Giáo dục nền nếp cho học sinh luôn là yêu cầu bức thiết đầu tiên của mọi cấp, bậc học “Tiên học lễ hậu học văn” là vậy. Thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ không chỉ là thói quen ở trường mà còn được biểu hiện ở nhà trong sinh hoạt hàng ngày:
Biết đi thưa về trình, biết chào hỏi có lễ phép, biết xin lỗi, nhận lỗi, biết cất dọn đồ dùng đồ chơi đúng vị trí ngăn nắp, biết tự làm những việc có thể làm theo khả năng của bản thân: tự múc cơm ăn, uống nước, đi tiểu, biết rửa tay, rửa mặt…biết quan tâm đến những người xung quanh.
Tuy nhiên với trẻ 24- 36 tháng tuổi thì việc rèn cho trẻ những thói quen chung theo nền nếp của một tập thể thì là một vấn đề không đơn giản cho giáo viên chủ nhiệm, bởi vì có nhiều nguyên nhân:
* Trẻ:
– Tuổi của trẻ còn quá nhỏ chưa tự chủ được ý thức và hành vi của mình; năng động, thích khám phá thế giới chung quanh.
– Trẻ đang sống trong môi trường gia đình, được ông bà, bố mẹ yêu thương, chăm sóc. Khi đến trường là nơi mới mẻ xa lạ với trẻ, do đó trẻ chưa quen với nền nếp, thói quen của lớp, tính rụt rè, nhút nhát, khóc nhè,…
– Thói quen được nuông chiều từ gia đình nên trẻ chưa có khả năng tự lập một số thói quen đơn giản; thậm chí nền nếp, cách ứng xử với bạn bè, với cô giáo chưa kiểm soát được: dễ cải nhau, chọc phá bạn,…Vứt đồ chơi của lớp lung tung xuống sàn nhà; hay xé các hình ảnh mà cô trang trí ở các góc lớp.
– Không tập trung trong giờ hoạt động chung, hay chạy nhảy rời khỏi lớp.
– Trẻ chưa biết nói dạ thưa, hay nói tròn câu.
* Gia đình của trẻ:
– Một số phụ huynh nhận thức chưa đồng đều cho rằng ở lứa tuổi này việc rèn nền nếp, thói quen cho trẻ chưa quan trọng nên thường bỏ qua, chưa chú ý đến việc giáo dục nền nếp cho trẻ trong sinh hoạt hàng ngày ở nhà, thậm chí đùa theo khi trẻ có hành vi, lời nói không đúng; làm thay luôn cho trẻ những việc đáng lí ra phải tập cho trẻ tự làm vì cưng chiều con, vô tình không giáo dục được cho trẻ sống theo một nền nếp nhất định mà lại tạo điều kiện cho trẻ sống ỷ lại vào sự trợ giúp của người khác, không tự tin làm bất cứ việc gì dù khả năng có thể làm được. Thói quen này lâu dần sẽ làm mờ nhạt đi sự năng động, sáng tạo, tự tin ở trẻ.
– Một số phụ huynh còn phó thác việc giáo dục nền nếp của trẻ cho nhà trường; bất cứ việc gì cũng dọa “Mẹ gọi điện cô con nha!” để cô giáo rầy dạy con, còn phụ huynh thì cứ nuông chiều theo ý trẻ vì sợ con buồn.
* Giáo viên:
– Giáo viên chưa phối hợp tuyên truyền chặt chẽ với phụ huynh để phụ huynh hiểu sâu sắc và phối hợp tốt với giáo viên trong chăm sóc trẻ.
– Giáo viên còn lúng túng, thiếu sáng tạo trong việc đưa trẻ vào nền nếp cũng như còn nuông chiều sở thích, thói quen trẻ đã có ở nhà.
Để khắc phục những khó khăn trên, tôi đã trãi nghiệm đề tài “Một số kinh nghiệm trong việc rèn luyện nền nếp sinh hoạt hàng ngày cho trẻ 24 – 36 tháng tuổi”. Xin chia sẻ với các đồng nghiệp.
3.2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến
3.2.1.Mục đích của giải pháp
– Trong độ tuổi 24 – 36 tháng tuổi; trẻ còn rất bé nhưng đặc điểm tâm sinh lý phát triển mạnh, dễ bị tổn thương về tâm lý. Vì vậy, muốn cho trẻ có nền nếp, thói quen tham gia các hoạt động hàng ngày từ khi vào học tại trường mầm non.
