Trong các bệnh mùa hè mà trẻ có thể gặp thì không thể không nhắc đến tiêu chảy. Đây là một căn bệnh khá phổ biến, trung bình một đứa trẻ dưới ba tuổi có thể mắc từ một đến ba đợt tiêu chảy trong năm. Tiêu chảy là bệnh đơn giản nhưng nếu không điều trị đúng cách có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng của con trẻ.
Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ, nhất là với những bé dưới 5 tuổi đang ở mức khá cao. Riêng tại Việt Nam, đây là một trong những bệnh chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất ở trẻ em hiện nay. Nghe có vẻ khá đáng sợ, nhưng nếu bạn có cái nhìn toàn diện về bệnh, biết cách phòng ngừa, hãy yên tâm rằng bạn hoàn toàn có thể chăm sóc và bảo vệ con yêu thật tốt.
Truy tìm nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy
Có khá nhiều lời giải thích cho việc vì sao mà trẻ mắc bệnh tiêu chảy. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến mà con thường gặp nhất:
1. Trẻ bị tiêu chảy do nhiễm virus Rota
Virus rota là siêu vi trùng gây nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp rất thường gặp ở trẻ nhỏ trong 5 năm đầu đời. Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng trẻ bị tiêu chảy. Đối tượng hay mắc bệnh là các bé dưới 3 tuổi, tập trung nhiều ở các bé từ 7 đến 24 tháng tuổi.
Các biểu hiện ở trẻ có thể là sốt, nôn, đi cầu nhiều lần trong ngày, phân lỏng màu vàng hoặc xanh. Những tình trạng trên dễ khiến trẻ bị mất nước. Thời gian mắc bệnh có thể kéo dài từ 3 – 9 ngày. Sau đó, trẻ cần nhiều thời gian để phục hồi.
2. Nhiễm ký sinh trùng gây tiêu chảy
Trẻ nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là loại ký sinh trùng Giardia lamblia, sẽ dẫn đến tiêu chảy. Trẻ mắc bệnh thường có các triệu chứng như đi tiêu phân lỏng, phân có máu hoặc chất nhầy, đau bụng, đầy hơi, buồn nôn…
Lưu ý rằng loại ký sinh trùng này có ảnh hưởng đến quá trình hấp thu chất béo của cơ thể nên trong phân sẽ có mỡ hoặc thấy váng mỡ nổi lên và có mùi.
3. Trẻ bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn
Việc trẻ bị nhiễm khuẩn cũng là một trong các nguyên nhân thường gặp và có liên quan đến vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm. Các vi khuẩn thường thấy nhất như E.coli, Salmonella, Shigella, vi khuẩn tả (Vibrio cholerae)… sẽ gây ra những triệu chứng tiêu chảy khác nhau.
Trẻ bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn thường được chẩn đoán dựa trên tính chất của phân, cấy phân để tìm ra loại khuẩn gây bệnh, từ đó mà có biện pháp thích hợp nhất.
4. Tiêu chảy do dùng thuốc kháng sinh
Việc trẻ uống thuốc kháng sinh cũng là một trong những nguyên nhân khiến bé bị tiêu chảy. Nguyên do là kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn nên sẽ tiêu diệt cả vi khuẩn gây hại và lợi khuẩn có trong đường tiêu hóa của con. Hậu quả là hệ vi sinh đường ruột của bé bị mất cân bằng dẫn đến tiêu chảy.
5. Trẻ không dung nạp được lactose
Một số bé bị thiếu hụt men lactase trong cơ thể, loại men có vai trò để tiêu hóa đường lactose có trong sữa. Sự thiếu hụt men lactase sẽ khiến trẻ không hấp thu được các sản phẩm từ sữa.
Khi cơ thể con không hấp thu và tiêu hóa được lactose sẽ dẫn đến ứ đọng loại đường này trong ruột. Lúc này, lactose sẽ chuyển hóa thành axit lactic khiến trẻ bị tiêu chảy. Các bé bị tiêu chảy trong trường hợp này thường có dấu hiệu chướng bụng, sôi bụng, đi phân chua, da quanh hậu môn bị hăm đỏ. Tình trạng bệnh của trẻ nặng hay nhẹ còn tùy vào lượng lactose trẻ tiêu thụ ít hay nhiều.
6. Trẻ bị tiêu chảy do dị ứng hay ngộ độc thực phẩm
Trường hợp dị ứng thực phẩm có thể xảy ra sau vài phút hoặc vài giờ sau khi ăn, nguyên nhân chủ yếu là do protein trong thức ăn. Các triệu chứng dễ gặp là đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, tiêu chảy, có thể khó thở, hạ huyết áp…
Trẻ bị ngộ độc thực phẩm sẽ có biểu hiện như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy gây mất nước và điện giải, nặng hơn sẽ gây tử vong.
Một số gia đình cho con dùng nước trái cây đóng hộp nhưng lại không hề biết rằng loại nước này có thành phần là sorbitol (kể cả trong trái cây tươi vẫn có). Sorbitol là một loại đường khó tiêu dẫn đến tiêu chảy.
Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy còn có thể do mắc các tình trạng bệnh lý như viêm ruột, tắc ruột hoặc do hội chứng ruột kích thích gây nên hoạt động bất thường của dạ dày, ruột.
Các triệu chứng thường gặp khi trẻ bị tiêu chảy
Tiêu chảy khá phổ biến ở trẻ, đặc biệt là trẻ nhỏ, nhưng khi con lớn lên thì hệ tiêu hóa dần ổn định, vấn đề tiêu chảy cũng ít gặp hơn. Các biểu hiện đầu tiên có thể gặp ở trẻ là đi ngoài phân lỏng, có mùi hôi tanh. Trẻ sơ sinh sẽ có thêm triệu chứng mệt mỏi, quấy khóc, nôn… Số lần đi ngoài của trẻ nhiều hơn rất nhiều so với bình thường:
- Trẻ sơ sinh: Do hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh nên bé có thể đi ngoài 5 – 6 lần/ngày, thậm chí đến 10 lần/ngày. Nếu bé đi ngoài 10 lần/ngày nhưng vẫn bú mẹ bình thường, không có tình trạng sút cân thì có thể không bị tiêu chảy. Tuy nhiên, nếu con bỏ bú, sụt cân thì cần cho trẻ đi khám ngay.
- Trẻ em: đi ngoài phân lỏng từ 3 lần trở lên trong 24 giờ.
Tiêu chảy cũng được chia thành hai loại:
- Tiêu chảy cấp tính: Trường hợp này, trẻ bị tiêu chảy trong 1 – 2 ngày là hết, nguyên nhân thường là do nhiễm trùng hoặc nhiễm khuẩn gây ra.
- Tiêu chảy mãn tính: tính chất lâu dài hơn, có thể đến vài tuần, nguyên nhân là do hội chứng ruột kích thích hoặc bệnh đường ruột ở trẻ.
Trẻ bị tiêu chảy nặng có thể đi ngoài phân có máu, có biểu hiện khát nước cực độ (miệng khô, dính), sốt cao, ngủ li bì, sụt cân, chán ăn, với trẻ sơ sinh thì bỏ bú.
Trẻ bị tiêu chảy có thể nguy hiểm đến mức nào?
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng trên 1 tỷ trẻ em bị mắc bệnh tiêu chảy và trong số đó có tới 4 triệu trẻ tử vong, 80% trường hợp trẻ tử vong ở trong độ tuổi dưới 2 tuổi, cụ thể là trẻ lứa tuổi từ 6 đến 11 tháng.
Tính chất nguy hiểm của bệnh tiêu chảy đến từ việc người bệnh bị mất nước, chất điện giải và rối loạn các chất trong cơ thể khiến các cơ quan bị rối loạn hoạt động. Tình trạng mất nước và chất điện giải diễn tiến tới một mức độ nào đó sẽ khiến bé bị mất thể tích tuần hoàn, gây suy tim, thậm chí là tử vong, nếu không được phát hiện và bổ sung kịp thời. Trẻ bị tiêu chảy kéo dài còn có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng huyết gây tử vong (trường hợp tiêu chảy do vi trùng).
Tiêu chảy kéo dài cũng là nguyên nhân dẫn tới việc trẻ bị suy dinh dưỡng. Tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài lại khiến bệnh tiêu chảy khó kiểm soát và dẫn đến tử vong. Tiêu chảy thực sự là bệnh không thể coi thường nếu như không có biện pháp phòng bệnh đúng đắn cho trẻ.
Trẻ bị tiêu chảy phải làm sao?
Ngay khi trẻ bị tiêu chảy, bố mẹ cần cho con uống bù nước, tốt nhất là uống oresol (nhớ pha theo đúng hướng dẫn trên bao bì). Cho trẻ uống từ từ từng thìa cho tới khi hết khát. Nếu trong 24 giờ không uống hết lượng dung dịch đã pha thì bạn có thể đổ đi và pha đợt khác vì dung dịch pha đã bị hỏng.
Dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong điều trị tiêu chảy cho con. Việc cung cấp dinh dưỡng hợp lý sẽ có tác dụng thúc đẩy hồi phục sớm tổn thương niêm mạc ruột, giúp chức năng tiêu hóa để hấp thu của ruột nhanh chóng trở về bình thường, rút ngắn thời gian tiêu chảy và cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ. Vì vậy, nên tránh sử dụng thực phẩm chứa nhiều lactose, đạm thủy phân trong sữa bò và những thức ăn, nước uống có nồng độ đường hoặc muối quá cao. Những thực phẩm này có thể làm tăng nồng độ thẩm thấu dễ gây tiêu chảy.
Bố mẹ cũng cần tiếp tục cho trẻ ăn và bú bình thường (nếu trẻ còn bú). Bạn cũng cần chú ý cho con dùng thức ăn dễ tiêu, ví dụ cháo thịt nạc hoặc thịt gà nấu với cà rốt và khoai tây. Nếu trẻ dùng sữa hộp thì nên pha loãng gấp đôi mức bình thường.
Ngoài ra, bố mẹ có thể bổ sung ngay men vi sinh cho trẻ. Men vi sinh giúp cung cấp hệ vi khuẩn có lợi, sẽ nhanh chóng thiết lập sự cân bằng của hệ vi sinh đường tiêu hóa, giúp tăng sức đề kháng của hệ tiêu hóa, kìm hãm sự phát triển của các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng… Điều này giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh.
Khi nào bố mẹ cần đưa trẻ bị tiêu chảy đi khám bác sĩ?
Dưới đây là các triệu chứng phát sinh mà bạn cần biết để đưa con đến bệnh viện kịp thời:
- Bé bị tiêu chảy kéo dài trên 2 ngày mà không thuyên giảm
- Phân của trẻ có lẫn máu. Máu có thể màu đỏ tươi, hồng hoặc nâu đen lẫn chất nhầy như nước mũi
- Bụng trẻ bị đau khi sờ vào
- Nôn ói nhiều, không thể ăn uống được
- Có dấu hiệu mất nước nặng như da nhăn, mắt trũng, khóc không có nước mắt, tiểu ít, thần thái lờ đờ, da nổi ban,…
- Trẻ bị tiêu chảy kèm theo sốt cao.
Bí kíp để tiêu chảy “không đến gần” con yêu
Khi đã hiểu cặn kẽ nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy thì chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh cho trẻ một cách hiệu quả. Các bậc cha mẹ cần bảo vệ con bằng các biện pháp đơn giản sau:
- Các thành viên trong gia đình thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước ấm để ngăn không cho virus, vi khuẩn có cơ hội lây lan. Hãy tạo thói quen rửa tay thường xuyên sau khi ra ngoài, chạm vào các bề mặt nơi công cộng, trước và sau khi nấu ăn, trước khi pha sữa hay cho trẻ ăn.
- Vệ sinh đồ chơi cho con thường xuyên với nước ấm hay nước tẩy rửa chuyên dụng. Nguyên do là các bé thường xuyên cho mọi thứ vào trong miệng, điều này lại vô tình làm trẻ bị nhiễm khuẩn.
- Bạn nên cho trẻ ăn chín, uống sôi, cung cấp cho con một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng cần thiết. Ngoài ra, bạn không nên để trẻ uống quá nhiều nước trái cây (mức tốt nhất nên dùng không quá 120ml/ngày). Bạn không nên dùng nước trái cây cho trẻ dưới 6 tháng tuổi và cần pha loãng trước khi cho con uống.
- Bạn nên cho trẻ bú sữa mẹ đến khi con được 24 tháng tuổi. Điều này giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ giúp con ít bị tiêu chảy hơn.
- Bạn nên giới hạn lượng nước ép cho trẻ sơ sinh uống, tốt nhất là dưới 120ml mỗi ngày. Vì trẻ uống nhiều nước trái cây có thể bị tiêu chảy. Hầu hết các bác sĩ khoa nhi không khuyên dùng nước trái cây cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.
- Cho trẻ chủng ngừa đầy đủ và đúng lịch.
Tiêu chảy là bệnh phổ biến và rất nguy hiểm nếu như cha mẹ lơ là, không chăm con chu đáo. Hy vọng qua bài viết này, các bậc phụ huynh sẽ có thêm kiến thức trong việc chăm sóc trẻ bị tiêu chảy.