*Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong: Kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn thực phẩm trường học
Từ tháng 8-2024, thành phố Hà Nội bắt đầu triển khai kế hoạch chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội”.
Kế hoạch này được triển khai ngay trước thềm năm học mới 2024-2025 được kỳ vọng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, hạn chế các vụ ngộ độc xảy ra với học sinh. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong về những mục tiêu và nội dung mà thành phố đặt ra trong kế hoạch này.
Huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương
- Tại kế hoạch “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội”, mục tiêu chính được thành phố đặt ra là gì, thưa ông?
- Mục tiêu được đặt ra trong kế hoạch này là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học. Cùng với đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học nhằm đẩy mạnh công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm đối với học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố. Trong kế hoạch này, thành phố chú trọng triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn.
- Xin ông cho biết, kế hoạch chuyên đề lần này có gì khác so với những kế hoạch, mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm trong trường học từng triển khai trước đó?
- Vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học là vô cùng quan trọng. Bởi nó có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sự phát triển về thể chất và trí tuệ của thế hệ trẻ. Do đó, Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh công tác quản lý an toàn thực phẩm trường học; phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học. Với những kế hoạch, mô hình về kiểm soát an toàn thực phẩm trong trường học trước đây tập trung quản lý ở góc độ chuyên môn với sự tham gia chủ yếu của ngành Y tế và ngành Giáo dục và đào tạo. Còn với kế hoạch chuyên đề lần này là huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương. Cụ thể, UBND quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính quyền địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị - xã hội.
- Theo ông, thách thức lớn nhất trong công tác quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm trường học hiện nay là gì?
- Hà Nội có hơn 4 nghìn bếp ăn tập thể trường học. Hiện nay, đa số các trường đã đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng bếp ăn theo nguyên tắc một chiều. Tuy nhiên, một số bếp ăn có diện tích khu sơ chế và chế biến chật hẹp; chưa vận hành theo nguyên tắc một chiều; kho bảo quản thực phẩm còn sắp xếp lộn xộn, chưa có lưới chắn côn trùng; nhân viên tham gia chế biến chưa chấp hành đầy đủ chế độ vệ sinh cá nhân theo quy định… Mặt khác, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho bếp ăn tập thể có nơi chưa được triển khai thường xuyên và đến tận cơ sở nuôi trồng, giết mổ.
Bên cạnh đó, vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng các quán hàng, gánh hàng rong tự phát xung quanh cổng trường. Tại các quán hàng này, nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng kéo theo nguy cơ gây hại cho sức khỏe của học sinh. Thế nhưng, nhân lực tại các quận, huyện, thị xã được phân công theo dõi về chất lượng, an toàn thực phẩm đa số đều kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên trách và chuyên môn phù hợp, luôn thay đổi vị trí công tác. Mặt khác, việc xử lý vi phạm ở tuyến xã, phường, thị trấn đã được đẩy mạnh nhưng kết quả còn hạn chế.
Công tác kiểm tra phải được thực hiện liên tục, có hiệu quả
- Xin ông cho biết, thời điểm hiện tại, chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội” được triển khai như thế nào?
- Thời điểm này, các quận, huyện, thị xã bắt đầu triển khai kế hoạch này đến UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ sở giáo dục có bếp ăn bán trú trên địa bàn. Đồng thời, tiến hành rà soát, thống kê các cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể, căng tin trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học trên địa bàn theo từng ngành hàng, mặt hàng. Cùng với đó, tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, thực hành về bảo đảm an toàn thực phẩm và tổ chức thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện hoặc ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm…
- Theo kế hoạch mới này, công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học được triển khai theo hình thức nào để mang lại hiệu quả, thưa ông?
- Phương thức kiểm tra được phân cấp từ thành phố đến quận, huyện, thị xã. Cụ thể, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm của thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra định kỳ, đột xuất, đánh giá hiệu quả triển khai các hoạt động chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học” tuyến quận, huyện, thị xã. Cấp quận, huyện, thị xã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, định kỳ xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của bếp ăn tập thể, căng tin trường học, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo quy định. Yêu cầu được đặt ra là công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, có hiệu quả và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời đưa tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Riêng với công tác quản lý an toàn thực phẩm xung quanh cổng trường học, để bảo vệ sức khỏe cho học sinh, các quận, huyện, thị xã phải triển khai quyết liệt; thông qua việc phối hợp với chính quyền xã, phường, thị trấn cùng với lực lượng công an, dân phòng, tổ dân phố… tiến tới hạn chế, đẩy lùi sự tồn tại của các quán hàng rong gây mất an toàn thực phẩm.