– Nâng cao tỉ lệ trẻ thực hiện tốt nền nếp ở trường cũng như tạo thành thói quen trong sinh hoạt hàng ngày ở nhà.
– Phối hợp chặt chẽ với cha mẹ của trẻ trong việc giáo dục nền nếp cho trẻ ở trường và ở nhà: có sự theo dõi, giám sát, kiểm tra,…bằng những lời khen ngợi động viên khích lệ trẻ hoặc chỉ dạy khi trẻ chưa thực hiện tốt. Thống nhất nội dung và cách giáo dục nền nếp cho trẻ giữa nhà trường và gia đình.
– Giáo viên đổi mới hình thức tổ chức mọi hoạt động, tạo cho trẻ có một môi trường ấm áp, yêu thương, gần gũi, an toàn thì mới tạo ra được môi trường hoạt động và những cơ hội tốt cho trẻ phát huy khả năng chủ động, sáng tạo một cách triệt để, kết quả sẽ đạt cao hơn. Trẻ yên tâm khi ở trường, cảm nhận được sự yêu thương từ cô giáo và bạn bè giống như tình cảm gia đình ở nhà, từ đó sẽ tạo cho trẻ sự tự tin, biết nghe lời cô giáo và thực hiện theo nền nếp mà cô dạy một cách tự giác.
– Thói quen nền nếp trong mọi hoạt động là một việc làm vô cùng quan trọng trong việc nuôi dạy giáo dục trẻ. Thông qua việc làm này đã góp phần giúp trẻ có một thói quen tốt về nền nếp trong sinh hoạt, đồng thời giúp trẻ phát triển, củng cố những tố chất vận động, sự khéo léo, tính kiên trì, kỷ luật, nhằm góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người ở trẻ.
3.2.2. Nội dung giải pháp
* Những điểm khác biệt, tính mới của giải pháp
– Trẻ nhà trẻ 24-36 tháng tuổi là giai đoạn trẻ đang học nói bi bô và bắt đầu nhận thức được việc mình làm và việc làm của người khác (Việc làm đúng – sai, tốt – xấu), ở giai đoạn này trẻ bắt đầu đi học ở Trường mầm non. Do đó, nền nếp thói quen của trẻ ở trường là rất quan trọng và cần thiết. Nếu trẻ có nền nếp thói quen tốt sẽ là cái kiềng vững chắc, làm nền tảng cho việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ sau này.
– Nếu trẻ không được rèn thói quen về nền nếp trong sinh hoạt hàng ngày thì khi hòa nhập với cuộc sống, với môi trường xã hội trẻ sẽ thiếu tự tin, thiếu ý thức, thiếu sự điều chỉnh trong thái độ và hành vi, không giải quyết được các nhu cầu của bản thân phải phụ thuộc vào người lớn, luôn sống thụ động trong mọi tình huống khác nhau mà trẻ gặp phải.
– Phối hợp chặt chẽ với cha mẹ của trẻ về biện pháp, nội dung giáo dục ngay từ đầu năm học (thông qua trong họp đại hội cha mẹ học sinh đầu năm); thông qua tiếp xúc trao đổi với cha mẹ đưa rước trẻ đi học hàng ngày.
– Tổ chức đa dạng hình thức phối hợp với cha mẹ của trẻ để giáo dục nền nếp cho trẻ trong năm học.
– Giáo viên chủ động thống nhất phương pháp phối hợp giáo dục trẻ trong trường.
– Giáo viên thật sự là một tấm gương về nền nếp cho trẻ noi theo. Bởi lẽ “Cô giáo là người mẹ của trẻ ở trường”.
– Dùng biện pháp nêu gương cho trẻ làm theo bạn việc tốt, ý thức được cái sai trái không đúng.
– Phát huy phương pháp “lấy trẻ làm trung tâm” trong mọi hoạt động giáo dục ở nhà trường.
* Mô tả chi tiết bản chất của giải pháp
1. Giáo viên chung nhóm lớp thống nhất phương pháp giáo dục làm mẫu cho trẻ noi theo
Với độ tuổi 24-36 tháng thì dấu hiệu để trẻ nhận biết được thế giới môi trường- xã hội xung quanh mình tinh tế nhất chính là qua sự nhận xét bề ngoài của sự vật, hiện tượng, thậm chí kể cả con người. Do đó, yếu tố đầu tiên để cảm hóa đưa trẻ đi theo nền nếp rèn luyện của lớp học thì đòi học người giáo viên phải thật sự là người mẹ thứ hai của trẻ đang ở trong nhà trường.
