Trẻ được khen ngợi nhiều sẽ tự tin và biết yêu thương bản thân mình hơn. Tuy nhiên, những lời khen ngợi đúng cách, phù hợp thì mới mang lại những lợi ích tối ưu!
Người Việt Nam có câu: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Và vô tình, chúng ta trở nên khắt khe với trẻ, tiết kiệm lời khen ngợi mà hào phóng lời phê bình. Nhưng thực tế, nếu bị chê bai nhiều, trẻ sẽ nhụt chí, chán nản, rồi chẳng còn muốn cố gắng nữa.
Ngược lại, khi bố mẹ khen ngợi, thể hiện rằng mình thích điều gì đó ở trẻ hoặc hành động của trẻ, thì lòng tự trọng, tự tin của trẻ được nuôi dưỡng và củng cố. Trẻ cũng sẽ học được cách suy nghĩ tích cực về bản thân, cũng như biết được khi nào mình làm tốt để tự hào về chính mình.
Khi bố mẹ khen ngợi trẻ thường xuyên, trẻ sẽ học được cách suy nghĩ tích cực về bản thân.
Để những lời khen ngợi có hiệu quả tối đa và không gây bất kỳ tác dụng ngược nào, bố mẹ chỉ cần lưu ý những điều sau đây nhé:
Khen ngợi trẻ tùy theo độ tuổi
Với trẻ ở những độ tuổi khác nhau thì bố mẹ nên khen ngợi vì những việc khác nhau, chứ không nên khen một trẻ lớn vì làm một việc quá dễ dàng (vốn dành cho trẻ nhỏ). Ví dụ, bố mẹ có thể khen ngợi trẻ mẫu giáo khi trẻ tự dọn đồ chơi hoặc sắp xếp bàn ăn, còn với trẻ lớn hơn, bố mẹ hãy khen khi con tự giác làm bài tập...
Khen ngợi một cách cụ thể
Bố mẹ nên nêu rõ rằng mình thích hành động gì của con. Ví dụ: “Bố mẹ rất thích cách con sắp xếp đồ chơi, rất gọn gàng con ạ!”. Như vậy, trẻ sẽ hiểu được hành động đáng khen của mình, và kiểu lời khen này nghe cũng chân thật hơn là lời khen chung chung như: “Con ngoan quá!”.
Lời khen có thể mất tác dụng nếu bố mẹ không nói cụ thể là trẻ đã làm gì tốt, hoặc nếu trẻ chẳng làm gì đáng kể, vì trẻ sẽ nghĩ rằng, mình không cần làm gì cũng vẫn được khen!
Bố mẹ nên nêu rõ rằng mình thích hành động gì của con để con biết mà phát huy nhé!
Khen nhiều hơn chê
Nếu bố mẹ phải nhận xét tiêu cực về trẻ một lần, thì hãy cố gắng khen trẻ ít nhất là 6 lần để bù lại. Bởi nhiều nghiên cứu cho rằng đây là tỷ lệ cân bằng, lành mạnh giữa khen và chê.
Chú ý khen ngợi cả những thay đổi và thành công nhỏ nhất
Thay vì chờ tới khi trẻ làm gì đó thật hoàn hảo thì mới khen, bố mẹ hãy công nhận cả những nỗ lực và những tiến bộ nhỏ của trẻ. Riêng việc trẻ có cố gắng cũng đã là rất tốt rồi.
Chấp nhận sự khác biệt của trẻ
Hãy khen ngợi những điểm mạnh riêng của trẻ. Đồng thời khuyến khích trẻ phát triển và cảm thấy hào hứng về những sở thích đặc biệt của mình. Điều này sẽ giúp trẻ tự tin hơn.
Bố mẹ hãy cố gắng khen nhiều hơn chê, và công nhận cả những nỗ lực cũng như những tiến bộ nhỏ của trẻ nhé!
Khen ngợi dựa trên hành vi của trẻ chứ không phải cảm xúc của bố mẹ
Đôi khi, bố mẹ có tâm trạng vui vẻ và dễ dàng khen trẻ về mọi thứ, nhưng những lúc bố mẹ không vui thì ngược lại. Vì vậy, bố mẹ hãy cố gắng dùng lý trí để khen ngợi đúng những hành vi của con nhé!
Khen ngợi đúng lúc nếu bố mẹ muốn trẻ thay đổi hành vi
Sau khi được khen ngợi, trẻ có xu hướng lặp lại hành vi tốt để tiếp tục được khen. Vì vậy, nếu muốn tác động để thay đổi thói quen của trẻ, bố mẹ nên thật chú ý để khen ngợi bất kỳ khi nào trẻ có hành vi đúng đắn (là thói quen mà bố mẹ muốn xây dựng cho trẻ). Dần dần, khi hành vi này đã trở thành thói quen, bố mẹ có thể giảm bớt sự chú ý để tiếp tục tập trung tạo cho trẻ các thói quen tốt khác. Tất nhiên, nếu muốn trẻ thay đổi hành vi, thì bố mẹ nhớ chú ý khen ngợi từng bước cố gắng của trẻ nữa nhé!
Bố mẹ nên thật chú ý để khen ngợi bất kỳ khi nào trẻ có hành vi đúng đắn để tạo nên thói quen tốt cho trẻ.