Trẻ em tắm nhiều có tốt không? Tìm hiểu thời gian tắm cho trẻ theo độ tuổi
Việc tắm rửa thường xuyên là cần thiết đối với người lớn. Tắm rửa hàng ngày giúp bạn loại bỏ mồ hôi, bụi bẩn và mùi cơ thể nhưng đối với trẻ nhỏ điều này có đúng? Trẻ em tắm nhiều có tốt không chắc hẳn cũng là thắc mắc của không ít phụ huynh khi đang nuôi con nhỏ.
Thực chất, không có câu trả lời cụ thể về tần suất tắm cho trẻ, chẳng hạn như tắm mấy lần mỗi tuần là hợp lý. Việc có nên tắm cho trẻ hay không sẽ phụ thuộc vào tình trạng cơ thể cũng như sức khỏe của bé. Trong phạm vi bài viết sau, Hello Bacsi chỉ chia sẻ đến bạn những thông tin xung quanh việc tắm rửa cho trẻ đang khỏe mạnh.
Trẻ em tắm nhiều có tốt không?
Việc vệ sinh tắm rửa thường xuyên tưởng chừng như là thói quen tích cực nhưng sự thật là tắm rửa quá nhiều không hoàn toàn tốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nguyên nhân là vì tắm nhiều có thể làm cho chất dầu tự nhiên trên da bị rửa trôi khiến da trẻ bị khô và kích ứng, đặc biệt là với làn da nhạy cảm. Ngoài ra, trên da thường có những vi khuẩn có lợi giúp trẻ khỏe mạnh. Việc tắm quá nhiều có thể rửa trôi các lợi khuẩn này nên không được khuyến khích.
Câu trả lời cụ thể cho vấn đề “trẻ em tắm nhiều có tốt không?” là đối với trẻ nhỏ, nếu con của bạn trông khá sạch sẽ và không có mùi hôi thì việc cho trẻ tắm từ 2 đến 3 lần/tuần là hoàn toàn ổn. Mỗi ngày, bạn chỉ cần dùng khăn ướt sạch để lau mặt, vệ sinh vùng kín cho trẻ hoặc lau đi một số vết bẩn nếu có và rửa chân tay cho trẻ sạch sẽ. Bạn chỉ nên tắm cho trẻ thường xuyên trong những trường hợp như:
- Trẻ vui chơi ngoài trời nên đổ nhiều mồ hôi, dính bụi bẩn hoặc bất kỳ chất bẩn nào nhìn thấy được.
- Trẻ dành cả ngày đi bơi ở biển, sông, hồ hoặc hồ bơi.
- Trẻ có đi tiêu trong ngày.
- Da trẻ thường được bôi thuốc xua đuổi muỗi và côn trùng.
- Trẻ bị chàm cũng có thể cần được tắm thường xuyên hơn. Bởi vì kem dưỡng ẩm hoạt động hiệu quả hơn khi dùng trên da ẩm. Điều này quan trọng đối với việc điều trị bệnh chàm, một tình trạng cần được khôi phục “hàng rào” độ ẩm của da.
- Ngoài ra, đối với một số trẻ thích tắm thì việc cho con tắm hàng ngày cũng ổn mẹ nhé. Điều quan trọng là mẹ cần chọn loại sữa tắm phù hợp với làn da của trẻ để tránh gây khô da và kích ứng.
Đối với vấn đề trẻ em tắm nhiều có tốt không? Mặc dù không nhất thiết phải tắm cho con mỗi ngày nhưng một số thói quen vệ sinh khác như rửa tay và đánh răng hàng ngày là rất quan trọng. Bạn nên nhắc nhở con đánh răng 2 lần/ngày và rửa tay trong những trường hợp như trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi ngoài trời, chơi với thú cưng… để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan.
Chi tiết về thời gian tắm cho trẻ theo độ tuổi
Đối với trẻ khỏe mạnh, khuyến nghị về thời gian tắm cho trẻ sẽ phụ thuộc vào từng độ tuổi. Cụ thể như sau:
Trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ
Đối với trẻ dưới 6 tuổi thì đây là giai đoạn mà nhiều cha mẹ quan tâm và thắc mắc liệu trẻ em tắm nhiều có tốt không? Thực chất, làn da mỏng manh của em bé không cần được làm sạch hàng ngày. Bạn có thể tắm cho trẻ trong thau tắm hoặc bồn tắm từ 2 đến 3 lần mỗi tuần là ổn nhé.
Tuy nhiên, dù không tắm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên thì bạn vẫn nên chú ý đến việc vệ sinh vùng kín của bé hàng ngày, đặc biệt là khi thay tã. Bên cạnh đó, vệ sinh đồ chơi của trẻ thường xuyên cũng là điều cần thiết. Bởi vì đồ chơi rất dễ bẩn và dễ lan truyền vi khuẩn, chất độc hại khi trẻ cầm nắm rồi ngậm mút. Do đó, ba mẹ cần đảm bảo chọn mua cho con đồ chơi không làm từ chất liệu độc hại và nên làm sạch chúng thường xuyên, đúng cách.
