Viêm tai giữa ở trẻ em, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây các biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể mất thính lực...
1. Viêm tai giữa là gì?
Viêm tai giữa là bệnh thường gặp trong bệnh lý về tai; là sự tổn thương và viêm nhiễm xuất hiện trong tai giữa. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn hoặc bị tác động từ các yếu tố bên ngoài môi trường, do cấu trúc tai trẻ chưa hoàn chỉnh hay bất thường sọ mặt...
Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ em. Thống kê cho thấy, cứ 3 trẻ thì có 2 trẻ mắc ít nhất một đợt viêm tai giữa khi 1 tuổi.
Viêm tai giữa ở trẻ em nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm và khó khắc phục như: Viêm tai xương chũm, viêm màng não, áp xe não, gây liệt dây thần kinh số 7. Lâu dài trẻ bị nghe kém, nhất là từ khi chưa phát triển lời nói, sẽ dẫn đến rối loạn ngôn ngữ (nói ngọng, nói không rõ âm, từ…) làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng giao tiếp xã hội sau này của trẻ.
Hình ảnh màng nhĩ chứa dịch
2. Biểu hiện của trẻ khi bị viêm tai giữa cấp
Một số dấu hiệu thường gặp có thể nhận thấy nếu trẻ bị viêm tai giữa cấp:
- Đau tai, đặc biệt là khi nằm, đau nhiều khi kéo nhẹ vành tai.
- Khó ngủ, quấy khóc nhiều hơn. Ở trẻ nhỏ, bé thường khó chịu và đòi bế nhiều hơn.
- Khó nghe, phản ứng chậm với âm thanh, mất thăng bằng.
- Sốt, có thể sốt từ 38 độ C trở lên.
- Chảy mủ tai, kèm theo sổ mũi, hắt hơi, ho.
- Đau đầu, đau tai, ù tai, giảm thính lực.
- Ăn kém, nôn hoặc tiêu chảy.
Viêm tai giữa khiến trẻ đau tai.
3. Cách điều trị bệnh viêm tai giữa
Việc điều trị viêm tai giữa nhằm mục đích phục hồi thính lực, giảm nguy cơ tái phát viêm tai giữa cấp, phòng tránh biến chứng...
3.1 Thuốc giảm đau hạ sốt
Các nghiên cứu cho thấy, điều trị đầu tiên của viêm tai giữa là giảm đau cho trẻ. Có thể dùng các thuốc như paracetamol hay ibuprofen để giảm đau tai và giảm sốt cho trẻ (khi trẻ sốt trên 38,5 độ C). Liều dùng 10-15mg/kg cân nặng với paracetamol, cách 4-6 giờ uống lại liều nếu vẫn sốt cao hoặc đau tai nhiều. ibuprofen 10mg/kg cân nặng, khoảng cách giữa các liều là ít nhất 6 giờ.
Lưu ý, trẻ từ 6 tháng đến dưới 2 tuổi bị viêm tai giữa 1 bên hoặc trẻ trên 2 tuổi bị hai bên nhẹ thì có đến 2/3 có thể tự khỏi khi chỉ dùng thuốc giảm đau.
3.2 Các thuốc kháng sinh
Kháng sinh uống là thuốc được chọn hàng đầu và việc chọn lựa kháng sinh dựa trên kiến thức về vi khuẩn thường gặp trong viêm tai giữa. Chính xác nhất là dựa trên kết quả kháng sinh đồ cấy mủ tai. Thời gian điều trị viêm tai giữa diễn ra tối thiểu trong 7-10 ngày. Nếu màng nhĩ thủng có thể nhỏ tai trong 3 - 4 ngày đầu (loại không độc cho tai) để ngăn chặn sự hình thành các bửng mủ làm bít dẫn lưu.
Chỉ dùng kháng sinh điều trị viêm tai giữa trong các trường hợp sau:
- Khi bệnh không cải thiện khi sau 48 - 72 giờ theo dõi.
- Trẻ dưới 6 tháng.
- Trẻ dưới 6- 24 tháng cả hai bên hoặc có nhiều yếu tố nguy cơ.
- Viêm tai giữa cấp nặng (đau nhiều hoặc trên 48h hoặc sốt trên 39 độ)
- Nếu trẻ không có khả năng khám lại.
Ngoài ra có thể thông vòi, bơm thuốc vòi nhĩ. Một số trường hợp viêm tai nhưng trị kháng sinh không hiệu quả sẽ phải chích rạch màng nhĩ để đặt ống thông nhĩ. Nếu viêm tai giữa kèm với dấu hiệu viêm đường hô hấp trên do tắc nghẽn bởi viêm amidan phì đại VA thì cần nạo VA, cắt amidan. Trong trường hợp bệnh nhân xuất hiện các biến chứng nặng hơn và điều trị nội khoa không mang lại kết quả khả quan, có thể cần đến phẫu thuật hòm nhĩ, khoét xương chũm.
Lưu ý, chỉ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
3.3 Các thuốc nhỏ tai
Các thuốc nhỏ tai giảm đau (ví dụ: antipyrine/ benzocaine) đôi khi được khuyến cáo sử dụng. Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể không có sẵn ở một số nước. Một số nghiên cứu cho thấy nhỏ tinh dầu có thể có tác dụng giảm đau như thuốc gây tê, tuy nhiên còn nhiều tranh cãi.
Lưu ý, các thuốc giảm đau và kháng viêm nhỏ tai không được sử dụng khi tai thủng màng nhĩ.
Ngoài ra có thể dùng một số thuốc nhỏ mũi để làm sạch mũi họng và tai giữa. Nhờ đó, có thể hỗ trợ phục hồi niêm mạc viêm trong tai giữa dễ dàng hơn và dẫn lưu dịch mủ từ tai giữa ra ngoài qua đường vòi tai. Có thể dùng một số loại thuốc chống sung huyết, co mạch, giảm phù nề, chống viêm… (otrivin sunfarin, collydexa, naphtazoline, xylomethazoline, adrenaline…). Tuy nhiên, cần dùng đúng chỉ định của bác sĩ.
Chỉ dùng thuốc nhỏ tai khi có chỉ định của bác sĩ.
4. Lưu ý khi dùng thuốc trị viêm tai giữa
Tác dụng phụ hay gặp nhất khi dùng thuốc điều trị viêm tai giữa là tiêu chảy. Có thể dùng thêm men vi sinh trong các trường hợp này. Nếu tiêu chảy nhiều bác sĩ sẽ cân nhắc đổi loại kháng sinh khác phù hợp.
Một số trẻ dị ứng với các thuốc điều trị: Trẻ nổi mề đay, mẩn ngứa, hay các dấu hiệu nặng hơn... cần liên hệ ngay với bác sĩ khi có các dấu hiệu này.
Cho trẻ uống thuốc đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị viêm tai.
Tuyệt đối không được tự ý nhỏ thuốc tai, tự rắc bột kháng sinh hay thổi thuốc bột vào tai, sẽ gây bít tắc lỗ tai làm ứ mủ bên trong hòm nhĩ dẫn tới các biến chứng nặng.
Việc quyết định dùng kháng sinh cần sự thăm khám cẩn trọng tỉ mỉ của thầy thuốc, cần đúng đủ liều, đủ thời gian mới đạt kết quả tốt.
Vệ sinh tai thế nào?
Tai: Nếu chảy dịch mủ làm sạch tai cho trẻ, không dùng bông nút kín tai. Nên để dịch thoát ra ngoài tự nhiên. Không nên để nước vào tai.
Mũi: Rửa mũi cho trẻ 2-3 lần/ ngày bằng nước muối sinh lý 0,09% ấm.
Chế độ ăn uống
- Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu.
- Cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia nhiều bữa trong ngày và uống thêm các loại nước hoa quả.
- Đối với trẻ dưới 6 tháng bú mẹ hoàn toàn cho trẻ bú tăng số lần lên.
5. Khi nào cần đưa trẻ đi khám ngay?
Cần cho trẻ đi khám ngay khi trẻ có 1 trong các biểu hiện sau:
- Trẻ đau tai tăng lên.
- Sốt cao liên tục dùng thuốc hạ sốt và chườm ấm không đỡ.
- Trẻ quấy khóc nhiều, bỏ ăn, bỏ bú.
- Trẻ nôn nhiều đi ngoài phân nhiều lần trong ngày.
- Các dấu hiệu bệnh của trẻ không tốt lên sau 2 ngày điều trị.
6. Làm thế nào để phòng bệnh viêm tai giữa?
Để tránh mắc bệnh viêm tai giữa cần thực hiện:
- Giữ ấm cơ thể, nhất là cổ, gan bàn chân khi thời tiết lạnh.
- Vệ sinh mũi họng sạch sẽ để phòng tránh viêm mũi họng.
- Bỏ thói quen cho tay vào miệng, ngoáy mũi.
- Đảm bảo môi trường sống tránh khói bụi, ẩm mốc, chật chội.
- Đưa trẻ đi khám ngay khi có dấu hiệu bệnh về mũi họng.
- Điều trị sớm các bệnh viêm mũi họng, VA, Amidan…
- Khám định kỳ với trẻ mắc viêm tai giữa mạn tính.
- Cho trẻ tiêm vaccine cúm, phế cầu.
- Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Nguồn https://suckhoedoisong.vn