* Kiểm soát chặt chất lượng bánh trung thu
Mỗi dịp Tết Trung thu, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh trung thu tăng đột biến.
Bên cạnh các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, thời điểm này, các sở, ngành liên quan, các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội đã tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu trên địa bàn Thủ đô, kể cả các khách sạn cao cấp.
Cẩn trọng với bánh không rõ nguồn gốc
Dịp này, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã thành lập 2 đoàn kiểm tra. Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, công tác kiểm tra tập trung vào các khách sạn từ 3 sao trở lên trên địa bàn Thủ đô có sản xuất bánh trung thu. Trong đó, các đoàn kiểm tra tập trung kiểm tra nguyên liệu đầu vào, toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến, vệ sinh cá nhân và kiến thức của người sản xuất bánh trung thu. Qua kiểm tra, nhiều nơi đã triển khai nghiêm túc quy định về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Đơn cử như tại khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội sản xuất gần 4.000 hộp bánh trung thu với 11 loại hương vị khác nhau phục vụ nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết Trung thu năm nay. Qua kiểm tra thực tế tại khu bếp sản xuất bánh, Đoàn kiểm tra số 1 của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội ghi nhận sự cố gắng của khách sạn trong công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
“Khu vực bếp của khách sạn được nâng cấp một số chỗ và đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Các quy trình sản xuất bánh trung thu cũng bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, nguyên liệu được đưa vào sản xuất bánh cũng đã chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ”, ông Đặng Thanh Phong đánh giá.
Tương tự, tại khách sạn Sheraton Hanoi, Tổng bếp trưởng, Giám đốc bộ phận ẩm thực khách sạn Nguyễn Công Chung cho biết, sản lượng bánh trung thu năm nay khách sạn cung cấp ra thị trường là khoảng 3.000 chiếc. Sản lượng bánh không quá lớn, chủ yếu là món quà tri ân khách hàng lâu năm và phục vụ khách lưu trú tại đây. Khách sạn luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm. Do đó, quy trình sản xuất luôn được kiểm soát chặt chẽ, nguồn cung cấp nguyên liệu có xuất xứ rõ ràng và chú trọng quy trình bảo quản nguyên liệu. Đặc biệt, nguyên liệu đưa vào sản xuất bảo đảm 100% có nguồn gốc và không dùng chất phụ gia.
Dịp Tết Trung thu năm nay, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và các quận, huyện, thị xã triển khai đợt cao điểm kiểm tra thị trường bánh trung thu. Ngay những ngày đầu ra quân, đơn vị đã phát hiện và thu giữ các loại bánh trung thu nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Điển hình ngày 13-8, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra một hộ kinh doanh bánh kẹo tại huyện Hoài Đức. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện tại cửa hàng có kinh doanh bánh trung thu do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ. Đoàn đã tạm giữ toàn bộ số hàng, gồm: 240 cái bánh trung thu (bánh nướng, loại 500g/cái) và 72 gói bánh kem xốp loại 200g/gói để tiến hành xử lý theo quy định…
Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm
Theo nhận định của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), từ nay đến Tết Trung thu, các loại bánh kẹo nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể xuất hiện nhiều hơn do nhu cầu tiêu dùng tăng lên. Do đó, các địa phương cần phải chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ…
Qua đó, kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Riêng tại Hà Nội, ông Đặng Thanh Phong cho biết, từ nay đến Tết Trung thu, các đoàn kiểm tra sẽ tăng cường kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức và thực hành. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nội dung tuyên truyền là thực hiện quy định pháp luật về điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất; quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm; quy định về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm. Đối với người tiêu dùng, cần hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn.
“Người dân chỉ nên mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Khi mua bánh về phải lưu ý bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa, nắng, côn trùng xâm nhập và bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. Chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng, không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị ôi thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi lạ”, ông Đặng Thanh Phong khuyến cáo.
(https://hanoimoi.vn/kiem-soat-chat-chat-luong-banh-trung-thu-675267.html)
*Chấn chỉnh việc bán hàng rong trước cổng trường
Trước thời điểm năm học mới 2024-2025 chính thức bắt đầu, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội bắt đầu ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm bên trong và xung quanh trường học.
Hiện trên địa bàn quận Ba Đình có 131 cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập, với hơn 50 nghìn học sinh, hơn 40 nghìn suất ăn/ngày. Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành của quận Ba Đình đã tiến hành kiểm tra công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm tại một số trường học trên địa bàn.
Qua kiểm tra, Trưởng phòng Y tế quận Ba Đình Lã Ngọc Sang cho biết, các nhà trường chấp hành tốt quy định và điều kiện về an toàn thực phẩm, lưu mẫu thức ăn đầy đủ. Tại các trường, cơ sở vật chất, đồ dùng trong khu vực bếp nấu, phòng ăn được quan tâm đầu tư; nguồn cung cấp nguyên liệu, thực phẩm tươi sống có địa chỉ rõ ràng. Ngoài ra, thông tin về khẩu phần ăn, thực đơn các bữa ăn, đơn giá; bảng thực phẩm xuất, nhập kho... đều được niêm yết công khai, sản phẩm bao gói sẵn có nhãn mác nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Không chỉ kiểm tra an toàn thực phẩm bên trong trường học, các quận, huyện, thị xã cũng tiến hành rà soát, thống kê quản lý quán hàng xung quanh khuôn viên các trường. Điều khiến cơ quan chức năng và phụ huynh lo ngại, đó là tại các quán hàng này, nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng kéo theo nguy cơ gây hại cho sức khỏe của học sinh…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia phân tích, tác hại đầu tiên khi sử dụng thực phẩm không an toàn là ngộ độc thực phẩm. Tiếp đến, đối với những loại thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không ai có thể bảo đảm được về tiêu chuẩn, định lượng các chất bảo quản, phụ gia, hóa chất, phẩm màu. Khi sử dụng những thực phẩm này, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ…
Chị Lưu Thu Hằng (43 tuổi, ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) chia sẻ: “Để bảo đảm an toàn, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, tôi thường xuyên cho con ăn sáng ở nhà. Khu vực trường con tôi học xuất hiện nhiều gánh hàng rong tự phát. Thỉnh thoảng, khi lực lượng chức năng có mặt thì họ di chuyển đi nơi khác. Khi lực lượng chức năng đi khỏi, “đâu lại vào đấy”. Mong cơ quan chức năng, nhà trường và các phụ huynh chung tay để đẩy lùi được nạn hàng rong trước cổng trường nhằm bảo đảm an toàn, sức khỏe cho học sinh”.
Từ tháng 8-2024, thành phố Hà Nội bắt đầu triển khai kế hoạch chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội”. “Ngoài việc kiểm tra bếp ăn tập thể, công tác quản lý an toàn thực phẩm xung quanh cổng trường học được triển khai quyết liệt, tiến tới hạn chế, đẩy lùi sự tồn tại của các quán hàng rong gây mất an toàn thực phẩm”, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết.
Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, theo ông Vũ Cao Cương, các trường cần tổ chức các buổi ngoại khóa trang bị kiến thức cơ bản về vệ sinh, an toàn thực phẩm cho học sinh. Qua đó, giúp các em biết cách ứng phó, phát hiện những loại thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, độc hại để tự bảo vệ trước các hành vi vi phạm.
Đồng thời, nhà trường cần thường xuyên liên lạc với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn thực phẩm trước cổng trường, cũng như chủ động thông tin, trao đổi với phụ huynh khi phát hiện học sinh thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm có nguy cơ độc hại, nguy hiểm cho sức khỏe.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng không nên cho con ăn các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc giá rẻ, kém chất lượng... được bày bán ở cổng trường.
(https://hanoimoi.vn/chan-chinh-viec-ban-hang-rong-truoc-cong-truong-675272.html)
* Hà Nội ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ với bảo đảm an toàn thực phẩm
Thành uỷ Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 34 -CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn TP Hà Nội.
Đẩy mạnh công tác an ninh, an toàn thực phẩm
Theo nội dung Chỉ thị số 34 -CT/TU, thực hiện chỉ đạo của T.Ư và Thành ủy Hà Nội, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP đã tập trung lãnh đạo, triển khai tổ chức thực hiện bằng nhiều giải pháp cấp bách, phù hợp với thực tiễn của Thủ đô Hà Nội nhằm đẩy mạnh công tác an ninh, an toàn thực phẩm.
Do đó, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã có những chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm được tăng cường; công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp. Từ đó giúp nâng cao hơn nhận thức của các cấp quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm.
Ban Chỉ đạo về an toàn thực phẩm từ TP đến cơ sở được thành lập và hoạt động tích cực. Hệ thống tổ chức quản lý đang dần được hoàn thiện, từng bước được củng cố, kiện toàn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Sự phối hợp tham gia của các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ngày một chặt chẽ, tích cực và hiệu quả. Công tác quản lý an toàn thực phẩm đang dần từng bước được thực hiện chủ động. Từ đó đã hạn chế và giảm thiểu được nhiều vụ ngộ độc thực phẩm lớn và nhiều vụ tử vong do ngộ độc thực phẩm gây ra.
Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều hạn chế: nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm chưa đầy đủ; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chạy theo lợi nhuận, không quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng; thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm bị ô nhiễm vẫn còn phổ biến; ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua đường thực phẩm diễn biến phức tạp; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm còn hạn chế.
Tập trung thực hiện tốt 6 nội dung
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư, chủ động khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của TP tập trung thực hiện tốt 6 nội dung.
Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các văn bản chỉ đạo của Thành ủy. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, trước hết là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP về ý nghĩa, tầm quan trọng của an toàn thực phẩm đối với đời sống xã hội, sức khỏe con người, sự phát triển giống nòi và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Mọi người dân có quyền được sử dụng thực phẩm an toàn và có nghĩa vụ bảo đảm an toàn thực phẩm.
Vận động các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhà cung cấp, phân phối và người tiêu dùng thực phẩm tự giác, gương mẫu thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Thay đổi hành vi, thói quen, cách sống mất vệ sinh, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm ở tất cả các khâu, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm của chính quyền các cấp. Xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò tham mưu của các cơ quan chức năng hết sức quan trọng. Chỉ đạo đưa các tiêu chí về đảm bảo an toàn thực phẩm vào chương trình hoạt động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, từng giai đoạn của địa phương. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về công tác đảm bảo an toàn theo nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm. Chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hoá không đảm bảo an toàn thực phẩm. Có chính sách thỏa đáng, kịp thời khen thưởng và biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh. Liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững.
Đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, hình thành mạng lưới logistics, bảo quản, chế biến, thương mại điện tử ở nông thôn. Phát huy vai trò của các hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng trong liên kết, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn, chất lượng. Chú trọng giám sát diễn biến, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, việc kinh doanh, sử dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi; rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện quy định về an toàn thực phẩm tại các lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
Tăng cường đầu tư nguồn lực cho hoạt động quản lý an toàn thực phẩm, đảm bảo đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị hiện đại cho công tác quản lý an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực phân tích, kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng sản phẩm. Phát huy trách nhiệm của chính quyên cơ sở trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hàng hóa, nhất là sản phẩm địa phương, sản phẩm sạch, an toàn, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ.
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật về bảo đảm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, an toàn thực phẩm tới đoàn viên, hội viên và người dân; tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.
(https://kinhtedothi.vn/ha-noi-ban-hanh-chi-thi-tang-cuong-su-lanh-dao-cua-cap-uy-voi-bao-dam-an-toan-thuc-pham.html)
*Cao điểm của sốt xuất huyết, cần cảnh giác với các dấu hiệu nặng
Khi có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để khám, xét nghiệm. Sốt xuất huyết cần được chẩn đoán và có phác đồ điều trị sớm, tuyệt đối không tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà.
Ca mắc sốt xuất huyết gia tăng trong thời gian tới
Trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 1.058 ca mắc sốt xuất huyết (tại 30/30 quận, huyện, thị xã), không có ca tử vong, tổng số 18 ổ dịch được ghi nhận. Cập nhật đến ngày 8/8 ghi nhận 1.759 bệnh nhân (tại 30/30 quận, huyện, thị xã); không ca tử vong, số ca mắc được ghi nhận giảm so với cùng kỳ 2023; tổng số 72 ổ dịch, hiện còn 23 ổ dịch đang hoạt động.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 9/8 đến ngày 16/8) toàn thành phố ghi nhận 274 ca mắc sốt xuất huyết; tăng 86 trường hợp so với tuần trước. Bệnh nhân phân bố tại 28 quận, huyện. Một số đơn vị ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đan Phượng, Hà Đông, Quốc Oai, Phúc Thọ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng.
Các xã, phường ghi nhận nhiều bệnh nhân: Phương Đình, Đồng Tháp, Thượng Mỗ, Liên Hồng thuộc huyện Đan Phượng; Dương Nội (Hà Đông); Liên Hiệp ( Phúc Thọ). Cộng dồn năm 2024, thành phố ghi nhận 2.050 ca mắc sốt xuất huyết, 0 ca tử vong, giảm 54,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tuần ghi nhận 15 ổ dịch sốt xuất huyết tại Hoài Đức, Quốc Oai, Thanh Oai, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Ứng Hòa; tương đương so với tuần trước đó. Cộng dồn năm 2024, ghi nhận 87 ổ dịch, còn 28 ổ dịch đang hoạt động. Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng.
Cảnh giác các dấu hiệu nặng
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, vừa qua, Bệnh viện đã tiếp nhận hàng chục ca sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên qua đường muỗi truyền. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Virus Dengue có 4 tuýp là: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn, xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa.
Sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Người dân cần được phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, hạn chế các biến chứng nặng, hạn chế tử vong.
“Khi có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để khám, xét nghiệm. Sốt xuất huyết cần được chẩn đoán và có phác đồ điều trị sớm, tuyệt đối không tự ý uống thuốc và truyền dịch tại nhà”, PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo.
Người bệnh có thể uống thuốc Paracetamol để hạ sốt và làm dịu cơn đau; tuyệt đối không uống Aspirin hoặc Ibuprofen vì hai thuốc này có thể tăng nguy cơ xuất huyết.
Hiện Việt Nam chưa có vaccine và thuốc đặc trị cho sốt xuất huyết Dengue. Do đó, khi nghi ngờ hoặc bị sốt xuất huyết, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Đẩy mạnh các giải pháp phòng chống sốt xuất huyết
Theo CDC Hà Nội nhận định, thời tiết hiện nay nắng nóng kèm theo mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh; kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, cách đây 10-20 năm, bệnh sốt xuất huyết chỉ xuất hiện và gia tăng vào mùa mưa và cuối mùa mưa khoảng từ tháng 6, 7 đến tháng 9, 10. Hiện nay, do sự biến đổi của khí hậu thời tiết, đặc biệt là quá trình đô thị hóa, kéo theo các đô thị lớn mọc lên, dân số đông đúc nên bệnh sốt xuất huyết dường như diễn ra quanh năm kể cả những ngày đầu năm, giữa năm và cuối năm. Thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, số lượng ca mắc sốt xuất huyết tăng, số ca nhập viện tăng không chỉ nội thành mà cả ở ngoại thành. Dịch phát triển rất mạnh.
Do đó, để chủ động phòng chống dịch hiệu quả cần triển khai đồng bộ 3 nhóm giải pháp: thứ nhất công tác chỉ đạo điều hành, thứ 2 là công tác về chuyên môn kỹ thu “Với công tác chỉ đạo điều hành, trên cơ sở phân tích tình hình dịch bệnh cũng như đánh giá và dự báo nguy cơ, ngành y tế Hà Nội cũng đã tham mưu kịp thời cho UBND TP sớm ban hàng các kế hoạch, và trên cơ sở đó UBND TP cũng phân công nhiệm vụ cho các sở ban ngành, nòng cốt là sở y tế. Tuy nhiên các sở ngành khác cũng cần phải tham gia vào cuộc. Để thành công hay chủ động phòng chống dịch có hiệu quả thì cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đây là điều mẫu chốt và quan trọng số 1, trong việc phòng chống thành công tất cả các loại dịch bệnh không riêng gì sốt xuất huyết”, ông Tuấn cho biết.
Về chuyên môn kỹ thuật, ngành y tế Hà Nội cũng đã triển khai rất nhiều những hoạt động, trước hết là các hội nghị chuyên môn, tập huấn và tập huấn lại cho cán bộ chuyên môn các tuyến từ thành phố đến quận huyện, phường, đáp ứng với từng loại dịch bệnh cụ thể. Với dịch sốt xuất huyết, hiện nay thành phố, đặc biệt là ngành y tế cũng đã triển khai các chiến dịch, thông qua đó diệt trừ các cổ bọ gậy – nguồn gốc sinh ra sốt xuất huyết, tạo cho người dân có thói quen giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, làm sạch những nơi ẩm thấp để bọ gậy không có điều kiện sinh sôi.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, vec-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn Aedes. Để phòng bệnh, người dân cần chú ý diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Người dân cần cần chú ý thực hiện vệ sinh nơi ở, xử lý, loại bỏ, lật úp các dụng cụ có thể chứa nước để muỗi đẻ trứng như: Lọ hoa, chai lọ, bể cá, khu vực rác thải… Việc chủ động diệt bọ gậy, loăng quăng là cách hiệu quả nhất để loại bỏ muỗi, phòng bệnh sốt xuất huyết. Người dân cũng cần phòng muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ màn, dùng tinh dầu xua muỗi…ật, thứ 3 hoạt động tuyên truyền vận động người dân”.
(https://vov.vn/xa-hoi/cao-diem-cua-sot-xuat-huyet-can-canh-giac-voi-cac-dau-hieu-nang-post1115403.vov)
Cùng nội dung thông tin:
* Hà Nội: Nỗi lo dịch tay chân miệng bùng phát năm học mới
(https://baodautu.vn/ha-noi-noi-lo-dich-tay-chan-mieng-bung-phat-nam-hoc-moi-d222769.html)
* Hà Nội ghi nhận thêm 274 ca sốt xuất huyết
(https://laodongthudo.vn/ha-noi-ghi-nhan-them-274-ca-sot-xuat-huyet-175604.html)
* Hà Nội tiếp tục gia tăng dịch ho gà, sốt xuất huyết
(https://baotintuc.vn/y-te/ha-noi-tiep-tuc-gia-tang-dich-ho-ga-sot-xuat-huyet-20240819162110766.htm)
* Hà Nội: Ghi nhận 274 ca mắc Sốt xuất huyết, 41 ca mắc Tay chân miệng, 7 ca mắc Ho gà trong tuần qua
(https://suckhoecongdongonline.vn/ha-noi-ghi-nhan-274-ca-mac-sot-xuat-huyet-41-ca-mac-tay-chan-mieng-7-ca-mac-ho-ga-trong-tuan-qua-d283778.html)
* Bộ Y tế đề xuất mở rộng trường hợp được BHYT thanh toán
Bộ Y tế đề xuất trẻ dưới 18 tuổi phải điều trị tật về mắt sẽ được Bảo hiểm y tế thanh toán. Trước đây, Quỹ BHYT chỉ thanh toán chi phí này đối với trẻ dưới 6 tuổi.
Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (sau đây tạm gọi là Luật BHYT sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Y tế đề xuất mở rộng độ tuổi được hưởng quyền lợi BHYT trong điều trị tật về mắt (lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt) đối với người dưới 18 tuổi.
Theo quy định hiện hành, Quỹ BHYT chỉ thanh toán chi phí này với trẻ dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, theo đánh giá, điều này chưa phù hợp về chuyên môn.
Lý do là tuổi được chỉ định kỹ thuật này thường trên 6-18 tuổi mới bảo đảm hiệu quả. Vì thế, từ khi ban hành Luật BHYT (hiệu lực từ năm 2009) đến nay, hầu như không có trẻ em được hưởng quy định này.
Có 4 loại tật khúc xạ của mắt thường gặp, gồm: Cận thị, viễn thị, loạn thị và lão thị.
Một nghiên cứu tại Việt Nam năm 2020 cho thấy, mỗi năm Quỹ BHYT cần chi trả 652,6 tỷ đồng cho điều trị tật khúc xạ (bao gồm cận thị); 11,1 tỷ đồng cho điều trị lác; 3 tỷ đồng cho điều trị sụp mí cho trẻ em dưới 16 tuổi.
Nếu mở rộng quyền lợi cho người dưới 18 tuổi, mỗi năm ước tính BHYT cần chi trả 734,2 tỷ đồng cho điều trị tật khúc xạ; 12,5 tỷ đồng cho điều trị lác; 3,4 tỷ đồng cho điều trị sụp mí.
Theo tính toán của Bộ Y tế, việc BHYT chi trả cho điều trị tật khúc xạ (bao gồm cận thị) sẽ giúp người bệnh giảm chi phí đáng kể. Cụ thể:
Bệnh/Cơ sở y tế
|
Tuyến trung ương
|
Tuyến tỉnh
|
Tuyến huyện
|
Tật khúc xạ (bao gồm cận thị)
|
303.000
|
285.000
|
167.900
|
Lác
|
4.213.000
|
3.544.300
|
|
Sụp mi
|
4.267.000
|
3.581.100
|
149.500
|
Đơn vị: đồng
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 154 triệu người trên toàn thế giới bị tật khúc xạ nhưng chưa được điều trị, trong đó có hơn 13 triệu là trẻ em. Châu Á là nơi có tỷ lệ mắc tật khúc xạ học đường cao nhất thế giới. Trong đó, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ cận thị cao và gia tăng nhanh chóng, nhất là khu vực đô thị, số học sinh bị cận thị chiếm 40%. Số liệu thống kê năm 2022 cho thấy khoảng 5 triệu trẻ em Việt Nam mắc phải các tật khúc xạ ở mắt. Trẻ từ 6-15 tuổi là nhóm mắc phải cận thị phổ biến nhất.
Đề xuất tăng tỷ lệ thanh toán BHYT với một số cơ sở y tế
Trong Báo cáo đánh giá tác động chính sách của Dự Luật BHYT sửa đổi (lần 2), Bộ Y tế cũng đề xuất tăng tỷ lệ thanh toán BHYT đối với trung tâm y tế huyện không có giường bệnh nội trú; phòng khám đa khoa; phòng khám đa khoa khu vực có giường bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ khám chữa bệnh ngoại trú tương đương tuyến huyện (được xếp vào cấp ban đầu theo Luật Khám bệnh chữa bệnh sửa đổi).
Cụ thể, quy định hiện hành chỉ áp dụng thông tuyến toàn quốc cho bệnh viện huyện mà chưa áp dụng đối với các cơ sở nêu trên. Vì thế, khi bệnh nhân tự đi khám chữa bệnh không đúng cơ sở đăng ký ban đầu (tạm hiểu là trái tuyến) đối với các cơ sở nêu trên sẽ không được BHYT chi trả trong trường hợp ở ngoại tỉnh.
Theo đề xuất của Bộ Y tế, người đăng ký khám chữa bệnh ban đầu nội tỉnh và ngoại tỉnh đều được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh ngoại trú. Bộ Y tế nhận định điều này góp phần giảm bớt gánh nặng của ngân sách Nhà nước để đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động chống quá tải của các cơ sở khám chữa bệnh và giải quyết các hậu quả của việc giảm tỷ lệ khám, chữa bệnh BHYT ở y tế cơ sở.
Thêm đối tượng được đề xuất nâng mức hưởng BHYT lên 100%
Trong Dự thảo Luật BHYT sửa đổi lần 2 này, Bộ Y tế đề xuất tách đối tượng sỹ quan công an nhân dân đang hưởng lương hưu trong nhóm đối tượng hưu trí (tại điểm a khoản 2 Điều 12) thành nhóm riêng để điều chỉnh mức hưởng đồng bộ với mức của cựu chiến binh.
Điều này có nghĩa là nhóm đối tượng sỹ quan công an nhân dân đang hưởng lương hưu sẽ được tăng mức hưởng BHYT từ 95% lên 100%.
Theo Bộ Y tế, mỗi năm, mỗi cán bộ hưu trí là sỹ quan công an nhân dân không cần đóng thêm 5% chi phí đồng chi trả, tức là được Quỹ BHYT chi trả tăng thêm 238.000 đồng/người; tương ứng với tổng số 75.000 cựu sỹ quan sẽ được quỹ chi trả tăng lên là 17,8 tỷ đồng.
Chưa mở rộng trường hợp được hưởng BHYT với khám sức khỏe định kỳ, hỗ trợ sinh sản
Hiện một số dịch vụ thuộc phạm vi khám chữa bệnh nhưng chưa được quy định trong phạm vi hưởng BHYT như quản lý sức khỏe, khám, chẩn đoán đánh giá nguy cơ, tình trạng sức khỏe và điều trị sớm một số bệnh, khám sức khỏe định kỳ, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản...
Trong Báo cáo đánh giá tác động chính sách Luật BHYT sửa đổi, cơ quan soạn thảo kiến nghị một số dịch vụ như hỗ trợ sinh sản, khám sức khỏe định kỳ, đa dạng hóa cơ sở cung ứng dịch vụ BHYT như nhà thuốc, trung tâm xét nghiệm chưa thuộc nhóm được BHYT chi trả. Lý do được đưa ra là để đảm bảo tính khả thi vì cần thêm thông tin, dữ liệu đánh giá tác động và truyền thông, cung cấp thông tin.
Việt Nam hiện có hơn 93 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ là 93,35%. Mục tiêu đặt ra vào năm 2030 là nâng tỷ lệ này lên trên 95%. Luật BHYT sửa đổi dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (dự kiến vào tháng 10/2024) và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
(https://vietnamnet.vn/bo-y-te-de-xuat-mo-rong-truong-hop-duoc-bhyt-thanh-toan-2312937.html)