*Hướng tới mục tiêu phục vụ khám, chữa bệnh tốt hơn
Thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội luôn nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông dữ liệu trong thăm khám, điều trị và quản lý, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đây là những giải pháp được ngành Y tế Thủ đô áp dụng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm quá tải và phục vụ cho người bệnh ngày càng tốt hơn.
Tối ưu hóa quy trình khám, chữa bệnh
Điển hình tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa thời gian qua đã đưa vào sử dụng máy đăng ký khám bệnh và phát số tự động cho người dân. Việc triển khai hệ thống đăng ký khám bệnh tự động tại Bệnh viện nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân được nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian chờ đợi.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Phúc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, với cách tiếp nhận bệnh nhân qua cách truyền thống, người bệnh phải qua quầy tiếp đón và làm một số thủ tục hành chính liên quan đến nhiều giấy tờ, việc đưa vào sử dụng máy đăng ký khám bệnh và phát số tự động này giúp người dân giảm được rất nhiều thời gian.
Trong lần đầu tiên đến khám bệnh, người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp và nhận diện khuôn mặt để đăng ký dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện, cũng như thanh toán viện phí. Đối với những lần hẹn khám bệnh tiếp theo thì tất cả thông tin của người bệnh đã được lưu trữ trên phần mềm, nên chỉ cần nhận diện khuôn mặt là có thể đăng ký các dịch vụ khám chữa bệnh. Sau khi đăng ký người bệnh được nhận ngay phiếu khám và đến trực tiếp nơi làm các dịch vụ kỹ thuật mong muốn.
“Việc sử dụng máy đăng ký khám bệnh và phát số tự động giúp người bệnh thuận tiện trong việc đăng ký khám bệnh, không phải xếp hàng chờ đợi, rút ngắn thời gian, giảm tải các thủ tục hành chính, đem lại sự hài lòng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Đồng thời, giúp các y bác sĩ chủ động tiếp nhận thông tin của người bệnh, theo dõi, truy cập lịch sử khám bệnh của bệnh nhân một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện hơn” - Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Phúc cho biết.
Hay tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, điểm sáng trong chuyển đổi số của ngành Y tế Thủ đô. Hiện, Bệnh viện đã triển khai đặt lịch khám online, đăng ký khám bệnh bằng Face ID và căn cước công dân; sử dụng hệ thống PACS trong X-Quang, thông báo kết quả xét nghiệm online... Điều này đã giúp thời gian khám tại bệnh viện chỉ còn 1,5 giờ thay vì 3 giờ như trước đây.
Nếu như khám theo quy trình cũ, bệnh nhân phải đi xếp hàng lấy số, đặt sổ, có những bệnh nhân ở xa phải đi từ 4 - 5 giờ sáng. Có những bệnh nhân phải lấy mẫu xét nghiệm nên phải nhịn ăn, bệnh nhân phải chờ rất lâu, điều này trở thành rào cản gây bức xúc cho người bệnh. Tuy nhiên, từ khi Bệnh viện Đa khoa Đức Giang triển khai khám theo hẹn đối với bệnh nhân bệnh mạn tính, thì 100% bệnh nhân được bác sĩ khám sẽ hẹn khám cho lần sau luôn.
Được biết, từ ban đầu là hẹn lịch khám cho bệnh nhân có bệnh mạn tính. Sau này Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiến hành hẹn tái khám cho tất cả các bệnh nhân. Đến nay, 100% bệnh nhân đến khám ngoại trú tại Bệnh viện đều được khám theo lịch hẹn trước đó.
Song song với đó, Đức Giang cũng là một trong những bệnh viện tiên phong ứng dụng công nghệ Face ID nhận diện người bệnh khi đăng ký khám bệnh. Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả việc thanh toán không dùng tiền mặt. Được biết, hiện trên địa bàn Thành phố đã có 38/43 bệnh viện triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Việc triển khai bệnh án điện tử đem lại nhiều lợi ích cho cả bác sĩ và người bệnh.
Theo đó, với sự hỗ trợ của công nghệ, bác sĩ ngồi phòng khám có thể dự kiến hôm nay khám bao nhiêu bệnh nhân theo hẹn; có thể kiểm tra được lịch sử của bệnh nhân để có được những thông tin nhất định về tình hình sức khỏe của người bệnh, để khi bệnh nhân đến sẽ chủ động hơn trong việc tương tác với bệnh nhân, đưa ra quyết định thuốc chính xác hơn.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Với mục tiêu xây dựng môi trường khám, chữa bệnh hiện đại, hướng đến bệnh viện thông minh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng công nghệ thông tin, tối ưu quy trình khám, chữa bệnh, ngành Y tế Thủ đô đã thực hiện các giải pháp chuyển đổi số toàn diện, mang lại những tiện ích, tạo ra thay đổi trong quản trị, khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Báo cáo tại Hội nghị chuyển đổi số ngành y tế Hà Nội năm 2024 do Sở Y tế Hà Nội tổ chức vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe như: Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử; đăng ký và khám bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp; đặt lịch khám qua điện thoại; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; ứng dụng hiệu quả các phần mềm quản lý bệnh viện…
Cụ thể, tính từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 5, các cơ sở khám, chữa bệnh của ngành Y tế Hà Nội đã tiếp đón hơn 4 triệu lượt khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế. Các cơ sở tiêm chủng đã xác thực điện tử cho 17,31 triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác 06 các địa phương tổ chức xác thực trên 1 triệu trường hợp sai thông tin. Liên thông và ký số thành công khoảng 196 nghìn hồ sơ lên Cổng giám định bảo hiểm y tế…
Đáng chú ý, đối với việc ứng dụng chuyển đổi số trong khám chữa bệnh đã có năm bệnh viện của ngành Y tế Hà Nội đã triển khai hiệu quả bệnh án điện tử gồm: Phụ sản Hà Nội, Đa khoa Xanh Pôn, Đa khoa Mỹ Đức, Đa khoa Vân Đình và Đa khoa Hòe Nhai. 5 bệnh viện triển khai khám chữa bệnh từ xa gồm: Tim Hà Nội, Phụ sản Hà Nội, Ung bướu Hà Nội, Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Thanh Nhàn. Đồng thời, ngành Y tế Hà Nội đã triển khai thí điểm khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học (Kiosk tự phục vụ) tiếp đón khoảng 1.600 bệnh nhân/ngày tại Bệnh viện đa khoa Xanh pôn, và 1 Kiosk tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Đồng thời, đang tiếp tục triển khai thí điểm Kiosk tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì, Bệnh viện Hòe Nhai.
Với những nỗ lực không ngừng, ngành Y tế Hà Nội đang từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, góp phần xây dựng nền y tế Thủ đô hiện đại, văn minh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Tính từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 5, các cơ sở khám, chữa bệnh của ngành Y tế Hà Nội đã tiếp đón hơn 4 triệu lượt khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế. Các cơ sở tiêm chủng đã xác thực điện tử cho 17,31 triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác 06 các địa phương tổ chức xác thực trên 1 triệu trường hợp sai thông tin. Liên thông và ký số thành công khoảng 196 nghìn hồ sơ lên Cổng giám định bảo hiểm y tế… Đáng chú ý, đối với việc ứng dụng chuyển đổi số trong khám chữa bệnh đã có 5 bệnh viện của ngành Y tế Hà Nội đã triển khai hiệu quả bệnh án điện tử…
Tính từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 5, các cơ sở khám, chữa bệnh của ngành Y tế Hà Nội đã tiếp đón hơn 4 triệu lượt khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế. Các cơ sở tiêm chủng đã xác thực điện tử cho 17,31 triệu mũi tiêm vắc xin Covid-19; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác 06 các địa phương tổ chức xác thực trên 1 triệu trường hợp sai thông tin. Liên thông và ký số thành công khoảng 196 nghìn hồ sơ lên Cổng giám định bảo hiểm y tế… Đáng chú ý, đối với việc ứng dụng chuyển đổi số trong khám chữa bệnh đã có 5 bệnh viện của ngành Y tế Hà Nội đã triển khai hiệu quả bệnh án điện tử…
Báo Lao động thủ đô (https://laodongthudo.vn/huong-toi-muc-tieu-phuc-vu-kham-chua-benh-tot-hon-173717.html)
*Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm mùa mưa bão
Theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, công tác bảo đảm ATTP,, ngăn ngừa bệnh dịch trước, trong và sau bão, lũ là vô cùng quan trọng, cần phải có kế hoạch chuẩn bị trước khi vào mùa bão lụt bắt đầu.
Lựa chọn, chế biến thực phẩm an toàn
Vào thời điểm mùa mưa bão, lũ lụt, việc ăn uống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi, nơi điều kiện sống còn nhiều khó khăn. Công tác đảm bảo ATTP trước, trong khi xảy ra bão lụt cũng như ngăn ngừa bệnh dịch sau lũ là vô cùng quan trọng, các địa phương nên có kế hoạch chuẩn bị trước khi bước vào mùa mưa bão. Cục ATTP đưa ra một số khuyến cáo sau để bảo đảm ATTP, phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng trong mùa mưa bão.
Theo đó, trước khi mùa mưa bão, lũ lụt, các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân, người tiêu dùng, người nội trợ (đặc biệt là các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, lũ cao) trong việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn.
Bên cạnh đó, chủ động dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, các hóa chất sát khuẩn của ngành y tế.
Các cơ quan thuộc ngành y tế chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hóa chất, phương tiện, nhân lực… sẵn sàng phối hợp hoặc chủ động xử lý, khắc phục khi có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra, không để lan rộng trong cộng đồng.
Khi mùa mưa bão, lũ lụt xảy ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Người dân nhất định phải thực hiện ăn chín, uống chín.
Đối với những vùng không đủ nước sạch, người dân có thể sử dụng các loại hóa chất sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế. Các cơ quan quản lý ATTP tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lợi dụng tình trạng khan hiếm thực phẩm để đưa ra thị trường các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn, vệ sinh.
Cẩn trọng nguy cơ dịch bệnh sau lũ lụt
Theo Cục ATTP, bão lũ tan, chính quyền địa phương cần chủ động hướng dẫn Nhân dân vệ sinh môi trường, tu sửa, tổng vệ sinh nguồn nước dùng cho ăn uống và các công trình công cộng.
Thông thường, sau mùa mưa bão, lũ lụt, thực phẩm sẽ khan hiếm, đắt đỏ, có nhiều nơi rơi vào tình trạng thiếu đói nhất là đối với Nhân dân miền núi hoặc vùng bị cô lập tạm thời trong khi chờ bão lút rút hẳn. Chính vì vậy, chính quyền nhanh chóng triển khai hỗ trợ Nhân dân.
Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh để đảm bảo không xảy ra tình trạng thực phẩm không bảo đảm chất lượng ATTP lưu thông trên thị trường.
Nếu không may bị ngộ độc thực phẩm do sử dụng thực phẩm không đảm bảo, địa phương chủ động xử lý, khắc phục sự cố khi có ngộ độc thực phẩm, không để lan rộng trong cộng đồng.
Những ngày trong mùa mưa bão, người dân có thể dùng thực phẩm (nước tương, muối lạc…) để thay thế thức ăn từ động vật. Người dân có thể tận dụng bộ phận của cây chuối, mít non luộc chín ăn để thay thế rau xanh.
Sau mưa lũ, các địa phương cần nhanh chóng dọn vệ sinh môi trường, chôn lấp xác động vật, lau chùi nhà cửa bằng hóa chất tẩy rửa. Việc này có tác dụng lớn trong việc đề phòng ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm.
Song song với đó, mùa mưa bão sẽ dẫn đến việc vệ sinh thân thể sạch sẽ bị hạn chế khiến cho dễ mắc bệnh da liễu. Quần áo bị ẩm cần giặt, phơi khô…
Ngoài Cloramin B, người dân có thể dùng phèn chua, vôi để xử lý nguồn nước bị nhiễm bẩn. Sau 30 phút, cặn lắng xuống đáy có thể gạn lấy nước trong dùng nhưng vẫn phải đun sôi mới uống được.
Người dân nên thực hiện các biện pháp sau để bảo đảm ATTP mùa mưa bão:
Dự trữ và bảo quản lương thực, thực phẩm an toàn, cảnh giác với các nguy cơ gây ô nhiễm (ô nhiễm vi sinh, ô nhiễm hóa học, ô nhiễm vật lý);
Rửa tay sạch bằng xà phòng và nước (hoặc chất tẩy pha loãng) sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống và trước khi ăn;
Làm vệ sinh tất cả bề mặt, dụng cụ sử dụng trong quá trình chuẩn bị thực phẩm; Không chế biến thực phẩm trực tiếp trong môi trường nước bị ngập lụt;
Bảo vệ khu vực bếp và thực phẩm tránh khỏi các loại côn trùng, sâu bọ và các động vật khác;
Không sử dụng các loại thực phẩm đóng hộp bị ngâm trong nước, hoen rỉ, ngấm nước, bùn…;
Những người bị tiêu chảy hoặc có các biểu hiện khác phải tránh xa khu vực chế biến thực phẩm; phân và chất thải phải cách xa khu vực chuẩn bị thực phẩm (bếp và nhà vệ sinh phải riêng biệt).
Đặc biệt, mỗi gia đình nên có hộp thuốc gia đình trong đó dự trữ một số thuốc trị bệnh đường tiêu hóa và thuốc chữa bệnh ngoài da đã được bác sí hướng dẫn cách sử dụng. Điều này là vô cùng cần thiết đối với Nhân dân thường sống trong khu vực dễ bị tác động bởi mùa mưa bão, lũ lụt.
Sau mùa bão lũ, các gia đình khó khăn thường rơi vào tình trạng rất dễ làm liều, làm ẩu trong việc chế biến thực phẩm.
Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo để đảm bảo ATTP, người dân tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã ôi thiu, mốc hỏng; không sử dụng gia súc, gia cầm chết do ngập nước, do ngộ độc hoặc chết không rõ nguyên nhân để chế biến làm thực phẩm.
Báo Kinh tế đô thị (https://kinhtedothi.vn/phong-ngua-ngo-doc-thuc-pham-mua-mua-bao.html)
*Bộ Y tế đề nghị siết quản lý quỹ BHYT
Để bảo đảm quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) theo đúng quy định, Bộ Y tế đề nghị Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thực hiện thông báo số dự kiến chi cho cơ sở khám chữa bệnh (KCB) theo quy định.
Bộ Y tế đã có văn bản về việc nâng cao trách nhiệm quản lý, sử dụng quỹ BHYT gửi BHXH Việt Nam; Sở Y tế các tỉnh, TP; bệnh viện, viện có giường bệnh; y tế các bộ, ngành; Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam.
Bộ Y tế cho biết đã nhận được công văn số 1194/BHXH-CSYT của BHXH Việt Nam về việc cung cấp số chi KCB BHYT quý I/2024.
Theo đó, trong quý I/2024, số lượt KCB BHYT là 43.003.660 lượt, tăng 2.614.742 lượt, tương ứng 6,47% so với cùng kỳ năm 2023.
Số chi KCB BHYT quý I/2024 là 30.977 tỷ đồng (chưa bao gồm số chi KCB BHYT của BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH công an Nhân dân), tăng 4.019 tỷ đồng, tương ứng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Để bảo đảm quản lý và sử dụng quỹ BHYT theo đúng quy định của pháp luật, Bộ Y tế đề nghị BHXH Việt Nam thực hiện thông báo số dự kiến chi cho cơ sở KCB theo quy định.
Đồng thời, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, TP thông báo tình hình gia tăng chi phí KCB BHYT trên Cổng tiếp nhận dữ liệu thuộc Hệ thống thông tin giám định BHYT tới Sở Y tế, cơ sở KCB, để cảnh báo tới các cơ sở KCB về các chi phí gia tăng cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở cùng hạng, tuyến, chuyên khoa.
Đối với Sở Y tế các tỉnh, TP; y tế các bộ, ngành, Bộ Y tế đề nghị chỉ đạo các cơ sở KCB xây dựng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, trong đó có quy định tiêu chuẩn nhập viện điều trị nội trú phù hợp với yêu cầu chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực của bệnh viện.
Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở KCB BHYT và đơn vị mua sắm tập trung cấp tỉnh thực hiện nghiêm các quy định có liên quan đến mua sắm, đấu thầu để bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, hóa chất, vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Ngoài ra, các đơn vị phối hợp với BHXH cấp tỉnh thông báo tình hình gia tăng chi phí KCB BHYT trên Cổng tiếp nhận dữ liệu thuộc Hệ thống thông tin giám định BHYT tới cơ sở KCB để cảnh báo cho cơ sở KCB về các chi phí gia tăng cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở KCB cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa.
Báo Kinh tế đô thị (https://kinhtedothi.vn/bo-y-te-de-nghi-siet-quan-ly-quy-bhyt.html)
*Bảo đảm an toàn thực phẩm khu vực cổng trường
Những tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội kiểm tra và phát hiện hơn 3.700 vụ vi phạm an toàn thực phẩm, tăng 44% so với 6 tháng cuối năm 2023.
Chỉ riêng kiểm tra tại quận Bắc Từ Liêm, cơ quan chức năng đã phát hiện ở cổng Trường Tiểu học Đức Thắng và Trường Mầm non Sao Mai bày bán hơn 1.700 mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trong khi đó, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), có tới 70% - 80% thức ăn đường phố, bao gồm cả quà vặt trước cổng trường, được xác định là bị nhiễm khuẩn như Ecoli - loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả.
