Mặc dù các số liệu thống kê cho thấy, số lượng trẻ mắc Covid-19 và chịu ảnh hưởng do đại dịch toàn cầu gây ra không đáng kể so với người lớn, nhưng các bố mẹ thực sự không được chủ quan.
"Theo cập nhật của AAP (Học viện Nhi khoa Hoa kỳ - PV) đến 12/8/2021 đã có 4.413.547 trẻ mắc COVID -19, trong đó chỉ có 1,9% phải nhập viện và 0,03% tử vong. Thế nhưng, theo cập nhật mới đây của CDC Hoa Kỳ, số lượng trẻ em mắc COVID-19 phải nhập viện đang tăng nhanh (trung bình 239 ca/ngày) tại Hoa Kỳ. Con số này có thể liên quan đến biến thể Delta đang hoành hành cả thế giới, trong đó có Việt Nam." – Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng - bác sĩ Nhi khoa nổi tiếng trong cộng đồng những bà mẹ bỉm sữa tại Sài Gòn nhận định và lý giải về việc tại sao các bố mẹ cần quan tâm nhiều hơn nữa tới con em mình.
Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng - Giảng viên Bộ môn Nhi Khoa, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, BS Bệnh viện Nhi đồng 2.
Bố mẹ cần chuẩn bị gì khi không may con mình mắc COVID-19?
Theo ý kiến của bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng, việc đầu tiên cần làm là xác định chính xác xem con mình có nằm trong đối tượng nguy cơ trở nặng khi mắc Covid-19 hay không.
1. Nếu con bạn nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ trở nặng:
Trong trường hợp con có 1 trong những yếu tố sau, bố mẹ cần liên hệ tới các BV Nhi khoa tại các cơ sở gần nhất để được theo dõi, không nên chủ động theo dõi tại nhà.
- Trẻ ≤ 1 tuổi;
- Trẻ < 2 tuổi có tiền căn sinh non ≤ 37 tuần;
- Béo phì (BMI ≥ 95th);
- Mắc bất kỳ một bệnh lý mạn tính nào như: bệnh thần kinh như động kinh, bại não, bệnh phổi mạn như hen suyễn, bệnh tim bẩm sinh, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thận mạn, ung thư, bệnh tự miễn, HIV, bệnh lý di truyền, rối loạn chuyển hoá bầm sinh, bệnh hồng cầu liềm.
2. Nếu con bạn không nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ trở nặng:
Trong trường hợp này, bố mẹ có thể cho con được theo dõi cách ly tại nhà và thực hiện tiếp các việc dưới đây:
- Báo cáo cho y tế phường để có danh sách, đây là điều quan trọng để các bệnh viện tiếp nhận con mình khi trở nặng.
- Ghi thông tin của bác sĩ đang hỗ trợ theo dõi tại nhà, số cấp cứu của Bệnh viện Nhi gần mình nhất để sử dụng ngay khi cần.
Dù trẻ có hệ miễn dịch tốt đến thế nào, bố mẹ cũng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong việc phòng chống và điều trị Covid-19.
5 nhóm thuốc bố mẹ cần chuẩn bị
"Với các trẻ điều trị F0 tại nhà, bố mẹ không cần phải chuẩn bị những nhóm thuốc kháng virus, kháng viêm corticoid, kháng đông. Vì cho tới thời điểm này chưa có bằng chứng cho thấy hiệu quả với nhóm nhẹ này, nhiều khi còn gây hại thêm nếu sử dụng không đúng." - Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng nhấn mạnh.
Dưới đây là 5 nhóm thuốc cần chuẩn bị. Tuy nhiên, bố mẹ chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn, không lạm dụng kéo dài.
1. Nhóm thuốc nhóm thuốc hạ sốt, giảm đau
Đây là nhóm thuốc không thể thiếu khi trẻ mắc COVID-19. Thành phần hạ sốt, giảm đau an toàn cho các con là Acetaminophen.
Điều các bố mẹ cần lưu ý khi sử dụng là liều thuốc theo cân nặng, liều từ 10 – 15mg/kg/1 lần sử dụng cách nhau mỗi 4 – 6 giờ. Mẹ có thể mua hiệu gì cũng được miễn thành phần là Acetaminophen như Hapacol, Efferalgan, Tylenol, Paracetamol,… Nếu con bạn 10 kg sử dụng 100 -150mg cho mỗi lần hạ sốt là an toàn.