- Ông có đề xuất thêm giải pháp gì để tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trường học trong thời gian tới?
- Vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm trường học không chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền, của nhà trường mà còn của cả phụ huynh và học sinh. Theo tôi, chúng ta cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cho học sinh. Qua đó, giúp các em biết cách lựa chọn các thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với các quán hàng, thức ăn đường phố không an toàn. Bên cạnh đó, người dân, nhất là phụ huynh học sinh khi phát hiện thấy quán hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm trước cổng trường hoặc phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm cần thông tin đến cơ quan chức năng để cùng vào cuộc xác minh, xử lý. Cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, các trường cần tăng cường giám sát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào hằng ngày. Đồng thời, các trường phải tổ chức các đoàn kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm mà đơn vị ký hợp đồng cung cấp cho trường. Điều quan trọng nữa là người sản xuất và kinh doanh phải tự nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng; không vì lợi nhuận trước mắt mà làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(https://hanoimoi.vn/chi-cuc-truong-chi-cuc-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-ha-noi-dang-thanh-phong-kiem-soat-chat-che-bao-dam-an-toan-thuc-pham-truong-hoc-674419.html)
*Quận Hà Đông đẩy mạnh hoạt động nâng cao chất lượng dân số
Xác định tầm quan trọng của công tác dân số và phát triển, ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế quận Hà Đông đã ban hành các kế hoạch, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng dân số; đồng thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận ban hành công văn chỉ đạo các phường trong thực hiện công tác dân số và phát triển.
Trong 6 tháng năm 2024, Trung tâm Y tế quận đã tổ chức 51 cuộc truyền thông trước, trong và sau chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản đến vùng dân cư đặc thù với hơn 5.000 lượt người tham dự, đảm bảo an toàn, đúng tiến độ và hoàn thành sớm các chỉ tiêu chiến dịch đã đề ra.
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền để làm thay đổi hành vi, các chương trình, đề án nâng cao chất lượng dân số đã tạo cơ hội cho người dân được tiếp cận chính sách của Đảng, Nhà nước góp phần tạo bước đột phá trong công tác dân số ở quận Hà Đông trong thời gian qua.
Đối với Đề án Mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn, Trung tâm Y tế quận đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Quân y 103 tổ chức khám sàng lọc trước sinh cho 90% phụ nữ mang thai, số trẻ sơ sinh được sàng lọc 5 bệnh đạt trên 80% tổng sinh.
Trung tâm Y tế quận đã phối hợp với Trạm y tế phường triển khai và duy trì kế hoạch mô hình nâng cao chất lượng dân số, cụ thể: Mô hình “Chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng” năm thứ nhất tại phường Mộ Lao và Phú La; năm thứ hai tại phường Nguyễn Trãi và Dương Nội; mô hình “Chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng” trên địa bàn phường Đồng Mai và Yên Nghĩa.
Tại Trạm y tế các phường đều chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, đảm bảo việc cung ứng dịch vụ thường xuyên và dịch vụ trong chiến dịch.
Trung tâm Y tế quận phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận tăng cường tuyên truyền về công tác dân số và phát triển; phối hợp với Đoàn Thành niên, Hội Phụ nữ… tổ chức các chương trình truyền thông chăm sóc sức khỏe cho hội viên, đoàn viên; phối hợp với các trường học trên địa bàn để phổ cập cho các em học sinh kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên và kiến thức về phát triển tầm vóc, thể lực nhằm nâng cao chất lượng dân số...
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong 6 tháng cuối năm, Trung tâm Y tế quận Hà Đông sẽ tiếp tục đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân số và phát triển; tập trung tăng cường các hoạt động từ quận đến cơ sở, chú trọng thực hiện các hoạt động nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn quận.
*Hà Nội đẩy mạnh công tác tiêm phòng bệnh dại, tránh lây lan
Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn cùng các cơ quan liên quan đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tiêm vaccine bệnh dại cho cả người và động vật.
Tăng cường tiêm vaccine bệnh dại cho người dân trên địa bàn
Tính từ đầu năm đến nay, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã ghi nhận 6 ổ dịch dại, 27 người phải điều trị dự phòng do tiếp xúc với chó dại. Ghi nhận trong tháng 7.2024, trên địa bàn huyện Sóc Sơn có 2 ổ dịch dại phát sinh tại xã Hiền Ninh và xã Thanh Xuân. Trong đó, ghi nhận có 8 bệnh nhân phơi nhiễm với virus dại.
