Vui chơi giúp trẻ phát triển cảm xúc và học cách kiểm soát cảm xúc cực kỳ hiệu quả, bố mẹ hãy dành nhiều thời gian để cùng chơi với con nhé!
Trẻ nào cũng cảm thấy vô cùng thích thú và phấn khởi mỗi khi được chơi một trò chơi nào đó. Tuy nhiên, không chỉ giúp trẻ thư giãn mà vui chơi giúp trẻ phát triển cảm xúc phức tạp hơn bố mẹ nghĩ nhiều. Thông qua việc chơi, trẻ có thể học hỏi thêm nhiều điều mới, có cơ hội thể hiện cảm xúc và thực hành kiểm soát chúng.
Vậy làm sao để có thể phát huy hết lợi ích của việc vui chơi đối với sự phát triển cảm xúc của trẻ? Bố mẹ hãy cùng ODPHUB tìm hiểu nhé!
Vui chơi giúp trẻ phát triển cảm xúc và học được cách kiểm soát chúng.
Khả năng kiểm soát cảm xúc của trẻ mầm non
Trẻ 3-4 tuổi
- Sử dụng từ ngữ đơn giản để mô tả cảm xúc cơ bản như buồn, vui, tức giận và phấn khích;
- Biết cảm thấy tội lỗi và hiểu rằng mình phải nói xin lỗi khi đã làm sai điều gì đó, mặc dù lúc này bố mẹ vẫn phải nhắc nhở trẻ thực hiện hành động này;
- Trở nên hào phóng và thể hiện rằng mình hiểu về khái niệm chia sẻ, mặc dù không phải lúc nào trẻ cũng sẽ sẵn lòng chia sẻ với người khác.
Trẻ 4-5 tuổi
- Biết dùng từ ngữ để miêu tả những cảm xúc phức tạp hơn như thất vọng, khó chịu, xấu hổ, đặc biệt là khi bố mẹ khuyến khích trẻ nói ra cảm xúc của mình;
- Giấu giếm sự thật khi trẻ cảm thấy xấu hổ, tội lỗi hoặc hoảng sợ. Trẻ có thể sẽ nói rằng “Con không làm việc đó” ngay cả khi chính trẻ là người đã làm sai;
- Kiểm soát các cảm xúc mạnh như tức giận, khó chịu, thất vọng tốt hơn, các cơn cáu giận cũng được tiết chế và giảm bớt;
- Quấn quít lấy bố mẹ hơn, ví dụ khi trẻ cảm thấy lo lắng vì phải tới những nơi xa lạ và đông người;
Trẻ 4-5 tuổi có thể trở nên quất quít bố mẹ hơn.
Trẻ 5 tuổi
- Biết sử dụng từ ngữ để miêu tả những cảm xúc phức tạp như thất vọng, tội lỗi và ghen tị;
- Ý thức rõ được cảm xúc của mình dành cho người khác và hành động theo cảm xúc ấy, ví dụ như trẻ yêu mến bạn bè và gia đình, từ đó trẻ muốn giúp đỡ mọi người nhiều hơn;
- Cố gắng thực hiện đúng các quy tắc để tránh gặp rắc rối;
- Kiên nhẫn hơn khi chờ đến lượt của mình;
>>>Tham khảo thêm: Trẻ khó điều chỉnh cảm xúc: Nguyên nhân và cách giúp trẻ
Gợi ý hoạt động vui chơi giúp trẻ phát triển cảm xúc
Cùng bố mẹ hoặc bạn bè vui chơi giúp trẻ phát triển cảm xúc rất hiệu quả, trẻ có thể khám phá thêm được các loại cảm xúc khác nhau và thấu hiểu chúng. Dưới đây là một số hoạt động vui chơi có thể giúp trẻ nắm bắt và kiểm soát tốt cảm xúc của mình:
- Cho phép trẻ được “nghịch bẩn”: nghịch cát, bùn hoặc màu vẽ, đây là cách mà trẻ thư giãn và thể hiện cảm xúc hạnh phúc hoặc buồn bã của mình;
- Khuyến khích trẻ chơi những trò chơi sáng tạo, kích thích trí tưởng tượng và thể hiện được cảm xúc như chơi múa rối cùng các con rối hoặc đồ chơi mà trẻ ưa thích, dùng quần áo cũ để hóa trang và chơi nhập vai diễn kịch. Ví dụ: Trẻ có thể khoác một chiếc áo khoác trắng, đeo ống nghe đồ chơi để đóng vai bác sĩ;
- Đưa trẻ ra ngoài chơi ở công viên hoặc những nơi có không gian mở rộng rãi để trẻ tha hồ chạy nhảy, lăn lộn;
Bố mẹ nên cho trẻ ra ngoài chơi nhiều hơn, ở những không gian rộng rãi để trẻ tha hồ chơi đùa thoải mái.
- Khuyến khích trẻ vẽ và tô màu để thư giãn, bình tĩnh những khi trẻ buồn hoặc thất vọng, thông qua đó trẻ có thể biểu hiện được cảm xúc của mình;
- Khuyến khích trẻ nhún nhảy theo nhạc hoặc tự chơi nhạc bằng những nhạc cụ đơn giản;
- Đọc truyện cho trẻ với những câu chuyện về các nhân vật ở trong tình huống giống trẻ và có cùng cảm xúc với trẻ, thông qua đó trẻ sẽ hiểu hơn về các loại cảm xúc như đau khổ khi thú cưng qua đời, hoặc lo lắng khi sắp chuẩn bị đi học mẫu giáo hay lớp 1;
- Cho trẻ cơ hội được chơi cùng với các bạn ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ lớn hơn vì trẻ có thể học được cách nhận biết, kiểm soát và phản ứng phù hợp với từng loại cảm xúc.
Khi được trở thành người dẫn dắt trò chơi thì trẻ sẽ dễ dàng bộc lộ cảm xúc hơn, thế nên bố mẹ hãy để cho trẻ được chủ động lựa chọn trò chơi và quyết định luật chơi nhé!
Vui chơi giúp trẻ phát triển cảm xúc cũng như kiểm soát được chúng, thế nên ODPHUB hy vọng rằng bố mẹ sẽ dành nhiều thời gian để hướng dẫn và chơi cùng trẻ, để những khoảng thời gian ấy thực sự đem lại niềm vui và nhiều bài học ý nghĩa cho trẻ nhé!