Chỉ có tình yêu thương trẻ thật sự, cách ăn mặc, đi lại, nói cười, cách ứng xử…của cô giáo là yếu tố đầu tiên để trẻ đặt niềm tin và nghe theo lời cô dạy trong thời gian không có người thân của bé bên cạnh khi ở trường; nhìn vào ánh mặt của cô trẻ cũng có thể hiểu được tình cảm của cô như thế nào; đồng thời nhìn vào cách ứng xử của cô với các bạn trẻ cũng có thể nhận ra tình cảm của cô dành cho các bạn như thế nào; trẻ cũng rất dễ bắt chước hành vi, cách ứng xử của cô giáo…
Trẻ 24-36 tháng tuổi là giai đoạn khó khăn nhất trong việc giáo dục trẻ vì trẻ mới bắt đầu tiếp xúc với thế giới xung quanh thông qua lớp học, trong khi trẻ chưa nói được tròn câu, thậm chí gia đình cũng chưa rèn được gì cho trẻ về nề nếp trong sinh hoạt hàng ngày. Đây quả là một thách thức lớn cho cô giáo phụ trách lớp trẻ 24- 36 tháng tuổi.
Cô phải vừa dạy trẻ “nói tròn câu” cùng với “nói có lễ phép”; “tập cho trẻ làm” và “rèn cho trẻ nền nếp” trong sinh hoạt hàng ngày. Do đó, để trẻ tin tưởng nghe theo lời cô dạy, thực hiện tốt nền nếp trong sinh hoạt hàng ngày đòi hỏi cô giáo phải thật sự gương mẫu về mọi phương diện.
Ví dụ 1: Trong giao tiếp cách nói chuyện với nhau giữa đồng nghiệp, giữa giáo viên với cha mẹ học sinh, cô cũng phải chú ý: nói tròn câu, rõ chữ, có cả “ lễ” ở trong câu nói như “ dạ”, “cảm ơn”; “xin lỗi”; “xin phép”…có như vậy trẻ sẽ dễ dàng bắt chước theo cô.
Ví dụ 2: Muốn dạy trẻ thói quen đồ dùng đồ chơi sắp xếp ngăn nắp, đúng vị trí thì đầu tiên cô giáo cũng phải như thế: nón, dép, thậm chí cặp xách của cô có để đúng vị trí không? Những đồ dùng đồ chơi khi sử dụng xong cô có cất dọn vào theo ngăn nắp không? Thậm chí trong lúc để đồ dùng đồ chơi vào vị trí cô có thể giáo dục trẻ “các con hãy xem món đồ này lúc nảy cô lấy nó ở đây, bây giờ cô sẽ dẹp nó vào chỗ nào cho đúng? Từ đó, cô sẽ giáo dục cho trẻ thói quen thực hiện tốt nền nếp trong sinh hoạt hàng ngày của lớp, ở nhà.
Giáo dục nền nếp cho trẻ trong sinh hoạt hàng ngày là cả một quá trình. Do đó, giáo viên không thể nóng vội buộc trẻ phải thực hiện tốt trong một thời gian ngắn; đồng thời đây cũng là giai đoạn đầu đời trẻ tập sống trong môi trường tập thể mà không có người thân trong gia đình ở cạnh. Vì vậy, giáo viên phải hết sức chú ý đến biểu hiện của từng trẻ, chăm chút từng trẻ như chính con của mình ở nhà: nhắc đi nhắc lại nhiều lần…trẻ sẽ nhớ và thực hiện tốt.
Phương pháp và nội dung giáo dục, kể cả hợp đồng giáo dục giữa nhà trường và cha mẹ học sinh phải thông qua giáo viên trong tổ/nhóm/lớp để thống nhất cùng thực hiện. Nhằm tạo nên sự đồng bộ trong phương pháp giáo dục trẻ (trẻ 24- 36 tháng tuổi thì mỗi lớp có 2 giáo viên phụ trách).
