* Gia tăng trẻ nhập viện vì bệnh ho gà
Thời gian qua, nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh ho gà, đặc biệt là trẻ em. Ho gà là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bé trai 1 tháng tuổi nhập viện vì ho gà
Điển hình tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến hết tháng 7/2024, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã tiếp nhận gần 400 trẻ mắc bệnh ho gà đến khám và điều trị. Trong đó, phần lớn các trường hợp mắc là trẻ em dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng, hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng bệnh. Hiện, Trung tâm đang điều trị cho gần 40 trẻ mắc bệnh ho gà, trong đó có 1 bệnh nhi nặng cần phải thở máy.
Trong đó, có trường hợp bé gái (24 ngày tuổi, ở Lạng Sơn) nhập viện trong tình trạng ho nhiều cơn, trong cơn ho có tím mặt, trớ ra nhiều đờm trắng quánh dính. Qua khai thác bệnh sử gia đình cho biết, trước khi nhập viện 20 ngày, mẹ của bệnh nhi có triệu chứng ho, nhưng không đi khám và vẫn chăm sóc trẻ.
Khoảng 1 tuần trước khi nhập viện, trẻ xuất hiện ho húng hắng, không sốt. Sau đó trẻ xuất hiện ho nhiều cơn rũ rượi, trong cơn ho có tím mặt và trớ ra nhiều đờm trắng quánh dính nên gia đình đã đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám và điều trị. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành lấy mẫu dịch đường hô hấp để xét nghiệm. Kết quả, trẻ được chẩn đoán mắc bệnh ho gà. Hiện sau 5 ngày điều trị, tình trạng trẻ đã cải thiện đáng kể, trẻ giảm ho, ăn ngủ được, dự kiến ra viện trong một vài ngày tới.
Tương tự, là trường hợp bé trai 1 tháng tuổi ở Hà Nội nhập Khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) vào khoảng ngày thứ 15 - 20 của bệnh. Khi vào bé đã có những biểu hiện đặc trưng của ho gà. Ho kéo dài từ 6 - 7 tiếng mỗi cơn, có đờm, mặt đỏ, môi tím tái và ăn kém. Sau cơn ho, bé ra đờm dài, dính như bã kẹo cao su. Bé được bác sĩ chẩn đoán viêm phổi nặng kết hợp với ho gà.
Qua khai thác bệnh sử được biết, khi bé bắt đầu có biểu hiện ho, gia đình đã ngay lập tức đưa bé đi kiểm tra. Khi có kết quả xét nghiệm là ho gà bé đã được nhập viện điều trị. Tuy nhiên sau 10 ngày trẻ ho nhiều không đỡ, bệnh nhi được đưa đến Khoa Nhi tiếp tục điều trị. Hiện tại bé đã hết sốt, cơn ho đã giảm.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Thành Lê, Phó Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết: Từ đầu năm đến nay, Khoa Nhi vẫn ghi nhận rải rác các bệnh nhân ho gà. Bệnh ho gà thường khởi phát âm thầm, với các triệu chứng viêm mũi như nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau họng nhẹ, ho khan nhẹ và sốt nhẹ hoặc không sốt, kéo dài khoảng 1 - 2 tuần. Giai đoạn này rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp nhẹ khác, đặc biệt ở trẻ nhỏ, do ho rất ít nên dễ bị hiểu lầm là viêm tiểu phế quản. Bệnh nhi trên cũng là một trong những trường hợp như vậy.
Theo bác sĩ Lê, sau giai đoạn khởi phát, cơn ho bắt đầu trở nên kịch phát, kéo dài từ 10 đến 20 tiếng, hoặc từ 30 giây đến 1 phút ho liên tục mà không có hơi thở, khiến trẻ không hít được oxy vào gây suy hô hấp. Cơn ho kịch phát kết thúc với tiếng “rít” khi hít vào và có thể kèm theo nôn. Mặc dù trẻ thường kiệt sức sau cơn ho kịch phát, nhưng giữa các cơn ho, trẻ lại biểu hiện tương đối khỏe mạnh.
“Các cơn ho kịch phát thường tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng khi bệnh tiến triển và kéo dài từ 2 - 6 tuần. Các cơn ho này thường xảy ra nhiều hơn vào ban đêm. Bệnh có thể nhẹ hơn và không có tiếng ho đặc trưng ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn đã được tiêm vắc xin trước đó” - bác sĩ Lê phân tích.
