Chú thỏ tinh khôn
Từ ngày xửa ngày xưa đồng bào người Việt gốc Khơ Me ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn thường kể chuyện về một chú thỏ tinh khôn. Chuyện của chú nhiều và dài lắm, vì trí khôn của chú lớn và chiến công của chú kể hết năm này qua năm khác không thể hết được.
Một hôm thỏ đang nằm ngủ dưới một gốc cây sung. Bỗng một quả sung chín rụng rơi đánh bốp một cái giữa đầu thỏ. Vốn nhát, thỏ giật bắn mình chồm dậy và chạy. Chạy như gió cuốn, chạy như bay. Hổ thấy thỏ chạy thì cản đường hỏi tại sao thỏ chạy. Thỏ trợn mắt nói:
- Không chạy thì chết mất ngáp. Đất đang sụt dưới chân ầm ầm kia kìa... Chạy đi thôi...
Hổ nghe hoảng hồn, cũng cắm đầu chạy đứt hơi đuổi theo thỏ. Nhưng hổ làm sao mà đuổi kịp.
Thỏ chạy trước còn hổ thì vừa chạy vừa thở phì phò như kéo bễ. Thần Gió Giêvata cười phì bảo:
- Hổ ơi sao mày to xác thế mà để thằng thỏ nhãi ranh nó lừa mày. Đất có bao giờ sụt đâu mà cần phải chạy.
Nghe thần gió, hổ tin ngay liền tìm thỏ để trừng phạt cho bõ tức. Nhưng thỏ bình tĩnh hỏi:
- Bác hổ ạ, bác ăn thịt cháu cũng được thôi, nhưng phiền một nỗi là toàn thể loài vật vừa bầu cháu làm vua rồi. Bác từ nay cũng phải coi cháu là vua. Nếu bác không tin bác cứ thử đi với cháu mà xem. Chắc hơn hết bác cứ để cháu ngồi lên lưng, ta đi dạo một vòng, nếu không đúng là các loài sợ oai vua của cháu thì bác cứ việc ăn thịt.
Hổ ngờ ngệch bằng lòng cõng thỏ đi một vòng rừng, đi đến đâu trăm loài đều sợ sệt bỏ chạy. Họ chạy vì hổ mà hổ cứ tưởng họ sợ oai thỏ thật. Lúc ấy thỏ mới ra oai quát hổ rằng:
- Nhà ngươi thấy chưa! Trăm loài trong rừng đều sợ ta. Thế mà nhà ngươi còn dám láo với ta. Lần này thì ta tha, vì nhà ngươi chưa biết oai của ta là vua của núi rừng, lần sau ta sẽ trị tội nghe không!...
Hổ sợ quá đành vâng lời.
Lừa hổ xong, thỏ cũng bỏ trốn luôn, nhưng vì bụng đói, thỏ muốn trở lại bãi cỏ xanh non bên bờ suối. Thỏ đã định phóng mình chạy ra đấy nhưng chợt nhớ lần trước mình đã lừa cá sấu nếu ra cá sấu có thể giết chết mình mất. Thỏ sợ đành gậm cỏ trong rừng vừa già vừa khô. Ăn mãi chán quá, thỏ tự nhủ có thể cá sấu quên chuyện cũ rồi chăng. Ra đến nơi thấy cá sấu bận ngủ không để ý gì đến thỏ, thỏ càng tin là cá sấu đã quên chuyện cũ thật. Ai ngờ cá sấu cũng rất cao tay, lừa thỏ đến gần bèn chẳng nói chẳng rằng há mồm ra đớp gọn, chỉ còn chờ nuốt vào trong bụng nữa là hết đời con thỏ tinh khôn. Thỏ sợ quá, rụt rè hỏi:
- Này bác cá sấu, bác có định ăn thịt cháu thì ăn nhanh lên cứ ngậm mãi làm gì, cháu sợ lắm.
Cá sấu cười mím miệng:
- Hút... hút... hút... tao sẽ làm cho mày sợ chết khiếp... chết khiếp... chết khiếp... trước khi nuốt mày vào bụng... hút... hút... hút...
Thỏ nhận ngay ra rằng muốn giữ mồm, mõm cá sấu dài phải mím chặt nên chỉ cười hút... hút được mà thôi... Thế là thỏ ta cười vang:
- A ha, buồn cười quá... buồn cười quá... cá sấu ngọng nên cứ phải kêu hút... út... làm sao ta sợ được... Muốn ta sợ mày phải cười ha... ha... cơ... chứ thế này thì buồn cười đến đứt ruột mất thôi.
Cá sấu tức quá quát:
- Tao mà ngọng à... thằng thỏ ranh... nghe đây... dỏng tai mà nghe ta cười đây... ha... ha... ha...
Để cười ha ha cá sấu phải ngoác miệng ra, thế là lập tức thỏ nhảy tót ra khỏi mệng cá sấu và quay lại dạy cá sấu rằng:
- Này thằng cá sấu ngu ngốc kia... Nghe đây... Từ nay trong miệng đang ngậm mồi thì chớ có cười ha ha nghe không...
Dứt lời thỏ chạy vào rừng.
Một lần có người muốn thử tài của thỏ, bèn đưa cho thỏ một cái đơn kiện vô cùng tối nghĩa. Đơn viết rằng: "Cách đây ít lâu, có người lấy trộm của tôi một con trâu. Không phải trâu đực cũng không phải trâu cái. Không phải năm ngoái cũng không phải năm nay, người lấy không phải họ hàng, cũng không phải người ngoài".
Thỏ chuyển đơn kiện lên các quan, các quan đều ngơ ngác chẳng thể nào hiểu được lá đơn kiện nói gì, phải nhờ thỏ giảng giải rằng:
- Vụ mất xảy ra vào đêm ba mươi Tết. Vì đêm đó có thể gọi là đêm cuối cùng của năm ngoái, nhưng cũng có thể coi là ngày đầu tiên của năm nay. Còn con trâu bị mất trộm không phải là trâu đực cũng không phải là trâu cái chỉ có thể là trâu thiến. Mà kẻ lấy trộm dứt khoát là thằng rể. Vì chỉ có thằng rể mới không phải là người trong nhưng lại không phải là người ngoài họ.
Nghe thỏ giải thích các quan toà đề phải kính phục.
Nguồn: Sưu tầm