Sốt virus là bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp với dấu hiệu điển hình là trẻ đột ngột sốt cao 39 - 40 độ C, kèm theo các biểu hiện khác như ho, chảy nước mũi, rối loạn tiêu hóa, nổi ban...
Sốt virus rất dễ gây thành dịch, đây là bệnh phổ biến thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xảy ra vào lúc thời tiết giao mùa, đặc biệt khi trời nóng ẩm. Sốt virus không gây nguy hiểm ở người lớn, nhưng ở trẻ em có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Chăm sóc đúng cách khi trẻ sốt virus
Hầu hết các trường hợp nhiễm virus đều diễn tiến tốt và trẻ sẽ hồi phục sau vài ngày nếu được nghỉ ngơi, chăm sóc và cung cấp chế độ ăn hợp lý giàu năng lượng.
Để tránh tình trạng mất nước khi sốt, hãy khuyến khích trẻ uống nước nhưng không nên cho trẻ uống một lần quá nhiều. Hãy cho trẻ uống từng ngụm nhỏ nước lọc, dung dịch oresol, nước trái cây hay sữa mát lạnh 15 phút/lần, để cung cấp đầy đủ nước, làm ẩm và làm dịu cơn đau rát ở vùng hầu họng, giúp trẻ dễ nuốt hơn và ít bị nôn ói. Phụ huynh có thể yên tâm khi làm điều này, bởi lẽ nước đã được làm mát sẽ không làm cho tình trạng viêm họng trở nên trầm trọng hơn.
Khuyến khích trẻ uống nước để tránh tình trạng mất nước khi sốt
Trẻ bị sốt virus cần kiêng kỵ những gì?
Không cần thiết phải kiêng cữ quá độ. Bé cần phải được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để bù lại năng lượng bị thiếu hụt khi ốm. Vì vậy, hãy cho bé ăn uống nhiều bữa trong ngày bằng các thức ăn giàu năng lượng, dễ tiêu hóa, mềm, lỏng, nguội. Có thể bổ sung thêm một số vitamin và khoáng chất cho trẻ qua thực phẩm hoặc thuốc bổ sung.
Trẻ cần được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để bù lại năng lượng bị thiếu hụt khi ốm
Dùng nước muối sinh lý NaCl 0.9% để làm sạch ghèn đóng ở mắt và dịch ứ đọng ở mũi. Sử dụng nước muối để trong ngăn mát của tủ lạnh, nhỏ mũi là phương pháp giúp trẻ có thể giảm ngạt mũi an toàn và hiệu quả.
Đối với trẻ trên 1 tuổi, có thể dùng quất chưng mật ong hay một vài loại thuốc ho thảo dược để làm dịu cơn ho của bé. Tuy nhiên, khi mua những loại thuốc ho này tại hiệu thuốc cần hỏi ý kiến của dược sĩ để lựa chọn loại phù hợp với lứa tuổi và cần sử dụng không vượt quá liều lượng đã được khuyến cáo trên sản phẩm.
Khi trẻ sốt, bên cạnh việc dùng các loại thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol ( 10-15mg/kg/lần mỗi 4-6 giờ), Ibuprofen (5-10mg/kg/lần mỗi 4-6 giờ) hãy lau mát cho trẻ tại các vị trí như trán, nách, bẹn… bằng nước ấm để giúp hạ nhiệt nhanh hơn. Mặc dù Aspirin giảm đau và hạ sốt rất hiệu quả nhưng tuyệt đối không nên cho trẻ sử dụng thuốc này khi bị nhiễm siêu vi, vì sẽ làm cho tình trạng bệnh nặng hơn do tổn thương gan, não.
Trẻ thường hồi phục trong vòng 7-10 ngày. Tuy nhiên, cảm giác mệt mỏi và ho có thể kéo dài đến vài tuần sau đó.
Nếu sức đề kháng kém, trẻ có thể bị nhiễm khuẩn khi đang nhiễm hay sau nhiễm virus với biểu hiện là các triệu chứng không chấm dứt sau một tuần hay trở nên trầm trọng hơn. Lúc này hãy đưa trẻ đến bác sĩ để được điều trị thích hợp. Kháng sinh sẽ cần thiết trong trường hợp này.
Khi nào phải đưa trẻ đi khám?
Trẻ cần được đưa đến bệnh viện ngay nếu sốt cao liên tục 3 ngày; trẻ dưới 2 tháng tuổi; trẻ có bệnh lý mạn tính như tim mạch, hen suyễn kèm theo đau bụng ngày càng tăng; nôn ói, tiêu chảy quá nhiều; nhức đầu dữ dội, cứng cổ; bứt rứt; quấy khóc, li bì khó đánh thức; khó thở, tím tái; chảy máu mũi, chảy máu răng, nôn ra máu hoặc đi ngoài có máu…
Trẻ cần được đưa đến bệnh viện ngay nếu sốt cao liên tục 3 ngày
Kháng sinh không hiệu quả khi tác nhân gây bệnh là siêu vi. Vì vậy, cha mẹ không tùy tiện cho bé sử dụng kháng sinh, vì điều này không chỉ làm hao tốn tiền bạc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà còn gia tăng nguy cơ tạo ra những chủng vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm trong cộng đồng.
Nguồn https://suckhoedoisong.vn