Giấc ngủ rất quan trọng với trẻ em, cha mẹ cần giúp đỡ để trẻ rèn được thói quen ngủ sớm dậy sớm.
Đối với trẻ em trong độ tuổi đi học, giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của não bộ và xương, từ đó ảnh hưởng tới trí thông minh và chiều cao. Chính vì thế, khi trẻ thường xuyên ngủ muộn, nó sẽ tác động xấu tới cơ thể của trẻ.
Những tác hại của việc ngủ muộn đối với trẻ em
Đối với trẻ em, thời gian ngủ lý tưởng nhất là từ 9 – 10 giờ tối, đừng ngủ muộn hơn 11 giờ.
Dưới đây là những tác hại của việc ngủ muộn đối với trẻ, cha mẹ cần hiểu rõ:
- Ảnh hưởng tới sự phát triển trí não
Các nghiên cứu phát hiện ra rằng, ở trạng thái ngủ, vỏ não con người sẽ mở ra cơ chế tự vệ, cho phép não được thư giãn sau một ngày hoạt động liên tục. Lúc này các tế bào não sẽ tự sửa chữa những tổn thương và phát triển hơn nữa.
Nếu được nghỉ ngơi đầy đủ vào ban đêm, trẻ sẽ có nhiều năng lượng hơn vào ngày hôm sau. Nếu thường xuyên thức khuya, trẻ có thể gặp các vấn đề như giảm trí nhớ, phản xạ kém, khó tập trung vào hôm sau.
Có một nghiên cứu so sánh chất lượng giấc ngủ và kết quả học tập của một nhóm sinh viên và nhận thấy rằng:
- 61% học sinh ngủ ít hơn 8 tiếng mỗi ngày có điểm số kém, 40% trong số đó khó vượt qua các kỳ thi.
- 76% học sinh ngủ từ 8 – 10 tiếng mỗi ngày có điểm số tốt, 11% trong số đó đạt điểm cao nhất lớp.
Qua sự so sánh trên có thể nhận thấy rằng, kết quả học tập của một người liên quan trực tiếp tới chất lượng giấc ngủ. Vì thế, mỗi học sinh nên tận dụng thời gian học trong ngày để đi ngủ đúng giờ, giúp nâng cao hiệu quả học tập.
Ngoài ra, trẻ cũng cần có thời gian ngủ trưa ít nhất 30 phút mỗi ngày để cơ thể và não bộ được thư giãn một lúc, đồng thời cũng có thể giảm bớt tác hại của việc thiếu ngủ vào ban đêm.
- Ảnh hưởng tới chiều cao
Hormone tăng trưởng chính là chìa khoá để trẻ tăng chiều cao. Tuy nhiên, hormone này tiết ra nhiều nhất trong 2 khoảng thời gian là 10 đêm tới 1 giờ sáng và 5 – 7 giờ sáng. Ban đêm, lượng hormone tiết ra nhiều gấp 3 lần ban ngày.
Nếu 2 khoảng thời gian này trẻ chìm sâu vào giấc ngủ, hormone tăng trưởng sẽ kích thích sụn và xương phát triển, chiều cao của trẻ sẽ tăng nhanh.
Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên cha mẹ nên cho trẻ đi ngủ trước 10 giờ tối. Nếu ngủ muộn hơn thời điểm này, trẻ có thể bỏ lỡ thời kỳ cao điểm tiết ra hormone tăng trưởng, chiều cao bị ảnh hưởng.
- Phá huỷ hệ thống miễn dịch
David Goff, giám đốc Hiệp hội Tim, Phổi và Máu (Mỹ) chỉ ra rằng, thời gian ngủ càng thất thường thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Vì hệ thống miễn dịch của cơ thể con người có tỷ lệ thuận với chất lượng giấc ngủ và thời lượng ngủ.
Nếu người lớn ngủ ít hơn 5 tiếng trong thời gian dài và trẻ em ngủ ít hơn 8 tiếng, có thể gây ra những hậu quả xấu cho sức khỏe như suy giảm khả năng miễn dịch, hay bị cảm cúm và tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Làm sao để trẻ chịu đi ngủ sớm?
- Sắp xếp hoàn thành bài vở trong ngày
Nhiều học sinh đi ngủ muộn vì phải làm quá nhiều bài tập. Tuy nhiên, nguyên nhân khách quan này hoàn toàn có thể sửa đổi được nếu trẻ tự giác học tập, rèn cho mình tính tập trung.
Trẻ càng thiếu tập trung, làm bài nửa vời, thường sẽ kéo dài thời quan vượt qua giờ ngủ. Lúc này, cha mẹ cần giúp đỡ con lập kế hoạch học, đồng hành cùng con hoàn thành bài tập sớm để được ngủ sớm.
- Tạo bầu không khí thoải mái trước khi ngủ
Trước khi ngủ trẻ cần tránh ăn vặt, chơi game, xem video… Những kích thích này sẽ tác động xấu tới vỏ não, làm gián đoạn cơn buồn ngủ của trẻ.
Thay vào đó, trẻ có thể đọc sách, nghe một số bản nhạc nhẹ nhàng để não được thư giãn và dễ chìm vào giấc ngủ hơn. |