“Nước ta ở về xứ nóng, khí hậu tốt,
Rừng vàng biển bạc, đất phì nhiêu.
Nhân dân dũng cảm và cần kiệm,
Các nước anh em giúp đỡ nhiều”
(Trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.543)
Xuất phát từ mong muốn giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào cho nhân dân và giới trẻ, Bác Hồ đã nói “Rừng vàng Biển bạc” nhằm khẳng định những thuận lợi mà nước ta có được trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt khi nói đến đây, Bác luôn nhấn mạnh việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý giá cho thế hệ sau; cần có kế hoạch khai thác, sử dụng thiên nhiên để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân: “Rừng là vàng, biển là bạc; nếu phá rừng thì tiêu hủy vàng, phá biển là đốt bạc còn gì!”.
Quê hương Việt Nam chúng ta với muôn hình vạn trạng, vẻ đẹp của những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, với dãy Trường Sơn độ cao ngất trời. Cảnh vật ở mỗi vùng, mỗi miền là khác nhau… và cả ở biển đảo cũng vậy. Là một quốc gia ven biển nằm ở phía Đông bán đảo Đông Dương, Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, vùng biển rộng trên 1 triệu km2, gấp hơn ba lần diện tích đất liền; có trên 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ gần bờ và xa bờ, chạy suốt từ Vịnh Bắc Bộ đến Vịnh Thái Lan. Đặc biệt, có hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là những nét đặc trưng cơ bản của cấu trúc và sự phân hoá lãnh thổ Việt Nam tạo ra cho đất nước ta tính đa dạng về cảnh quan thiên nhiên và nguồn lợi thuỷ sinh vật.
Các vùng biển, đảo của nước ta có vị trí chiến lược rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là nơi có nhiều nguy cơ gây mất ổn định, uy hiếp chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển của ta. Đồng thời, biển còn là kho lưu giữ các bí mật của quá khứ, ghi nhận những trang sử hào hùng về các cuộc chiến tranh giữ nước và lịch sử dựng nước của dân tộc Việt Nam.
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở phía Đông tổ quốc nơi mà các anh hùng đã phải đổ bao mồ hôi, công sức và cả máu thịt để dựng xây và gìn giữ. Chính vì vậy, từ lâu biển thực sự là bộ phận, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, là di sản của dân tộc, là chỗ dựa tinh thần và vật chất cho người dân.
Hơn nữa, biển luôn gắn bó chặt chẽ với mọi hoạt động sản xuất, đời sống của dân tộc Việt Nam và ngày càng có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vai trò của biển được thể hiện trong phát triển thương mại quốc tế Biển Đông, trong đó vùng biển Việt Nam có vị trí địa kinh tế, chính trị đặc biệt quan trọng và từ lâu đã là nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển không chỉ của các nước xung quanh Biển Đông mà còn của một số cường quốc hàng hải khác trên thế giới.
Về dầu khí, một nguồn tài nguyên mũi nhọn, có ưu thế nổi trội của vùng biển Việt Nam. Riêng trữ lượng dầu khí ngoài khơi miền Nam Việt Nam đã chiếm 25 % trữ lượng dầu dưới đáy Biển Đông, có thể khai thác từ 30 – 40 nghìn thùng /ngày, khoảng 20 triệu tấn/năm. Mặc dù, so với nhiều nước, nguồn tài nguyên dầu khí chưa thật lớn, song đối với nước ta nó có vị trí rất quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế đi vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Bên cạnh dầu, Việt Nam còn có khí đốt, dưới đáy biển còn có nhiều khoáng sản quý như thiếc, ti-tan, thạch anh, nhôm, sắt, đồng, kền và các loại đất hiếm.
Nguồn lợi hải sản nước ta cũng được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn nhiều loại đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển…
Tài nguyên du lịch biển cũng là một ưu thế đặc biệt, mở ra triển vọng khai thác tổng hợp để phát triển mạnh. Các bãi biển của nước ta phân bố trải đều từ Bắc vào Nam (các bãi tắm đẹp như Trà Cổ, Sầm Sơn, Cửa Lò, Nha Trang, Vũng Tàu…) Một số địa danh du lịch biển của Việt Nam đã được biết đến trên phạm vi toàn cầu như vịnh Hạ Long – hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, đang nằm trong danh sách đề cử kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Vịnh Nha Trang được coi là một trong những vịnh đẹp nhất hành tinh, bãi biển Đà Nẵng được tạp chí Forbes bầu chọn là một trong sáu bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh. Tiềm năng du lịch biển của nước ta không thua kém bất kỳ một quốc gia nào trong khu vực.
Chính vì vậy, việc phát huy lợi thế của một quốc gia có biển, kết hợp phát triển kinh tế biển với an ninh, quốc phòng phải trở thành một chiến lược lâu dài của nước ta nhằm xây dựng quốc gia Việt Nam mạnh về biển và phát triển kinh tế biển thành một bộ phận mũi nhọn của nền kinh tế quốc dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và những nhiệm vụ mới đang đặt ra cho dân tộc ta trước những thời cơ mới cũng như thách thức mới.
Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bảo vệ chủ quyền là nghĩa vụ của mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ chúng ta ngày nay. Chính vì vậy, chúng ta hãy cùng tiến hành việc này bằng sức mạnh tổng hợp, cần phải giữ vững ổn định và bảo vệ môi trường sống cho sự phát triển, cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi chúng ta là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tiềm lực và khả năng của chúng ta hãy chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên biển và bảo vệ chủ quyền hải đảo Việt Nam. Mỗi người cần đóng góp trí tuệ và sức lực cụ thể của mình, góp phần xây dựng các vùng biển, đảo thành vùng kinh tế giàu, mạnh, vùng quân sự vững chắc trong phòng tuyến an ninh giữ gìn và bảo vệ sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ các quyền lợi của quốc gia.
“Sức mạnh Việt Nam, tinh thần Việt Nam vì một màu xanh biển, đảo”.