Viêm tai ứ dịch thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, bệnh có thể do các biến chứng của viêm họng kéo dài, viêm nhĩ... Viêm tai ứ dịch có diễn biến âm thầm, biểu hiện đa dạng, nên đa số cha mẹ không biết trẻ bị mắc bệnh, trẻ thường nhập viện muộn. Nhiều trẻ đến khám trong tình trạng nghe kém, nghễnh ngãng.
Đối phó với bệnh viêm tai hay gặp ở trẻ nhỏ
SKĐS - Viêm tai xương chũm cấp (VTXCC) là bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là khi trời nắng nóng, giao mùa như hiện nay.
Viêm tai ứ dịch thường gặp ở trẻ từ 1-3 tuổi. Đây là bệnh viêm tai màng nhĩ đóng kín với tình trạng viêm niêm mạc tai giữa, kèm theo sự có mặt của tiết dịch trong hòm tai.
Bệnh tiến triển âm thầm, ít triệu chứng và để lại hậu quả xấu về nghe, ảnh hưởng tới sự phát triển ngôn ngữ cũng như khả năng học tập và phát triển trí tuệ ở trẻ.
1- Nguyên nhân của viêm tai ứ dịch
Có nhiều nguyên nhân gây viêm tai ứ dịch, trong đó thường gặp nhất là tắc vòi nhĩ. Viêm tai ứ dịch có khoảng 40% do vi khuẩn. Theo nghiên cứu, nguyên nhân còn do virus, thường gặp nhất là Adenovirus: Virus giống cúm typ 1,2,3, Herpes, Coxsaki b4, Adeno-virus… Viêm tai ứ dịch còn có nguyên nhân từ dị ứng. Khi đó tình trạng phù nề, tăng tiết dịch nhầy, tắc vòi… dịch tai giữa sẽ tụ lại trong tai gọi là viêm tai ứ dịch.
Viêm tai ứ dịch thường ít triệu chứng nhưng sẽ để lại hậu quả xấu về nghe
2- Nhận biết viêm tai ứ dịch và những biến chứng
Thông thường viêm tai ứ dịch không có dấu hiệu rõ ràng, tùy từng lứa tuổi sẽ có các biểu hiện khác nhau.
Ở trẻ nhỏ sẽ có cảm giác đau nhức trong tai, dẫn đến tình trạng khó chịu. Do dịch ứ trong tai không chảy ra ngoài được, nên trẻ rất khó chịu và có cảm giác đau tai ở các mức độ khác nhau. Ngoài ra, bệnh nhi còn có cảm giác đầy, nặng tai vì dịch tụ bên trong, có cảm giác trong tai có tiếng nước chảy, mạch đập và mỗi khi nói thì có tiếng vang trong tai… Do trẻ không biết diễn đạt, nên đa số trẻ nhỏ bị viêm tai ứ dịch thường được phát hiện trong khi khám viêm đường hô hấp trên. Nhiều trẻ được cha mẹ đưa đến khám trong tình trạng bị viêm mũi, họng, ho, sốt… Nhưng cũng có nhiều trẻ được khám trong tình trạng cha mẹ phát hiện trẻ có vấn đề về nghe, trẻ chậm, giảm với việc phát triển ngôn ngữ, khi gọi trẻ không nghe theo tiếng người gọi.
Khi bị viêm tai ứ dịch trẻ sẽ có cảm giác nặng tai vì dịch tụ bên trong
Đối với trẻ lớn, khi học nghe không rõ dẫn đến viết sai, trẻ thấy tình trạng khó chịu trong tai và được cha mẹ đưa đi khám.
Đa số các trường hợp đến khám, ngoài biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ sẽ kiểm tra VA cho thấy tình trạng viêm quá phát. Khám mũi xoang sẽ thấy tồn tại một ổ viêm tiềm tàng. Soi tai kết quả cho thấy màng tai có các vân mạch, màu vàng ánh da cam, màng tai lồi phồng hoặc co lõm… Để chẩn đoán chính xác có bị viêm tai ứ dịch hay không, các bác sĩ sẽ đo lượng nhĩ, đo thính lực… để chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác như: Viêm tai màng nhĩ đóng kín, các dị dạng bẩm sinh ở tai…
Viêm tai ứ dịch nếu không được điều trị đúng và kịp thời sẽ gây nhiều hệ lụy, trong đó có nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa mãn tính, xơ nhĩ, xẹp nhĩ... tình trạng ứ dịch trong tai sẽ gây suy giảm thính lực, thậm chí còn có nguy cơ điếc vĩnh viễn.
3- Điều trị viêm tai ứ dịch
Nguyên tắc điều trị cần phân biệt các căn nguyên của viêm tai: Thứ phát sau rối loạn chức năng vòi hoặc tắc vòi nhĩ; do yếu tố miễn dịch và nhiễm trùng đóng vai trò chủ yếu; do nguyên nhân chảy vòi nhĩ có rối loạn vận mạch, phù nề niêm mạc, tràn dịch và tắc vòi.
Điều trị viêm tai ứ dịch là điều trị toàn diện, kết hợp, nghĩa là điều trị toàn thân, tại chỗ. Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc uống bao gồm kháng sinh, thuốc chống phù nề, tiêu dịch nhầy và làm thông thoáng đường thở bằng cách vệ sinh mũi hàng ngày bằng rửa mũi, xịt nước muối biển, sử dụng thuốc co mạch, có thể sử dụng biện pháp thông vòi nhĩ. Nếu điều trị nội khoa thất bại, sẽ được chỉ định phẫu thuật chích rạch mạng nhĩ, nạo VA…
Viêm tai ứ dịch nếu không được điều trị đúng và kịp thời sẽ gây nhiều hệ lụy
4- Phòng viêm tai ứ dịch
Cũng tương tự như các bệnh về đường hô hấp khác, để phòng viêm tai ứ dịch, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ, cần điều trị triệt để khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên, không để tình trạng viêm nhiễm kéo dài.
Khi trẻ viêm mũi họng cấp, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định, cần vệ sinh mũi họng và làm thông thoáng mũi trẻ đúng cách. Trường hợp trẻ bị VA, amiđan phì đại, gây tắc nghẽn đường hô hấp, gây viêm nhiễm tái phát nhiều lần, cha mẹ cần cho trẻ đi khám và cần sự tư vấn của bác sĩ, cân nhắc việc nạo VA và cắt amiđan.
Viêm tai ứ dịch có rất nhiều diễn biến khác nhau, có trường hợp tự khỏi trong khoảng từ 10-20 ngày hoặc sau khi được điều trị đúng. Nếu điều trị sớm, khả năng nghe được phục hồi, nhưng nếu một số trường hợp vẫn có thể tái phát, khi đó viêm tai ứ dịch có thể bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm tai giữa ứ mủ mạn tính, gây thủng màng tai, ứ dịch kéo dài… dẫn đến tình trạng điếc.
Vì vậy, khi phát hiện trẻ có các biểu hiện bất thường về âm thanh, biểu hiện viêm nhiễm tại tai mũi họng, cũng như trẻ quấy khóc… cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.