*Bộ Y tế nhắc tăng kiểm tra thực phẩm Tết Trung thu, truy xuất nguồn gốc, xử lý nghiêm sai phạm
Bộ Y tế yêu cầu tập trung ưu tiên kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề. Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm vi phạm...
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế hôm nay (9/8) đã ban hành công văn số 1964/ATTP-NĐTT về việc tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Trung thu năm 2024.
Lén lút đưa ra thị trường bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ
Trong văn bản gửi Văn phòng Uỷ ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Sở An toàn thực phẩm TPHCM, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh/ TP Đà Nẵng, Cục An toàn thực phẩm cho biết, Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo đặc biệt là bánh trung thu tăng đột biến, bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các cơ quan trên chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm.
Theo đó, Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…
Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Sẵn sàng cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân ngộ độc thực phẩm
Cục An toàn thực phẩm đề nghị các đơn vị chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu. Nội dung tuyên truyền cho các đối tượng như sau:
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.
Đối với người tiêu dùng: Hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.
Đồng thời thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ Tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Chỉ thị số 17/CT-TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 3/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm; Văn bản số 2487/BYT-ATTP ngày 11/5/2024 của Bộ Y tế về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm và Văn bản số 3113/BYT-ATTP ngày 07/6/2024 về việc tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.
Theo thông tin của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm làm 2.138 người mắc và 6 trường hợp tử vong. Bộ Y tế đã nhiều lần nhắc các tỉnh, thành phố phải phải xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động cơ sở không bảo đảm, truy xuất tận cùng nguồn gốc...
So với cùng kỳ năm 2023, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm 4 vụ (10%), số mắc tăng 1.432 người (tức tăng khoảng đến hơn 202%), số tử vong giảm 5 người (45,5%); số vụ ngộ độc thực phẩm có xu hướng giảm ở khu vực miền núi phía Bắc nhưng tăng ở khu vực duyên hải miền Trung và khu vực Đông Nam Bộ.
(https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-nhac-tang-kiem-tra-thuc-pham-tet-trung-thu-truy-xuat-nguon-goc-xu-ly-nghiem-sai-pham-169240809184806332.htm)
Cùng nội dung thông tin:
*Tăng cường thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu 2024
(https://kinhtedothi.vn/tang-cuong-thanh-kiem-tra-an-toan-thuc-pham-dip-tet-trung-thu-2024.html)
*Chủ động giảm thiểu các sự cố về an toàn thực phẩm
Với phương châm “phòng là chính”, thời gian qua, các địa phương đã thực hiện đồng bộ các hoạt động giám sát nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các sự cố về an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, các địa phương đã đẩy mạnh việc lấy mẫu sản phẩm thực phẩm để kiểm nghiệm sau công bố và tự công bố. Qua đó, nâng cao ý thức cho các chủ cơ sở về sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm gây ra.
Thường xuyên giám sát và lấy mẫu xét nghiệm
Theo Trưởng phòng Y tế huyện Gia Lâm Bùi Thu Hường, trên địa bàn huyện hiện có 4.099 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Để giám sát các mối nguy mất an toàn thực phẩm từ bữa ăn đông người, thức ăn đường phố, từ đầu năm 2024 đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã tiêu hủy thực phẩm các loại trị giá gần 53 triệu đồng, gồm 300kg thực phẩm đông lạnh (100kg mực, 170kg khoai tây, 30kg đậu hũ tôm hùm); 700 gói lương khô mini, 199 gói bánh các loại, 16 gói kẹo bật hình xăm, 58 gói bim bim, 24 chai (loại 500ml/chai) rượu ngâm có màu, 40 lít rượu trắng, 1.008 bánh bông lan; 360,6kg sản phẩm bánh kẹo khác. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế xã, thị trấn đã duy trì giám sát an toàn thực phẩm tại 528 bữa cỗ tập trung đông người. “Công tác giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm trên địa bàn huyện được tiến hành thường xuyên. Tuyến huyện đã xét nghiệm 15 mẫu (thịt, rau, củ, quả), kết quả cả 15/15 mẫu đạt; xét nghiệm nhanh 204 mẫu và tất cả 204/204 mẫu đạt. Đối với tuyến xã, xét nghiệm nhanh 1.008 mẫu, chủ yếu tại các bữa cỗ tập trung đông người và mẫu thức ăn đường phố và tất cả mẫu đều đạt…”, bà Bùi Thu Hường thông tin.