Thông thường, từ giai đoạn đầu đến khi khỏi hoàn toàn, bệnh ho gà kéo dài khoảng 3 tháng. Bệnh có thể tự khỏi và thường gặp ở trẻ dưới 2 tháng tuổi. Để bảo vệ bản thân và gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ, người dân cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ và khi có triệu chứng nghi ngờ, cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Bệnh ho gà nếu được phát hiện và điều trị sớm thì tiên lượng sẽ tốt hơn. Nhưng nếu bệnh phát hiện chậm trễ, bệnh có thể gây biến chứng nghiêm trọng.
Các biến chứng thường gặp ở bệnh ho gà, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe gồm: Viêm phổi - viêm phế quản; suy hô hấp; bệnh não do thiếu oxy trong quá trình suy hô hấp và một số biến chứng khác như xuất huyết kết mạc, tràn khí màng phổi, thắt thoát vị, sa trực tràng, viêm tai giữa, động kinh, chậm phát triển trí tuệ, tê liệt, thoát vị rốn và trực tràng,… Do đó, khi thấy trẻ có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Khổng Minh Tuấn khuyến cáo: Đối với trẻ, khi sinh ra từ các bà mẹ không có kháng thể phòng bệnh ho gà có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ nhận được kháng thể từ mẹ. Bởi vậy, để giúp bảo vệ trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời, phụ nữ nên tiêm bổ sung một liều vắc xin có thành phần ho gà trước khi có ý định mang thai, hoặc trong mỗi lần mang thai. “Phải mất khoảng 2 tuần sau khi tiêm vắc xin, người mẹ mới có đủ kháng thể để bảo vệ khỏi bệnh ho gà và kháng thể thụ động sẽ truyền sang trẻ sơ sinh trước khi trẻ được tiêm chủng các mũi vắc xin cơ bản trong các tháng tuổi 2 - 3 - 4. Vì vậy, thời điểm tối ưu để bà mẹ tiêm bổ sung một liều vắc xin có thành phần ho gà là từ tuần thứ 27 đến tuần thứ 36 của thai kỳ”.
(https://laodongthudo.vn/gia-tang-tre-nhap-vien-vi-benh-ho-ga-175152.html)
* Cảnh giác dịch sởi lây lan
Dịch sởi đã xuất hiện và có diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, do dễ lây lan, nếu không cảnh giác sẽ có nguy cơ bùng phát dịch cao.
Nguy cơ bùng dịch
Hiện tại, một số địa phương đã xuất hiện ca bệnh, ổ dịch sởi. Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh đang là “điểm nóng” của dịch sởi khi đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đến hết ngày 28/7, Thành phố đã có có 1.147 trường hợp sốt phát ban nghi sởi được báo cáo (tăng gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 481 ca dương tính với sởi. Trong khi đó, từ năm 2021 đến năm 2023, cả Thành phố chỉ có 1 ca mắc sởi.
Trong số các bệnh nhân mắc sởi, có tới 60% chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi, 30% không rõ tiền sử tiêm chủng.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trước sự gia tăng nhanh chóng của số ca bệnh sởi, Sở Y tế đã chỉ đạo nhiều biện pháp quyết liệt, nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh và khống chế số ca biến chứng nặng, tử vong.
Trong tháng 7/2024, tại một số địa phương cũng ghi nhận ca bệnh sởi. Đơn cử, như tại Đắk Lắk đã ghi nhận một ổ dịch bệnh sởi tại huyện Cư Kuin; ngành Y tế tỉnh đã khẩn trương triển khai các biện pháp khống chế ổ dịch, không để bệnh lây lan. Tại Kiên Giang cũng bắt đầu ghi nhận các ca mắc sởi từ tháng 4/2024 đến nay; đến giữa tháng 7/2024, tỉnh đã ghi nhận gần 130 ca mắc…
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: Gần đây, nhiều dịch bệnh gia tăng đều là những bệnh đã có vaccine; trong đó có bệnh sởi. Nguyên nhân dẫn đến bùng phát bệnh là do tình trạng thiếu vaccine trong một thời gian, nhiều trẻ bị gián đoạn tiêm chủng, tiêm không đủ mũi… tạo nên lỗ hổng trong hàng rào miễn dịch.
