1. Trò chơi đánh chuyền có nguồn gốc từ đâu?
Giống với đa số những trò chơi dân gian khác của Việt Nam, trò chơi đánh chuyền được phát triển và hình thành từ nhiều thế kỷ trước. Trẻ nhỏ chơi theo ngẫu hứng, tự phát, chúng tự ra luật chơi cho nhiều trò và say sưa với những ngẫu hứng đó, và có thể thay đổi luật chơi nếu muốn.
Trò chơi đánh chuyền vui nhộn, hồn nhiên và hấp dẫn bất kỳ đứa trẻ nào. Đánh chuyền khá phổ biến đối với các bé. Tuy nhiên khi những trò chơi hiện đại ra đời, thì đánh chuyền cũng giảm bớt sức hấp dẫn đối với các bạn nhỏ. Ngoài cái tên chơi chuyền được nhiều người dùng, đánh chuyền còn có một tên gọi khác là đánh thẻ!
2. Số lượng người tham gia trò chơi
Chơi chuyền không giới hạn số lượng người chơi. Càng đông người tham gia, trò chơi càng hấp dẫn và trở nên thú vị hơn. Các bé có thể chơi một mình hoặc là chơi theo nhóm. Hoặc nếu đông bé tham gia, có thể chia làm các nhóm thi đấu với nhau.
3. Độ tuổi tham gia chơi đánh chuyền
Chơi chuyền là trò chơi tập thể và không giới hạn số tuổi của người chơi. Đối với các bé, khi các bé lên học bậc tiểu học sẽ được anh chị hoặc bố mẹ ông bà chỉ cho các chơi đánh chuyền.
4. Nên chơi trò đánh chuyền ở đâu?
Chơi đánh chuyền không đòi hỏi không gian chơi cầu kỳ. Người tổ chức trò chơi chỉ cần cho các bé một khoảng không gian vừa đủ để các bé ngồi. Lưu ý chỗ ngồi của bé cần sạch sẽ!
5. Hướng dẫn cách chơi đánh chuyền
Chuẩn bị:
- Một bó que dài 10 cái, mỗi cái dài độ 20cm, vót nhẵn.
- Một viên đá hoặc viên đất tròn nhỏ làm hòn tung.(hòn chuyền) Hoặc có thể là một quả chanh, một quả bưởi nhỏ đều được. Các bé ở thành phố có thể sử dụng quả tennis để làm hòn chuyển.
- Bài đồng giao các bé sử dụng:
BÀN MỘT: Mỗi lần tung quả nhặt một que và hát
“Que mốt, que mai, cái trai, cái hến, con nhện chăng tơ quả mơ quả mận chần chẫn lên bàn hai.”
BÀN HAI: Mỗi lần tung quả nhặt hai que và hát
“Đôi chúng tôi, đôi chúng nó, đôi con chó, đôi con mèo, đôi trèo ba”
BÀN BA: Ba lá đa, ba lá đề, ba củ kề, một lên tư
BÀN BỐN: Tư ông sư, tư bà vãi hai hỏi năm
BÀN NĂM: Năm em nằm, năm lên sáu
BÀN SÁU: Sáu lẻ bốn, bốn lên bầy
BÀN BẨY: Bẩy lẻ ba, ba lên tám
BÀN TÁM: Tám lẻ hai, hai lên chín
BÀN CHÍN: Chín lẻ một, mốt lên mười
BÀN MƯỜI: Tung năm mươi mười chấm đấm vò vo tay chuyền, chuyền chuyền một đủ một đôi, chuyền chuyền hai đủ hai đôi… sang đò, cò nhảy gãy chân mây leo ,bèo nổi, ổi xanh, hành bóc vỏ,trứng đỏ lòng, tôm cong đít vịt, chuyền chõ ngỏ vung tung ba cái hái lá ngải bồng hoa cải trải bàn một.ở bàn mười trong khi chuyền nếu bị rơi que là hỏng phải chuyển cho đối phương và khi đến lượt thì làm lại.