Trẻ em tắm nhiều có tốt không? Trường hợp trẻ 6 – 11 tuổi
Đối với trẻ lớn hơn, đã đến tuổi đi học và tham gia nhiều hoạt động bên ngoài hơn thì trẻ cần được tắm rửa ít nhất 2 đến 3 lần mỗi tuần. Thực chất là việc tắm rửa nhiều ở độ tuổi này vẫn chưa cần thiết. Tuy nhiên, trẻ có thể cần tắm nhiều hơn nếu ra mồ hôi, dính bụi bẩn, chất bẩn, sau khi bơi lội…
Thời gian tắm của trẻ dậy thì
Khi bước sang tuổi dậy thì, trẻ thường cần được tắm hằng ngày. Nguyên nhân là vì ở giai đoạn này trẻ bắt đầu có mùi cơ thể, đặc biệt là khi đổ mồ hôi. Các bé gái bước vào giai đoạn dậy thì cũng bắt đầu có kinh nguyệt nên việc tắm rửa rất quan trọng. Bên cạnh đó, da mặt trẻ dậy thì thường dễ nổi mụn nên việc rửa mặt 2 lần mỗi ngày cũng là điều cần thiết.
Lưu ý về việc chăm sóc da của trẻ trong và sau khi tắm
Ngoài vấn đề trẻ em tắm nhiều có tốt không? Một số vấn đề về chăm sóc da của trẻ trong và sau khi tắm cũng cần được quan tâm để bảo vệ làn da mỏng manh của trẻ. Sau đây là một số lưu ý nho nhỏ nhưng quan trọng bạn cần “nằm lòng”:
- Bạn nên cho trẻ tắm nước ấm thay vì nước nóng. Nhiệt độ nước tắm lý tưởng cho trẻ thường trong khoảng 37 đến 38 độ C.
- Việc dùng xà phòng có tính diệt khuẩn mạnh có thể khiến da trẻ khô và ngứa. Vì vậy, bạn không nên cho con dùng trừ khi có chỉ định của bác sĩ để cải thiện vấn đề nào đó của da.
- Nhìn chung, lựa chọn tốt nhất là bạn nên cho trẻ dùng sữa tắm dịu nhẹ, không tạo nhiều bọt và không chứa chất tạo mùi.
- Sau khi tắm, bạn nên dùng khăn tắm thấm hay vỗ nhẹ khắp cơ thể bé để làm khô da thay vì chà xát mạnh không tốt cho làn da mỏng manh của trẻ.
- Việc dưỡng ẩm sau khi tắm cũng rất quan trọng, đặc biệt là khi bé có làn da khô hoặc sống ở vùng có khí hậu khô. Tùy vào tình trạng da của con mà bạn nên chọn kem dưỡng ẩm phù hợp, lành tính nhé.
Lưu ý về an toàn trong phòng tắm cho trẻ
Đối với những trẻ lớn đã đi học hoặc đến tuổi dậy thì, các bé có thể tự lập trong việc tắm rửa nên bạn không cần để ý quá nhiều. Ngược lại, với trẻ nhỏ hơn, đặc biệt là những trẻ mới biết ngồi hoặc mới biết đi, lứa tuổi thích khám phá nhưng chưa nhận thức được nguy hiểm, thì bạn cần lưu ý đến vấn đề an toàn trong phòng tắm. Sau đây là một số điểm bạn cần chú ý để giữ an toàn cho trẻ nhỏ khi tắm:
- Không bao giờ rời khỏi phòng tắm và để trẻ ngồi trong bồn tắm/ thau tắm một mình.
- Bạn nên chuẩn bị trước mọi thứ từ sữa tắm, khăn tắm, bông gòn, tã sạch và quần áo sạch. Những đồ dùng cần thiết nên được sắp xếp ở nơi gần phòng tắm nhất. Điều này vừa giúp trẻ được mặc đồ ngay sau khi tắm để tránh bị lạnh vừa giúp bạn không phải rời khỏi bé trong quá trình tắm.
- Đổ nước vào bồn tắm đến độ cao ngang rốn của trẻ khi con ngồi và tuyệt đối không đổ quá đầy.
- Nếu nhà tắm có hệ thống nước nóng lạnh thì bạn cần kiểm tra trước khi cho trẻ vào phòng tắm để chắc chắn rằng vòi nước nóng đã được khóa hoặc chuyển qua chế độ nước lạnh. Điều này nhằm ngăn ngừa nguy cơ trẻ bị bỏng trong phòng tắm.
- Nếu dùng bồn tắm lớn dành cho người lớn, bạn cần xả hết nước ngay sau khi tắm để tránh rủi ro nếu trẻ có vào phòng tắm một lúc nào đó để nghịch ngợm.
- Cuối cùng, dùng thảm chống trượt dành cho sàn nhà tắm có thể hữu ích để ngăn ngừa nguy cơ trượt ngã cho cả bạn và bé.
Hy vọng bài viết đã đem đến những thông tin hữu ích dành cho bạn xoay quanh vấn đề trẻ em tắm nhiều có tốt không? Nhìn chung, tần suất tắm của trẻ thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, tình trạng da, sức khỏe… Sự thật là việc trẻ không tắm một ngày cũng không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng nên ba mẹ không cần quá khắt khe về việc tắm rửa của con nhé!