Theo các chuyên gia, virus sởi chủ yếu tấn công vào nhóm trẻ chưa được tiêm chủng hoặc những trẻ chưa tiêm đủ mũi, từ đó lây lan cho các nhóm đối tượng có hệ miễn dịch kém khác.
Theo Bộ Y tế, hiện nay, tình hình bệnh sởi tại một số tỉnh, thành phố có diễn biến phức tạp. Để bảo đảm an toàn, giảm thiểu tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch, Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường phòng, kiểm soát lây nhiễm trong cơ sở khám chữa bệnh; đề nghị các địa phương lập kế hoạch và triển khai phòng, chống dịch.
Rà soát, đẩy mạnh tiêm chủng
Các chuyên gia cũng cảnh báo năm 2024 là năm dịch sởi có nguy cơ bùng phát (theo chu kỳ 4-5 năm/lần). Trước đó, hai chu kỳ gần nhất là năm 2019 và năm 2014, cả nước đều ghi nhận số ca mắc sởi tăng cao (năm 2014 có trên 110 trẻ tử vong do mắc sởi)…
Trước đó, Bộ Y tế đã có đánh giá nguy cơ, kế hoạch phòng chống sởi năm 2024; trong đó 63 tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện đánh giá nguy cơ dịch sởi trên địa bàn.
Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), kết quả đánh giá cho thấy, có 7/63 tỉnh được đánh giá có nguy cơ cao bùng phát dịch sởi, trong đó có TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng… Từ đó, triển khai các biện pháp chuyên môn kịp thời để phòng, chống dịch sởi; tiếp tục rà soát các biện pháp giám sát, phòng chống dịch sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phát hiện sớm các trường hợp mắc sởi và thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để, nhằm hạn chế lây lan.
Đặc biệt, về công tác tiêm chủng phòng bệnh, Bộ Y tế đã chỉ đạo tiếp tục duy trì tổ chức tiêm chủng thường xuyên các mũi vaccine sởi cho trẻ dưới 1 tuổi; tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm chủng đầy đủ vaccine chứa thành phần sởi. Tổ chức tiêm chiến dịch để phòng, chống sởi tại 14 tỉnh…
Về việc đảm bảo vaccine cho tiêm chủng, từ tháng 4 - tháng 6 vừa qua, Bộ Y tế đã cung cấp đủ vaccine sởi cho tiêm chủng mở rộng, bảo đảm mỗi tháng đủ 7,5% số trẻ được tiêm vaccine sởi. Bộ Y tế cũng rà soát số trẻ trên cả nước chưa tiêm vaccine sởi, những địa phương nào còn trẻ chưa tiêm đủ mũi sẽ tổ chức tiêm bù, tiêm vét, không để dịch sởi ra tăng.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố triển khai tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng; đồng thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi; rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, vaccine chống dịch, trang thiết bị, nhân lực... phục vụ cho các hoạt động tiêm chủng thường xuyên, phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.
Lịch tiêm vaccine sởi cho trẻ theo khuyến cáo trong chương trình tiêm chủng mở rộng cần được tiêm đủ 2 mũi:
- Mũi 1: Tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi (vaccine sởi).
- Mũi 2: Tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi (vaccine sởi - rubella).
Nếu trẻ chưa được tiêm phòng hoặc trễ lịch tiêm theo hẹn, cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng đầy đủ cho trẻ.
(https://baotintuc.vn/y-te/canh-giac-dich-soi-lay-lan-20240812205508124.htm)
* Hà Nội cảnh báo, bệnh dại diễn biến phức tạp trên động vật
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội phát đi cảnh báo về bệnh dại đang có diễn biến phức tạp trên động vật. Từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 6 ổ dịch dại trên chó đều tại huyện Sóc Sơn.
CDC Hà Nội thông tin, đã ghi nhận chó dại cắn người nên nguy cơ có thể phát hiện ca bệnh dại trên người trong thời gian tới nếu người dân không thực hiện đầy đủ các biện pháp điều trị dự phòng sau phơi nhiễm theo khuyến cáo của ngành y tế.
Trước tình hình phức tạp của bệnh dại, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo CDC, TTYT huyện Sóc Sơn phối hợp với cơ quan thú y tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại trên động vật tại huyện Sóc Sơn, đặc biệt là tại các xã có ổ dịch để nhanh chóng khống chế dịch, hạn chế tối đa dịch, bệnh lây sang người. Chỉ đạo các trạm y tế xã tiếp tục rà soát, giám sát, nhắc nhở người phơi nhiễm với chó dại đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo phác đồ.