2. Tạo cho trẻ một tình cảm yêu thương gần gũi
Khi được 24 – 36 tháng tuổi, trẻ đi học lớp nhà trẻ, mọi vật xung quanh đều xa lạ: Trường mới, cô mới, trẻ còn bỡ ngỡ, lạ lẫm vừa lưu luyến nhớ gia đình, thậm chí có cháu còn sợ hãi, khóc nhè… Vì vậy, những ngày đầu mới nhập lớp, trẻ cần sự âu yếm, nhẹ nhàng, quan tâm yêu thương của cô giáo, tình cảm của cô đối với trẻ giàu cảm xúc thân thiết, yêu thương như mẹ con, tạo nên không khí cởi mở, quên mình là người lớn để thực sự là người bạn của trẻ. Cô có thể sử dụng nghệ thuật của mình để thu hút lôi cuốn trẻ vào các hoạt động một cách dễ dàng, nhằm phát huy sự thích thú đến lớp của trẻ.
Ví dụ: Những ngày đầu khi đón trẻ vào lớp, trẻ còn khóc, bỡ ngỡ, sợ hãi, cô đến bên trẻ âu yếm, dỗ dành. Sử dụng nhiều tranh và trò chuyện với trẻ về các
bức tranh để trẻ quên đi nỗi nhớ nhà.
Nghệ thuật thành công để trẻ nghe và vâng lời cô chính là ở cách “dạy” cho trẻ. Tôi muốn nói đến ở đây chính là “cái tình” của cô trong cách dạy. Cô dạy bảo cho trẻ trong sự yêu thương, thân thiện trẻ sẽ cảm thấy gần gũi, được thương yêu và dễ nghe lời cô, muốn làm cho cô vui lòng; ngược lại nếu cô la mắng, dọa nạt sẽ tạo nên tâm lý sợ hãi thậm chí có trẻ phản kháng bằng những lời nói hành vi ngược lại điều cô dạy bảo.
Trong thời gian gần đây, chúng ta cũng nhận thấy các thông tin trên báo đài về các hành vi ngược đãi trẻ ở một số nơi, chính cách giáo dục đó của cô sẽ làm cho trẻ không thể nghe theo lời cô mà còn sợ đến lớp. Vô tình mục đích giáo dục hướng tới “chân-thiện-mĩ” của chúng ta càng đi xa hơn. Trẻ phải tự giác thực hiện theo sự chỉ dẫn của cô giáo thì mới là mục đích chúng ta đang hướng tới.
Từ những tình cảm và tình yêu thương của cô trẻ đi học vui vẻ hơn ít khóc nhè, nghiêm túc thực hiện nền nếp của lớp. Hãy tạo ra một lớp học trong sự yêu thương chan hòa lẫn nhau như mẹ và con trong một gia đình. Để trẻ cảm nhận được sự yêu thương, bao dung trìu mến của cô giáo thì hầu hết trẻ đều thực hiện theo lời cô dạy bảo. Không nên tạo ra một lớp học trong sự nơm nớp lo sợ của trẻ vì nếu làm sai sẽ bị cô giáo la mắng trách phạt.
3. Xây dựng môi trường giáo dục theo hướng lấy trẻ làm trung tâm
Để thu hút trẻ vào mọi hoạt động một cách thoải mái cô giáo nên chọn vị trí trang trí các đồ chơi tự tạo cho trẻ ngắm hoặc trang trí lớp. Điều đó khơi gợi niềm vui, thích thú của trẻ khi đến lớp. Trẻ 24 – 36 tháng tuổi hoạt động chủ đạo là đồ vật, trẻ học mà chơi, chơi mà học. Vì vậy, muốn đưa chất lượng của việc rèn luyện nền nếp thói quen cho trẻ giáo viên không ngừng sưu tầm, làm và sử dụng đồ dùng đồ chơi sao cho đẹp, sáng tạo, hấp dẫn, an toàn, hợp lý giữa nội dung và độ tuổi của trẻ.
Ví dụ: Cháu mới nhập lớp, đang còn khóc vì nhớ bố mẹ, ông bà, giáo viên hãy đưa trẻ đến các góc chơi, giới thiệu và trò chuyện với trẻ về đặc điểm và cách sử dụng các loại đồ dùng, đồ chơi trong lớp. Cô giáo có thể cùng trẻ xâu hạt, xâu vòng đeo tay, tô màu, ghép nút,…điều này sẽ đem lại niềm vui vì trẻ được sáng tạo và sử dụng những sản phẩm tự tay bé làm.
Từ việc trang trí lớp đẹp sinh động, góc lớp có nhiều đồ dùng, đồ chơi trang bị cho trẻ hoạt động trong ngày giúp trẻ hứng thú hơn và ham thích đến lớp, có thói quen thích tự làm những việc mình có thể làm được – rèn cho trẻ thói quen tự lập.
