Hướng dẫn các bước rửa tay cho trẻ mầm non
Cơ thể chúng ta luôn tự đào thải các chất độc ra ngoài thông qua các quá trình bài tiết, đổ mồ hôi, thay da chết, nước mắt, nước tiểu…Các chức năng tự làm sạch này rất quan trọng những cũng góp phần làm cơ thể chúng ta bẩn hơn. Vì vậy việc rửa tay và vệ sinh cơ thể sạch sẽ là điều cần làm thường xuyên, nhất là đối với trẻ mầm non hệ miễn dịch còn yếu
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, thói quen vệ sinh có mối liên quan trực tiếp đến bệnh tật và sức khỏe. Một nghiên cứu được công bố bởi UNICEF thì rửa tay bằng xà phòng có thể làm giảm 50% tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy vốn là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi
Ngoài ra rửa tay và vệ sinh cá nhân sạch sẽ cũng giúp giảm tỷ lệ mắc các bệnh về phổi, chàm, ghẻ, nhiễm trùng và cách bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.
Trẻ em mầm non nên rửa tay khi nào
- Trước khi ăn hoặc khi chạm vào thức ăn
- Sau khi trẻ sử dụng phòng tắm để đi vệ sinh
- Sau khi ho mà lấy tay che miệng
- Sau khi chơi với thú nuôi
- Sau khi đi chơi về
- Rửa tay trước khi đi thăm một người bệnh
Quy trình 6 bước rửa tay cho trẻ mầm non mới nhất của Bộ Y tế
Bước 1: Làm ướt hai bàn tay bằng nước sạch. Thoa xà phòng vào lòng bàn tay, chà xát hai lòng bàn tay vào nhau
Bước 2: Dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay lần lượt từng ngón của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 3: Dùng lòng bàn tay này chà xát chéo lên mu bàn tay kia và ngược lại.
Bước 4: Dùng đầu ngón tay của bàn tay này miết vào kẽ giữa các ngón của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 5: Chụm 5 đầu ngón tay của tay này cọ vào lòng bàn tay kia bằng cách xoay đi, xoay lại.
Bước 6: Xả cho tay sạch hết xà phòng dưới nguồn nước sạch. Lau khô tay bằng khăn hoặc giấy sạch.