Về dịch bệnh, tuần qua, Hà Nội ghi nhận 1 trường hợp mắc uốn ván tại huyện Ba Vì. Bệnh nhân nam, 70 tuổi, tiền sử có vết thương ở gối và mắt cá chân trái do bị ngã nhưng không tiêm phòng uốn ván. Bệnh nhân khởi phát bệnh với triệu chứng cứng cơ, khó há miệng, đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, được chẩn đoán uốn ván.
CDC Hà Nội nhận định, số mắc sốt xuất huyết ghi nhận có xu hướng gia tăng, một số ổ dịch kéo dài, tiếp tục có bệnh nhân. Bệnh ho gà tiếp tục ghi nhận rải rác, chủ yếu là ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Bệnh tay chân miệng phần lớn là ca bệnh tản phát, dự báo tiếp tục ghi nhận rải rác trong thời gian tới.
CDC đề nghị các TTYT tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như sốt xuất huyết, ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng,… Với các bệnh có vaccine, ngành Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
(https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-canh-bao-benh-dai-dien-bien-phuc-tap-tren-dong-vat-169240812114337013.htm)
* Bộ Y tế trả lời cử tri về kiểm soát thuốc, mỹ phẩm kém chất lượng
Cử tri phản ánh, tình trạng mua bán thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm chưa được quản lý chặt chẽ, dễ dẫn đến tình trạng người tiêu dùng mua hàng giả, kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cử tri kiến nghị Bộ Y tế cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có giải pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Bộ Y tế đã ban hành các quy định để kiểm soát chặt chẽ thuốc, mỹ phẩm
Trả lời quan tâm của cử tri, Bộ Y tế cho biết thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, phục vụ cho công tác phòng bệnh, chữa bệnh, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người sử dụng.
Thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành dược là đảm bảo cung cấp đủ thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá cả hợp lý, Bộ Y tế đã ban hành các quy định để kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, nhập khẩu, phân phối đến tận tay người sử dụng bao gồm việc tiền kiểm đối với sản xuất/nhập khẩu, bảo quản và hậu kiểm trong quá trình phân phối.
Đối với cơ sở sản xuất thuốc, Bộ Y tế cho biết, theo quy định tại Luật Đầu tư, kinh doanh thuốc là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cơ quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc.
Tất cả các cơ sở sản xuất thuốc (kể cả trong nước và nước ngoài) muốn hoạt động tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Cũng theo Bộ Y tế, ngành dược là ngành tiêu chuẩn hóa, quy chuẩn hóa và hội nhập quốc tế cao. Các hoạt động từ sản xuất, kiểm nghiệm, tồn trữ, phân phối, bán buôn, bán lẻ phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt" (GPs).
Trước khi cấp phép hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dược các cơ sở sản xuất kinh doanh phải được kiểm tra, đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn GPs. Việc ban hành các GPs đảm bảo việc đồng bộ trong triển khai các nguyên tắc, tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo chất lượng thuốc được duy trì trong suốt chuỗi cung ứng từ sản xuất/nhập khẩu, lưu thông và đến tay người sử dụng.
Đối với các cơ sở nước ngoài muốn cung cấp thuốc lưu hành tại thị trường Việt Nam, cơ sở sản xuất phải đạt tiêu chuẩn GMP-WHO tương đương hoặc cao hơn.
"Trong trường hợp nghi ngờ về điều kiện sản xuất hoặc chất lượng thuốc, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế sẽ tiến hành đánh giá kiểm tra cơ sở sản xuất trước hoặc sau khi cấp số đăng ký lưu hành" - Bộ Y tế thông tin.
Đối với thuốc, Bộ Y tế cho biết các thuốc (bao gồm cả thuốc sản xuất trong nước và nhập khẩu) trước khi được phép đưa ra lưu hành trên thị trường Việt Nam đều phải được thẩm định hồ sơ đăng ký thuốc hoặc hồ sơ nhập khẩu.
Hồ sơ đăng ký thuốc được thẩm định đầy đủ trên các mặt nguyên liệu, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, độ ổn định và dữ liệu lâm sàng về an toàn, hiệu quả của thuốc.
Các sản phẩm thuốc, nguyên liệu làm thuốc, tá dược, bao bì đến thành phẩm thuốc phải đạt tiêu chuẩn ghi trong Dược điển Việt Nam, các Dược điển quốc tế được công nhận (Dược điển Mỹ, Anh, Nhật, ...). Các cơ sở sản xuất phải sản xuất thuốc theo đúng hồ sơ đã đăng ký và chỉ được xuất xưởng các thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng theo đúng hồ sơ đã đăng ký.
Đối với cơ sở sản xuất mỹ phẩm tại Việt Nam, Bộ Y tế thông tin, theo quy định tại Luật Đầu tư, sản xuất mỹ phẩm là ngành nghề sản xuất có điều kiện. Cơ quan, tổ chức sản xuất mỹ phẩm phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.
Các tổ chức, cá nhân đứng tên công bố sản phẩm mỹ phẩm phải có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp thực hiện công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt công bố sản phẩm mỹ phẩm trước khi lưu hành tại Việt Nam, cụ thể:
Đối với mỹ phẩm nhập khẩu, các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường nộp hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm tại Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế.
Đối với mỹ phẩm sản xuất trong nước, các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường nộp hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm tại Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt nhà máy sản xuất. Sản phẩm mỹ phẩm được sản xuất, đóng gói từ bán thành phẩm nhập khẩu được coi như sản phẩm sản xuất trong nước.
Bộ Y tế nêu rõ, trong quá trình hoạt động sản xuất/kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, các cơ sở phải chịu sự thanh tra (định kỳ hoặc đột xuất) với nội dung không chỉ thanh tra việc duy trì các nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt" mà còn thanh tra về các hoạt động kinh doanh, đăng ký thuốc, việc tuân thủ các quy định pháp luật.
Trong quá trình thanh tra nếu phát hiện cơ sở có vi phạm sẽ tiến hành xử lý, xử phạt nghiêm khắc, áp dụng các mức phạt hành chính cao nhất, kết hợp các hình thức xử phạt bổ sung theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, khi lưu hành trên thị trường các thuốc, mỹ phẩm, dược liệu phải chịu sự lấy mẫu, giám sát chất lượng thuốc của hệ thống kiểm nghiệm của Nhà nước bao gồm hai Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương và 63 Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm ở các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Tiếp tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm giả, kém chất lượng
Để tăng cường hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống sản xuất, buôn bán thuốc giả, thời gian qua, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ của các Bộ, Ngành có liên quan, các tổ chức hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dược cũng như của người dân đã triển khai hàng loạt các giải pháp đồng bộ, các chiến dịch nhằm phát hiện và kịp thời xử lý các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng.
Nhờ áp dụng những biện pháp cứng rắn và có hiệu quả, nhìn chung tỷ lệ thuốc giả đã giảm trong những năm gần đây, từ trên 7% năm 1991 xuống còn dưới 0,1% những năm gần đây.
Cũng theo Bộ Y tế, mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực phối hợp trong việc ngăn chặn thuốc, mỹ phẩm giả, kém chất lượng, đạt được những kết quả đáng khả quan, được các tổ chức quốc tế ghi nhận, tuy nhiên, trong thời gian sắp tới cần tiếp tục áp dụng các biện pháp để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm giả, kém chất lượng.
Cụ thể, Bộ Y tế đang xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược 2016, trong đó, có sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến công tác quản lý chất lượng thuốc theo hướng minh bạch, chặt chẽ hơn;
Cùng đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực dược theo đúng quy định của pháp luật, nhằm ngăn chặn việc sản xuất và đưa ra lưu thông thuốc giả, thuốc kém chất lượng;
Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, đăng công khai thông tin các thuốc vi phạm chất lượng phải thu hồi trên phạm vi toàn quốc; thông tin về thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ (trong đó có liệt kê đầy đủ dấu hiệu phân biệt giữa thuốc được phép lưu hành tại Việt Nam với thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ);
Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng như Ban chỉ đạo 389 các cấp; công an, quản lý thị trường, Sở Y tế các địa phương trong công tác đấu tranh đối với thuốc kém chất lượng; thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.
(https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-tra-loi-cu-tri-ve-kiem-soat-thuc-pham-chuc-nang-kem-chat-luong-169240812195426207.htm)