Sau mỗi hoạt động học tập hoặc vui chơi giáo viên cần nhắc nhở hướng dẫn trẻ dọn dẹp đồ dùng đồ chơi đúng vị trí. Không tiếc lời khen biểu dương những trẻ thực hiện tốt; khích lệ những trẻ làm chưa tốt “lần sau con cố gắng làm tốt sẽ được cô và các bạn khen”- tuyệt đối không nên la mắng chỉ trích trẻ làm sai, điều này sẽ ảnh hưởng tâm lý trẻ, nếu tình trạng trên kéo dài thì trẻ sẽ trở nên khó giáo dục sau này.
4. Dạy trẻ kỹ năng thói quen tốt trong sinh hoạt, học tập
Mỗi ngày đến lớp, trẻ tham gia tất cả các hoạt động: giờ ăn, giờ ngủ, vệ sinh, học tập, vui chơi, giờ đón, trả trẻ…mọi sinh hoạt đều là những hình thức trẻ được rèn luyện. Đối với độ tuổi này, các cháu có nền nếp thói quen không phải là đơn giản, thực tế các cháu còn rất bé, chưa có ý thức được như các anh chị lớn, điều này cũng là một khó khăn cho cô giáo.
Muốn tạo cho trẻ có được thói quen, cô phải luôn nhẹ nhàng gần gũi và tình cảm với trẻ thể hiện qua bài hát, bài thơ, câu chuyện, trò chơi có nội dung nói về nền nếp, thói quen để giáo dục; trong giờ họat động có chủ đích cô giáo kết hợp giáo dục rèn luyện vệ sinh thân thể, giáo dục ý thức sử dụng đồ dùng đồ chơi; trong giờ trả trẻ cô có thể kết hợp với phụ huynh nhắc nhở trẻ ăn và ngủ đúng giờ, không ăn quà vặt. Nhờ sự giúp đỡ của cô, trẻ được uốn nắn kịp thời, thường xuyên, liên tục, do đó vào giờ học trẻ luôn tập trung, khi ăn trẻ biết ngồi ngay ngắn thói quen của trẻ trong mọi hoạt động trong ngày mang lại hiệu quả cao hơn, các cháu ngoan và nền nếp hơn.
Ví dụ: Giáo viên có thể rèn luyện cho trẻ thói quen biết chào hỏi thông qua các bài hát như: “Bé ngoan; Lời chào buổi sáng;”. Các bài thơ, câu chuyện “ Giờ ăn; Miệng xinh; Cháu chào ông ạ”. Các cháu nghe, hiểu và biết vâng lời cô giáo thông qua bài hát, câu chuyện vừa nghe.
Khi dạy cho trẻ thực hiện nền nếp của lớp, cô giáo cũng phải lồng ghép giáo dục trẻ ở nhà cũng phải làm tốt như thế, bạn nào thực hiện tốt thì cô sẽ khen, bạn nào không tốt, về nhà không làm cô sẽ không khen, các bạn sẽ cười.
Ví dụ: Khi dạy trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn và đánh răng trước khi ngủ ở trường thì cô phải lồng ghép nhắc nhở về nhà các con cũng phải thực hiện như thế. Thỉnh thoảng cô sẽ hỏi xem có bạn nào về nhà thực hiện lời cô dặn không? bạn nào không thực hiện? lí do vì sao? Sau đó, cô sẽ tuyên dương trẻ về nhà có thực hiện tốt, nhắc nhở trẻ chưa làm tốt, cô sẽ kiểm tra vào ngày hôm sau thông qua ba mẹ của trẻ. Có sự quan tâm và giáo dục thấu đáo – xâu chuỗi như thế một cách liên tục thì nhất định sẽ tạo được cho trẻ thói quen ở trường cũng như trong sinh hoạt ở nhà.
Lồng ghép vào trong từng tiết dạy để giáo viên rèn thói quen sinh hoạt
hàng ngày cho trẻ.
Ví dụ: Trong hoạt động góc giáo viên nhắc nhở trẻ dọn dẹp đồ chơi học tập đúng quy định. sau khi chơi cô có nhận xét tuyên dương từng nhóm trẻ ở mỗi góc chơi để giáo dục thực hiện nền nếp gọn gàng ngăn nắp về đồ dùng đồ chơi.
