Chảy máu cam ở trẻ em là hiện tượng khá phổ biến nhưng nhiều bậc cha mẹ thường lo lắng.
Bài viết này sẽ cung cấp đến các bậc phụ huynh những thông tin quan trọng về nguyên nhân thường gặp và đặc biệt là phương pháp phòng ngừa chảy máu cam ở trẻ để phụ huynh an tâm hơn khi chăm sóc trẻ.
Chảy máu cam xuất hiện khi các mạch máu nhỏ ở mũi bị vỡ và chảy máu. Đây là hiện tượng phổ biến, xuất hiện nhiều nhất ở trẻ 2-10 tuổi. Không rõ vì lý do gì, chảy máu cam thường xảy ra nhiều hơn vào buổi sáng. Đa số trường hợp không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, chấn thương vẫn là lý do phổ biến nhất vì niêm mạc mũi được nuôi dưỡng bởi nhiều mạch máu nhỏ nằm rất nông, ngay sát bề mặt.
Một số nguyên nhân thường gặp là do thời tiết, rất thường gặp trong mùa hè là trẻ bị nóng trong người làm cho các mạch máu, cấu trúc trong mũi bị vỡ, gây ngứa ngáy. Trẻ em thường có tật hay ngoáy mũi, vô tình làm vỡ mạch máu và chảy máu cam.
Thường trẻ chảy máu cam trong khi chơi đùa và cho những vật dụng, đồ chơi vào mũi, hoặc bị va đập vào các vật cứng như bàn, ghế, tường cũng thường xuyên xảy ra. Có những tình huống do trẻ tò mò, hiếu kỳ chơi các bộ phận nhỏ, chúng cho vào mũi rồi quên nó đi hoặc là sợ để người lớn biết và chảy máu cam là không thể tránh khỏi.
Viêm mũi thường làm cho các mạch máu, bao gồm cả động mạch và tĩnh mạch mở rộng, do đó hệ thống mạch máu trong khoang mũi của trẻ cũng có những biến đổi nhất định nên dễ gây chảy máu mũi khi có tác động nhẹ từ bên ngoài.
Có một số yếu tố bẩm sinh, di truyền như cấu trúc thành mạch máu, cấu tạo vách mũi mỏng cũng khiến cho trẻ dễ bị tác động từ ngoại cảnh, gây tổn thương và chảy máu cam.
Đặt trẻ ngồi thẳng, đầu và cổ hơi ngả về trước. Tư thế này giúp máu không chảy xuống họng, tránh gây nôn
Xử trí như nào?
Nếu chăm sóc đúng cách, phần lớn các trường hợp chảy máu mũi trước sẽ tự ngừng. Vì vậy việc sơ cứu đúng là rất quan trọng.
Trước hết, cần trấn an trẻ, động viên và an ủi để trẻ không hoảng sợ khi thấy máu. Để trẻ ngồi thẳng lưng, đầu ngả về trước. Không ngửa đầu trẻ vì sẽ gây chảy máu ngược lại hốc mũi, xuống miệng, trẻ sẽ khó chịu và có thể gây nôn. Dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ bóp chặt mũi để ngăn không cho máu tiếp tục chảy, thở bằng miệng, giữ như vậy từ 5-10 phút. Động tác này sẽ ép chặt lên điểm chảy máu ở vách ngăn mũi và thường làm máu ngừng chảy.
Lưu ý: Không ngả đầu bệnh nhâu ra sau bởi ngả đầu ra sau có thể khiến người bệnh bị sặc, ho do máu chảy xuống miệng. Nếu máu chảy xuống miệng thì không được nuốt vì sẽ gây khó chịu khiến trẻ dễ nôn. Nếu muốn, có thể chườm lạnh hay đặt khăn mát lên vùng gốc mũi và má của trẻ. Điều này giúp mạch máu ở mũi co lại, làm chậm quá trình chảy máu. Chỉ nên áp dụng biện pháp này nếu trẻ đồng ý phối hợp.
Khi nào cần đi khám?
Nếu trẻ hay chảy máu cam, không cầm máu sau khi áp dụng các biện pháp sơ cứu trong vòng 20 phút; máu chảy nhanh hoặc mất nhiều máu; chảy máu do chấn thương, ví dụ ngã hay bị đấm vào mặt; cảm thấy người yếu, chóng mặt; máu chảy xuống phần sau họng chứ không chảy ra phần trước mũi kể cả khi trẻ đã ngồi ngả đầu về phía trước... cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được xử trí và điều trị.
Lời khuyên thầy thuốc
Đối với trường hợp trẻ hay bị chảy máu cam do thời tiết, môi trường, cần cho trẻ uống đủ nước. Tránh chấn thương vùng vách ngăn mũi. Dùng máy phun sương làm ẩm không khí. Chú ý làm vệ sinh máy thường xuyên. Dùng nước muối sinh lý nhỏ hoặc xịt mũi giúp làm ẩm niêm mạc. Điều này đặc biệt quan trọng với trẻ thường xuyên bị cảm, ngạt mũi hay dị ứng mũi. Nếu chảy máu cam dai dẳng, nên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.
ThS.BS. Quang Minh
Nguồn https://suckhoedoisong.vn