Viêm phế quản là gì
Phế quản là ống dẫn không khí đi vào phổi, thuộc hệ hô hấp dưới (hệ hô hấp trên gồm mũi, hầu, họng, xoang, thanh quản…). Phế quản nằm nối tiếp phía sau khí quản, phân chia thành phế quản chính trái, phế quản chính phải để dẫn khí vào hai phổi. Sau khi vào phổi thì hai phế quản chính tiếp tục phân thùy để tạo thành các nhánh phế quản. Sau vài lần phân thùy, các nhánh phế quản nhỏ được gọi tên là tiểu phế quản, và tận cùng là các phế nang.
Sơ đồ phế quản trong cơ thể
Viêm phế quản là một bệnh nhiễm trùng hoặc viêm tại đường dẫn không khí lớn đến phổi (phế quản). Khi trẻ bị cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng hoặc nhiễm trùng xoang mũi, virus gây bệnh có thể theo đường hô hấp để xâm nhập vào phế quản gây viêm. Virus RSV (respiratory syncytial virus) là tác nhân phổ biến nhất gây viêm phế quản ở trẻ, bên cạnh đó các tác nhân gây dị ứng cũng có thể làm trẻ bị viêm phế quản (khói thuốc lá, ô nhiễm không khí…). Khi đó, phế quản sẽ bị đờm lắp đầy và sưng lên gây cản trở hô hấp của trẻ.
Triệu chứng viêm phế quản
Đờm trong phế quản sẽ kích ứng gây phản xạ ho để tống đờm ra ngoài. Vì vậy, ho là triệu chứng phổ biến và dễ quan sát nhất mà bố mẹ có thể nghi ngờ bệnh viêm phế quản ở trẻ. Thường thì trẻ sẽ ho đờm, với đờm có màu xanh, xám hoặc xanh hơi vàng. Nhưng nếu bệnh kéo dài thì trẻ sẽ chuyển dần sang ho khan và bắt đầu có những triệu chứng như mệt mỏi, đau ngực, bú kém. Nhưng ho là triệu chứng không đặc hiệu và nó là triệu chứng của rất nhiều bệnh khác nhau.
Ho là triệu chứng phổ biến của viêm phế quản
Trẻ có thể xuất hiện triệu chứng khò khè. Do đờm và hiện tượng co thắt phế quản sẽ làm hẹp đường thông khí nên trẻ sẽ phát ra âm thanh có tần số cao khi thở ra. Nếu sử dụng ống nghe, chúng ta sẽ nghe được tiếng rít, đây là âm thanh đặc trưng của viêm đường hô hấp dưới.
Đa số trẻ em viêm phế quản sẽ sốt nhẹ. Nhiều trường hợp trẻ sẽ sốt vài ngày rồi khỏi, nhưng một số trường hợp trẻ sẽ chuyển sang sốt cao trên 39 độ, lúc này, có thể trẻ đã chuyển qua giai đoạn nặng. Có thể xuất hiện một số triệu chứng báo động như: ho liên tục (cơn ho dài), rút lõm lồng ngực, da xanh xao, đầu ngón tay, ngón chân tím tái, nhịp thở nhanh, mệt mỏi li bì… Nếu xuất hiện một (hoặc một vài) triệu chứng vừa nêu, khả năng cao là các viêm nhiễm đã theo đường hô hấp để đi đến phổi và gây nên viêm phổi. Nếu phụ huynh nghi ngờ con bị viêm phổi thì nên cho bé đến bệnh viện để bác sĩ theo dõi và điều trị.
Điều trị viêm phế quản
Bác sĩ sẽ kê kháng sinh cho bé trong trường hợp viêm phế quản do vi khuẩn. Trường hợp nguyên nhân gây bệnh là virus hoặc các tác nhân dị ứng thì không cần sử dụng kháng sinh. Nếu trẻ khó thở, khò khè bác sĩ có thể cho bé sử dụng thêm một loại thuốc giãn phế quản giúp thông thoáng đường thở.
Không nên lạm dụng kháng sinh nếu trẻ viêm phế quản do virus
Trẻ cần sử dụng thuốc ho để giảm nhẹ triệu chứng và giảm mệt mỏi do ho gây ra. Các trẻ có tiền sử hen suyễn nên tránh xử dụng thuốc ho có thành phần acetylcystein, bromhexin vì các thuốc này có thể làm khởi phát cơn hen. Một số thuốc long đờm tăng tiết dịch nên cẩn trọng khi sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi vì khả năng khạc đờm của trẻ còn hạn chế có thể gây tắc nghẽn đường thở.
Đối với trường hợp viêm phế quản ở trẻ em, nên ưu tiên sử dụng các thuốc ho có nguồn gốc thiên nhiên để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Viêm phế quản ở trẻ em là bệnh thường gặp và thường tự khỏi sau 7-10 ngày, nhưng cũng có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa. Phụ huynh cần theo dõi chặt diễn biến các triệu chứng khi trẻ bị viêm phế quản để có phương án điều trị phù hợp.