NỘI DUNG:
Tuyến tụy là một cơ quan của hệ tiêu hóa, tiết ra các men tiêu hóa giúp tiêu hóa các chất đường, đạm và mỡ từ thức ăn.
Viêm tụy cấp là quá trình tự tiêu hủy của tuyến tụy, gây ra do men tụy, lan đến mô xung quanh và các cơ quan xa. Đây là tình trạng viêm của tuyến tụy dẫn đến tổn thương tế bào nang tuyến. Diễn tiến viêm tụy cấp có thể nhẹ tự khỏi cho đến thể nặng gây nguy hiểm đến tính mạng, do các biến chứng, tái phát hoặc thành mạn tính.
2. Nguyên nhân gây viêm tụy cấp ở trẻ em
Viêm tụy cấp ở trẻ em do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó thường gặp nhất là bệnh lý đường mật (10 - 30%): Sỏi túi mật, cặn bùn và sỏi nhỏ đường mật, nguyên nhân cơ học gây tắc nghẽn bóng Vater.
Bệnh lý toàn thân (10 - 50%): Nhiễm trùng nhiễm độc, nhiễm siêu vi, nhiễm vi khuẩn.
Do thuốc (5 - 25%): Salicylate, Metronidazole, Valproic acid, Azathioprine…
Ngoài ra, viêm tụy cấp ở trẻ cũng có thể do chấn thương (10 - 20%); Bệnh chuyển hoá (5 - 10%); Đột biến gen (hiếm); Vô căn (15 - 30%)
Viêm tụy cấp là tình trạng viêm của tuyến tụy dẫn đến tổn thương tế bào nang tuyến do sự tiêu hủy của các men tụy.
3. Dấu hiệu nhận biết viêm tụy cấp ở trẻ
Triệu chứng điển hình của viêm tụy cấp là đau bụng đột ngột, thường xuất hiện sau bữa ăn, nhất là bữa ăn có nhiều mỡ. Vị trí đau trên rốn, vùng thượng vị hoặc 1/4 trên bên trái, cơn đau bụng vùng thượng vị dữ dội, liên tục, người bệnh phải gập người để đỡ đau. Theo một nghiên cứu ở Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy: Vị trí đau bụng thường gặp nhất là vùng thượng vị (46%), vị trí quanh rốn là 44%. Triệu chứng nôn gặp ở 83,6% đối tượng nghiên cứu, triệu chứng phản ứng thành bụng gặp ở 34%, triệu chứng trướng bụng gặp 39,6%.
Ở viêm tụy cấp nặng, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện như:
- Vẻ mặt nhiễm trùng, nhiễm độc: Vẻ mặt mệt mỏi, lừ đừ, môi khô, lưỡi bẩn.
- Dấu mất nước: Môi khô, khát nhiều, mắt trũng...
- Dấu hiệu sốc: Tay chân lạnh, huyết áp thấp, mạch nhanh…
- Suy hô hấp: Mệt khó thở, SpO2 giảm.
- Da đổi màu xanh tím vùng quanh rốn (dấu hiệu Cullen) hoặc da đổi màu xanh tím vùng hông (dấu hiệu Grey Turner) trong viêm tụy thể xuất huyết.
-
Tràn dịch màng phổi.
Triệu chứng điển hình của viêm tụy cấp là đau bụng đột ngột, thường xuất hiện sau bữa ăn.
Vì vậy, khi trẻ có các dấu hiệu như đau bụng, nôn ói..., phụ huynh hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện bệnh và điều tri kịp thời cho trẻ.
4. Chẩn đoán viêm tụy cấp ở trẻ
Để chẩn đoán bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm như: Xét nghiệm máu, siêu âm bụng, đây là chẩn đoán có giá trị và tiên lượng bệnh. Có khoảng 20% trường hợp viêm tụy cấp có hình ảnh siêu âm bình thường lúc khởi đầu. Xquang bụng không sửa soạn: Khi cần phân biệt bệnh tắc ruột hay thủng ruột.
5. Viêm tụy cấp ở trẻ có cần phẫu thuật?
Điều trị
Tùy từng trường hợp cụ thể mà có những chỉ định cho phù hợp. Nguyên tắc điều trị viêm tụy cấp ở trẻ là điều trị chống sốc nếu trường hợp nặng, có sốc. Điều trị đặc hiệu, giảm đau, nhịn ăn hoàn toàn, có thể xem xét đặc sonde dạ dày hút dịch khi có chỉ định. Bù dịch, điều chỉnh thăng bằng kiềm toan, điện giải. Có thể điều trị kháng sinh, kháng acid.
Chỉ định phẫu thuật khi:
- Bệnh nhi viêm tụy hoại tử kèm ói nhiều, chướng bụng đau khi ấn, vẻ mặt nhiễm trùng nhiễm độc.
- Áp xe tụy kích thước > 3cm.
- Viêm tụy xuất huyết.
- Nang giả tụy tăng kích thước nhanh hoặc kích thước > 5cm hoặc tồn tại > 4 tuần.
- Viêm tụy hoại tử và viêm tụy xuất huyết.
- Áp xe tụy...
Viêm tụy cấp nếu chẩn đoán và xử trí muộn, bệnh sẽ diễn tiến phức tạp.
Tóm lại: Viêm tụy là một bệnh lý ít gặp ở trẻ em nên các dấu hiệu bệnh thường bị bỏ qua. Nếu chẩn đoán và xử trí muộn, bệnh diễn tiến phức tạp, gây mất nước do nôn ói nhiều, hạ huyết áp, bụng chướng, liệt ruột, hạ canxi máu… Tuyến tụy bị hoại tử và xuất huyết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, nguy cơ dẫn đến tử vong cao. Do vậy, trẻ nôn ói nhiều, lượng trẻ ói nhiều hơn lượng thức ăn ăn vào, cha mẹ cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ khám, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.