Não bộ và sức khỏe tâm lý của cả gia đình rất cần những hoạt động “giàu dinh dưỡng” để giữ được sự lành mạnh và cân bằng, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh này.
Đại dịch gây ra tác hại về mặt thể chất và tinh thần
“Lo lắng”, “bối rối”, “buồn bã’’, “rối loạn lo âu” hay “sang chấn tâm lý” là những từ khóa liên tục được mọi người tìm kiếm từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Đại dịch thực sự đã gây ra một sang chấn toàn cầu và lâu dài với những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe thể chất cũng như sức khoẻ tinh thần của trẻ nhỏ, người lớn cả trong hiện tại và tương lai sau này.
Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ (từ 1 tuổi đến dưới 10 tuổi) có thể phản ứng với căng thẳng trong thời gian ở nhà phòng ngừa dịch bệnh bằng các biểu hiện như “bám dính” cha mẹ hơn, lo lắng, ít giao tiếp, hay tức giận hoặc kích động, tè dầm… cho đến các dấu hiệu và triệu chứng của sang chấn như:
· Trầm cảm và/hoặc lo âu
· Hành vi thoái bộ như mất kỹ năng đi vệ sinh
· Tăng sự lo âu chia cắt
· Giấc ngủ, việc ăn uống và kết quả học tập có sự thay đổi
· Tham gia vào những hành vi rủi ro
· Mất hứng thú đối với bạn bè và/hoặc các hoạt động
· Cô lập
· Không vâng lời.
Ths Tâm lý học
Phương Hoài Nga
Chuỗi bài viết về chủ đề “Sức khỏe tinh thần cho cả gia đình trong bối cảnh đại dịch Covid-19” của Go Kids Việt Nam được thực hiện với sự cộng tác của Thạc sỹ Tâm lý học Phương Hoài Nga. Chị là nhà tâm lý trẻ em và vị thành niên, người hướng dẫn cha mẹ và thầy cô với kinh nghiệm gần 15 năm làm việc cùng hàng nghìn trẻ em, trẻ vị thành niên, thầy cô giáo và bố mẹ trong môi trường học đường cũng như gia đình.
Ba mẹ vẫn nhận được những lời khuyên từ đơn giản như “hãy dành thời gian đọc sách, ngủ đúng giờ, ăn đủ bữa, gặp gỡ mọi người” … cho đến những tư vấn phức tạp như “hãy duy trì một ngày có cấu trúc và cảm nhận về sự “bình thường”, nhưng “một ngày có cấu trúc và cảm nhận về sự bình thường” hay trạng thái tâm lý khoẻ mạnh là như thế nào?
Thế nào là khỏe mạnh về tinh thần?
Chúng ta sẽ cùng làm rõ điều này qua khái niệm “The Healthy Mind Platter” (Chế độ “ăn kiêng” khoẻ mạnh cho tâm trí) của Tiến sỹ Daniel J. Siegel, Giáo sư lâm sàng ngành Tâm thần học ở trường Y UCLA, Hoa Kỳ. Ông cũng là đồng tác giả cuốn “The Whole-Brain Child: 12 Revolutionary Strategies to Nurture Your Child's Developing Mind” (Tạm dịch: “ Não bộ của trẻ: 12 chiến lược mang tính cách mạng để nuôi dưỡng tâm trí đang phát triển của trẻ”).
Ở nhà quá lâu mùa dịch bệnh dễ ảnh hưởng sức khỏe tinh thần
Cũng giống như các hướng dẫn về thực phẩm được thiết kế để khiến chúng ta khoẻ mạnh, “chế độ “ăn kiêng” khoẻ mạnh cho tâm trí” là lời nhắc cho những điều đơn giản chúng ta cần làm hàng ngày để khoẻ mạnh về tâm trí. Đó là một ý tưởng rất tuyệt cho các con và cả chúng ta rằng một tâm trí khoẻ mạnh cũng quan trọng như một cơ thể khoẻ mạnh. Theo GS Daniel J. Siegel, tâm trí của chúng ta cần có 7 yếu tố dưới đây để hoạt động tối ưu và khỏe mạnh.
1. Time - in: Thời gian với chính mình
Thời gian với chính mình là khi chúng ta nhìn vào bên trong và ý thức về cảm giác, suy nghĩ, trí nhớ, niềm tin và dự định, hy vọng, ước mơ, thái độ và những gì thuộc về mình. Dành thời gian cho chính mình một cách thường xuyên đã được chứng minh là giúp kích thích sự phát triển nhiều kết nối thần kinh trong não, đặc biệt là những kết nối sẵn có để vận hành trơn tru khả năng chú ý, cảm xúc và suy nghĩ. Nó còn giúp cải thiện lòng thấu cảm và trắc ẩn.
