* Tích cực triển khai mô hình “Cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn”
Nhằm phát hiện, phòng ngừa nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe sinh sản của nam nữ thanh niên, sức khỏe thai nhi, ngăn ngừa sinh con ra bị bệnh, tật bẩm sinh, Chi cục dân số Hà Nội đã tổ chức triển khai thí điểm mô hình “Cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn” tại quận Bắc Từ Liêm năm 2024.
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Tý - Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) quận Bắc Từ Liêm cho biết, mô hình thí điểm “Cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn” tại địa bàn được thực hiện đến nay đã được 5 tháng. Nhiệm vụ chủ yếu đã thực hiện là: Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chi tiết, sắp xếp, trang trí phòng tư vấn, tài liệu truyền thông... đảm bảo quy định về chuyên môn, không gian phòng tư vấn, đáp ứng được các quyền của khách hàng đối với dịch vụ.
Tính đến nay TTYT đã phối hợp Quận đoàn và Ban Chỉ đạo dân số các phường tổ chức được 50 cuộc truyền thông cho đoàn viên thanh niên và nhân dân trên địa bàn Phường với 2.868 người tham dự, cấp phát được 500 tờ rơi tuyên truyền.
Cụ thể, TTYT quận tổ chức triển khai khám sức khỏe cho nam, nữ trước khi kết hôn theo nguyên tắc tự nguyện, đảm bảo bí mật riêng tư và đảm bảo theo các quy định hiện hành. Tổng hợp kết quả khám, thông báo kết quả đến nam, nữ trước khi kết hôn. Trường hợp nghi ngờ, hướng dẫn tiếp tục khám chuyên khoa sâu để xác định bệnh và hướng dẫn điều trị.
Tại phòng tư vấn của TTYT thực hiện tư vấn, khám sức khỏe cho thanh niên nam nữ trước khi kết hôn đã tư vấn cho 64 người, đồng thời tư vấn qua điện thoại được156 cuộc, đối tượng tham gia phòng tư vấn trong độ tuổi từ 16 đến 30 hầu hết là các cặp vợ chồng chuẩn bị sinh con và các bạn học sinh, sinh viên
Với sự tận tâm của đội ngũ y, bác sĩ, nội dung truyền thông về dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cặp vợ chồng chuẩn bị sinh con, các nam nữ, đoàn viên, thanh niên trong độ tuổi sinh đẻ và mọi người dân tham dự.
Là một trong những phường tích cực triển khai mô hình “Cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn” tại quận Bắc Từ Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban chỉ đạo công tác dân số và phát triển phường Liên Mạc Đoàn Mạnh Hùng chia sẻ: Trong thời gian qua, công tác dân số phường Tây Tựu đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của quận Bắc Từ Liêm nói chung và địa bàn phường Tây Tựu nói riêng.
6 tháng năm 2024, tổng số sinh trên địa bàn là 110 trẻ, con thứ 3 trở lên là 8 trẻ đạt tỷ lệ 7,27%; tỷ lệ phụ nữ mang thai sàng lọc trước sinh đủ 4 bệnh đạt 84,8% (chỉ tiêu 85 %), tỷ lệ trẻ được sàng lọc đủ 5 bệnh đạt 90% (chỉ tiêu giao 90%). Tỷ lệ cặp đôi nam nữ tư vấn khám sức khoẻ trước kết hôn đạt 92% (46/50), tuy nhiên, tỷ lệ cặp đôi đã đi khám sau khi được tư vấn mới chỉ đạt 52% (26/50).
“Với vai trò là Trưởng ban Dân số và Phát triển cấp phường chúng tôi rất tâm đắc và có trách nhiệm chỉ đạo các Hội, ban, ngành và đặc biệt là đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, bộ phận Tư pháp và các trường đóng trên địa bàn phường phối hợp tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức cho các đối tượng chuẩn bị kết hôn và phụ huynh của họ để đạt được mục tiêu tỷ lệ cặp đôi nam nữ tư vấn khám sức khoẻ trước kết hôn là 74%”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo TS. Vũ Duy Hưng - Chi cục Trưởng Chi cục Dân số Hà Nội: Để phát hiện, phòng ngừa những nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe sinh sản của nam nữ thanh niên, sức khỏe thai nhi, ngăn ngừa sinh con ra bị bệnh, tật bẩm sinh, hoạt động tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn là một nhân tố có tính chất quyết định, tác động quan trong đến chất lượng dân số và tương lai giống nòi.
Hiện nay, chất lượng dân số Thủ đô đã từng bước được nâng cao, trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn. Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn tăng hàng năm (năm 2022: 31,9%; năm 2023: 53,7%, 6 tháng năm 2024: 63%).