Ghi nhận những ngày đầu tháng 8, số lượng người dân tới Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn để tiêm phòng bệnh dại cũng gia tăng. Theo bác sĩ Dương Thị Thanh Hải, Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, những ngày này, rất nhiều người tới tiêm vaccine phòng bệnh dại với đủ đối tượng khác nhau. Đa số người dân tới tiêm đều cảm thấy lo lắng.
Bên cạnh đó, đối với những đối tượng bị chó cắn, khi tới Trung tâm Y tế huyện tiêm phòng, bác sĩ Hải cũng phải xác nhận tình hình con chó, tình hình vết cắn và tư vấn lịch tiêm phù hợp cho người dân. Đặc biệt là những bệnh nhân bị cắn ở vùng đầu, mặt, cổ, bác sĩ Hải cho biết, bệnh nhân cần tiêm đủ 5 mũi vaccine và đi tiêm huyết thanh ngay sau khi bị cắn để bảo vệ sức khỏe.
Trao đổi với Lao Động, bác sĩ Hoàng Lưu Sa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn cho biết, hiện tại, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với các ban, ngành địa phương, sở y tế và CDC của Thành phố Hà Nội để truyền thông, xử lý ổ dịch, tuyên truyền cho người dân tiêm phòng vaccine dại và huyết thanh để phòng bệnh.
"Đối với vaccine tiêm phòng bệnh dại, Trung tâm Y tế huyện cũng phối hợp chặt chẽ với các công ty cung ứng vaccine để đảm bảo đủ số lượng vaccine tiêm phòng cho người dân", bác sĩ Sa thông tin thêm.
Bác sĩ Sa cũng khẳng định, bệnh dại là một bệnh rất nguy hiểm, bệnh dại một khi đã lên cơn thì 100% sẽ tử vong. Vì vậy người dân cần nâng cao ý thức tiêm phòng để bảo vệ sức khỏe của chính mình.
Đồng thời, bác sĩ Sa cũng khuyến cáo, tất cả những người dân bị chó, mèo, cắn, cào thì phải đi tiêm vaccine để phòng chống bệnh dại.
Đẩy mạnh công tác tiêm phòng vaccine dại cho chó, mèo
Sau khi nghe thông tin trên địa bàn huyện đang có nhiều bệnh nhân phơi nhiễm với virus dại do bị chó cắn, bà Nguyễn Thị Mười (Mai Đình, Sóc Sơn) không khỏi lo lắng vì gia đình bà có cháu nhỏ.
Những ngày này, khi đưa cháu ra đường chơi bà Mười đều phải cảnh giác với các đàn chó, mèo. "Cháu nhà tôi còn nhỏ nên nó không biết con nào lành, con nào dữ nên nếu không may bị chó, mèo cắn thì rất nguy hiểm, hơn nữa, tiêm vaccine phòng dại cho các cháu thì rất hại cho sức khỏe", bà Mười cho biết.
Vì lo lắng cho sức khỏe của các thành viên trong gia đình và để bảo vệ cộng đồng, trong các đợt tiêm vaccine phòng dại cho chó mèo, gia đình bà Mười đều tham gia đầy đủ.
"Năm nào nhà tôi cũng tiêm phòng cho chó, mèo. Tiêm vaccine cho chó mèo xong tôi rất yên tâm, không còn lo ngại nữa", bà Mười chia sẻ.
Sau khi xuất hiện ổ bệnh dại trên địa bàn huyện, các xã trong huyện Sóc Sơn cũng đẩy mạnh công tác tiêm phòng vaccine dại cho chó mèo trên địa bàn. Theo chị Dương Thị Thơm, nhân viên thú y xã Mai Đình cho biết, sau khi trên địa bàn huyện Sóc Sơn xuất hiện dịch bệnh dại trên một số xã, xã Mai Đình đã tuyên truyền cho toàn dân và rà soát, thống kê tổng đàn để biết số lượng chó phát sinh mới, từ đó báo cáo dự trù vaccine, tổ chức tiêm phòng cho các đàn chó, mèo.
Được biết, tỉ lệ tiêm phòng vaccine dại trong đợt 1 năm 2024 tại huyện Sóc Sơn đạt 94% tổng đàn chó, mèo. Tuy nhiên, do tổng đàn chó, mèo lớn, địa bàn rộng và giáp ranh nhiều tỉnh nên việc quản lý, thực hiện công tác tiêm phòng cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo bà Hoàng Thị Hà, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết, tổng đàn chó mèo biến động liên tục cũng là nguyên nhân khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại, huyện Sóc Sơn cũng tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đề nghị người dân nhốt chó 100%, nếu đưa chó ra ngoài phải có rọ mõm.
