Là đối tượng dễ tổn thương trong xã hội, học sinh mầm non và tiểu học là nhóm cần được truyền thông tư tưởng hiệu quả trong mùa dịch Covid-19. Hãy cùng tìm hiểu cách trò chuyện với học sinh mầm non và tiểu học về Covid-19
Trước tình hình diễn biến dịch Covid-19 vô cùng phức tạp, trẻ em là đối tượng rất dễ tổn thương và cần quan tâm chăm sóc đặc biệt. Không chỉ đảm bảo cho các em về mặt thể chất, về mặt tinh thần, những lưu ý về cách trò chuyện với học sinh mầm non và tiểu học về Covid-19 cũng rất quan trọng.
Không chỉ gia đình, nhà trường và các thầy cô giáo cũng đóng vai trò then chốt trong việc ổn định tinh thần cho các em. Việc chia sẻ cho học sinh mầm non và tiều học những thông tin chính xác, khoa học về Covid-19 sẽ giúp giảm bớt nỗi sợ hãi, lo lắng về dịch bệnh cũng như tăng cường khả năng ứng phó của các em trước ảnh hưởng của Covid-19 với trẻ nhỏ.
Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc trấn an tinh thần trẻ nhỏ.
Bài viết dưới đây là một số cách cũng như lưu ý giúp các thầy cô giáo có thể hướng dẫn cho học sinh ở lứa tuổi mầm non và tiểu học về phương pháp phòng và chống lây lan Covid-19 cũng như những loại virus khác.
Trò chuyện với trẻ mầm non về Covid-19
Mầm non là giai đoạn tuổi khá nhạy cảm ở trẻ nhỏ. Tuy trẻ rất ưa khám phá và học hỏi nhưng khả năng nhận thức vẫn chưa thật sự hoàn thiện. Để trò chuyện với trẻ về Covid-19 trong giai đoạn mầm non, bố mẹ hoặc các thầy cô cần:
- Tập trung nói chuyện về những hoạt động có lợi cho sức khỏe như: dùng khuỷu tay che miệng, mũi khi ho hay hắt hơi và rửa tay thường xuyên
- Với dịch bệnh Covid-19, một trong những cách bảo vệ con trẻ hữu hiệu nhất đó là khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên, tối thiểu 20 giây mỗi lần. Bố mẹ hoặc thầy cô có thể lồng ghép việc rửa tay với một số bài hát đang thịnh hành như Ghen Cô Vy để trẻ hào hứng học theo. Lưu ý, không nên dọa dẫm hay quát mắng nếu trẻ không làm theo nhé.
Trẻ mầm non cần được hướng dẫn từ từ và trực quan.
- Thường xuyên theo dõi việc rửa tay của trẻ và có thể trao thưởng nếu trẻ rửa tay thường xuyên và kịp thời.
- Khi miêu tả về các triệu chứng của Covid-19 với trẻ, bố mẹ và thầy cô có thể sử dụng con rối hoặc búp bê để minh họa cho trẻ các triệu chứng bệnh như: hắt hơi, sổ mũi, đàu đầu. Thông qua đó, thầy cô và bố mẹ cũng có thể dạy trẻ cách an ủi một bạn bị ốm (nuôi dưỡng lòng thấu cảm và hành vi bày tỏ sự quan tâm một cách an toàn).
- Ở lớp học, thầy cô nên để trẻ ngồi thành vòng tròn, tạo khoảng cách an toàn giữa các trẻ và cho trẻ tập giãn cách nhau một sải tay hoặc tập bắt chước chim vẫy cánh để trẻ biết duy trì khoảng cách an toàn với người khác.
>>> Xem thêm:
Trò chuyện với trẻ tiểu học về Covid-19
Khác với trẻ mầm non, trẻ tiểu học đã có thêm nhận thức và cũng biết bảo vệ bản thân hơn. Tuy nhiên, do khả năng tập trung còn chưa hoàn thiện, đôi khi trẻ cũng dễ lơ là và bỏ qua những lưu ý quan trọng. Chính vì thế, bố mẹ cần:
- Học cách lắng nghe và tìm cách trả lời thắc mắc của trẻ sao cho phù hợp với lứa tuổi, hạn chế việc cung cấp quá nhiều thông tin để trẻ bị ngợp. Bố mẹ và thầy cô nên khuyến khích trẻ bày tỏ, chia sẻ cảm giác của mình và cùng trẻ trò chuyện, chia sẻ về những cảm xúc trẻ đang trải qua và giúp trẻ hiểu rằng đó là những cảm giác bình thường trước những tình huống bất thường như bây giờ.
- Nhấn mạnh rằng trẻ có thể làm rất nhiều điều để bảo vệ bản thân và người xung quanh. Chẳng hạn, giới thiệu cho trẻ khái niệm tạo khoảng cách an toàn ở nơi công cộng (đứng xa bạn bè hơn, tránh tụ tập nơi đám đông, không chạm vào người khác nếu không cần thiết, v.v). Đồng thời, tập trung truyền tải về những hành vi có lợi cho sức khỏe như che miệng, mũi khi ho, hắt hơi bằng khuỷu tay và rửa tay thường xuyên.
Trẻ tiểu học thì cần nhiều hoạt động thực tiễn hơn.
- Dạy trẻ hiểu các khái niệm cơ về phòng chống dịch bệnh. Các thầy cô giáo có thể dùng các bài tập minh họa cách vi khuẩn phát tán. Ví dụ, thầy cô có thể đổ nước có màu vào một bình xịt, sau đó xịt nước màu lên một tờ giấy trắng để trẻ quan sát xem giọt nước có thể lan đi bao xa.
- Giải thích cho trẻ lý do vì sao cần rửa tay bằng xà phòng trong vòng 20 giây quan trọng. Ví dụ, đổ một ít nhũ lên tay của học sinh, yêu cầu trẻ chỉ rửa tay bằng nước xem còn bao nhiêu nhũ sót lại trên tay. Sau đó, yêu cầu trẻ rửa tay lại bằng xà phòng và nước trong 20 giây xem nhũ trên tay đã được rửa sạch ra sao.
- Đưa ra đoạn văn và yêu cầu trẻ đọc, phân tích các hành vi dẫn đến nguy cơ lây bệnh cao để từ đó đề xuất phương án thay đổi hành vi. Ví dụ, một cô giáo đến trường khi bị cảm lạnh. Cô hắt hơi và lấy tay che mũi, miệng. Cô bắt tay với đồng nghiệp. Sau đó, cô lau tay bằng khăn mùi xoa rồi lên lớp. Cô giáo đã làm gì dẫn đến nguy cơ lây bệnh cao? Đáng lẽ, cô nên làm thế nào?
Các thầy cô giáo cần lưu ý rằng, bất kì trao đổi hay hoạt động nào đều cần cân nhắc nhu cầu cụ thể của trẻ em, dựa trên hướng dẫn của nhà trường, chính quyền cấp trung ương/địa phương cũng như nguồn tin đáng tin cậy của các tổ chức như UNICEF và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế và Chính phủ Việt Nam. Mong rằng bài viết này của ODP sẽ giúp bố mẹ cũng như các thầy cô biết cách trò chuyện với học sinh mầm non và tiểu học về Covid-19.