- LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Như chúng ta đã biết ngôn ngữ luôn có vai trò to lớn trong sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.
“Ngôn ngữ là phương tiện để phát triển tư duy”, là công cụ để giúp phát triển tư duy và là phương tiện để giáo dục tình cảm, thẩm mỹ cho trẻ. Trong giáo dục trẻ mầm non hiện nay, chúng ta càng thấy rõ vai trò của ngôn ngữ đối với việc giúp trẻ trở thành những con người phát triển về mọi mặt: đức, trí, thể, mỹ và hình thành những cơ sở ban đầu của nhân cách con người. Vấn đề phát triển ngôn ngữ một cách có hệ thống cho trẻ ngay từ nhỏ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
Có nhiều biện pháp để giúp trẻ 18 - 24 tháng tuổi phát triển ngôn ngữ như hoạt động dạy trẻ đọc thơ, kể chuyện, tập nói, trò chuyện, giao tiếp với trẻ thông qua các hoạt động giáo dục trẻ trong ngày chính là việc làm giúp trẻ phát triển ngôn ngữ. Thông qua một thời gian hướng dẫn dạy trẻ tập nói tôi nhận thấy có một biện pháp phát huy hiệu quả, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ rất tốt, đặc biệt là trong việc dạy cá nhân trẻ hoặc nhóm trẻ. Tôi mạnh danh chia sẻ đó là:
Giúp trẻ phát triển ngôn ngữ thông qua hoạt động tại góc kể chuyện.
Trong cuộc sống chúng ta ai cũng phải sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp với mọi người xung quanh và ngôn ngữ chính là phương tiện cho việc dạy và học. Đối với trẻ mầm non thì qua giao tiếp bằng ngôn ngữ và tư duy trẻ thu được các kinh nghiệm sống làm phong phú thêm sự hiểu biết của trẻ.cụ thể trẻ nhà trẻ thì nhận thức và ngôn ngữ của trẻ còn hạn chế, trẻ mới đang tập nói, có trẻ mới nói được câu 2-3 từ ,có trẻ thì đã nói được câu 4-6 từ, có trẻ nói chưa trọn vẹn được câu, trẻ chưa diễn đạt được ý muốn của mình bằng những câu đơn giản… chính vì vậy mà phát triển ngôn ngữ cho trẻ là việc làm cần thiết. Đối với trẻ nhà trẻ phát triển ngôn ngữ chính là việc phát triển các khả năng nghe, hiểu, nói của trẻ.
Nhưng thực tế phần lớn các bố mẹ đều bận rộn, lo toan cho cuộc sống, thời gian bố mẹ trò chuyện với trẻ để phát triển vốn từ còn ít. Một số cha mẹ của trẻ nhận thức về tầm quan trọng của ngôn ngữ còn hạn chế. Do vậy vốn từ của trẻ em ngày nay phát triển chậm và nghèo nàn, chủ yếu trẻ được tiếp xúc và phát triển ngôn ngữ thông qua ti vi, điện thoại chưa được sự chỉ bảo, uốn nắn của người lớn. Rất nhiều phụ huynh khi đưa con tới lớp ở lứa tuổi nhà trẻ 18-24 tháng thường trao đổi với tôi những băn khoăn của họ như: Con chưa biết nói cô ạ. Bạn này nói ít lắm. Phải làm sao để con nói được nhiều hơn nữa hả cô?...
Bên cạnh đó việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ 18-24 tháng ở trường mầm non chưa thực sự được quan tâm, chú trọng. Giáo viên chưa quan tâm được đến từng cá nhân trẻ. Đa số trong hoạt động nhật biết trẻ chưa được nói nhiều, chưa được trải nghiệm hết các giác quan: Nhìn, sờ, nếm, ngửi. Chủ yếu trẻ chỉ được nhìn và được nói tập thể nhiều lần. Trước thực trạng trên tôi luôn trăn trở làm sao để các con có vốn ngôn ngữ phát triển tốt theo yêu cầu của độ tuổi? Làm thế nào để các con phát âm chuẩn, chính xác đúng Tiếng Việt? Làm thế nào giúp các con tự tin trong giao tiếp, biết diễn đạt tình cảm, ý muốn của bản thân bằng lời nói...