5. Cho trẻ tham gia tương tác nhận xét lẫn nhau trong thực hiện nền nếp, thói quen trong sinh hoạt hàng ngày
Sau mỗi hoạt động trong lớp học cô giáo cần dành ra một ít thời gian cho trẻ tự nhận xét việc thực hiện nền nếp của bản thân hoặc của bạn xem đúng sai để cô giáo có tình huống sửa chửa nhắc nhở bạn sai, tuyên dương bạn đúng. Việc cho trẻ tương tác đánh giá nhận xét lẫn nhau là phương pháp dạy học mới hiện nay đang áp dụng cho các cấp học.
Hay nói khác hơn, phương pháp dạy: “cô giáo là người chủ đạo, trò là người chủ động”, trẻ tự tìm ra kiến thức cần tìm trong nhận thức. Điều gì mà bản thân trẻ tự nhận thức ra thì điều đó trở thành dấu ấn sâu đậm cho trẻ nhớ và thực hiện cho mình.
6. Thường xuyên nêu gương khen ngợi trẻ
Nêu gương là hoạt động không thể thiếu được đối với trẻ, vì ở độ tuổi này đặc điểm tâm sinh lý của trẻ phát triển mạnh, trẻ hay tò mò, thích bắt chước. Giáo viên luôn tôn trọng và hết sức công bằng, sử dụng khen, chê đúng mực. Khen và chê có tác dụng lớn đến việc hình thành hành vi, thói quen thực hiện nền nếp của trẻ.
Tuy nhiên, việc khen chê lại là một nghệ thuật của cô giáo trong rèn thói quen tốt cho trẻ: khen cá nhân hoặc tập thể, chê – thì cũng nên nói rõ cá nhân nào nhưng nghệ thuật nói phải hết sức khéo léo, nhẹ nhàng, không làm cho trẻ bị mặc cảm tự ti trước bạn bè, phải chỉ cho trẻ thấy việc làm chưa đúng và khích lệ trẻ lần sau cố gắng làm đúng sẽ được khen.
Nghệ thuật “chê” không làm ức chế sự phấn đấu của trẻ trong việc rèn luyện nền nếp trong lớp học.
Ví dụ: Vào cuối tuần cô giáo sẽ tuyên dương trước lớp các bạn ngoan, không khóc nhè; các bạn có ý thức tốt biết giữ gìn vệ sinh thân thể; biết cất đồ chơi mầm non vào đúng nơi qui định; đồng thời động viên những trẻ còn khóc chưa hòa nhập với lớp tuần sau học ngoan được cô khen như các bạn.
Từ sự giúp đỡ, quan tâm của cô giáo, tính mè nheo của trẻ mất dần, trẻ hoà nhập cùng các bạn, nền nếp thói quen được hình thành ở trẻ, trẻ hoạt động một cách thoải mái, dễ dàng, và tự tin trong mọi hoạt động.
7. Tăng cường phối hợp với phụ huynh
Sự giáo dục giữa gia đình và nhà trường phải được thông qua chi tiết trong phiên họp cha mẹ học sinh đầu năm. Trong nội dung cuộc họp cần thống nhất trách nhiệm nhà trường – gia đình trong giáo dục trẻ là những nội dung gì? Nội dung nào gia đình sẽ hỗ trợ cùng nhà trường trong vấn đề giáo dục nền nếp cho trẻ ở gia đình.
Ví dụ: Giáo dục lễ giáo cho trẻ: yêu cầu trẻ biết vâng lời người lớn, biết chào hỏi, biết lễ phép,… Ở trường cô giáo sẽ theo dõi và giáo dục nhắc nhở trẻ thực hiện; tuy nhiên ở nhà gia đình cũng phải có trách nhiệm theo dõi và nhắc nhở con thực hiện: đi học có “thưa” ba mẹ không? khách đến nhà có biết chào không?; biết nhận lỗi khi làm điều gì sai không? Có sự đồng bộ giáo dục giữa nhà trường và gia đình ngay từ đầu năm sẽ tạo điều kiện tốt cho việc rèn luyện thói quen thực hiện tốt nền nếp ở trẻ.
Ngoài góc tuyên truyền với phụ huynh, hàng tháng cô giáo nên thường xuyên trực tiếp trao đổi với phụ huynh bằng nhiều hình thức: trao đổi qua sổ Bé ngoan, giờ đón, trả trẻ, trong các buổi họp phụ huynh ở lớp theo quy định…nắm tình hình thực hiện thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ ở nhà để có sự điều chỉnh trong biện pháp giáo dục trẻ ở trường. Tuy nhiên, giáo viên cũng cần chú ý đến tính cách của từng trẻ để có biện pháp giáo dục phù hợp, đạt hiệu quả.