2. Nhóm thuốc giúp giảm triệu chứng chảy mũi, hắt hơi
Các bố mẹ có thể sử dụng nhóm thuốc kháng histamin an toàn cho trẻ như Desloratadine. Thuốc này được sử dụng được cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên với liều thay đổi theo lứa tuổi.
- Trẻ từ 6 tháng – 12 tháng với liều 1 mg.
- 1 – 5 tuổi với liều 1,25mg.
- Trẻ 6 - 11 tuổi với liều 2,5mg. Uống 1 lần/1 ngày.
Ngoài ra, để giảm triệu chứng này các bố mẹ nên chuẩn bị chai nước biển xịt mũi giúp sạch mũi, tránh ngạt mũi. Bố mẹ có thể lựa chọn chai xịt Sterimar baby, Neilmed cho phù hợp với lứa tuổi là được.
3. Nhóm thuốc giảm triệu chứng ho
Một số siro ho thảo dược cho các con, giúp giảm tâm lý cho các bố mẹ mà cũng không gây hại nhiều cho các con mà bố mẹ có thể sử dụng bao gồm: Prospan, Atex.
4. Nhóm thuốc giúp giảm triệu chứng tiêu lỏng, ói
Việc chuẩn bị sẵn men vi sinh có thành phần saccharomyces Boularrdii (Bioflora) hoặc Bacillus Clausii (Enterogermina) trong trường hợp tiêu chảy phân lỏng giúp cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, phục hồi khả năng hấp thu của niêm mạc ruột. Chuẩn bị thêm dung dịch điện giải Oresol giúp ngừa mất nước và chất điện giải rất hiệu quả.
5. Nhóm thuốc cuối cùng đó các loại thuốc vitamin và khoáng chất bổ sung trong thời gian nhiễm bệnh
Các bố mẹ có thể sử dụng những loại multivitamin (chú ý có vitamin D và kẽm).
Tuy nhiên, tất cả những chất này có rất nhiều trong các loại thực phẩm như trái cây, các loại hạt, rau có màu xanh, tôm cá, hải sản. Do đó, nếu trẻ ăn uống đầy đủ thì không cần. Còn nếu trẻ ăn uống kém thì nên bổ sung bằng các chế phẩm đa vi chất dinh dưỡng này.
Ngoài ra cần trang bị thêm máy đo SpO2 tại nhà để theo dõi được những dấu hiệu trở nặng cần đi khám gấp.
Những dấu hiệu trở nặng
1. Đối với trẻ > 5 tuổi khi có 1 trong những triệu chứng sau:
- Thở nhanh ≥ 30 lần/phút
- SpO2 < 94%
- Tím tái
- Đau ngực, nặng ngực
- Bắt đầu có rối loạn tri giác như ngủ li bì khó đánh thức, tương tác kém với người xung quanh.
- Sốt cao không hạ sau khi dùng thuốc hạ sốt.
- Thở nhanh theo tuổi (trẻ < 2 tháng nhịp thở ≥ 60 lần/phút; trẻ 2 – 11 tháng nhịp thở ≥ 50 lần/phút; trẻ 1 -5 tuổi nhịp thở ≥ 40 lần/phút).
Tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 biến thể Delta nghiêm trọng hơn ở trẻ em, cần được chăm sóc đặc biệt.
2. Đối với trẻ < 5 tuổi khi có 1 trong những triệu chứng sau:
- Thở nhanh theo tuổi (trẻ < 2 tháng nhịp thở ≥ 60 lần/phút; trẻ 2 – 11 tháng nhịp thở ≥ 50 lần/phút; trẻ 1 -5 tuổi nhịp thở ≥ 40 lần/phút)
- Thở rên, thở rít, thở co lõm ngực.
- Tím tái.
- SpO2 < 94%
- Chán ăn, bỏ bú.
- Nôn tất cả mọi thứ.
- Co giật, lơ mơ, hôn mê
- Sốt cao không hạ sau khi dùng thuốc hạ sốt
Trên đây là những gì bố mẹ cần chuẩn bị và nắm chắc để cùng con khỏe mạnh bước qua đại dịch. Mong rằng, những kiến thức từ một Chuyên gia Nhi khoa sẽ giúp ích được phần nào cho các bố mẹ và các bé!