2. Sleep time: Thời gian ngủ
Trong thời đại mà chúng ta đang sống, các phương tiện kỹ thuật số và ánh sáng điện khiến chúng ta luôn bị kích thích và tỉnh rất lâu trước khi rơi vào giấc ngủ tự nhiên. Trong khi thời gian dậy buổi sáng không thay đổi nhiều, điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ ngủ ít hơn lượng thời gian chúng ta cần cho sự phát triển tối đa của não. Thời điểm này, khi trẻ nghỉ hè, cộng thêm việc giãn cách xã hội để phòng dịch, nên bố mẹ dễ “thả lỏng” hơn về việc cần ngủ đủ giấc, cho phép trẻ thức khuya hơn vì có thể ngủ bù vào ban ngày. Tuy thế, một giấc ngủ đủ sâu và đủ giấc suốt đêm lại vô cùng quan trọng để giúp trẻ và cả chúng ta có một tinh thần sảng khoái.
3. Focus Time: Thời gian tập trung
Thời gian tập trung chính là những khoảng thời gian mà chúng ta tập trung cao độ vào 1 thứ. Không giống như khi làm nhiều việc một lúc, như vừa đọc sách vừa nhắn tin hoặc vừa lướt web vừa nói chuyện điện thoại, thời gian tập trung nghĩa là bạn chỉ làm đúng 1 việc trong 1 khoảng thời gian. Nếu không thường xuyên có thời gian tập trung, não bộ của chúng ta cũng chấm dứt hoạt động theo chức năng mà nó được sinh ra, đó là: tiếp tục học, lớn lên và tạo nhiều liên hệ suốt đời. Hay thậm chí điều này còn có thể khiến chúng ta bắt đầu cảm thấy cuộc sống như một lối mòn, không có gì thay đổi và nhàm chán.
4. Downtime: Thời gian nghỉ ngơi
Chúng ta không cần phải tập trung liên tục. Mỗi ngày, trẻ cần có đôi lúc chùng xuống để thư giãn và bộ não sắp xếp lại. Thời gian nghỉ ngơi là khi chúng ta không có kế hoạch gì, không có việc gì chúng ta phải cố gắng làm xong hay, không có việc gì cần phải làm. Trong khoảng thời gian này, bộ não dường như được sạc lại pin, cho phép đầu óc được nghỉ ngơi một cách có chủ ý. Nghe có vẻ nực cười, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự lười biếng và thời gian nghỉ ngơi thực sự là quan trọng. Chỉ cần ít thôi, nhưng hãy làm hàng ngày.
Trẻ vận động tốt cho sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần
5. Playtime: Giờ chơi
Đây là thời gian đương nhiên cần với tất cả chúng ta, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tham gia vào các khám phá vô tư trong cuộc sống cùng với những người khác một cách gắn kết, vui chơi mà không bị đánh giá thực sự quan trọng cho một cuộc sống khỏe mạnh và ý nghĩa tràn đầy trong suốt cuộc đời. Cười lớn cũng là một giải pháp liên quan đến não bộ. Khi trẻ vô tư và vui vẻ, não bộ thực sự phát triển.
6. Physical Time: Thời gian thể chất
Chuyển động cơ thể làm cho não bộ phát triển. Tập thể dục nhịp điệu liên quan đến việc tăng nhịp tim lên trong vòng 30 phút, và tiến dần đến khoảng 45 phút, là một sự khởi đầu tuyệt vời. Vận động cơ thể quan trọng không chỉ cho sức khỏe của não bộ mà còn cả sức khỏe tinh thần, tạo ảnh hưởng lên các vùng của não bộ đảm trách cảm xúc, khiến ta phấn chấn hơn ngay cả khi ta rất căng thẳng thậm chí có vẻ như sắp bị trầm cảm.
7. Connecting Time: Thời gian kết nối
Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc kết nối với người khác làm cho cuộc sống của chúng ta ý nghĩa, khỏe mạnh, sáng suốt và hạnh phúc hơn. Những cuộc trao đổi giữa giờ kèm thể hiện sự quan tâm hoặc ghi nhận giúp chúng ta kết nối với những người khác khiến mối quan hệ trở nên tích cực. Khi có các mối quan hệ tích cực, chúng ta không chỉ hạnh phúc hơn, mà còn mạnh khỏe hơn và sống lâu hơn.
Nhưng hơn hết, là món quà của sự hiện diện
Hơn bao giờ hết, 7 yếu tố nuôi dưỡng sự khỏe mạnh của tâm trí này sẽ giúp cả gia đình được trải nghiệm món quà của sự hiện diện thực sự trong từng khoảnh khắc của hiện tại, ngay cả khi chúng ta đang còn có nhiều lo âu về tương lai. Tạo ra những khoảnh khắc hiện diện trọn vẹn với hiện tại trong tâm trí mỗi ngày chính là chìa khóa để chúng ta chấp nhận và đương đầu với những thách thức của cuộc sống trong thời kỳ đại dịch bùng nổ. Chấp nhận thực tại không đồng nghĩa với mất hy vọng vào tương lai, nó có nghĩa là nhìn nhận mọi thứ như chúng vốn là để sau đó có thể hành động một cách khôn ngoan và sáng suốt.
Tác giả: ThS Tâm lý học Phương Hoài Nga