Để tìm ra những biện pháp tốt giúp trẻ phát triển ngôn ngữ thông qua hoạt động tại góc kể chuyện, ngay từ đầu năm tôi đã tiến hành khảo sát tổng số 20 trẻ và thu được kết quả như sau:
Phân loại khả năng ngôn ngữ của trẻ |
Đầu năm học |
Tốt |
Khá |
Trung bình |
Yếu |
SL |
SL |
SL |
SL |
Vốn từ |
2 |
3 |
5 |
10 |
Khả năng phát âm |
3 |
4 |
5 |
8 |
Khả năng nghe và hiểu ngôn ngữ |
4 |
5 |
4 |
7 |
Khả năng nói đủ câu, rõ ràng, mạch lạc |
2 |
3 |
6 |
9 |
Mục đích để trẻ phát trển ngôn ngữ thông qua hoạt động tại góc kể chuyện để giúp trẻ:
- Nghe và hiểu được những yêu cầu đơn giản bằng lời nói
- Biết đặt câu hỏi và trả lời một số câu đơn giản bằng lời nói.
- Sử dụng lời nói để giao tiếp hay diễn đạt nhu cầu
- Cảm nhận được vần điệu, nhịp điệu của các câu thơ, bài thơ và cảm nhận được ngữ điệu của lời nói.
- Hồn nhiên trong giao tiếp.
Tôi đã áp dụng những biện pháp sau:
II. CÁC BIỆN PHÁP:
1. Biện pháp 1: Xây dựng môi trường góc “Cô kể bé nghe”.
Đầu tiên ngay từ đầu năm học tôi đã xác định nội dung của các góc chơi và xây dựng môi trường các góc chơi đặc biệt là:
Xây dựng môi trường góc “Cô kể bé nghe”.
Tôi nhận thấy góc chơi này vừa cung cấp cho trẻ những từ ngữ mới, vừa ôn luyện, củng cố cho trẻ những từ, câu đã học, trẻ được vận dụng vào thực tế thông qua hình ảnh minh họa, tranh truyện minh họa, tranh nhận biết tập nói...qua các bộ rối tay, rối ngón tay, rối bông...
Tôi đã xây dựng môi trường góc chơi áp dụng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Tất cả các góc chơi sắp xếp một cách hợp lí, trang trí thẩm mĩ, thân thiện, phù hợp với lứa tuổi. Tại góc chơi này tôi tạo cho trẻ không gian mở với các khu vực riêng như: Khu vực có nhiều gối để trẻ có thể thư giãn, thoái mái ngồi, nằm xem tranh truyện. Bên cạnh đó là chiếc bàn nhỏ xinh để trẻ có thể đặt sách truyện lên và “đọc sách”. Tiếp đến là khu vực dành cho những con rối đáng yêu, với ngôi nhà rối ngộ nghĩnh, tôi còn tạo ra khung rối phù hợp với trẻ để trẻ tập kể chuyện. Những chiếc gối nhỏ dành cho khán giả nào thích xem các bạn tập kể. Đặc biệt tôi chuẩn bị thêm các đồ dùng, đồ chơi tính mở như: Làm bộ sách theo từng chủ đề: Sách có tranh hoàn thiện, cũng có tranh chưa hoàn thiện để trẻ học bằng chơi. Trong giờ chơi cô chơi cùng trẻ để trẻ biết cách chơi, lần sau trẻ tự chơi, cô quan sát và gợi ý giúp trẻ có thêm ý tưởng. Ví dụ ngoài cách giở xem sách truyện trẻ có thể kể chuyện theo tranh, có thể đọc những câu đơn giản, phù hợp với bức tranh đó...Trẻ học bằng chơi nên qua từng trang sách trẻ nói được từ, câu đơn giản về con vật, cây, quả, những hành động của con vật....
Mỗi chủ đề tôi đều chuẩn bị thêm các con thú bông mới phù hợp với chủ đề đó. Tôi kể chuyện và sử dụng những con thú bông đó để gây chú ý đến trẻ. Giờ chơi trẻ sẽ bắt chước cô kể chuyện với thú bông rất ngộ nghĩnh lại ôn luyện vốn từ cho trẻ.
Tôi còn sử dụng bài, tranh do trẻ tạo ra theo chủ đề ở góc Bé chơi với hình và màu để cho trẻ chơi tại góc: “Cô kể bé nghe”. Trẻ được xem sản phẩm mình làm ra, trẻ nói lại các câu đơn giản, các từ, hay đọc câu thơ, bài thơ với quyển sách đó.
Sau mỗi giờ chơi Cô cùng trẻ sắp xếp lại đồ dùng đồ chơi tại góc kể chuyện. Đồ dùng dễ lấy, dễ cất nên trẻ rất hào hứng tham gia cùng cô. Qua hoạt động này trẻ hát cùng cô những câu hát: Bạn ơi hết giờ rồi, nhanh tay cất đồ chơi...Qua đó giúp trẻ phát triển các câu đơn giản như: “Hết giờ chơi rồi”. “Bạn ơi cất đồ chơi”....
2. Biện pháp 2: Sử dụng đồ dùng, đồ chơi trong góc “Cô kể bé nghe” để dạy
trẻ
Khi xây dựng được góc chơi với đầy đủ nguyên vật liệu, đồ dùng đồ chơi thì việc Sử dụng đồ dùng, đồ chơi trong góc “Cô kể bé nghe” để dạy trẻ là vô cùng quan trọng và tôi đã tiến hành như sau:
Tôi luôn chuẩn bị rất nhiều tranh, ảnh chụp, sách truyện đa dạng, phong phú về nội dung theo chủ đề trong năm học của trẻ để hàng ngày trẻ có thể tự do, thoải mái xem sách, xem tranh ảnh, khi trẻ xem tham gia chơi góc này tôi luôn hỏi trẻ về nội dung sách, tranh, khuyến khích trẻ trả lời, trẻ tự kể về nội dung trong tranh từ đó tôi có thể kịp thời luyện cho trẻ phát âm chuẩn, và cung cấp thêm những từ mới. Những ảnh mới lạ mà trẻ chưa biết để mở rộng vốn từ cho trẻ.
- Với những quyển truyện tranh, bộ sưu tập hay những bộ sách tranh do trẻ tự làm từ các hoạt động trước thì tôi cho trẻ ngồi ngay ngắn vào bàn nhỏ của trẻ để trẻ xem tranh ảnh và nói tên hình ảnh đó: VD: Trẻ ngồi mở sách ra chỉ tay vào con vật và nói tên con vật đó, hoặc cô hỏi trẻ: “Đây là con gì? Gà con làm gì đấy? Nhà con có nuôi gà không? Gà con thích ăn gì nhỉ?”...
- Với những đồ chơi là thú bông tôi gợi ý trẻ gọi tên, tôi thường mời trẻ giới thiệu về con vật mà trẻ biết, trẻ yêu quý nhât, đố trẻ bắt chước tiếng kêu, động tác của con vật đó.
- Với những con rối tay là những con vật quen thuộc với trẻ tôi chọn cách ngồi chơi cùng với trẻ, ví dụ tôi cùng trẻ đeo rối tay và cùng nói giới thiệu về nhân vật. Cô nói trước cho trẻ nói theo, sau đó khuyến khích tự trẻ giới thiệu một mình sau đó cho 2 bạn tự hỏi nhau:
+ Xin chào các bạn! tôi là voi to lớn.
+ Tôi có đôi tai to.
+ Đuôi tôi rất dài
- Hoặc trò chuyện với nhau:
+ Xin chào bạn! tôi là sư tử.
+ Bạn là ai?
+ Chào bạn, tôi là voi.
+Tôi sống ở trong rừng
+ Tôi biết kéo gỗ.
- Với các loại rối khác cũng tôi cũng sử dụng cho trẻ hoạt động tương tự như vậy, và mỗi ngày tôi lại sử dụng một hình thức khác nhau cho trẻ tham gia không bị nhàm chán và tăng sự hứng thú cho trẻ.
Vài lần tôi chơi mẫu và chơi cùng trẻ như vậy trẻ rất thích và sẽ bắt chước những câu nói giới thiệu của cô và tập nói, nói nhiều lần trẻ thuộc, từ đó vốn từ của trẻ trở nên phong phú hơn, nói câu rõ ràng, mạch lạc hơn. Khả năng nghe và hiểu ngôn ngữ của trẻ cũng tốt hơn.
3. Biện pháp 3: Phối hợp với cha mẹ trẻ
Để tạo sự tin tưởng và thu hút sự tham gia của phụ huynh vào các hoạt động giáo dục trẻ. Tôi thường xuyên lắng nghe ý kiến của cha mẹ trẻ, chủ động xây dựng mối quan hệ tốt với phụ huynh, tư vấn và tuyên truyền các biện pháp về nhà dạy trẻ như thế nào để phối hợp với giáo viên phát triển ngôn ngữ cho trẻ.
- Trong buổi họp phụ huynh đầu năm học:
+ Tôi tìm hiểu khả năng giao tiếp của từng trẻ khi ở nhà thông qua phụ huynh: Vốn từ, mức độ phát âm chuẩn xác hay không, trẻ hay mắc lỗi phát âm gì, hay nói ngọng từ nào, trẻ hay trò chuyện hay nhút nhát, ít nói.
+ Tìm hiểu về tâm sinh lý, sức khỏe của từng trẻ, tìm hiểu sự phát triển của các cơ quan tạo nên âm, tiếng như lưỡi, môi, thanh quản thông qua phụ huynh,
- Hàng tháng :
+ Tôi treo trên bảng tuyên truyền của lớp bài thơ, bài hát, câu chuyện để phụ huynh biết cùng phối hợp phát triển ngôn ngữ cho con khi ở nhà.
+Tôi trao đổi với phụ huynh những cuốn sách hay, nội dung sách, tranh, ảnh phù hợp với độ tuổi nhà trẻ để phụ huynh tìm mua cho con xem thêm ở nhà. Bên cạnh đó tôi cũng chia sẻ những phương pháp tích cực nhất giúp phụ huynh phát triển ngôn ngữ cho trẻ.
- Hàng tuần:
+ Tôi cũng thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tình hình của trẻ ở lớp, khả năng nói của trẻ ở lớp như thế nào, trẻ có gì cần quan tâm đặc biệt, trẻ có ưu điểm gì cần được khích lệ, động viên, trẻ có hạn chế gì cần chú ý sửa chữa và rèn luyện.
Ngoài việc cô giáo tự làm và sưu tầm các nội dung cho góc chơi tôi còn trao đổi với phụ huynh, để phụ huynh có thể ủng hộ cho lớp, cho các con những đồ chơi phù hợp để trẻ sử dụng khi chơi. Rất nhiều phụ huynh đã ủng hộ từ hình ảnh nhân vật trong truyện, các con thú nhồi bông và các nguyên vật liệu khác.
III. KẾT QUẢ
Sau một thời gian dạy trẻ ngôn ngữ thông qua hoạt động tại góc kể chuyện tôi nhận thấy học sinh lớp tôi đã có tiến bộ rõ rệt về ngôn ngữ, đặc biệt những cháu nhút nhát cũng chịu khó giao tiếp hơn
- Trẻ mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp.
- Trẻ phát âm chuẩn hơn, vốn từ của trẻ phong phú, mở rộng.
- Khi giao tiếp trẻ nói đủ câu hoàn chỉnh, lễ phép.
- Khả năng nghe và hiểu ngôn ngữ tốt hơn.
- Đồng thời phụ huynh rất phấn khởi khi thấy sự thay đổi của con mình.
Phân loại khả năng ngôn ngữ của trẻ |
Đầu năm học |
Cuối năm học |
Tốt |
Khá |
Trung bình |
Yếu |
Tốt |
Khá |
Trung bình |
Yếu |
SL |
SL |
SL |
SL |
SL |
SL |
SL |
SL |
Vốn từ |
2 |
3 |
5 |
10 |
10 |
7 |
2 |
1 |
Khả năng phát âm |
3 |
4 |
5 |
8 |
12 |
4 |
3 |
1 |
Khả năng nghe và hiểu ngôn ngữ |
4 |
5 |
4 |
7 |
11 |
7 |
2 |
|
Khả năng nói đủ câu, rõ ràng, mạch lạc |
2 |
3 |
6 |
9 |
12 |
6 |
2 |
|
IV. KẾT LUẬN
Ngôn ngữ giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, trong hoạt động nhận thức của con người và sự phát triển toàn diện của trẻ. Chính vì vậy việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ lứa tuổi mầm non, đặc biệt là ngay từ lứa tuổi nhà trẻ vô cùng quanh trọng và cần thiết. Việc dạy trẻ phát âm chuẩn, nói rõ ràng, mạch lạc, nói đủ câu góp phần không nhỏ vào việc phát triển nhận thức và nhân cách con người trẻ. Tạo tiền đề tốt cho việc học tập sau này của trẻ. Tôi nhận thấy việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ là cả quá trình liên tục và xuyên suốt, đòi hỏi giáo viên phải kiên trì, bền bỉ, khắc phục khó khăn. Bên cạnh đó cô giáo và cha mẹ phải là tấm gương sáng, phải có ngôn ngữ chuẩn để trẻ học theo. Cô giáo và cha mẹ phải luôn gần gũi với trẻ, giao lưu cảm xúc trực tiếp với trẻ. Cô giáo phải lưu ý đến từng cá nhân trẻ, linh hoạt trong giáo dục, không dập khuôn, máy móc.
Trên đây là những biện pháp mà tôi đã áp dụng để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và đã đạt được những kết quả nhất định, tôi rất mong nhận được sự góp ý, bổ sung để sáng kiến kinh nghiệm thực sự có chất lượng và hiệu quả trong công tác giảng dạy trong trường mầm non.
Tôi xin chân thành cảm ơn !
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của mình viết, không sao chép nội dung của người khác.
Hà Nội ngày 20 tháng 3 năm 2023
Người viết