Chăm sóc trẻ không đúng cách là một trong những nguyên nhân khiếm viêm phổi ở trẻ tái phát nhiều lần trong năm.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Yến, Khoa Nhi BVĐK Tâm Anh Hà Nội, viêm phổi tái phát hay còn gọi là viêm phổi tái diễn (Recurrent pneumonia) là thuật ngữ để chỉ tình trạng trẻ có từ 2 đợt viêm phổi trở lên trong một năm hoặc từ 3 đợt viêm phổi trở lên ở bất kỳ thời điểm nào. Giữa các đợt viêm phổi ở trẻ không có triệu chứng lâm sàng, tổn thương viêm phổi trên phim chụp X-quang.
Phần lớn các bệnh nhân viêm phổi cần điều trị trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, không hiếm những trẻ bị viêm phổi diễn biến kéo dài hoặc tái đi tái lại nhiều đợt ngay cả ở các nước công nghiệp phát triển. Trong số đó, nhiều trẻ bị bệnh nặng phải điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu. "Thực tế, có khoảng 7-9% trẻ viêm phổi có thể diễn biến thành viêm phổi tái diễn", Phó giáo sư Yến nhận định.
Chăm sóc không đúng cách có thể khiến trẻ viêm phổi tái phát nhiều lần trong năm. Ảnh: Freepik
Theo Phó giáo sư Yến có một số nguyên nhân làm cho viêm phổi dễ tái phát ở trẻ em.
Sự thay đổi đột ngột về thời tiết khi bước vào thời điểm giao mùa, nguồn nước hoặc không khí quá ô nhiễm, môi trường với các điều kiện không hợp vệ sinh, thường xuyên phải hít khói thuốc từ những người xung quanh.
Đối với trẻ sinh thiếu tháng, trẻ suy dinh dưỡng, còi xương, thiếu vitamin A, thiếu kẽm, trẻ không được tiêm phòng đúng lịch, đầy đủ, trẻ có sức đề kháng kém, trẻ có bệnh nền như bệnh bẩm sinh về đường hô hấp, tim mạch, trào ngược dạ dày thực quản... rất dễ tái phát viêm phổi.
Bác sĩ Yến cũng cho biết, trẻ tiếp xúc quá lâu với nước hoặc tình trạng ra mồ hôi nhiều mà không thay quần áo sẽ dẫn nước thấm ngược vào cơ thể, vào phổi. Trẻ tiếp xúc với không khí lạnh lúc sáng sớm hoặc đêm muộn nên bị cảm lạnh cũng dễ dẫn đến viêm phổi.
Một trong những sai lầm của phụ huynh trong việc chăm sóc khiến trẻ dễ tái phát viêm phổi là lạm dụng kháng sinh (sử dụng tràn lan, không hợp lý) khi điều trị bệnh khiến cho viêm phổi dễ tái đi tái lại. Thói quen tự ý mua thuốc của cha mẹ, tự ý ngưng thuốc không có chỉ định nên điều trị bệnh không triệt để, viêm phổi tái phát nhiều lần hơn, tình trạng kháng kháng sinh càng trầm trọng hơn.
"Việc không tuân thủ điều trị những đợt viêm phổi lần đầu, chưa tích cực thăm khám và điều trị bệnh nền cho trẻ viêm phổi cũng là nguyên nhân gây ra viêm phổi tái phát" - bác sĩ Yến thông tin thêm.
Triệu chứng và cách phòng ngừa
Theo bác sĩ Yến, viêm phổi là căn bệnh gây tổn thương hoặc nhiễm trùng trong mô phổi do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm... gây ra. Triệu chứng ban đầu thường thấy nhất khi trẻ mắc viêm phổi là tình trạng viêm long đường hô hấp trên như trẻ ho, hắt hơi, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc cao. Một số trẻ biểu hiện bằng các triệu chứng tiêu hóa như nôn, trớ, tiêu chảy phân lỏng, ăn kém... Sau từ 1- 3 ngày trẻ sốt cao hơn, trẻ ho ngày một nhiều, lúc đầu ho khan sau ho có đờm, trẻ thở nhanh hơn so với bình thường
Thở nhanh là dấu hiệu chính nghĩ tới viêm phổi (đếm nhịp thở trong một phút và đánh giá theo tuổi). Trẻ thở nhanh khi thở từ 60 nhịp mỗi phút trở lên ở trẻ nhỏ hơn 2 tháng; từ 50 nhịp trên phút trở lên ở trẻ từ 2 đến 12 tháng; từ 40 nhịp trên phút trở lên ở trẻ từ 1- 5 tuổi; từ 30 nhịp trên phút trở lên ở trẻ trên 5 tuổi.
Ngoài ra trẻ có thể có các dấu hiệu thở khó, thở gắng sức như đầu gật gù theo nhịp thở, cánh mũi phập phồng, rút lõm trên và dưới xương ức, co kéo các cơ liên sườn, rút lõm lồng ngực. Trẻ có thể xuất hiện tiếng thở bất thường như thở rên, thở khò khè.
Những trường hợp nặng thì tím tái, thậm chí ngừng thở. Trẻ thở khó khăn nên thường quấy khóc, bỏ bú và đi dần đến mệt, da tái và tím. Với trường hợp nặng và diễn biến nhanh sẽ dẫn đến suy hô hấp nặng, thậm chí ngừng thở nếu không kịp thời điều trị.
"Đối với trẻ em nếu sốt cao khó hạ, bé ngủ li bì hoặc quấy khóc nhiều, bú kém hoặc bỏ bú, ăn, uống kém, nôn nhiều, co giật ... thở nhanh, khó thở, rút lõm lồng ngực, tím tái cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để kịp thời điều trị", bác sĩ Yến lưu ý.
Phó giáo sư Nguyễn Thị Yến khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.
Để phòng tránh viêm phổi ở trẻ, bác sĩ Nguyễn Thị Yến khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên vệ sinh mũi, miệng cho bé nhất là khi bé có biểu hiện xuất tiết dịch mũi. Nếu dịch mũi bé nhiều, mẹ có thể thực hiện rửa mũi, hút mũi, làm sạch mũi bằng nước muối sinh lý sẽ giúp đường thở của bé thông thoáng, mũi và họng sẽ không bị tắc nghẽn bởi dịch nhầy.
Với bé dưới 3 tháng tuổi, mẹ nên dùng nước muối sinh lý ấm và nhỏ nhẹ nhàng vào mũi. Với bé trên 3 tháng tuổi, mẹ có thể dùng nước muối dạng xịt và xịt trực tiếp vào mũi bé. Nhờ đó, bé dễ thở và dễ ngủ hơn. Giữ cho nhà cửa luôn thoáng, không có khói bụi, khói thuốc lá, không ẩm ướt.
Các bậc phụ huynh không nên tự ý mua thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc giảm ho cho con uống, biện pháp tốt nhất là các bậc phụ huynh nên đưa con em tới các sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời khi trẻ có dấu hiệu ho hoặc khó thở.
Mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp, nên bổ sung cho bé các thức ăn giàu dinh dưỡng lưu ý về các thực phẩm mềm, dễ tiêu, dễ nuốt. Đặc biệt, cha mẹ phải tạo nên sự đa dạng cho bữa ăn nhằm đảm bảo các dưỡng chất đầy đủ. Bố mẹ nên chia nhỏ bữa ăn, cho bé ăn làm nhiều bữa trong ngày để hạn chế nôn, trớ do ăn quá nhiều. Với những trẻ có bệnh nền, trẻ cần được theo dõi và điều trị bệnh nền sớm và triệt để.
Nguồn https://vnexpress.net