Lịch sử ra đời ngày 27/7
Đầu năm 1946 "Hội giúp binh sĩ bị nạn" ra đời ở Thuận Hóa (Huế), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác... Sau đó ít lâu, được đổi thành "Hội giúp binh sĩ bị thương". Ở Trung ương, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam thành lập ngày 27-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự. Chiều ngày 28-5-1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng kêu gọi đồng bào gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sĩ bị thương.
Để giúp các chiến sĩ trong mùa đông giá rét, cuộc vận động "Mùa đông binh sĩ" được tổ chức trong cả nước, mở đầu bằng Lễ khai mạc "Xung phong mùa đông binh sĩ" được tổ chức chiều ngày 16-11-1946 tại Nhà hát Lớn Thành phố Hà Nội. Phát biểu trong buổi lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Nước ta được giải phóng là nhờ có xương máu của toàn dân và xương máu của các chiến sĩ đã hy sinh nơi tiền tuyến... ở hậu phương chúng ta có gia đình ấm áp, ở tiền phương các binh sĩ phải chịu rét mướt... Bây giờ, tôi có hai chiếc áo rét. Một chiếc tôi mặc đã mấy năm nay và một chiếc của ủy ban vận động mùa đông binh sĩ vừa may biếu tôi. Cả hai chiếc tôi tặng các binh sĩ ngoài mặt trận". Ủy ban vận động "Mùa đông binh sĩ" có sáng kiến tổ chức bán đấu giá áo của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lấy tiền mua nhiều chiếc áo khác cung cấp cho bộ đội ngoài mặt trận.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19-12-1946, hưởng ứng Lời kêu gọi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên. Thương binh, liệt sĩ trở thành vấn đề cần được quan tâm. Trước tình hình đó, cùng với việc tiếp tục kêu gọi giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 20/SL ngày 16-2-1947 chính thức đặt chế độ "Lương hưu thương tật" và "Tiền tuất cho thân nhân tử sĩ". Đây là văn bản pháp quy đầu tiên về chính sách thương binh, liệt sĩ, khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc.
Để chỉ đạo công tác này trong cả nước, ngày 26-2-1947, Phòng Thương binh thuộc Chính trị Cục Quân đội Quốc gia Việt Nam được thành lập. Tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày thương binh" để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh. Thực hiện chỉ thị của Người, một Hội nghị trù bị gồm đại biểu của các cơ quan, các ngành ở Trung ương, và một số địa phương đã họp tại một địa điểm ở xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nhất trí chọn ngày 27-7 hàng năm là Ngày thương binh toàn quốc. Ông Lê Tất Đắc, đại diện Chính trị Cục Quân đội Quốc gia Việt Nam tham gia cuộc họp đã tóm lược về ngày đáng ghi nhớ này bằng câu ca dao:
"Dù ai đi Đông về Tây
27 tháng 7 nhớ ngày thương binh
Dù ai lên thác xuống ghềnh
27 tháng 7 thương binh nhớ ngày"
Ý nghĩa ngày thương binh liệt sỹ 27/7
Ý nghĩa chính trị:
Ngày 27/2 hàng năm phản ánh sự đánh giá của Đảng, Nhà nước, nhân dân với những gia đình đã có người hy sinh vì Tổ Quốc.
Qua đó nhằm phát huy tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần cách mạng và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn, lãnh đạo.
Ngày thương binh liệt sĩ với mong muốn tăng cường ý thức, trách nhiệm, lòng biết ơn. Thông qua đó nhằm động viên và phát huy truyền thống cách mạng trong công cuộc đổi mới đất nước.
Công tác Thương binh liệt sĩ và chính sách đối với những người có công với cách mạng chính là thể hiện tính ưu việt và bản chất của Đảng và Nhà nước ta.
Tạo điều kiện củng cố niềm tin vào nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như sự quản lý của nhà nước.
Góp phần tăng thêm tiềm lực cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và cơ sở để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần chống lại thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, bôi nhọ quá khứ hào hùng của dân tộc.
Ý nghĩa nhân văn
Tăng cường ý thức, trách nhiệm, lòng biết ơn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Phát huy đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", đền ơn đáp nghĩa của dân tộc. Thể hiện truyền thống nhân văn sâu sắc của dân tộc.
Phát huy tinh thần "gia đình cách mạng gương mẫu" góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế.