Lúc còn ở nhà, bé luôn có bạn ở bên để lo lắng và chăm sóc cho bé về mọi thứ từ cái ăn, cái ngủ đến chuyện đi vệ sinh, tắm rửa bạn đều giúp bé. Tuy nhiên khi bé đã đến tuổi đi học, bạn không thể nào ở bên bé mọi lúc được nữa. Các thầy cô hay bảo mẫu ở trường cũng không thể chăm sóc cho từng bé được. Vậy nên, điều bạn có thể giúp bé là chuẩn bị cho bé những kỹ năng cần thiết để bé có thể tự chăm sóc mình khi bé đến trường nhé.
Kỹ năng đi vệ sinh
Một trong những điều mà các mẹ lo lắng nhất khi bé đến trường là việc đi vệ sinh của bé. Lý do là vì trẻ nhỏ vẫn chưa thể kiểm soát được chuyện tiểu tiện của mình. Trong số các bé lên 5, có đến 15% là vẫn có thể đái dầm ban ngày. Bé có thể bị mắc tiểu đột ngột, hoặc bé có thể không nhận ra những dấu hiệu báo trước việc cơ thể muốn đi tiểu. Thêm vào đó, những đứa trẻ ở độ tuổi này có xu hướng ham chơi đến khi không nhịn nổi được nữa thì mới vội vàng đi tiểu.
Thầy cô sẽ sắp xếp sao cho bé có thể đi vệ sinh đúng giờ, nhưng bé có thể xin phép thầy cô đi vệ sinh vào bất kì lúc nào. Ở độ tuổi đi học mẫu giáo, bàng quang của bé chỉ có sức chứa trong khoảng 3-5 giờ, vì vậy bé phải đi vệ sinh ít nhất hai lần vào ban ngày. Bạn nên nhắc bé nhớ đi tiểu khoảng một tiếng đồng hồ sau khi ăn trưa, vì hầu hết các vụ đái dầm ở trẻ đều xảy ra vào khoảng 2 đến 5 giờ chiều. Hãy giúp bé hiểu rằng thầy cô giáo sẽ giúp bé bất kì lúc nào bé cần, nói bé đừng lo lắng vì chuyện bé đái dầm là chuyện rất bình thường ở độ tuổi của bé.
Bạn có thể giúp cho việc đi vệ sinh của bé trở nên dễ dàng hơn bằng cách dạy bé cách cởi khóa quần áo. Không nên cho bé mặc những bộ quần áo khó cởi như áo liền quần hoặc quần bó cho đến khi bé có thể tự cởi nhanh được bạn nhé.
Kỹ năng giao tiếp
Bất kỳ bé nào dù hiếu động đến đâu cũng sẽ trở nên e dè khi bước vào một căn phòng toàn người lạ. Để bé dũng cảm hơn, bạn hãy dành thời gian bồi dưỡng các kĩ năng kết bạn cho con nhé. Đầu tiên, bạn hãy cho bé biết rằng bất kỳ ai cũng sẽ lo lắng như vậy. Hãy kể cho bé nghe về ngày đầu tiên đi học của bạn, rằng bạn đã lo lắng như thế nào, nhưng cuối cùng mọi chuyện cũng ổn thỏa cả.
Hãy chơi trò đóng giả để giúp bé cảm thấy thoải mái trong lần đầu nói chuyện với một người bạn mới. Dạy bé tìm một điểm chung giữa bé và người bạn mới để mở đầu câu chuyện như: “Chào bạn, mình tên là Nam, bạn có cái cặp hình siêu nhân đẹp quá, mình cũng thích siêu nhân lắm…” Khi đi ăn, hãy để con tập gọi món và tính tiền cho bữa ăn của mình tại quán ăn để con có thể tập nói chuyện với những người lạ.
Bạn đừng quên hướng dẫn bé cách để trở thành một người bạn tốt, chẳng hạn như chia sẻ đồ chơi với bạn. Bạn hãy khen ngợi con khi con biết chia sẻ đồ chơi hay biết chờ đến lượt mình khi chơi xích đu ở công viên, và giải thích rằng các bạn mới của con sẽ rất vui khi con cũng làm như thế ở trường.