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn Thành phố chưa có sự kết nối giữa những người có nhu cầu khám sức khỏe trước kết hôn với các cơ sở y tế. Nhiều người chưa thực sự hiểu và phân biệt được giữa khám sức khỏe trước hôn nhân và khám sức khỏe bình thường.
Được sự chỉ đạo của Sở Y tế, Chi cục Dân số Hà Nội lựa chọn quận Bắc Từ Liêm thực hiện thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn theo kế hoạch số 147/KH-CCDS ngày 28/3/2024 của Chi cục Dân số Hà Nội.
Mục đích của mô hình nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn thông qua việc thí điểm triển khai mô hình "Cung cấp dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn", từ đó nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn Thành phố góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng Dân số.
Để triển khai mô hình đạt hiệu quả cao, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số Hà Nội, T.S Vũ Duy Hưng đề nghị, TTYT quận Bắc Từ Liêm và các đơn vị liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo công tác Dân số và phát triển quận chỉ đạo, phân công các ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các phường phối hợp với TTYT và các ban ngành triển khai thực hiện hoạt động tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn tại địa phương.
Truyền thông, vận động chính quyền, cộng đồng và toàn xã hội ủng hộ, tham gia thực hiện mô hình. Đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phương pháp truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, vận động, tuyên truyền đối với vị thành niên, thanh niên, nam nữ chuẩn bị kết hôn.
Chi cục Trưởng Chi cục Dân số Hà Nội cũng đề nghị, hoạt động tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn cần duy trì hằng ngày, hàng tuần. TTYT quận cần phân công cán bộ y tế thường trực Phòng tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn để đáp ứng kịp thời nhu cầu của nam, nữ thanh niên; đảm bảo nguồn nhân lực, vật lực và điều kiện thực hiện khám sức khỏe cho nam, nữ trước khi kết hôn trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần theo dõi, giám sát, đôn đốc triển khai mô hình hiệu quả và đảm bảo tiến độ.
(https://laodongthudo.vn/tich-cuc-trien-khai-mo-hinh-cung-cap-dich-vu-tu-van-va-kham-suc-khoe-truoc-khi-ket-hon-175353.html)
Cùng nội dung thông tin:
* Hà Nội triển khai thí điểm mô hình khám sức khoẻ trước khi kết hôn
(https://kinhtedothi.vn/ha-noi-trien-khai-thi-diem-mo-hinh-kham-suc-khoe-truoc-khi-ket-hon.html)
* Hà Nội thí điểm mô hình khám sức khỏe trước khi kết hôn
(https://hanoimoi.vn/ha-noi-thi-diem-mo-hinh-kham-suc-khoe-truoc-khi-ket-hon-674801.html)
* Hà Nội nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở trong tình hình mới
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn TP.
UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND về thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 05/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn Hà Nội.
Kế hoạch nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; gắn với triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của Nhân dân địa phương; phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở, xây dựng mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân.
Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe thường xuyên ngay tại cộng đồng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Cụ thể, hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế cho tuyến y tế cơ sở bao gồm: trạm y tế xã, phường, thị trấn; trung tâm y tế cấp huyện, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh; y tế trường học, y tế cơ quan, nông, lâm trường, doanh nghiệp và y tế khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, mỗi trạm y tế xã, phường, thị trấn có ít nhất một bác sĩ cơ hữu; mỗi thôn, bản có một nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả; trên 100% dân số được quản lý sức khoẻ; người có nguy cơ cao mắc bệnh được kiểm tra sức khoẻ ít nhất mỗi năm một lần, hướng tới kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho toàn dân.
Về giải pháp thực hiện, thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở.
Thứ ba, tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở: Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cơ sở; có chính sách đào tạo đặc thù cho khu vực khó khăn; phối hợp linh hoạt các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Có chính sách đột phá để thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi làm việc, gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở, nhất là vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc luân phiên, luân chuyển, điều động nhân lực y tế để hỗ trợ thường xuyên cho y tế cơ sở.
Thứ năm, đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của y tế cơ sở: Chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật; quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở; thực hiện quản lý sức khỏe người dân tại gia đình và cộng đồng; Sớm hoàn thành mục tiêu mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khỏe toàn diện. Phát huy vai trò, hiệu quả của y học cổ truyền; đẩy mạnh kết hợp quân - dân y, nâng cao năng lực y tế vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động của y tế cơ sở; đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường kết nối giữa y tế cơ sở với y tế tuyến trên và người dân trong tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh từ xa; thống kê, quản lý dữ liệu về y tế cơ sở thống nhất với hệ thống y tế trong cả nước.
