Trong mùa dịch, chăm sóc dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
TIN LIÊN QUAN
Mỗi bữa ăn cần được chuẩn bị từ ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm. |
Phụ huynh có thể tham khảo một số thực đơn bữa trưa được chuẩn bị theo Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, thuộc Dự án Bữa ăn học đường.
Các thực đơn trong Phần mềm đã được cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi, cân đối giữa 4 nhóm chất và được kết hợp đa dạng với trên 10 loại thực phẩm (không bao gồm gia vị) từ ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm kể trên và có sự phối hợp nguyên liệu tốt cho sức đề kháng của trẻ; được thông qua bởi Hội đồng thẩm định của Viện Dinh dưỡng Quốc gia – Bộ Y tế và Hội đồng thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thực đơn cân bằng dinh dưỡng từ Dự án Bữa ăn học đường. |
Theo ban Dự án, nguồn thực phẩm giàu đạm giúp trẻ ăn ngon miệng hơn nhờ vị umami đặc trưng, cung cấp năng lượng và tham gia vào quá trình xây dựng cơ thể.
Các loại thịt đỏ như thịt bò, heo rất giàu sắt có khả năng phòng chống thiếu máu. Các loại thịt trắng như thịt gà lại giàu vitamin B, có lợi cho miễn dịch đường ruột và tăng sức đề kháng.
Cá và động vật có vỏ rất giàu kẽm – vi chất này có khả năng hỗ trợ tế bào miễn dịch thực hiện được tốt chức năng bảo vệ cơ thể.
Bữa ăn của trẻ cần bổ sung vitamin C trong các loại rau củ quả để tăng cường hệ miễn dịch. Vitamin C làm tăng sản xuất bạch cầu, chống lại sự tấn công của vi khuẩn và virut.
Các loại thực phẩm đặc biệt giàu vitamin C gồm ớt chuông (đỏ, xanh), súp lơ/bông cải (xanh, trắng), các loại quả họ nhà cam (cam, quýt, bưởi), ổi, thanh long, kiwi...
Phụ huynh nên đa dạng thực đơn hằng ngày để trẻ ăn ngon miệng hơn. |
Để tăng cường hệ miễn dịch thì vitamin A cũng được xem là một vi chất thiết yếu. Vitamin A tham gia vào các quá trình đáp ứng miễn dịch của của cơ thể, làm tăng sức đề kháng của cơ thể.
Nếu thiếu vitamin A, trẻ em dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn và khi bị mắc bệnh, thời gian bệnh kéo dài hơn và bệnh cũng nặng hơn.
Các nhóm thực phẩm giàu vitamin A hoặc tiền vitamin A bao gồm hầu hết các loại củ quả màu cam hoặc đỏ thẫm như gấc, cà rốt, rau diếp, bí ngô, cà chua, dưa hấu, đu đủ...
Bữa ăn của trẻ phải đảm bảo 4 nhóm dưỡng chất (bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất). |
Để đảm bảo dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho trẻ trong mùa dịch, cần đảm bảo cung cấp cân đối 4 nhóm dưỡng chất (bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất) trong bữa ăn cho trẻ.
Mỗi bữa ăn cần được chuẩn bị từ ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm sau đây: lương thực, các loại hạt (đậu, đỗ, vừng, lạc ...), sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt cá và hải sản, trứng và các sản phẩm từ trứng, rau củ quả có màu xanh thẫm hoặc màu da cam hay màu đỏ, các loại rau củ khác (su hào, củ cải), dầu ăn và mỡ.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, bậc phụ huynh nhắc nhở các em uống đủ nước và nên uống nước ấm.
Thiếu nước, khô họng là một trong những rủi ro cao dẫn đến sự xâm nhập của vi khuẩn và virus gây nên các bệnh về hô hấp.
Bố mẹ cũng hạn chế cho trẻ sử dụng thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn. Phụ huynh nên cùng con tìm hiểu thêm về dinh dưỡng để trẻ biết cách lựa chọn các thực phẩm tốt cũng như xây dựng cho trẻ lối sống sinh hoạt khỏe mạnh như tập thể dục, ngủ đủ giấc,…