Sốt xuất huyết là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây truyền bởi muỗi vằn Aedes aegypti. Trẻ nhỏ là đối tượng mắc bệnh chính do hệ miễn dịch còn non kém. Cha mẹ cần hết sức cẩn trọng khi thấy trẻ bị sốt kèm theo nhức đầu, nôn mửa, phát ban, vật vã... bởi khi ấy bệnh đã trở nặng.
1. Bệnh sốt xuất huyết là gì?
Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều khiến nguy cơ dịch Sốt xuất huyết Hà Nội bùng phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ em nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Sốt xuất huyết hay sốt xuất huyết Dengue là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do một loại virus có tên là Dengue gây ra. Sốt xuất huyết có thể lây lan là do muỗi vằn truyền virus. Người bệnh khi sốt xuất huyết biểu hiện sẽ bị sốt cao, đau cơ, khớp và phát ban, trường hợp nặng có thể gây chảy máu, tụt huyết áp và sốc, thậm chí tử vong.
Tính đến thời điểm hiện tại thì vẫn chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết mà chỉ điều trị triệu chứng như hạ sốt, bù nước, chống sốc tích cực. Tuy nhiên, nếu bệnh nhẹ thì người bệnh có thể tự khỏi sau 1 tuần mắc bệnh.
Sốt xuất huyết là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây truyền bởi muỗi vằn Aedes
2. Triệu chứng cảnh báo sốt xuất huyết trở nặng
Mặc dù sốt xuất huyết có thể tự khỏi sau 1 tuần trong trường hợp mắc bệnh nhẹ nhưng cha mẹ cũng cần phải đề phòng bệnh trở nặng và gây ra biến chứng nguy hiểm ở trẻ. Những biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ em cảnh báo bệnh trở nặng bao gồm:
- Trẻ bị sốt cao, trên 40 độ C
- Bị nhức đầu vật vã
- Nhức ở hai hố mắt
- Đau cơ khớp
- Buồn nôn, ói mửa nhiều
- Xuất huyết niêm mạc
- Tiểu ít
Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em từ 3 ngày trở đi sẽ khiến trẻ có dấu hiệu sốt cao nên nhiều khi cha mẹ nhầm tưởng trẻ bị cảm cúm hay nhiễm khuẩn đường hô hấp và điều trị sai cách, khiến cho bệnh thêm trầm trọng.
Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch kém và chưa hoàn thiện nên nếu nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết thì cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa để có thể đánh giá chính xác tình hình. Đặc biệt, nếu trẻ bị sốt kèm biểu hiện cảnh báo bệnh trở nặng của sốt xuất huyết là nôn ói nhiều, vật vã, ... thì phải theo dõi tích cực vì rất có khả năng chuyển biến nặng, lúc này virus sẽ kết hợp với kháng thể ở người bệnh để tạo nên phản ứng viêm tại tiêu hóa và đường hầu họng, ngoài ra, khi gan sưng to có khả năng chèn ép vào bao tử và kích thích nôn ói. Trẻ nôn ói nhiều sẽ dẫn đến mất nước và các chất điện giải, nếu kéo dài tình trạng sẽ vô cùng nguy hiểm.
Trẻ bị sốt cao, trên 40 độ là một trong những triệu chứng cảnh báo sốt xuất huyết trở nặng
3. Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ chữa bằng cách nào?
Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em cần được chẩn đoán và điều trị sớm, khi trẻ có biểu hiện nôn ói nhiều thì cha mẹ nên bình tĩnh và kiên trì cho trẻ uống nước hoặc ăn hoa quả để bù nước, nên cho trẻ sử dụng thức ăn lỏng, dễ tiêu và đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, điều trị.
Trong trường hợp trẻ bị nhẹ thì có thể chăm sóc, điều trị, hạ sốt bằng cách lau nước ấm và theo dõi tại nhà. Nếu thấy trẻ sốt 2 ngày liên tục mà không có biểu hiện thuyên giảm thì phải nhập viện ngay. Tuyệt đối không được tự ý cho trẻ bị sốt xuất huyết truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện vì có thể sẽ làm tình trạng bệnh thêm phức tạp.
Tính đến hiện tại thì dịch sốt xuất huyết 2019 vẫn chưa có thuốc đặc trị hay vắc xin phòng bệnh. Do vậy, mỗi gia đình cần chủ động phòng ngừa căn bệnh này bằng cách giữ vệ sinh nơi ở và xung quanh nhà, phát quang bụi rậm, phun thuốc diệt muỗi. Không cho trẻ đến nơi đông người, nơi đang có dịch sốt xuất huyết và những nơi có nhiều muỗi....