UBND TP giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan sắp xếp tổ chức bộ máy y tế cơ sở theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Chủ trì phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án chuyển giao trung tâm y tế cấp huyện trực thuộc Sở Y tế về trực thuộc UBND huyện trực tiếp quản lý…
(https://kinhtedothi.vn/ha-noi-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-y-te-co-so-trong-tinh-hinh-moi.html)
* Kiểm tra an toàn thực phẩm tại khách sạn L7 West Lake Hà Nội By Lotte
Ngày 14-8, đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại khách sạn L7 West Lake Hà Nội By Lotte.
Qua kiểm tra, đoàn ghi nhận, khu vực bếp của khách sản bảo đảm sạch sẽ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm. Khu vực kho được sắp xếp ngăn nắp, khoa học. Nhân viên khách sạn tuân thủ việc lưu mẫu thực phẩm hằng ngày theo quy định.
Cũng tại thời điểm kiểm tra, đại diện khách sạn đã xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm bánh Trung thu, các loại hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm, hồ sơ kiểm thực 3 bước...
Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng tiến hành lấy một số mẫu thực phẩm tại khách sạn như: Rau, bún, bánh phở, dầu ăn và bát đĩa để xét nghiệm nhanh formol, hàn the, hoá chất bảo vệ thực phẩm, độ ôi khét, tinh bột... Kết quả xét nghiệm cho thấy, 100% các mẫu xét nghiệm đều đạt tiêu chuẩn.
Kết luận buổi kiểm tra, ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đánh giá, qua công tác kiểm tra, khách sạn L7 West Lake Hà Nội By Lotte đã thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm, từ điều kiện cơ sở vật chất, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đến công tác khám sức khỏe, tập huấn kiến thức cho chủ cơ sở và nhân viên đầy đủ...
Được biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về tăng cường bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, trong đó chú trọng các sản phẩm phục vụ Tết Trung thu, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã thành lập 2 đoàn kiểm tra tại các khách sạn từ 3 sao trở lên trên địa bàn thành phố từ nay đến Tết Trung thu.
(https://hanoimoi.vn/kiem-tra-an-toan-thuc-pham-tai-khach-san-l7-west-lake-ha-noi-by-lotte-674731.html)
Cùng nội dung thông tin:
* Hà Nội tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu
(https://laodongthudo.vn/ha-noi-tang-cuong-kiem-soat-an-toan-thuc-pham-dip-tet-trung-thu-175303.html)
* Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại các khách sạn trước dịp Tết Trung thu
Hà Nội tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trước dịp Tết Trung thu tại các khách sạn lớn.
Trong chiều 14/8, Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm liên ngành của quận Ba Đình đã tiến hành kiểm tra thực tế tại cơ sở làm bánh Trung thu (quy trình thực hiện, bảo quản, trang thiết bị, máy móc...) và kiểm tra hồ sơ, nguyên liệu làm bánh tại 2 khách sạn lớn là Lotte (54 Liễu Giai) và Deawoo (360 Kim Mã).
Đợt kiểm tra của đoàn liên ngành quận Ba Đình được thực hiện trong thời điểm dịp Tết Trung thu 2024 chỉ còn 1 tháng nữa là diễn ra. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung và chất lượng, quy trình làm, bảo quản bánh Trung thu nói riêng tại các khách sạn, cơ sở lưu trú quy mô lớn cần được bảo đảm.
Trước đó, ngày 13/8, Đoàn kiểm tra số 1 của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu tại 2 khách sạn 5 sao là Sheraton Hanoi và InterContinental Hanoi Westlake.
Các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của các quận, huyện và TP Hà Nội yêu cầu khách sạn cung cấp đầy đủ các giấy tờ, thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh, phiếu khám sức khỏe của nhân viên liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu nói riêng và thực phẩm nói chung.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội - ông Đặng Thanh Phong cho biết, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, Chi cục đã thành lập 2 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm nay.
Thời gian từ nay đến Tết Trung thu, các đoàn kiểm tra sẽ tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các khách sạn từ 3 sao trở lên trên địa bàn thành phố có sản xuất bánh Trung thu.
Trong đó, đoàn kiểm tra tập trung kiểm tra nguyên liệu đầu vào, toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến, vệ sinh cá nhân và kiến thức của người sản xuất bánh Trung thu. Bên cạnh việc tự làm và bảo quản, 1 số khách sạn đã nhập bánh Trung thu tại một cơ sở khác theo đơn đặt hàng, yêu cầu riêng.
Đối với các trường hợp nhập bánh, đoàn kiểm tra yêu cầu phía khách sạn cung cấp các hóa đơn, chứng từ, giấy tờ có liên quan và kiểm tra khu vực bếp, chế độ vệ sinh của khách sạn.
(https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-kiem-tra-an-toan-thuc-pham-tai-cac-khach-san-truoc-dip-tet-trung-thu-169240814122542035.htm)
* Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo về bữa ăn bán trú học đường
"An toàn thực phẩm trong trường học là rất quan trọng. Bằng mọi trách nhiệm, tình cảm, phương pháp có thể, phải cho học sinh ăn sạch" - đây là nhấn mạnh của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh về bữa ăn bán trú học đường.