Đồng thời, bà Hà cũng cho biết, huyện đang kích hoạt các tổ bắt chó thả rông, xử phạt mạnh tay đối với những trường hợp không thực hiện các quy định trong công tác phòng chống bệnh dại.
(https://laodong.vn/y-te/ha-noi-day-manh-cong-tac-tiem-phong-benh-dai-tranh-lay-lan-1378600.ldo)
*Bộ Y tế: Tăng cường phòng chống dịch bệnh, nỗ lực cung ứng đủ vaccine tiêm chủng mở rộng
Trên thế giới, tình hình bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp, nhiều bệnh đã có xu hướng gia tăng số mắc tại nhiều quốc gia, trong đó có sốt xuất huyết, sởi, ho gà. Tác động của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ em trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam.
Tăng cường phòng chống dịch bệnh, tổ chức tiêm vét, tiêm bù vaccine trong tiêm chủng mở rộng
Trả lời ý kiến của cử tri về việc cần có các biện pháp quyết liệt, hiệu quả để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trên cả nước; đồng thời nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, giải pháp đảm bảo nguồn cung ứng vaccine và giải quyết kịp thời tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế cho biết, trên thế giới, tình hình bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp, nhiều bệnh đã có xu hướng gia tăng số mắc tại nhiều quốc gia, trong đó có sốt xuất huyết, sởi, ho gà.
Tác động của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ em trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam.
Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á là khu vực lưu hành cao sốt xuất huyết trong nhiều năm qua; cũng là quốc gia nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm mưa nhiều nên tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Để thực hiện phòng chống các bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế đã xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn nhằm đảm bảo việc cung ứng vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng chống dịch năm 2024, cùng các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh; thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh quốc tế và trong nước; chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch như giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, quản lý, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch và vận động tiêm chủng vaccine đầy đủ.
Bộ Y tế cũng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu như chỉ đạo chính quyền các cấp và huy động các ban, ngành, tổ chức, chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn;
Tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế; chủ động đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng chống dịch;
Thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vaccine phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai;
Đảm bảo tổ chức tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh;
Cùng đó, xây dựng các sản phẩm, thông điệp truyền thông về các biện pháp phòng bệnh phù hợp với phong tục, tập quán, ngôn ngữ của từng địa phương; Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí, hệ thống truyền thông cơ sở và các đơn vị liên quan thường xuyên cập nhật thông tin dịch bệnh, đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khoẻ, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh theo mùa;
Tổ chức các hoạt động phòng chống dịch bệnh nhất là bệnh sốt xuất huyết tại hộ gia đình, tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng. Triển khai phun hóa chất diệt muỗi tại những vùng có nguy cơ xảy dịch cao;
Tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ; thực hiện tốt truyền thông học đường về phòng, chống dịch và tiêm vaccine phòng bệnh và công tác y tế trường học để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh;
Bên cạnh đó, rà soát, đảm bảo sẵn sàng công tác hậu cần, thuốc, thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực trong giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh, tác nhân gây bệnh, các biện pháp xử lý ổ dịch, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cấp cứu người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người mắc bệnh;
Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tập trung vào khu vực có ghi nhận các ổ dịch, các địa phương chưa quản lý tốt đối tượng tiêm vaccine phòng bệnh.
Đảm bảo cung ứng đủ vaccine, tránh tình trạng gián đoạn
Bộ Y tế cho biết, để đảm bảo cung ứng đầy đủ vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2024/NĐ-CP ngày 05/2/2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng; theo đó ngân sách Trung ương được bố trí trong ngân sách chi thường xuyên của Bộ Y tế để đảm bảo kinh phí cho các hoạt động trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bộ Y tế đã hướng dẫn, chỉ đạo các tỉnh/thành phố và tổng hợp nhu cầu vaccine trên cả nước; hoàn thành thủ tục mua sắm 10 loại vaccine sản xuất trong nước và chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp nhận khoảng 21 triệu liều trên tổng số 25,5 triệu liều của 12 loại vaccine sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng từ nguồn thu mua và viện trợ; phân bổ theo kế hoạch cho các địa phương.
Ngày 10/6/2024, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1596/QĐ-BYT về Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024; căn cứ vào Kế hoạch này, các địa phương và đơn vị xây dựng và triển khai Kế hoạch tiêm chủng để đảm bảo việc cung ứng đầy đủ vaccine, tránh tình trạng gián đoạn.
Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan để đảm bảo cung ứng đủ vaccine, trang thiết bị và vật tư y tế, đồng thời chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai hoạt động tiêm chủng.
(https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-tang-cuong-phong-chong-dich-benh-no-luc-cung-ung-du-vaccine-tiem-chung-mo-rong-169240811005021317.htm)