Luật chơi:
- Tay nhón các que phải đúng theo các bài từ 1 đến 9.
- Khi chấm hoặc gõ hoặc chuyền làm tung rơi que chuyền hoặc bóng là mất lượt.
- Ai hoàn thành bài chuyền là thắng.
- Có nơi mất lượt thì phải bắt đầu lại từ bài 1.
Cách chơi:
- Mới đầu là ngồi trên đất, thường là co một chân, một chân duỗi để có thể rải cỗ que chuyền gối lên duỗi mà chơi.Nếu không khì để tiện xê dịch, phải lấy một que tre hoặc một đoạn gỗ để trải que gối đầu lên gỗ.
- Tay phải cầm cả cổ chuyền và hòn tung, tung hòn đá lên rải các que chuyền xong lại kịp bắt hòn chuyền và lần lượt tung hòn chuyền rồi nhón que và bắt cho hết 9 bài.(Bài 1 nhón từng que 1,lần lượt tăng lên…,)Đặc biệt là tay vừa chơi, miệng vừa đọc các bài văn vần thích hợp với từng bài.
- Ví dụ: Ba – Lá đa, ba – lá cà; ba – lá lốt, mốt sang tư:tư – củ từ…Cứ thế cho đến hết bài chín bài mười.Đến bài mười thì tung hòn chuyền và đặt gọn cả cổ chuyền xuống rồi lấy gọn cả cổ chuyền đó lên tay thì chuyển sang các bài chấm, bài gõ bài chuyền.
- Đến đây có thể đứng dậy mà chơi cho sinh động, dễ dịch chuyển.
- Bài chấm thì tay phải tung hòn chuyền lên cao, cầm cổ chuyền chấm các đầu que vào bàn tay trái hai cái, miệng nói “chấm chấm một” đồng thoiừ với tay chấm, xong lại ngửa tay phải đón bắt lấy hòn chuyền.
- Làm tiếp “chấm chấm hai” đến “ chấm chấm năm” sau đó chuyển sang bàn gõ.
- Nếu vẫn ngồi trên đất thì chấm chấm đầu cỗ que chuyền xuống đất.
- Bàn gõ là lấy cỗ que chuyền gõ gõ, đánh nhẹ vào bàn tay trái, trong khi hòn đá rơi và miệng hát “gõ gõ một”xong rồi bắt lấy hòn chuyền.
6. Những lợi ích từ việc chơi đánh chuyền
- Trẻ có nhiều niềm vui khi được cùng nhau thỏa thích vui đùa, điều này giúp hoàn thiện kỹ năng sống và thể nghiệm về mặt tâm lý cho trẻ vào đời.
- Thông qua trò chơi, trẻ em có thể phát triển được các giác quan như thị giác, trí nhớ, tư duy.
- Trò chơi mang đến cho trẻ sự nhanh nhẹn, dẻo dai, khéo léo.
- Góp phần hình thành phẩm chất nhân cách dũng cảm, kỷ luật, kiên trì, tinh thần đồng đội, ý chí chiến thắng.
- Trò chơi dạy cho trẻ tính tập thể, cộng đồng cao, hình thành tinh thần đoàn kết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong tâm thức mỗi em nhỏ.
7. Những lưu ý khi tham gia trò chơi đánh chuyền
- Người quản trò cần nhắc nhở cũng như quan sát tránh tình trạng các em sử dụng đũa chuyển để chơi đùa với nhau.
- Nhắc nhở các bé không gây ồn ào, ảnh hưởng đến những người xung quanh trong quá trình chơi
- Sau khi các bé chơi xong, nhắc các bé cất đồ cẩn thận và vệ sinh chân tay sạch sẽ.
Trên đây là những thông tin chi tiết về cách tổ chức trò chơi đánh chuyền cho các bé. Nếu có thể, bố mẹ, ông bà nên tham gia chơi cùng với con để giúp con hoàn thiện những kỹ năng của bản thân hơn!