Ngay tại Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trong 2 tuần đầu tháng 7-2024 đã gia tăng hơn tháng 6 trước đó. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận trong tháng 6-2024 là 30-80 ca/tuần thì đến đầu tháng 7 đã tăng lên 100-120 ca/tuần. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn thành phố chỉ ghi nhận rải rác 1-2 ổ dịch sốt xuất huyết/tuần. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, số ổ dịch mới đã tăng lên nhanh chóng. Trong tuần đầu tháng 7 có thêm 11 ổ dịch sốt xuất huyết tại 7 quận, huyện: Đan Phượng, Hà Đông, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Nam Từ Liêm và Thạch Thất.
Cùng với sốt xuất huyết, bệnh sởi, ho gà cũng diễn biến phức tạp do lỗ hổng “miễn dịch”. Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2023, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi, ho gà đều không đạt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) là 55,7% (trong khi chỉ tiêu được giao là từ 80% trở lên). Đây cũng là loại vắc xin có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong số 10 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Ngoài ra, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi trong năm 2023 là 82% (chỉ tiêu từ 90% trở lên); tỷ lệ tiêm vắc xin sởi - rubella là 86% (chỉ tiêu từ trên 95%). Riêng 5 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiêm chủng hầu hết các vắc xin đều chưa đạt tiến độ, trong đó có vắc xin sởi - rubella.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng mới có đánh giá về nguy cơ dịch sởi tại 63 tỉnh, thành phố. Kết quả cho thấy, 7/63 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước và Kiên Giang có nguy cơ rất cao; 7 tỉnh: Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Bến Tre, Bình Dương và Cà Mau có nguy cơ cao. Ngoài ra, 9 tỉnh khác có nguy cơ trung bình và 40 tỉnh, thành phố nguy cơ thấp.
“Tỷ lệ tiêm chủng thấp là nguyên nhân bệnh sởi và các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin quay trở lại. Hơn nữa, vi rút sởi lây lan rất nhanh và sẽ tấn công những người chưa được tiêm phòng. Do đó, khi tiêm phòng không đúng, không đủ, chỉ cần một vài ca bệnh xuất hiện thì nguy cơ sẽ lây lan thành dịch”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội truyền nhiễm thành phố Hồ Chí Minh lưu ý.
Còn tại Hà Nội, bệnh ho gà vẫn tiếp tục gia tăng, chủ yếu là ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Theo CDC Hà Nội, trong 2 tuần đầu tháng 7-2024 đã ghi nhận 23 ca mắc ho gà. Từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã có 173 ca mắc ho gà; trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca bệnh.
(https://hanoimoi.vn/chuong-trinh-tiem-chung-mo-rong-khong-dat-tien-do-hien-huu-nguy-co-dich-chong-dich-672638.html)
Thẻ Bảo hiểm y tế - “phao cứu sinh” cho nhiều gia đình
Chính sách BHYT là một trong những trụ cột của an sinh xã hội thể hiện vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, tạo được sự đoàn kết, tương thân, tương ái mang tính cộng đồng, chia sẻ rủi ro, giúp đỡ nhau vượt qua lúc khó khăn, hoạn nạn do đau ốm.
Trao đổi với phóng viên về ý nghĩa nhân văn của việc tham gia BHYT, ông Vũ Đức Thuật - Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội cho biết: “Tham gia BHYT mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực, nhất là với những gia đình có mức thu nhập thấp. BHYT còn mang ý nghĩa nhân đạo, cộng đồng sâu sắc, vì khi mọi người cùng nhau tham gia BHYT, người khỏe sẽ hỗ trợ cho những người chẳng may bị ốm đau, bệnh tật. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện công bằng xã hội, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, năm 2023, cả nước có 93,6 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số. Trong đó, có khoảng 60-70% người tham gia BHYT sử dụng thẻ BHYT đi khám chữa bệnh, với tần suất khám chữa bệnh khoảng 2-2,1 lần/năm. Thống kê của BHXH Việt Nam cũng cho thấy trong vài năm trở lại đây, mỗi năm Quỹ BHYT chi trả hơn 100 nghìn tỷ đồng cho khoảng 160-185 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT. Những con số này đã khẳng định rõ vai trò quan trọng của chính sách BHYT trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tại Thủ đô Hà Nội, cùng với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của chính sách BHYT, tỷ lệ người dân Thủ đô tham gia BHYT tăng dần qua các năm, từng bước góp phần hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân. Nếu như các năm 1995, 2015 độ bao phủ BHYT lần lượt đạt 13,9% và 77,23% dân số, thì đến hết năm 2023 và ước hết tháng 6/2024 lần lượt độ bao phủ BHYT đạt 94% và 94,33% dân số. Song hành với đó, việc đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ.
Năm 2023, BHXH thành phố Hà Nội ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 190 cơ sở khám chữa bệnh (với 614 điểm khám chữa bệnh, kết nối liên thông dữ liệu) để thực hiện công tác khám chữa bệnh đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Trong đó có 77 cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế, 113 cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các Bộ/ngành quản lý; phân loại theo loại hình: Có 144 công lập, 45 ngoài công lập; phân loại theo tuyến chuyên môn kỹ thuật: 25 tuyến Trung ương, 47 tuyến tỉnh, 99 tuyến huyện (bao gồm trạm y tế xã, phường, thị trấn), 19 cơ sở y tế cơ quan, đơn vị, trường học. Đối với y tế cơ sở, có 478/574 trạm y tế xã tham gia khám chữa bệnh BHYT.
Cùng đó, chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng được cải thiện, nhiều loại thuốc mới, kỹ thuật, dịch vụ y tế hiện đại đều nhanh chóng được Quỹ BHYT chi trả, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận thuận lợi, bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia.
Ngoài việc chi trả chi phí khám chữa bệnh thông thường, Quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều trường hợp bệnh nặng, bệnh mãn tính. Không ít bệnh nhân đã được Quỹ BHYT chi trả hàng tỷ đồng tiền khám chữa bệnh, từ đó giúp người bệnh và gia đình vượt qua những khó khăn về kinh tế để yên tâm điều trị bệnh.
Tại thành phố Hà Nội, chỉ tính riêng năm 2023, trên địa bàn Thành phố phát sinh 12,6 triệu lượt khám chữa bệnh, số chi khám chữa bệnh BHYT là trên 22.531 tỷ đồng; có 397 bệnh nhân có chi phí khám chữa bệnh BHYT trên 500 triệu đồng, 3 bệnh nhân có chi phí được Quỹ BHYT thanh toán trên 3 tỷ đồng. Bệnh nhân ngoại tỉnh chuyển về thành phố Hà Nội điều trị đều được đảm bảo về quyền lợi BHYT. Trong số 397 bệnh nhân chi phí cao, có trên 60% bệnh nhân ngoại tỉnh. Năm 2023, số thanh toán cho bệnh nhân ngoại tỉnh là 11.259 tỷ đồng, chiếm 50,3% tổng chi bảo hiểm thanh toán.
Thực tế đã chứng minh, mục tiêu cuối cùng của BHYT toàn dân là đem lại lợi ích thiết thực, hài hòa và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, con người, xuất phát từ chính tinh thần sẻ chia “lá lành đùm lá rách”. Để hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, ngoài nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam và ngành Y tế, rất cần sự phối hợp, chung tay của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân để lan tỏa chính sách trong BHYT tới mọi người dân, giúp mỗi người tự nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của chính sách để chủ động tham gia nhằm chăm lo sức khỏe cho bản thân mình và gia đình.
(https://laodongthudo.vn/the-bao-hiem-y-te-phao-cuu-sinh-cho-nhieu-gia-dinh-173992.html)