Tuyệt chiêu lên thực đơn cho bé 2 tuổi
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, từ sau sinh nhật thứ 2, khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ nên cắt giảm khoảng 30% hàm lượng chất béo để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh béo phì và bệnh tim ở trẻ em
Trong 2 năm đầu đời, não bé tăng trưởng và phát triển đạt 85% so với não người lớn, và theo các chuyên gia, chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố có ảnh hưởng quan trọng nhất. Vậy, trong thực đơn cho bé 2 tuổi nên tuân thủ theo “nguyên tắc” nào?
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của bé 2 tuổi
1/ Thực đơn cho bé 2 tuổi: Cho con ăn gì?
– Thực đơn đa dạng: Khác với chế độ dinh dưỡng cho bé từ 0-1 tuổi, trong thực đơn cho bé 2 tuổi, sữa không còn là nguồn năng lượng chính mà chỉ đóng vai trò là nguồn thực phẩm hỗ trợ, giúp trẻ bổ sung thêm vitamin và khoáng chất, đặc biệt là bổ sung canxi cho xương chắc khỏe. Như một người lớn tí hon, bé cưng 2 tuổi đã có thể ngồi vào bàn và hoàn tất một bữa ăn giống các thành viên khác trong gia đình, nhưng tất nhiên, với một khẩu phần nhỏ hơn.
– Cắt giảm chất béo: Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sau khi bé được 2 tuổi, mẹ nên cắt giảm 30% hàm lượng chất béo trong khẩu phần hàng ngày. Bởi sau 2 tuổi, nếu “nạp” quá nhiều chất béo, bé sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh béo phì, tim mạch, và một số bệnh khác.
– Tăng cường flo: Hiện nay, hàm lượng flo trong nguồn nước không cao, thậm chí hầu như không có. Vì vậy, việc bổ sung flo thông qua các loại thực phẩm là điều cần thiết. Mẹ có thể cho bé ăn thực phẩm một cách đa dạng như sữa và các chế phẩm của sữa, rau củ quả, thịt, ngũ cốc và bánh mì… để khắc phục tình trạng thiếu hụt dưỡng chất. Thực tế, một đứa trẻ được ăn uống khỏe mạnh bình thường đã có thể được cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết cho quá trình phát triển của mình. Vì vậy, nếu không có sự cho phép của các bác sĩ, mẹ không cần phải cho bé uống bổ sung thêm các loại vitamin hàng ngày.
– Bổ sung canxi cho trẻ: Thiếu hụt canxi ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tăng trưởng hệ xương của trẻ một cách bình thường, và là nguyên nhân dẫn đến tình trạng còi xương, thấp bé nhẹ cân. Để hạn chế tình trạng này, mẹ nên cho bé uống sữa và ăn các sản phẩm được chế biến từ sữa như: phô mai, sữa không béo hay ít béo, váng sữa… Ngoài ra, mẹ có thể cho bé ăn thêm cá hồi, các loại rau lá xanh, bông cải xanh…
– Thực phẩm giàu sắt: Hàm lượng sắt ở mỗi bé sẽ khác nhau vì nó còn tùy thuộc vào mức độ hấp thu sắt từ thực phẩm, huyết lưu, khả năng lưu giữ sắt, mức độ phát triển và độ tuổi. Sắt có thể có mặt trong đậu Hà Lan, các loại hạt khô, rau chân vịt, ngũ cốc bổ sung sắt, thịt gia cầm, cá và thịt.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Dinh dưỡng cho trẻ tập đi và mẫu giáo
Thông tin kiểm chứng bởi XuXu • 29/03/2017
Để đảm bảo sự đa dạng trong thực đơn cho bé 2 tuổi, 3 tuổi, mẹ không ngại kết hợp món này với món kia để giúp bé cảm thấy hào hứng với chuyện ăn uống hơn. Tuy nhiên, mẹ có biết không phải sự kết hợp nào cũng an toàn. Một sai sót nhỏ trong dinh dưỡng cũng có thể gây hại cho sức khỏe của con.
2/ Những lưu ý khác
– Theo dõi khi muốn cho con thử món mới: Theo Hiệp hội Nhi khoa Mỹ, hiện nay vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào khẳng định rằng các chế phẩm từ đậu phộng, cá và trứng sẽ làm cho trẻ nhỏ bị dị ứng. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, khi cho trẻ tiếp xúc với loại thực phẩm mới, cha mẹ nên dành thời gian quan sát biểu hiện của trẻ sau khi ăn như thế nào.
– Cẩn thận những thực phẩm dễ gây nghẹn, hóc: Không cho trẻ ăn những loại thực phẩm có thể làm cho trẻ bị hóc, ngạt thở như loại ngũ cốc hạt lớn, nho khô, củ quả sống, xúc xích, nho, dâu, bắt hạt, khoai tây chiên và bỏng ngô.
– Đảm bảo năng lượng cần thiết: Ở độ tuổi này, nhu cầu ăn uống của bé sẽ giảm xuống so với trước nhưng các mẹ hay khoan lo lắng vì đây là điều bình thường. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Mỹ, để đảm bảo trẻ nạp đủ lượng calo cần thiết, cứ mỗi 25 cm chiều cao của con, mẹ cần bổ sung khoảng 40 calo mỗi ngày.