Trẻ bị nhiệt miệng là một bệnh phổ biến, thường gặp nhưng lại không dễ phát hiện ra. Nguy hiểm hơn, tình trạng này còn là một trong những triệu chứng của một số bệnh như loét dạ dày, bệnh viêm ruột, bệnh tay chân miệng ở trẻ.
Nhiệt miệng sẽ khiến cho các bé cực kì khó chịu, nhất là khi ăn uống và con trở nên biếng ăn làm bố mẹ hết sức lo lắng. Nếu để tình trạng nhiệt miệng kéo dài có thể dẫn đến lở loét miệng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các con.
Dưới đây thông tin về bệnh nhiệt miệng để tìm hiểu và có cách phòng tránh, điều trị kịp thời nhé!
Các Nội Dung Chính [hide]
1. Nhiệt miệng là gì
Nhiệt miệng là tổn thương ở niêm mạc miệng hoặc nướu răng khiến người bệnh, đặc biệt là các bạn nhỏ gặp khó khăn trong việc ăn uống hàng ngày.
Biểu hiện của trẻ khi bị nhiệt miệng cũng giống như người lớn. Con sẽ bị đau, rát vùng lưỡi và xung quanh miệng, nặng hơn là trẻ có thể bị sốt, viêm loét vùng niêm mạc bởi các vết thương nông.
2. Dấu hiệu nhật biết bé bị nhiệt miệng.
– Trong niêm mạc miệng (phần niêm mạc trong má, vòm miệng, lợi) hoặc bề mặt lưỡi xuất hiện một hoặc nhiều đốm trắng to 1 – 2 mm màu trắng hoặc ngà.
– Đốm trắng to dần từ 8 – 10 mm, hơi mọng nước, vài ngày sau đồng loạt vỡ ra tạo thành vết loét hơi tấy đỏ. Những vết loét có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc vài nốt một.
hình ảnh nhiệt miệng ở trẻ
– Miệng chảy nhiều nước dãi.
– Sưng nướu răng, có thể chảy máu.
– Trẻ quấy khóc, bỏ ăn, dễ sụt cân.
– Nếu bị nặng có thể sốt cao, nổi hạch.
Nhiều bố mẹ thường hay nhầm lẫn triệu chứng của bệnh nhiệt miệng với triệu chứng của sốt mọc răng vì chúng có nhiều điểm khá tương đồng. Khi thấy con sốt cao, nếu không phải do trẻ mọc răng thì đó có thể là do con bị nhiệt miệng và những vết lở đã nặng hơn. Do đó, bố mẹ nên chú ý theo dõi và nghĩ đến mọi khả năng các loại bệnh con có thể mắc phải nhé.
>>> Xem thêm: Bé Không Chịu Đánh Răng – Nguyên Nhân Và Cách Giải Quyết
3. Nguyên nhân trẻ bị nhiệt miệng
– Các tác nhân từ bên trong cơ thể của trẻ:
– Do tổn thương niêm mạc miệng: Những tổn thương này có thể do vi khuẩn từ các bệnh lí về răng miệng gây nên như bệnh sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu…
– Do trẻ bị rối loạn bài tiết bên trong, do dị ứng với thuốc và thực phẩm.
– Do chức năng miễn dịch bị suy giảm, trẻ bị nhiễm khuẩn hay virus và khiến cơ thể không có sức lực để chống lại sự tấn công của vi khuẩn.
– Do thiếu các chất dinh dưỡng và một vài nhóm vitamin đặc biệt như: nhóm vitamin B, chất kẽm, sắt.
Các tác nhân khác từ môi trường bên ngoài và trong sinh hoạt hàng ngày:
– Do lúc ăn uống trẻ tự cắn phải má, lưỡi dẫn đến nhiễm trùng gây viêm loét.
– Do cọ sát, tác động từ bên ngoài gây ra những vết xước làm tổn thương niêm mạc, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập (đánh răng hay bé ngậm phải vật sắc nhọn).
– Do thời tiết khô và nóng bức, cơ thể trẻ bị thiếu hụt nước dẫn đến cơ nhiệt tăng cao, nóng trong người cũng khiến cho nhiệt miệng gia tăng và phát triển.
4. cách chữa nhiệt miệng cho bé tại nhà
– Súc miệng bằng nước ấm hoặc nước muối pha loãng. Cho con súc miệng ít nhất 4 lần mỗi ngày cho đến khi các vết lở lành hẳn.
– Dùng bàn chải mềm: Bàn chải mềm sẽ giúp con đỡ đau hơn khi đụng phải những vết loét.
– Ăn thức ăn dạng lỏng: Bị nhiệt miệng sẽ làm bé không muốn ăn uống. Những thức ăn dạng lỏng sẽ giúp bé dễ ăn hơn. Việc ăn thức ăn đặc, rắn có thể làm con đau, mẹ có thể xay thức ăn nhỏ để trẻ dễ ăn hơn.
