Viêm phổi là căn bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ và là nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ phải nhập viện. Sau khi trẻ được điều trị, các bác sĩ dặn tái khám theo lịch. Tuy nhiên, rất nhiều cha mẹ đã không thực hiện lịch hẹn này.
Viêm phổi ở trẻ em vì sao cần tái khám sau khi điều trị, bài viết dưới đây giúp bạn đọc hiểu hơn về vấn đề này.
1. Trẻ em có thể tử vong do viêm phổi
Viêm phổi thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tháng tuổi, là nhóm tuổi có nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi cao nhất. Thông tin ghi nhận có khoảng 16% trẻ tử vong dưới 5 tuổi do viêm phổi và ước tính cứ 35 giây có một trẻ chết vì viêm phổi trên thế giới.
Bệnh xảy ra quanh năm chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp. Nguyên nhân gây viêm phổi thay đổi tùy theo lứa tuổi, bao gồm virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng. Các tác nhân gây bệnh hay gặp: Streptococcus Pneumoniae, Hemophilus Influenzae type B, Staphylococcus Aureus, Streptococcus Group B, Mycoplasma Pneumoniae, Respiratory Syncytial virus, Influenza virus, Adenovirus…
Nếu được điều trị phù hợp, thường viêm phổi sẽ hồi phục trong khoảng thời gian từ 1 - 2 tuần. Viêm phổi do tác nhân không điển hình hay viêm phổi do siêu vi kéo dài lâu hơn, hết hoàn toàn triệu chứng trong khoảng 4 - 6 tuần.
Tuy nhiên, trẻ càng nhỏ tỷ lệ tử vong do viêm phổi càng cao. Đa số các trường hợp viêm phổi là do virus gây ra và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Xử lý bệnh chủ yếu dựa vào chăm sóc đúng cách và giải quyết triệu chứng (sốt, ho, ngạt mũi…).
Viêm phổi là căn bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ.
2. Cần thực hiện nghiêm túc chỉ định của bác sĩ
Nếu tình trạng bệnh nhẹ hoặc qua giai đoạn nguy hiểm, các bác sĩ sẽ chỉ định trẻ điều trị ngoại trú và kê đơn thuốc cho trẻ.
Do vậy, cha mẹ cần chú ý thực hiện đúng chỉ định của các bác sĩ bao gồm:
- Cho trẻ uống kháng sinh thích hợp theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
- Không tự ý mua kháng sinh cho trẻ uống.
- Điều trị các triệu chứng kèm theo: Sốt, khò khè. Biết cách chăm sóc trẻ tại nhà.
- Cần đưa trẻ đến khám lại bao gồm tái khám theo hẹn và khám lại ngay lập tức khi trẻ trở nặng.
Cụ thể: Trẻ cần được cho uống kháng sinh thích hợp đúng cách, đủ liều và đủ thời gian để trẻ khỏi bệnh. Cha mẹ cần cho trẻ uống đúng liều lượng mỗi lần uống, số lần uống trong ngày và số ngày cần cho trẻ uống thuốc. Nếu trẻ nôn trong vòng 30 phút sau khi uống thuốc, cần cho trẻ uống lại một liều khác.
Bệnh viêm phổi xảy ra quanh năm, chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp.
3. Trẻ viêm phổi có cần tái khám?
Vấn đề tái khám khi điều trị viêm phổi ở trẻ em thường được các bác sĩ chỉ định để đánh giá xem thuốc kháng sinh này có hiệu quả tốt hay không. Ngay trong trường hợp tốt nhất (trẻ thở trở lại bình thường, hết sốt, ăn - bú khá hơn) trẻ cũng cần phải tiếp tục cho uống kháng sinh đủ thời gian là 5 ngày.
Sau 2 ngày tái khám, nếu trẻ còn thở nhanh, thầy thuốc sẽ cho trẻ dùng một loại kháng sinh cần thiết khác hoặc cho trẻ nhập viện điều trị.
Sau khi chăm sóc đúng cách, trẻ uống thuốc đúng sẽ nhanh khỏi và bình phục (trẻ không sốt, ăn uống bình thường, không ho…) nên cha mẹ chủ quan không tái khám cho trẻ. Điều này là sai lầm, vì vậy, cha mẹ cần thực hiện tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để được đánh giá cụ thể sức khỏe sau điều trị của trẻ.
4. Một số cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà
Nếu trẻ sốt ≥ 38,5°C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt (các lần uống thuốc cách nhau từ 4 đến 6h) hoặc có thể chườm ấm (nhiệt độ nước thấp hơn nhiệt độ cơ thể trẻ khoảng 2 độ C).
Phương pháp vỗ rung cho trẻ khi bị ho có đờm giúp đờm trong phế quản long ra và thải ra ngoài dễ dàng nhờ vào phản xạ ho của trẻ.
Có thể dùng quất hấp mật ong, hoa hồng bạch hấp đường phèn, gừng, húng chanh cho trẻ uống để giảm ho.
Cách vệ sinh khi trẻ bị viêm phổi tại nhà
Vệ sinh mũi miệng: Nên sử dụng các loại khăn giấy mềm dùng 1 lần để lau đờm hoặc dãi trẻ. Nếu dùng khăn xô thì phải đặc biệt chú ý vệ sinh khăn sạch sẽ, việc dùng đi dùng lại khăn xô đã nhiễm bẩn và không được giặt sạch sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn/ virus bám trên khăn quay trở lại cơ thể trẻ.
Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng, quần áo của trẻ.
Người chăm sóc cần rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc và chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.
Khi trẻ có dấu hiệu thở khó khăn, co lõm lồng ngực, nôn nhiều... cần cho trẻ nhập viện ngay.
5. Cần nhập viện ngay khi trẻ có các dấu hiệu sau
Lưu ý theo dõi và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế, bệnh viện nếu thấy trẻ có một trong các dấu hiệu sau:
- Thở khó khăn (thở nhanh hơn - mạnh hơn, thở co lõm lồng ngực).
- Trẻ không thể uống được nước, trẻ trở nên mệt hơn.
- Nôn nhiều, ăn uống kém.
Trên đây là những dấu hiệu cho biết bệnh của trẻ đã trở nặng, cần nhập viện ngay.
6. Lời khuyên của bác sĩ
Viêm phổi là bệnh rất phổ biến ở trẻ em dưới 5 tuổi, nếu không được phát hiện, chữa trị sớm và đúng cách trẻ rất dễ tử vong. Vì vậy, phòng ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ em là vô cùng quan trọng. Cụ thể cần cho trẻ được bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu và có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý.
Trẻ bị viêm phổi chủ yếu do trẻ bị nhiễm từ cộng đồng (trong gia đình hoặc bên ngoài). Do vậy, cần tạo cho trẻ có môi trường sống trong lành: Không khói thuốc lá và các ô nhiễm khác. Tránh tiếp xúc đám đông, đặc biệt người ốm có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi, đau họng, ho… chủ động phòng ngừa: Đeo khẩu trang khi cần, rửa tay thường xuyên. Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch theo quy định. Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu, nhằm tạo cho trẻ có miễn dịch chủ động chống lại bệnh tật khi bị lây nhiễm, góp phần tạo nên cơ thể khỏe mạnh, giảm nguy cơ viêm phổi và các bệnh tật khác.
BS Trần Anh Tuấn
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-can-tai-kham-khi-dieu-tri-viem-phoi-o-tre-em-169220621180048912.htm