Còn theo Trưởng phòng Y tế thị xã Sơn Tây Phạm Hùng Sơn, từ đầu năm 2024 đến nay, thị xã và các xã, phường đã thành lập các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm liên ngành và chuyên ngành; các đoàn giám sát an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường và các loại thực phẩm có mức tiêu thụ cao. Các đoàn kiểm tra liên ngành đã lấy 7.946 mẫu xét nghiệm nhanh, thì có 7.412 mẫu đạt, chiếm 93,2%; các mẫu không đạt do còn tinh bột ở dụng cụ ăn uống sau khi vệ sinh. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thị xã không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm, sự cố về an toàn thực phẩm nào.
“Phòng Y tế cũng phối hợp với HĐND thị xã giám sát, khảo sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại 3 trường học, 2 cơ sở chăn nuôi, 6 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và 3 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại 3 lễ hội trên địa bàn; đồng thời, phối hợp với Thanh tra Sở Y tế kiểm tra 1 bếp ăn tập thể trường tiểu học trên địa bàn và phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội giám sát việc triển khai mô hình "Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường tiểu học””, ông Phạm Hùng Sơn cho hay.
Thông qua việc giám sát, lấy mẫu thực phẩm trên thị trường, các địa phương đã kịp thời phát hiện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xử lý đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Qua đó, ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng. Đây cũng là căn cứ để định hướng trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở các địa phương và phân tích, đánh giá nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, từ đó đưa ra cảnh báo đối với các sản phẩm không an toàn trên địa bàn thành phố.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Nhằm tăng cường công tác giám sát, phát hiện mối nguy mất vệ sinh, an toàn thực phẩm, ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm chất lượng, an toàn lưu thông trên thị trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, trong thời gian tới, huyện tiếp tục thành lập các đoàn thanh tra đột xuất, tiến hành thanh, kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; đồng thời, lấy mẫu kiểm nghiệm và xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm (nếu có). Đối với mẫu thực phẩm lưu thông trên thị trường có địa chỉ sản xuất ngoài địa phương, huyện gửi văn bản thông tin đến Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố có cơ sở sản xuất sản phẩm để thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý theo quy định của pháp luật.
Còn theo Trưởng phòng Y tế huyện Ba Vì Hoàng Xuân Trường, từ nay đến cuối năm 2024, huyện đẩy mạnh các hoạt động giám sát an toàn thực phẩm; 100% sản phẩm thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng lớn, các sản phẩm có nguy cơ ô nhiễm trong quá trình sản xuất, kinh doanh được lấy mẫu kiểm nghiệm thường xuyên, phát hiện các nguy cơ không an toàn thực phẩm. Người sản xuất, chủ các sản phẩm không bảo đảm an toàn được phát hiện qua giám sát sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và được truyền thông, cảnh báo đối với người tiêu dùng biết, không sử dụng thực phẩm ở các cơ sở đó.
Để nâng cao hiệu quả giám sát an toàn thực phẩm đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm cho các đối tượng là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố tại các khu du lịch trên địa bàn, hạn chế mối nguy ô nhiễm thực phẩm, giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho khách hàng. Mặt khác, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp bán hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng hóa đã hư hỏng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên thị trường để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
(https://hanoimoi.vn/chu-dong-giam-thieu-cac-su-co-ve-an-toan-thuc-pham-674367.html)
*Hà Nội: hợp nhất Bệnh viện Mắt Hà Nội và Bệnh viện Mắt Hà Đông
UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 4072/QĐ-UBND về việc tổ chức lại Bệnh viện Mắt Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Bệnh viện Mắt Hà Nội và Bệnh viện Mắt Hà Đông thuộc Sở Y tế Hà Nội.
Theo quyết định, việc tổ chức lại Bệnh viện Mắt Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Bệnh viện Mắt Hà Nội và Bệnh viện Mắt Hà Đông thuộc Sở Y tế với tên gọi: Bệnh viện Mắt Hà Nội. Trụ sở chính bệnh viện tại số 37 Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm và cơ sở số 2D, phố Nguyễn Viết Xuân, phường Quang Trung, quận Hà Đông.
Bệnh viện Mắt Hà Nội là bệnh viện chuyên khoa hạng II với tổng số 250 giường bệnh, trong đó, trụ sở chính và cơ sở mỗi nơi bố trí 125 giường bệnh.
UBND TP giao Giám đốc Sở Nội vụ phối hợp với Sở Y tế và các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức triển khai quyết định này theo đúng quy định của pháp luật.
Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội (trước khi tổ chức lại), Bệnh viện Mắt Hà Đông, các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Sở thống kê số lượng viên chức, người lao động hiện có, kinh phí hoạt động, trang thiết bị, trụ sở làm việc, hồ sơ, sổ sách, chứng từ, tài liệu, công nợ và các quyền lợi, nghĩa vụ khác... có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Bệnh viện Mắt Hà Nội (trước khi tổ chức lại) và Bệnh viện Mắt Hà Đông để bàn giao về Bệnh viện Mắt Hà Nội (sau khi tổ chức lại) theo đúng quy định của pháp luật.
Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội (sau khi tổ chức lại) kiện toàn các chức danh lãnh đạo, quản lý các phòng, các khoa chuyên môn, đơn vị theo thẩm quyền và phân cấp; xây dựng quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các khoa, phòng và quy chế làm việc của bệnh viện; xây dựng đề án vị trí việc làm, đề án tự chủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đồng thời, kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ có liên quan của Bệnh viện Mắt Hà Nội (trước khi tổ chức lại) và Bệnh viện Mắt Hà Đông; làm việc với Công an thành phố Hà Nội để tiến hành thủ tục thu hồi con dấu của Bệnh viện Mắt Hà Đông và khắc dấu mới đối với Bệnh viện Mắt Hà Nội theo đúng quy định, trong thời gian thực hiện tổ chức lại, Bệnh viện Mắt Hà Nội (trước khi tổ chức lại) và Bệnh viện Mắt Hà Đông được tiếp tục sử dụng con dấu theo quy định.
Về điều khoản chuyển tiếp, tạm thời giữ nguyên số lượng Phó Giám đốc Bệnh viện, cấp phó người đứng đầu các phòng, khoa, đơn vị hiện có thuộc bệnh viện và chỉ được bổ sung các chức danh lãnh đạo nêu trên khi số lượng ít hơn quy định. Việc sắp xếp, bố trí lại số cấp phó để bảo đảm đúng theo quy định được thực hiện trong thời hạn tối đa 3 năm kể từ ngày tổ chức lại theo thẩm quyền và phân cấp.
Đối với những trường hợp đã được bổ nhiệm giữ chức vụ người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các phòng, ban và tương đương, sau khi tổ chức lại thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm vào chức vụ mới có phụ cấp chức vụ lãnh đạo thấp hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ thì được hưởng bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo, áp dụng theo quy định tại Quyết định số 140/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 7/8/2024; các quy định trái với quy định tại quyết định này đều bị bãi bỏ.
(https://kinhtedothi.vn/ha-noi-hop-nhat-benh-vien-mat-ha-noi-va-benh-vien-mat-ha-dong.html)
Cùng nội dung thông tin:
*Hợp nhất Bệnh viện Mắt Hà Nội và Bệnh viện Mắt Hà Đông
(https://hanoimoi.vn/hop-nhat-benh-vien-mat-ha-noi-va-benh-vien-mat-ha-dong-674340.html)