– Mẹ cũng nên tránh những thức quá mặn hoặc có tính axit vì có thể làm vết loét trở nên nghiêm trọng hơn.
– Uống nhiều nước: Các vết lở có thể khiến bé đau và không muốn uống nước nhưng bố mẹ nên chắc chắn rằng con vẫn nạp đủ luợng nước mỗi ngày. Hãy nói với bé rằng thường xuyên uống nước có thể giúp con nhanh khỏi hơn.
– Bố mẹ có thể cho trẻ uống bổ sung thêm vitamin C, B2. Ngoài ra, vitamin A cũng rất tốt vì giúp cơ thể tái tạo niêm mạc, giúp mau lành các vết nhiệt hơn. Và lưu ý bố mẹ nên tham khảo ý kiến và làm theo hướng dẫn của bác sĩ nhé.
>>>>> Trẻ Bị Hôi Miệng – Nguyên Nhân – Cách Chữa Trị Và Phòng Ngừa
5. Khi nào thì nên đưa trẻ bị nhiệt miệng đi khám bác sĩ
Thông thường, bệnh nhiệt miệng có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bố mẹ nên đưa con đến thăm khám bác sĩ nếu có những triệu chứng sau đây:
– Giảm cân nhanh chóng.
– Đau ở vùng bụng.
– Sốt cao bất thường.
– Trong phân có lẫn máu hoặc chất nhầy.
– Viêm hoặc loét da xung quanh hậu môn.
– Nhiệt miệng còn là biểu hiện khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng.
– Một vài trường hợp, lở miệng là hậu quả gián tiếp của viêm loét dạ dày hoặc viêm ruột.
Hiện nay có rất nhiều loại kem, thuốc bôi trị nhiệt miệng cho bé nhưng bố mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc bôi vì cơ địa và nguyên nhân gây bệnh ở mỗi trẻ mỗi khác. Tuyệt đối không nên tùy ý dùng thuốc có thể gây dị ứng hay những biến chứng không mong muốn cho các bé.
Những bạn nhỏ thường xuyên bị nhiệt miệng, hay tái phát quá nhiều lần và khó lành cần đi khám để phát hiện rõ nguyên nhân và điều trị.
6. Cách phòng ngừa nhiệt miệng cho bé
– Thiết lập thói quen tốt cho bé trong sinh hoạt hàng ngày như nghỉ ngơi có giờ giấc, không để bé thức khuya, cho bé ăn uống đúng giờ và không ăn quá no.
– Giữ vệ sinh răng miệng tốt, hướng dẫn bé đánh răng đúng cách, tránh làm tổn thương niêm mạc. Và lưu ý chọn loại bàn chải lông mềm để tránh tổn thương răng miệng cho con.
– Bố mẹ có thể tập cho con thói quen xúc miệng nước muối ấm hàng ngày bởi nước muối với nồng độ thích hợp, độ ấm vừa phải sẽ có tác dụng sát trùng tốt, làm sạch khoang miệng, amidan và cổ họng của con.
– Hạn chế nêm nếm thức ăn quá đậm mắm, muối hay các loại thức ăn có vị quá chua sẽ làm bé bị đau nhiều hơn.
– Tuyệt đối không cho bé uống nước đá.
– Chế độ ăn của bé nên phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là bổ sung vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Nên cho con ăn những thức ăn có tính mát có tác dụng giải nhiệt như rau xanh và hoa quả.
– Khi cho ăn, bố mẹ không nên ép con ăn quá vì dễ khiến bé quấy, hoảng loạn và cắn vào lưỡi.
– Không để trẻ ngậm các đồ vật: Luôn bao quát khi bé chơi, không để bé ngậm các vật sắc hay cho tay vào miệng. Các đồ vật có thể làm tổn thương khoang miệng bé, chưa kể bé có thể nuốt phải cực kì nguy hiểm. Đặc biệt là các vật có góc nhọn sẽ gây nguy hiểm, kể cả với vật không nhọn ngậm trong miệng cũng có thể làm bé bị đau.
Chăm sóc trẻ khi bị nhiệt miệng cần hết sức cẩn thận và kiên trì vì khi đó con bị đau rát, quấy khóc, không chịu ăn, uống thuốc, không cho kiểm tra miệng, dễ nôn trớ khiến sút cân rất nhanh và lâu khỏi bệnh. Nhiệt miệng không phải là một bệnh nghiêm trọng, hoàn toàn có thể tự khỏi hoặc khỏi nhanh nếu bố mẹ chú ý và biết cách xử lí.
Vì vậy bố mẹ nên nắm được những kiến thức cơ bản về biểu hiện, nguyên nhân khiến trẻ bị nhiệt miệng, cũng như cách chăm sóc khoa học giúp con mau lành vết nhiệt, tránh tình trạng kéo dài hoặc xử lý sai, khiến tình trạng nhiệt miệng trở nên trầm trọng nhé.