Góc trao đổi với phụ huynh nên đa dạng về nội dung, đặc biệt chú ý có nội dung giáo dục những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày ở trường, ở nhà. Kĩ năng sống chính là một phần của nội dung giáo dục nền nếp thói quen của trẻ trong sinh hoạt hàng ngày: Biết dọn chén dĩa vào đúng chỗ sau khi ăn; biết rửa tay, đánh răng đúng quy cách; biết để dép, nón, cặp xách đúng nơi quy định; ra khỏi lớp hoặc đi khỏi nhà biết xin phép cô giáo hay ba mẹ…Nội dung giáo dục kĩ năng sống này được tuyên truyền dưới dạng bài viết hoặc tranh ảnh minh họa để phong phú hình thức giáo dục cho cha mẹ của trẻ. Hoặc nhìn vào hình ảnh của góc tuyên truyền trẻ cũng có thể bắt chước làm theo.
Từ việc phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên và phụ huynh mà công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ luôn đạt kết quả cao.
8. Thống nhất phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ với cha mẹ học sinh
Tuyên truyền thống nhất với phụ huynh phương pháp giáo dục trẻ: luôn tạo cho trẻ một tâm thế thoải mái khi đi học như không được hăm dọa trẻ lúc ở nhà. Tuyệt đối không làm thay trẻ vì cưng chìu con; hoặc bỏ qua không rầy dạy khi trẻ có những hành vi, lời nói không đúng mà chỉ dọa “méc cô giáo của con”.
Ví dụ: Khi ở nhà trẻ không ăn giỏi phụ huynh không nên mượn cô giáo để dọa trẻ, càng gieo vào ý nghĩ trẻ những ấn tượng không tốt về cô giáo.
Động viên ba mẹ trẻ nên dành nhiều thời gian để trò chuyện cùng con, kể chuyện cho con nghe, hoặc chơi cùng con…Để từng lúc rèn luyện và uốn nắn những thói quen hàng ngày cho trẻ theo chiều hướng tích cực.
3.3. Khả năng áp dụng của giải pháp
Sáng kiến này bản thân tôi áp dụng tại lớp trẻ 24-36 tháng tuổi của trường từ năm học 2019-2020. Những kinh nghiệm trên cũng được tổ chuyên môn đánh giá cao. Đồng thời áp dụng trong các kế hoạch giáo dục cho lớp trẻ 24-36 tháng tuổi ở những năm học tới. Sáng kiến này còn có thể áp dụng cho các nhóm trẻ trong các Trường mầm non, mẫu giáo khác trong và ngoài huyện.
3.4. Hiệu quả, lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng giải pháp
Sau khi nghiên cứu, áp dụng sáng kiến kinh nghiệm trên, chúng tôi nhận thấy một số hiệu quả và lợi ích:
* Về phía trẻ
Trẻ có nền nếp hơn trong sinh hoạt và học tập. Ngoài ra, trẻ còn có một số kinh nghiệm cần thiết như: trẻ biết lễ phép, chào hỏi người lớn; Biết dọn dẹp đồ dùng đồ chơi đúng chỗ, gọn gàng sau khi chơi;… để thực hiện tốt nền nếp theo qui định. Trẻ tự tin mạnh dạn tham gia các hoạt động của lớp từ đó trẻ tiếp thu kiến thức cô truyền đạt tốt hơn. Không những trẻ có nền nếp ở lớp, trường mà trẻ còn có nền nếp và hành vi tốt ở nơi công công như: bỏ rác đúng nơi quy định, không làm ồn người khác,…
* Về phía giáo viên
Cô giáo có thêm kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động rèn nền nếp cho trẻ mạnh dạn, tự tin khi lên lớp, cũng như chọn lựa các đề tài phong phú mới lạ. Lớp học được trang trí đẹp mắt, dễ nhìn, đồ dùng đồ chơi đặt để đúng vị trí để trẻ dễ thao tác, lựa chọn.
Sau khi áp dụng có hiệu quả, giáo viện mạnh dạn phối hợp với cha mẹ trẻ trong công tác giáo dục rèn nền nếp cho trẻ, từ đó, giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ,