*Hà Nội: Phát hiện ổ bệnh chó dại cắn nhiều người tại Sóc Sơn
Đến ngày 29/7, tại Sóc Sơn đã có 3 người phơi nhiễm với con chó dại. Động vật mắc dại là một con chó chưa rõ nguồn gốc, giống chó ta nặng khoảng 15kg.
Ngày 1/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin Đoàn công tác của CDC Hà Nội vừa tiến hành giám sát công tác điều tra, xử lý ổ dịch dại tại 2 xã Hiền Ninh và Minh Phú, huyện Sóc Sơn.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, tại địa phương ghi nhận một ổ dịch dại trên chó liên quan 2 thôn của 2 xã trên. Động vật mắc dại là một con chó chưa rõ nguồn gốc, giống chó ta nặng khoảng 15kg.
Từ khoảng 9h30 đến 11h ngày 25/7, con chó đã xuất hiện tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú. Tại đây, con chó dại đã cắn, tiếp xúc với 13 con chó, mèo của 4 hộ gia đình và cắn một người.
Từ khoảng 11h đến 12h cùng ngày, con chó dại di chuyển sang Việt Phủ Thành Chương, thôn Ninh Môn, xã Hiền Ninh và cắn 2 người (khách tham quan và bảo vệ).
Nhân viên tại Việt Phủ Thành Chương đã đập chết con chó và báo nhân viên thú y xã Hiền Ninh gửi mẫu đến Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương. Kết quả xét nghiệm cho thấy con chó dương tính với virus dại.
Đến ngày 29/7, địa phương đã có 3 người phơi nhiễm với con chó dại. Các trường hợp này đã được xử lý vết thương, tư vấn tiêm chủng vaccine và huyết thanh kháng dại theo đúng quy định.
Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch các xã thông báo tình hình dịch và thông báo đến người dân trên địa bàn. Chính quyền yêu cầu người dân trên địa bàn nuôi chó, mèo phải xích nhốt, không được thả rông đồng thời cơ quan chức năng cũng tiêu hủy con chó dại và 13 con chó, mèo tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú tiếp xúc với con chó dại.
Đoàn công tác của CDC Hà Nội đề nghị trạm y tế xã Minh Phú và Hiền Ninh phối hợp với các đơn vị liên quan để theo dõi sát tình hình ổ dịch dại trên động vật tại địa bàn để phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn đồng thời các đơn vị cũng cần giám sát, nhắc nhở người phơi nhiễm đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 7 tháng đầu năm, cả nước có 56 ca tử vong vì bệnh dại tại 29 tỉnh thành, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2023. Những địa phương có dịch dại bùng phát mạnh và nhiều ca tử vong là Bình Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai, Nghệ An, Bến Tre, Tây Ninh…
Hiện tại, không có thuốc chữa bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người 100% đều dẫn đến tử vong. Hiệu quả nhất là phòng ngừa thông qua tiêm phòng bệnh dại cho chó mèo hàng năm và tiêm vaccine phòng bệnh dại cho người ngay sau khi bị chó, mèo cắn (hoặc cào có vết thương chảy máu), càng sớm càng tốt./.
Báo Vietnamplus (https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-phat-hien-o-benh-cho-dai-can-nhieu-nguoi-tai-soc-son-post968029.vnp)
Cùng nội dung thông tin:
Báo Tiền Phong (https://tienphong.vn/ha-noi-cho-dai-can-3-nguoi-o-soc-son-post1659640.tpo)
Báo Hà Nội mới (https://hanoimoi.vn/cho-dai-can-du-khach-va-bao-ve-tai-diem-tham-quan-o-ha-noi-673522.html)
Báo Pháp luật xã hội (https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-xu-ly-o-benh-dai-tai-huyen-soc-son-389830.html)
Báo Vietnamnet (https://vietnamnet.vn/mot-con-cho-dai-can-lien-tiep-3-nguoi-o-ha-noi-trong-do-co-khach-tham-quan-2307330.html)
*Sơn Tây: Quản lý nhà nước về y, dược tư nhân với mục tiêu cao nhất là sức khỏe người dân
Chiều 31-7, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý y, dược tư nhân trên địa bàn thành phố từ năm 2021 đến nay.
Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND thị xã Sơn Tây về nội dung này.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, tính đến hết tháng 5-2024, trên địa bàn thị xã có 222 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập đang hoạt động, phân bố trên địa bàn 15 xã, phường, trong đó: 74 cơ sở hành nghề y, 146 cơ sở hành nghề dược, 2 cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
Trong giai đoạn 2021-2022, thị xã đã huy động hơn 70 y, bác sĩ, dược sĩ trong hệ thống tư nhân tham gia các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, ủng hộ vật tư, thiết bị y tế cho nhiệm vụ chống dịch của thị xã.
Thời gian qua, các cơ sở hành nghề y trên địa bàn thị xã đều bảo đảm các điều kiện hoạt động và được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp phép (giấy đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động); cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy mô và phạm vi đăng ký hành nghề, danh mục kỹ thuật được phê duyệt theo quy định.
Đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên tại các cơ sở hành nghề y tư nhân đều có văn bằng, chứng chỉ và thực hiện chuyên môn đúng phạm vi cho phép...
Từ năm 2021 đến nay, thị xã đã kiểm tra tổng số 488 lượt cơ sở hành nghề, xử phạt vi phạm hành chính 35 cơ sở với tổng số tiền 204,1 triệu đồng.
Tuy vậy, công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân tại thị xã Sơn Tây cũng còn một số khó khăn, vướng mắc, như: Số lượng cơ sở hành nghề y, dược ngày một tăng; phần lớn các cơ sở hành nghề y hoạt động ngoài giờ hành chính, bên cạnh đó là một số cơ sở hoạt động không phép theo những hình thức khác nhau. Trong khi nguồn nhân lực tại cơ quan quản lý cấp huyện số lượng ít, phải kiêm nhiệm nhiều việc dẫn đến còn hạn chế trong quỹ thời gian thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động của các cơ sở...
Sau khi UBND thị xã Sơn Tây và thành viên đoàn giám sát trao đổi, báo cáo rõ thêm các vấn đề quan tâm, kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên nhấn mạnh, mục tiêu của công tác quản lý nhà nước về y, dược tư nhân là đặt sức khỏe người dân lên cao nhất, do đó phải bám sát vào mục tiêu này để thực hiện quản lý nhà nước cho hiệu quả.
Ông Phạm Quí Tiên đề nghị Sở Y tế nâng cao chất lượng tham mưu cho thành phố, cùng với sự vào cuộc của các ngành, các cấp để quản lý tốt lĩnh vực này.
Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên, với chuyên ngành, Sở Y tế phải đưa ra nguyên tắc, điều kiện đối với cơ sở đủ điều kiện cấp phép hành nghề y, dược tư nhân, có hướng dẫn cụ thể để cấp huyện có căn cứ thực hiện.
Đối với công tác kiểm tra, Phó Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị các ngành, đặc biệt là ngành Công an tham gia tích cực trong quá trình kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với ngành Y và các cấp để kiểm tra thường xuyên, đột xuất, phát huy được hiệu quả của công tác kiểm tra, đồng thời phân cấp kiểm tra rõ ràng để tránh trồng chéo; trong kiểm tra phải có quy trình, quy chế, đặc biệt là cơ chế xử phạt rõ ràng để răn đe, tránh tái phạm.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố cũng đề nghị thị xã Sơn Tây tập trung tuyên truyền cho các cơ sở y, dược tư nhân, người dân về quy định của pháp luật, công khai trên website của các cơ quan nhà nước về các cơ sở đủ điều kiện hành nghề y, dược tư nhân; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ y tế chất lượng, được cấp phép.
Báo Hà Nội mới (https://hanoimoi.vn/son-tay-quan-ly-nha-nuoc-ve-y-duoc-tu-nhan-voi-muc-tieu-cao-nhat-la-suc-khoe-nguoi-dan-673524.html)
*Hà Nội sẵn sàng ứng cứu y tế tại các vùng ngập úng
Những ngày qua, các đợt mưa lớn khiến một số địa phương bị ngập úng, tập trung một số xã của huyện Chương Mỹ và Quốc Oai. Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với ban, ngành, đoàn thể tăng cường đáp ứng công tác y tế trong và sau mưa lũ.
Tính đến nay, toàn huyện Chương Mỹ còn 12/32 xã, thị trấn bị ngập, với gần 2.800 hộ bị ngập; huyện Quốc Oai có 4/21 xã bị ngập, với trên 400 hộ bị ngập.
Sở Y tế đã thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác đáp ứng y tế phòng chống lụt bão. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã tổ chức giám sát 17 xã, phường tại 9 quận, huyện, khu vực có nguy cơ trước mùa bão lũ.
Tại huyện Chương Mỹ, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện đã cấp gần 200kg Cloramin B 25% đến các xã, thị trấn bị ngập lụt phục vụ công tác xử lý nguồn nước và môi trường, tiếp tục cung cấp bổ sung cho các đơn vị có nhu cầu. Đơn vị phân công cán bộ giám sát thường trực 24/24 giờ và 4 đội cơ động tiến hành theo dõi, giám sát, hỗ trợ đối với những xã, thị trấn bị ngập.
Cùng với đó, TTYT huyện Chương Mỹ đã thống kê các sản phụ dự kiến sinh tại các xã bị ngập úng; phân công cán bộ y tế theo dõi sát tình trạng của các sản phụ, hướng dẫn di chuyển đến nhà người thân tại các vùng không bị ngập. Ngoài ra, đơn vị có phương án sẵn sàng phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện đưa các sản phụ đến bệnh viện và cấp cứu kịp thời với các trường hợp phát sinh.
Đối với xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ có 3 thôn bị cô lập hoàn toàn, trạm y tế đã tổ chức cấp thuốc tại nhà cho những trường hợp người dân bị bệnh mạn tính; bệnh ngoài da, mắt, tiêu chảy…
Còn tại huyện Quốc Oai, công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh được ngành y tế và chính quyền địa phương triển khai thực hiện.
TTYT huyện Quốc Oai đã cấp phát 10kg Cloramin B 25% đến các xã bị ngập phục vụ công tác xử lý nguồn nước và môi trường; chỉ đạo trạm y tế tăng cường công tác khám chữa bệnh, hướng dẫn và xử trí người bệnh tại các vùng bị ngập.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, trước tình hình mưa lũ kéo dài tại một số huyện ngoại thành, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện và TTYT thành lập các tổ cấp cứu cơ động, đội phòng chống dịch cơ động.
Tại huyện Chương Mỹ đã thành lập 4 tổ cấp cứu cơ động, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc phục vụ việc khám chữa bệnh cho người dân tại các vùng bị ngập úng.
Đặc biệt, các vùng bị nước lũ cô lập hoàn toàn, tổ cấp cứu cơ động đến tận nhà dân để triển khai công tác cấp cứu khi có yêu cầu, đưa người dân đến bệnh viện kịp thời.
Bên cạnh đó, Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai công tác đáp ứng y tế, đảm bảo an toàn sức khỏe người dân. CDC Hà Nội thành lập 5 tổ chống dịch cơ động hướng dẫn các TTYT, phối hợp với chính quyền các cấp chuẩn bị cơ số Cloramin B 25% đủ để nước rút đến đâu thực hiện vệ sinh môi trường đến đó, đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
“Trong mùa mưa lũ người dân cần chú ý đến các bệnh về mắt, da liễu, tiêu chảy, sốt xuất huyết, các bệnh liên quan đến thực phẩm… Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã thành lập 5 tổ cơ đội cơ động phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra ngộ độc thực phẩm đối với các khu vực bị ngập úng”- TS Nguyễn Đình Hưng lưu ý.
Báo Kinh tế đô thị (https://kinhtedothi.vn/ha-noi-san-sang-ung-cuu-y-te-tai-cac-vung-ngap-ung.html)
*Làm đẹp bằng filler, rủi ro khôn lường
Tin vào những lời quảng cáo làm đẹp trên các trang mạng xã hội như 'phương pháp độc quyền', 'không phẫu thuật, không đau và hiệu quả ngay tức thì'…, nhiều người đã phải trả giá bằng sức khỏe, nhan sắc, thậm chí cả tính mạng.
Một nữ bệnh nhân phải bay gấp từ Nhật Bản về Việt Nam để cứu mắt phải sau biến chứng tiêm filler làm đẹp. Một bệnh nhân khác tiêm filler ở cơ sở không uy tín cũng gặp phải tình trạng nhiễm trùng. Đây là hai ca bệnh mới được các bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cấp cứu thành công do biến chứng thẩm mỹ vì làm đẹp ở cơ sở không uy tín.
Để có vầng trán đẹp, bệnh nhân nữ đang sinh sống và làm việc ở Nhật Bản đã tiêm filler vào trán và thái dương tại một cơ sở spa tại nước này. Khi mới tiêm 0,5cc vào giữa trán chị đã cảm thấy sụp mí, hoa mắt, chóng mặt và nôn mửa. Ngay lập tức chị được tiêm thuốc giải nhưng không đỡ.
Ngày hôm sau chị thấy mắt phù nề, sưng đỏ, tiếp tục đến bệnh viện để cấp cứu, lúc này mắt chị đã không còn nhìn thấy rõ. Nhận thấy tình trạng chuyển biến nặng rất nhanh, gần như mù toàn bộ, chị quyết định đặt vé trở về Việt Nam.
Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức, cho biết đây là ca tai biến rất nặng. Sau 6 ngày tiêm filler, khi đã có biến chứng đến hệ mạch máu của mắt, dẫn đến mất thị lực mắt phải, kèm theo đó là dấu hiệu hoại tử cơ và tổ chức quanh nhãn cầu, bệnh nhân mới đến bệnh viên.
Do người bệnh đã bị lỡ mất "thời gian vàng" nên để phục hồi thị lực là cực kỳ khó khăn. Bệnh viện đã can thiệp bằng phương pháp hiện đại nhất để giúp bệnh nhân tìm thấy ánh sáng.
Trường hợp thứ hai phải nhập viện cấp cứu cùng thời điểm là bệnh nhân nữ 31 tuổi, nhập viện trong tình trạng bị áp xe hai bên ngực do tiêm filler nâng ngực. Trước đó, qua mạng xã hội, bệnh nhân thấy một thẩm mỹ viện quảng cáo phương pháp tiêm filler nâng ngực nhanh chóng, hiệu quả, nên đã tìm đến. Sau tiêm, bệnh nhân thấy nổi các khối lổn nhổn trong ngực và thường xuyên sưng đau.
Sau ba năm tiêm filler, bệnh nhân đã đến bệnh viện để làm gói tầm soát ung thư. Tại đây, các bác sĩ nói ngực không rõ có ung thư hay nhân xơ, mà có các khối "u filler". Bác sĩ khuyên bệnh nhân làm phẫu thuật lấy các khối filler, nhưng phải làm ở bệnh viện tuyến trung ương. Tuy nhiên, bệnh nhân lại tìm tới thẩm mỹ viện để hút filler.
Sau can thiệp hút filler, bệnh nhân có biểu hiện đau tức, sốt cao, dùng kháng sinh không đỡ. Lúc này, vì quá đau đớn và lo sợ, chị mới tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc, được chẩn đoán áp xe ngực với các khối u filler khắp hai tuyến vú, có khả năng vi khuẩn đã xâm nhập qua các lần tiêm và hút filler.
Các bác sĩ cho biết, biểu hiện sốt rét run của chị báo hiệu các khối áp xe sắp có nguy cơ vỡ, nếu vào phổi sẽ gây nguy hiểm tính mạng. Các bác sĩ đã nhanh chóng phẫu thuật lấy chất làm đầy ra khỏi cơ thể người bệnh.
Nhiều người tin vào những lời quảng cáo trên các trang mạng xã hội của các cơ sở thẩm mỹ như: "đây là phương pháp độc quyền", "không phẫu thuật, không đau và hiệu quả ngay tức thì"... nên đã phải trả cái giá đắt, thẩm chí tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe.
Tại Bệnh viện E, các bác sĩ đã cấp cứu cho một bệnh nhân có biến chứng sau khi nâng ngực tại một cơ sở thẩm mỹ. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hoảng loạn và vùng ngực sưng tấy, hai bên ngực có hai lỗ tiêm còn hở miệng. Qua thăm khám và siêu âm, các bác sĩ phát hiện trong ngực của bệnh nhân có một chất lỏng vón cục.
Bệnh nhân được tư vấn nâng ngực bằng sóng xung kích, công nghệ giúp tăng các mô cơ ở ngực, tăng size ngực ngay tức thì. Các nhân viên tư vấn rằng đây là phương pháp độc quyền, không xâm lấn, không phẫu thuật, chỉ sau 60 phút sẽ cải thiện bộ ngực với chi phí 80 triệu đồng.
"Họ giải thích với tôi rằng về nguyên lý, sóng xung kích từ trường sẽ kích thích các mô mỡ ngực phát triển, sau một lần có thể thay đổi kích thước ngực đến 60-70%; sau 15-18 ngày đạt 80-90%" - bệnh nhân chia sẻ.
Các bác sĩ Bệnh viện E đã nhanh chóng hút dịch lỏng, kết hợp dùng kháng sinh, giảm viêm. Tuy nhiên, tiên lượng các khối chất lỏng không thể lấy hết, phải theo dõi và điều trị lâu dài.
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Đình Minh – Trưởng Khoa Phẫu thuật thạo hình và thẩm mỹ - Bệnh viện E, cho biết: "Thực tế, không có biện pháp nào là không can thiệp phẫu thuật hoặc ghép chất làm đầy hay ghép mỡ lại có thể tăng lượng lớn thể tích trong một lần ngay lập tức. Điều này không thể xảy ra.
Hiện chưa có nghiên cứu khoa học khẳng định hiệu quả của phương pháp nâng ngực bằng sóng xung kích. Sóng xung kích là những sóng kích thích các dây dẫn thần kinh, thường dùng trong bệnh lý tim mạch có tắc nghẽn thần kinh. Thực tế, việc sử dụng công nghệ kích thích tế bào phát triển phải có thời gian và tùy vào cơ địa mỗi người. Một số phương pháp nâng ngực như sử dụng tế bào gốc, sóng cao tần, laser... hiệu quả đều chậm, hầu như không đáng kể".
Phương pháp sử dụng chất làm đầy cũng được áp dụng, tuy nhiên đó phải là làm chất làm đầy đã được phê duyệt thông qua Bộ Y tế và được nhập khẩu chính hãng. Hiện nay, chất làm đầy không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường rất nhiều, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Các bác sĩ đã cảnh báo nhiều về nguy cơ tiêm sillcon lỏng vào ngực.
Các bác sĩ khuyến cáo, vùng mặt và ngực là nơi nhạy cảm, khi tiêm chất làm đầy số lượng lớn có thể gây tắc mạch và nhiễm trùng, làm mù mắt hoặc hoại tử ngực. Ngoài ra, đây là một trong những kỹ thuật khó, nếu thực hiện sai có thể gây biến chứng nặng như hoại tử da, biến dạng ngực, xuất hiện ngay hoặc 1-3 tháng sau phẫu thuật.
Chị em không nên tin vào những lời quảng cáo "có cánh". Hãy là những nhà tiêu dùng thông thái để tránh hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của bản thân.
Đài PT-TH Hà Nội (https://hanoionline.vn/video/lam-dp-bang-filler-rui-ro-khon-luong-255492.htm)
*Thu hồi hàng loạt sữa tắm, dầu gội do một công ty ở Hà Nội sản xuất
Trong 206 sản phẩm bị Cục Quản lý Dược Bộ Y tế yêu cầu thu hồi có nhiều loại sữa tắm, dầu gội đầu, dung dịch vệ sinh, kem dưỡng da.
Ngày 1/8, thông tin từ Cục Quản lý Dược Bộ Y tế, lãnh đạo đơn vị vừa ký văn bản thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy 206 sản phẩm do Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Belux Việt Nam (địa chỉ ở TP Hà Nội) sản xuất.
Lý do đình chỉ lưu hành, thu hồi được đưa ra là 206 sản phẩm này sản xuất tại cơ sở không đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Belux Việt Nam.
Trong phụ lục của thông báo, tổng cộng có 206 sản phẩm mỹ phẩm thuộc nhiều nhãn hàng, do nhiều tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.
Trong các sản phẩm này, có các loại mỹ phẩm như Pro Medi Care Tắm Gội Khô 2 In 1 do Công ty cổ phần Inter Pro Media Group chịu trách nhiệm đưa ra thị trường; sản phẩm Whitening Ultrawwhite+ Spotless, Gold Saffron Nest Mask của nhãn hàng Sarador, do Công ty cổ phần BN Care Group chịu trách nhiệm đưa ra thị trường; Rejuvenating Serum của nhãn hàng GFS do Công ty cổ phần công nghệ môi trường Nano Việt đưa ra thị trường...
Danh sách 206 sản phẩm mỹ phẩm bị thu hồi tại đây.
Cơ quan của Bộ Y tế đề nghị sở y tế các địa phương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng 206 sản phẩm nêu trên và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm; đồng thời tiến hành thu hồi và tiêu hủy sản phẩm vi phạm.
Bộ Y tế đề nghị sở y tế 4 thành phố: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và sở y tế 14 tỉnh: Phú Thọ, Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Gia Lai, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Bạc Liêu, Đồng Nai giám sát các tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường được nêu tại phụ lục thực hiện thu hồi và tiêu hủy sản phẩm không đáp ứng quy định; xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định.
Báo Vietnamnet (https://vietnamnet.vn/thu-hoi-hang-loat-sua-tam-dau-goi-do-cong-ty-o-ha-noi-san-xuat-2307643.html)