung giải đáp về thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở theo quy định tại Nghị định 05/2023 của Chỉnh phủ và các văn bản liên quan khác.
Tại công văn này có nêu: Về trường hợp viên chức được cử biệt phái trong thời gian từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2023:
Đề nghị thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 27 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ và khoản 4, 5, 6 Điều 36 Luật Viên chức: "Trong thời gian biệt phái, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các quyền lợi khác của viên chức. Viên chức được cử biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
(Báo Sức khỏe & đời sống)