Sức khỏe tâm thần trẻ em - Thực trạng và giải pháp là chủ đề cuộc tọa đàm về các sáng kiến, chính sách trong việc nâng cao sức khỏe tâm thần trẻ em.
Trong 2 năm vừa qua, dịch bệnh tác động tiêu cực lên nhiều mặt đời sống, sức khỏe tâm thần cũng không nằm ngoài phạm vi này. Trong đó, trẻ em là một trong những nhóm đối tượng yếu thế và dễ bị tác động hơn cả, nhất là khi các em phải hạn chế nhiều hoạt động trong giai đoạn giãn cách xã hội, phòng chống dịch.
Học sinh lớp 1 trong giờ học trực tuyến. (Nguồn: VGP)
Sức khỏe tâm thần trẻ em - Thực trạng và giải pháp là chủ đề cuộc tọa đàm về các sáng kiến, chính sách trong việc nâng cao sức khỏe tâm thần trẻ em hiện nay cũng như nhu cầu của các dịch vụ tâm lý học đường cho trẻ đã được Đài Truyền Hình Quốc hội và Tổ chức ActionAid Việt Nam (gọi tắt là AAV) phối hợp triển khai. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án “Xây dựng Trường học an toàn và chất lượng cho Trẻ em quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh và trẻ em huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội”do Taiwan Fund for Children and Family (gọi tắt là TFCF) tài trợ được thực hiện bởi AAV.
Tọa đàm có sự tham gia của bà Hà Ánh Phượng, giáo viên, Đại biểu Quốc hội khóa XIV và bà Đỗ Thùy Dương, Chuyên gia tư vấn của Dự án TFCF.
Bà Hà Ánh Phượng cho rằng: “Lứa tuổi ở các cháu bắt đầu từ mẫu giáo lên tiểu học đã phải trải qua rất nhiều điều ảnh hưởng đến tâm lý vì đây là giai đoạn mà các bạn chuyển từ mẫu giáo mầm non đi lên một cấp bậc mà phải học kiến thức, nội quy… Lúc này, theo tôi gia đình cha mẹ hãy là người đồng hành hãy cùng thấu hiểu con, dành nhiều thời gian cho con hơn, trường học thì nên giảm bớt yêu cầu về thành tích. Gia đình và trường học phải cùng đồng hành cùng các con trong suốt quá trình này.
Bà Hà Ánh Phượng, giáo viên, Đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Chúng ta nên tạo ra nhiều nhóm giải pháp để giải quyết những vấn đề này. Xây dựng môi trường lành mạnh hạnh phúc chống bạo lực học đường. Các em cần được học, thực hành nhiều hơn về kỹ năng sống, đặc biệt là với các bạn nhỏ, nhất là trong bối cảnh học online nhiều bạn bị thu mình lại ngại giao tiếp.
Giải pháp tiếp theo, chúng ta cần nâng cao kỹ năng chuyên môn về tư vấn học đường cho đội ngũ giáo viên. Nhiều lúc tôi luôn ước rằng trường mình có thêm một cán bộ chuyên về tư vấn tâm lý, chứ không phải giáo viên tốt nghiệp sư phạm làm công việc tư vấn tâm lý. Chúng ta cần có những lớp bồi dưỡng về tư vấn tâm lý học đường cho giáo viên, những người chuyên tiếp xúc với các em học sinh để giúp khắc phục những vấn đề khó khăn”.
Chia sẻ quan điểm của bà Hà Ánh Phượng, chuyên gia Đỗ Thùy Dương cho rằng: “Chúng ta cần quan tâm đến 3 mũi vấn đề: Gia đình cho các em yêu thương sự trải nghiệm nhận biết thế nào là sức khỏe tinh thần; Nhà trường cho các em sự hỗ trợ về mặt tư vấn; Cộng đồng cần bớt phán xét.
Bà Đỗ Thùy Dương, Chuyên gia tư vấn của Dự án TFCF.
Đối tượng chúng tôi đang tập chung hỗ trợ là nhà trường, để triển khai thích ứng tốt chính sách nhà nước. Hỗ trợ nhà trường về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo hỗ trợ nâng cao trình độ giáo viên và chuyên viên tham vấn tâm lý tại trường học. Chúng tôi đang kết hợp cùng ActionAid Vietnam và TFCF xây dựng khung năng lực cho giáo viên để đảm bảo rằng ít nhất họ có thể đáp ứng đượ yêu cầu từ thông tư 31 và thông tư 33”.
Bên cạnh sự tham gia chia sẻ của chuyên gia và đại biểu quốc hội, tọa đàm cũng đã tham khảo ý kiến của giáo viên, phụ huynh và các em học sinh tại một số xã nghèo tại Huyện Sóc Sơn thành phố Hà Nội để hiểu hơn những thách thức khó khăn và lắng nghe những sáng kiến, giải pháp từ chính “người trong cuộc”
Theo đó, các bên sẽ tiếp tục triển khai các chương trình thảo luận, nghiên cứu đánh giá thực trạng và đưa ra các giải pháp mang tính hệ thống như tăng cường năng lực cho phòng tham vấn tâm lý của nhà trường, trang bị năng lực nhận diện các vấn đề tâm lý của trẻ cho giáo viên chủ nhiệm cũng như cải thiện kỹ năng làm cha mẹ, thấu hiểu và đồng hành với con./.
Nguồn https://vov.vn