Học sinh phải được ăn sạch
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024 – 2025 của ngành giáo dục Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh dành thời gian nhấn mạnh về tầm quan trọng của vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học cũng như bảo đảm chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh.
Theo Chủ tịch UBND TP, an toàn thực phẩm trong trường học là rất quan trọng. Để bảo đảm an toàn thực phẩm trường học, trước hết học sinh phải được ăn sạch.
"Học sinh mà ốm yếu, bệnh tật, thì 30 - 50 năm nữa, lực lượng lao động của đất nước sẽ thế nào” - Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh và yêu cầu “bằng mọi trách nhiệm, tình cảm, phương pháp có thể, phải cho học sinh ăn sạch”. Cùng với đó, học sinh phải được ăn đúng chất lượng, đủ định lượng và dinh dưỡng.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường các quy định, giám sát để đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm của bữa ăn bán trú; trong đó lưu ý các đơn vị kinh doanh, nhà bếp không được bớt xén bữa ăn của học sinh.
“Bữa ăn có giá 30.000 đồng thì phải đảm chất lượng đủ 30.000 đồng, trong đó đã có lợi nhuận, không được bớt xén. Rất nhiều học sinh chủ yếu ăn ở trường nên phải được chăm lo ăn uống đầy đủ” - Chủ tịch UBND TP nêu cụ thể.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương bày tỏ, rất thấm thía, đồng tình với quan điểm này. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ đối với các cấp học, người đứng đầu ngành giáo dục Hà Nội đã chỉ đạo các nhà trường phải đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm trường học, trong đó có việc quan tâm đến thức ăn bày bán ở cổng trường, tránh xảy ra các vụ ngộ độc, nhất là trong năm học 2024 – 2025.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý bếp ăn
An toàn thực phẩm, suất ăn bán trú luôn là vấn đề được dư luận, phụ huynh học sinh đặc biệt quan tâm. Theo các phụ huynh, trẻ em khi đến trường phải được chú ý đến từng bữa ăn, phải đảm bảo sạch sẽ và đủ dinh dưỡng để cho thế hệ lao động tương lai của đất nước phát triển toàn diện về cả trí tuệ, thể chất.
Trước việc một số vụ việc được phát hiện liên quan đến định lượng, chất lượng khẩu phần ăn bán trú thời gian qua, phụ huynh mong công tác giám sát bữa ăn bán trú được đẩy mạnh, tăng cường hơn. Các nhà trường phải công khai hình ảnh suất cơm hàng ngày của học sinh để phụ huynh được biết và cùng giám sát; đồng thời cần gia tăng quy định, chế tài xử phạt với các đơn vị vi phạm để đủ sức răn đe.
Để bữa ăn bán trú được bảo đảm chất và lượng, TS.BS Trương Hồng Sơn - Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam nhấn mạnh vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, quản lý bếp ăn. Theo đó, việc kiểm tra, giám sát bữa ăn bán trú học đường cần có sự phối hợp của Ban giám hiệu, đại diện phụ huynh học sinh và nhân viên y tế nhà trường.
Nguyên tắc là phụ huynh nào cũng được quyền tham gia kiểm tra, giám sát bữa ăn. Việc kiểm tra giám sát được kết hợp giữa kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất. Nhà trường có trách nhiệm công bố thực đơn theo tuần để Ban phụ huynh được biết, theo dõi. Quy trình giám sát bữa ăn bán trú gồm việc kiểm tra tất cả các khâu: khâu nhập nguyên liệu, bảo quản nguyên liệu đến các khâu chế biến, bảo quản thực phẩm sau chế biến.
Nếu nhà trường không có bếp ăn có thể ký kết với đơn vị bên ngoài, tuy nhiên cần chọn đơn vị có đầy đủ giấy tờ pháp lý theo quy định của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT và bắt buộc phải lưu mẫu 24 giờ tất cả món ăn trong ngày tại bếp ăn để phục vụ việc truy xuất nguyên nhân nếu gây ra sự cố an toàn thực phẩm.
Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 1 triệu học sinh ăn bán trú mỗi ngày. Những năm qua, ngành GD&ĐT và các nhà trường luôn đặt việc bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn trường học lên hàng đầu.
Trước thềm năm học mới hàng năm, Sở GD&ĐT Hà Nội đều có văn bản yêu cầu nhà trường có bếp ăn tập thể phải bảo đảm đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tiến hành tổng vệ sinh bếp ăn trước khi tổ chức phục vụ học sinh, giáo viên, không để xảy ra sự cố.
(https://kinhtedothi.vn/chu-tich-ubnd-tp-ha-noi-chi-dao-ve-bua-an-ban-tru-hoc-duong.html)