Kể chuyện sáng tạo: Đồ chơi bé thích
I. MỤC ĐÍCH – YÊU CẦU:
1. Kiến thức:
- Trẻ biết giới thiệu tên đồ chơi của mình.
- Trẻ biết kể câu chuyện đơn giản về đồ chơi mà mình thích qua sự hướng dẫn của giáo viên.
2. Kĩ năng:
- Phát triển ngôn ngữ mạch lạc, biểu cảm cho trẻ.
- Trẻ có kĩ năng lắng nghe các bạn kể chuyện về đồ chơi.
- Trẻ có kĩ năng đặt câu hỏi và trả lời các câu hỏi.
3. Thái độ:
- Trẻ hứng thú tham gia kể chuyện
- Trẻ tích cực tham gia các hoạt động
- Trẻ đoàn kết, giúp đỡ bạn bè
II. CHUẨN BỊ:
1. Xác định giọng kể:
- Giọng người kể chuyện: nhẹ nhàng, ấm áp
2. Đồ dùng trực quan:
- Đồ dùng của cô:
+ 1 con gấu bông
- Đồ dùng của trẻ:
+ Mỗi trẻ 1 đồ chơi trẻ yêu thích (mang từ nhà).
3. Địa điểm: Trong lớp học
4. Tâm thế : Cô và trẻ thoải mái, tự nhiên.
5. Trang phục: Cô và trẻ mặc phù hợp với thời tiết.
III. TIẾN HÀNH:
1. Ổn định tổ chức:
Cô và trẻ hát, vận động bài “Hello, how do you do”.
2. Phương pháp và hình thức tổ chức:
Hoạt động 1: GV giới thiệu đồ chơi
Hôm trước cô đã dặn các con mang 1 món đồ chơi mà mình yêu thích đến lớp. Hôm nay các con đã mang đến những đồ chơi gì?
Hôm nay cô cũng đem đến 1 đồ chơi mà khi cô bằng tuổi các con bây giờ cô rất thích đấy. Đó là con gấu bông.
Hoạt động 2: GV kể chuyện về đồ chơi
Con gấu bông này là món đồ chơi cô Huyền thích nhất khi còn bé. Con gấu bông có màu trắng và màu đen. Đôi mắt gấu bông to, tròn và đen láy. Hồi còn nhỏ cô luôn mang theo con gấu bông này đi ngủ và đi chơi. Đi đâu cô cũng mang nó đi cùng đấy.
- Có bạn nào muốn đặt câu hỏi về con gấu bông của cô không?
Hoạt động 3: GV hướng dẫn trẻ kể với đồ chơi
Mời lần lượt trẻ lên kể với đồ chơi mình thích.
Khi trẻ kể giáo viên cùng trẻ chăm chú lắng nghe. Nếu cần cô gợi ý bằng các câu hỏi: + Đồ chơi của con là gì vậy?
+ Đồ chơi đó có đặc điểm gì?
+ Con chơi đồ chơi như thế nào?
+………
Mỗi trẻ kể xong GV khen ngợi, động viên khuyến khích trẻ.
Mời trẻ hỏi về đồ chơi của bạn.
+ Đồ chơi này ai mua cho bạn?
+ Bạn hay chơi đồ chơi lúc nào?
+ Bạn chơi đồ chơi với ai?
+ Nếu mất đồ chơi thì bạn cảm thấy thế nào?
Sau đó mời trẻ cất đồ chơi gọn gàng.
Bài học giáo dục: Để đồ chơi không bị nhanh hỏng, khi chơi chúng mình cần làm thế nào? Muốn đồ chơi không bị mất, thất lạc khi chơi xong chúng mình cần làm gì?
=>Khi chơi chúng mình cần giữ gìn đồ chơi cẩn thận. Để đồ chơi không bị thất lạc, khi chơi xong các con cần cất gọn gàng, đúng nơi qui định.
3. Kết thúc:
Cô nhận xét giờ học
Chuyển hoạt động: Cô mời trẻ lên lấy đồ chơi của mình và chơi cùng các bạn.