Trẻ bị tiêu chảy thường là do vi trùng, virus hoặc ký sinh trùng gây nên. Khi phát hiện bé bị đi ngoài phải điều trị ngay nếu không có thể biến chứng nặng và gây nguy hiểm tính mạng của con.
Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ em rất nguy hiểm, tần suất tử vong rất cao, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Việc theo dõi và phát hiện tình trạng bệnh sớm sẽ giúp điều trị bệnh nhanh và hiệu quả hơn.
Tiêu chảy là gì?
Tiêu chảy là tình trạng nhu động ruột hoạt động mạnh hơn, phân mềm hoặc tạo thành chất lỏng. Trẻ em ở từng thời kỳ đều có thể bị tiêu chảy nhưng diễn ra không quá lâu.
Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Khi lớn hơn, hệ tiêu hóa phát triển ổn định hơn thì tình trạng bị tiêu chảy sẽ giảm xuống. Tiêu chảy có các loại khác nhau:
- Tiêu chảy cấp tính (ngắn hạn): Chỉ kéo dài 1 - 2 ngày là hết, thường liên quan đến nhiễm trùng hoặc do vi khuẩn.
- Tiêu chảy mãn tính (lâu dài): Tình trạng tiêu chảy kéo dài trong vài tuần, nguyên nhân là do hội chứng ruột bị kích thích hoặc có thể là do bệnh đường ruột.
Trẻ bị tiêu chảy cần phải phát hiện sớm và điều trị kịp thời (Ảnh minh họa)
Cách xác định trẻ bị tiêu chảy
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tần suất đi ngoài khác nhau vì vậy cần chú ý tới độ tuổi và dựa vào số lần đi vệ sinh, tình trạng của phân để xác định trẻ có bị đi ngoài hay không. Cụ thể như sau:
- Đối với trẻ sơ sinh: Trẻ sơ sinh có thể đi ngoài 5 - 6 lần/ ngày thậm chí là 10 lần/ ngày do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện hoàn toàn. Trẻ sơ sinh đi ngoài 10 lần/ ngày nhưng vẫn ăn uống bình thường, không bị sút cân thì không phải bị tiêu chảy. Nếu trẻ bị đi ngoài nhiều lần, bỏ bú, sụt cân thì cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ để xác định tình trạng cụ thể.
- Đối với trẻ em: Đi ngoài phân lỏng bất thường từ 3 lần trở lên trong vòng 24 giờ.
Nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy
Có rất nhiều nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy, những nguyên nhân chính thường là do vi khuẩn gây nhiễm khuẩn ruột. Cụ thể những nguyên nhân cơ bản như sau:
- Do virus (nguyên nhân phổ biến nhất): Rotavirus chiếm 40% các trường hợp trẻ bị bệnh. Bệnh xuất hiện nhiều vào mùa đông, ủ bệnh từ 12 giờ - 5 ngày. Bệnh kéo dài 3 ngày đến 1 tuần.
- Do vi khuẩn: Coli gây bệnh, lỵ trực trùng (Shigella), tụ cầu, tả...
- Nhiễm ký sinh trùng qua thức ăn hoặc nước uống.
- Do ngộ độc thức ăn gây tiêu chảy, thậm chí là tiêu chảy cấp với các biểu hiện như nôn ói, đi ngoài nhiều và có xu hướng tự biến mất sau 24 giờ.
- Do nhiễm trùng không liên quan hệ tiêu hóa: úm, sởi , tay chân miệng, viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, hiv...
- Do phản ứng với thuốc: Các loại thuốc như amoxicillin, penicillin, erythromycin, cephalosporin thường có tác dụng phụ gây tiêu chảy.
- Mắc một số bệnh đường ruột, chẳng hạn như viêm ruột, tắc ruột, viêm ruột thừa...
- Trẻ bị rối loạn chức năng ruột chẳng hạn như hội chứng kích ruột gây nên hoạt động bất thường của dạ dày và ruột.
- Chế độ ăn quá nhiều đường (ví dụ như uống quá nhiều nước trái cây, ăn quá nhiều kẹo...)
Các dấu hiệu và triệu chứng trẻ bị tiêu chảy
Dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy sẽ khác nhau ở mỗi nguyên nhân gây bệnh, cơ địa và tình trạng sức khỏe của bé. Nhưng nhìn chung những triệu chứng cơ bản nhất để xác định tiêu chảy ở trẻ em như sau:
- Dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy nhẹ:
+ Đau bụng
+ Đầy hơi
+ Buồn nôn
+ Sốt
+ Mất nước
+ Đi ngoài nhiều lần.
+ Sốt nhẹ hoặc sốt cao tùy cơ địa của mối bé.
- Triệu chứng trẻ bị tiêu chảy nặng:
+ Đau bụng
+ Trong phân có máu
+ Nôn thường xuyên
+ Chán ăn, ăn mất ngon hoặc bỏ ăn (trẻ sơ sinh bỏ bú)
+ Sốt cao
+ Miệng khô, dính miệng
+ Cân nặng bị giảm, thậm chí là sút cân nặng
+ Đi ngoài nhiều lần. Đi tiểu ít
+ Khát nước cực độ
+ Trẻ sơ sinh khi khóc khi không
+ Trẻ mệt mỏi, ngủ li bì, chóng mặt, ít vận động, người mỏi.
+ Trẻ có ít hoặc không có nước mắt khi khóc.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tiêu chảy cơ bản nhất là nôn, sốt cao, đi ngoài phân lỏng (Ảnh minh họa)
Trẻ bị tiêu chảy điều trị như thế nào?
Điều trị tiêu chảy cho trẻ ở bất cứ độ tuổi này cũng cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa.
- Đối với trẻ bị tiêu chảy do virus sẽ tự biến mất. Cho trẻ bú bình thường, tránh các loại nước trái cây hoặc soda, tránh đồ ngọt. Cho trẻ uống thêm điện giải. Nếu bệnh trở nặng sau 1 - 2 ngày thì phải đưa đi gặp bác sĩ ngay.
- Đối với tiêu chảy do vi khuẩn cần được điều trị bằng kháng sinh và do bác sĩ chuyên khoa điều trị.
- Đối với bé bị tiêu chảy do ký sinh trùng thì dùng thuốc chống ký sinh trùng và cũng phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định.
- Bé bị tiêu chảy nên uống thuốc gì?: Mọi vấn đề liên quan đến thuốc uống cho trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh khi bị bệnh tiêu chảy phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa, các bố mẹ không tự ý mua thuốc điều trị cho con tại nhà rất nguy hiểm, có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn và biến chứng khó lường.
- Có thể tự điều trị tiêu chảy cho trẻ tại nhà không?: Khi trẻ bị tiêu chảy hoặc có dấu hiệu bị tiêu chảy cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ. Các bác sĩ sẽ có những hướng dẫn cụ thể về cách chữa trị tại nhà nếu là tình trạng bệnh nhẹ. Không tự ý chữa trị cho trẻ bằng thuốc đông y, bằng các bài thuốc dân gian rất nguy hiểm.
- Khi nào cần đưa trẻ bị tiêu chảy đi gặp bác sĩ? Có một số tình trạng tiêu chảy sẽ biến mất sau 24 giờ nhưng nếu trẻ có những biểu hiện sau thì cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ ngay:
+ Trẻ quá yếu thậm chí không thể tự đứng lên được.
+ Choáng và chóng mặt
+ Bệnh không có chuyển biến tích cực, trở nặng thêm và kéo dài hơn 3 ngày không khỏi.
+ Trẻ ói mửa ra chất lỏng màu xanh hoặc màu vàng đậm.
+ Bị sốt cao, hơn 38 độ với trẻ sơ sinh và 40 độ với trẻ nhỏ.
+ Xuất hiện các triệu chứng mất nước, nôn mửa quá nhiều
+ Trẻ đi ngoài phân có máu.
+ Xuất hiện thêm các hiện tượng phát ban, đau dạ dày trong hơn 2 giờ, không đi tiểu trong 6 giờ.
+ Trẻ sơ sinh không tự chữa tại nhà, phải đưa đi gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện những biểu hiện bất thường mà không
cần chờ thời gian bao lâu.
Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy
Đối với bé được chỉ định điều trị tại nhà sẽ có cách chăm sóc khác với những bé được chỉ định điều trị tại bệnh viện.
1. Chăm sóc bé bị tiêu chảy tại nhà
Đối với các bé bị tiêu chảy dạng nhẹ, nhiễm virus sẽ tự biến mất sau 1-2 ngày. Các bố mẹ bổ sung điện giải cho con và hạn chế đồ ăn như nước uống có ga, đồ ăn nhanh, các thức ăn khó tiêu, thức ăn gây đầy bụng...đến khi trẻ khỏi hoàn toàn thì thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học.
2. Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì?
Khi trẻ bị tiêu chảy, hãy chia nhỏ các bữa ăn của bé để hệ tiêu hóa của con không phải làm việc quá sức. Bổ sung thêm những loại thực phẩm sau khi trẻ bị tiêu chảy:
- Gừng: Tác dụng của gừng giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, kích thích nhu động ruột làm tăng vận chuyển thức ăn, không gây co thắt quá mức, trẻ tiêu hóa dễ dàng, chống đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy.
- Nước chanh: Trong nước chanh có nhiều axit citric và vitamin C, cả 2 đều có tính kháng khuẩn, tăng cường hệ miễn dịch. Uống lượng nước chanh vừa đủ không đường sẽ rất tốt cho điều trị bệnh tiêu chảy do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng. Uống nước chanh cũng là bổ sung nước tốt cho trẻ trong quá trình cơ thể bị mất nước.
- Gạo trắng: Cơm gạo trắng có tác dụng giúp trẻ dễ tiêu hóa, phân nhanh cứng hơn, kích thích cho nhu động ruột hoạt động bình thường trở lại.
- Lựu: Nước ép lựu hoặc ăn quả lựu có tác dụng giúp giảm tiêu chảy.
- Trẻ bị tiêu chảy có nên ăn thịt bò? Khi trẻ bị tiêu chảy nên bổ sung thêm các loại thịt như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, nấu chín.
Trẻ bị tiêu chảy nên ăn các loại thức ăn mềm, cháo, súp (Ảnh minh họa)
3. Trẻ bị tiêu chảy không nên ăn gì?
Những thực phẩm trong quá trình trẻ bị tiêu chảy không nên ăn các bố mẹ cần lưu ý:
- Sữa và các chế phẩm từ sữa có thể gây tiêu chảy cho trẻ em. Đối với trẻ vẫn phải ăn sữa, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
- Một số loại nước ép trái cây như táo, đào, lê... Đối với trẻ sơ sinh, không sử dụng nước ép trái cây nào cho trẻ.
- Cá, tôm và các loại hải sản cũng không nên ăn.
- Các loại đồ uống có ga, cồn, các loại thức ăn khó tiêu.
- Trẻ bị tiêu chảy có nên ăn bí đỏ? Câu trả lời là không nên vì bí đỏ dễ dẫn đến chứng đầy hơi, kích ứng ruột nên trong quá trình trẻ bị tiêu chảy không nên cho con ăn bí đỏ.
Cách phòng tránh trẻ bị tiêu chảy
Phòng hơn chữa là điều mà các bác sĩ, chuyên gia thường khuyến cáo. Để phòng tránh trẻ bị tiêu chảy các bố mẹ nên thực hiện những điều sau:
- Rửa tay bằng xà phòng, nước ấm cho trẻ thường xuyên, đặc biệt là sau khi chơi, sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn.
- Vệ sinh bình bú, đồ dựng pha sữa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hãy vệ sinh chúng bằng nước sôi và để khô.
- Thường xuyên rửa đồ chơi cho trẻ, tránh những loại ký sinh trùng bán vào khi trẻ chơi, ngậm miệng vào đồ chơi.
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để tăng cường hệ miễn dịch.
- Tránh cho trẻ uống quá nhiều nước trái cây, các loại nước uống công nghiệp, có ga, ăn đồ ăn nhanh...
Mọi nghi ngờ về sức khỏe của trẻ các bố mẹ nên đưa con đi gặp bác sĩ để có được những chẩn đoán và cách xử lý kịp thời.
|