Nguyên nhân của những vi phạm nói trên là do công tác quản lý an toàn thực phẩm không đồng nhất, vẫn có sự đan xen, chồng chéo. Việc quản lý cơ sở sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ còn chưa hiệu quả; việc xử lý vi phạm còn chưa nghiêm. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh vẫn có thói quen chiều con trẻ bằng cách mua quà ăn vặt bán ở các hàng rong sau khi tan trường như "phần thưởng" mà không nghĩ đến những chất độc đang dần ngấm vào cơ thể con em mình...
Thời gian qua, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, giám sát những nơi tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhất là hàng rong trước cổng trường. Tuy nhiên, đến nay tình trạng kinh doanh ăn uống tự phát không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trước cổng trường học vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.
Trước thực tế này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đã ký ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND (ngày 11-7-2024) về chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Theo đó, thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học; đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện những quy định về an toàn thực phẩm; chủ động phòng ngừa ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm đối với học sinh.
Để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch số 210/KH-UBND, thời gian tới, các địa phương, cơ quan chức năng của thành phố cần giám sát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm tra, lưu mẫu thức ăn theo quy định; nghiêm cấm các cơ sở cung cấp thực phẩm không bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm đưa vào trường học.
Chính quyền địa phương và các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý của mình phải thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu những người bán hàng trước cổng trường học phải chế biến thức ăn sạch sẽ, hợp vệ sinh, bán thức ăn rõ nguồn gốc, thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm.
Trường hợp trẻ em ăn thực phẩm từ những người bán hàng rong bày bán trước cổng trường và bị ngộ độc thực phẩm, người bán hàng rong phải chịu trách nhiệm. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thực tế mà người bán hàng rong có thể bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với sự cố về ngộ độc thực phẩm mà mình gây ra.
Các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội cần có quy định cấm ăn quà trước cổng trường, phổ biến đến học sinh và các bậc phụ huynh ngay từ đầu năm học, đồng thời thực hiện việc đóng cổng trường giờ ra chơi. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh kiến thức về an toàn thực phẩm, kiên quyết nói không với các thực phẩm “bẩn”, thực phẩm không rõ nguồn gốc bày bán trước cổng trường.
Báo Hà Nội mới (https://hanoimoi.vn/bao-dam-an-toan-thuc-pham-khu-vuc-cong-truong-672857.html)
*Nhiễm virus Herpes sau khi xăm làm đẹp
Chỉ sau một ngày làm đẹp vùng kín tại spa, nữ bệnh nhân đến bệnh viện khám vì tình trạng bỏng rát, đi lại khó khăn
Ngày 23-7, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hữu Quang, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết nữ bệnh nhân 30 tuổi (ở Hà Nội) đến viện khám, chỉ sau một ngày đi xăm hồng nhũ hoa và làm đẹp vùng kín.
Nữ bệnh nhân đến viện sau vài ngày có cảm giác đau rát, sưng nóng vùng kín đến mức khó đi lại.
Bệnh nhân cho biết vì quầng nhũ hoa và vùng kín bị thâm, nên khi biết đến dịch vụ làm hồng, giảm thâm, cô đã tìm hiểu trên mạng và đến một cơ sở làm đẹp tại Hà Nội để xăm làm hồng. Tuy nhiên, chỉ sau xăm một ngày cô xuất hiện tình trạng nói trên.
Bác sĩ Quang cho biết tình trạng của bệnh nhân không quá nghiêm trọng, nhưng đây là một trong những biến chứng thường gặp sau xăm, hoàn toàn có thể dự phòng, phát hiện sớm hơn. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm virus Herpes/bội nhiễm vi khuẩn.
Theo bác sĩ Quang, làm đẹp là nhu cầu chính đáng của chị em. Tuy nhiên, sau xăm có thể gặp các biến chứng như viêm da tiếp xúc dị ứng hay kích ứng với mực xăm, nhiễm virus Herpes, nhiễm khuẩn. Người bệnh thường có các triệu chứng như sưng nóng, đỏ, đau rát, châm chích hay mưng mủ tạo thành các ổ áp xe.
Do đó, khi đi làm đẹp, mọi người cần đến các cơ sở có chuyên môn, uy tín, có đầy đủ trang thiết bị và đảm bảo sạch sẽ vô khuẩn, được cấp phép hoạt động để giảm thiểu các nguy cơ tai biến khi làm đẹp.
Báo Người lao động (https://nld.com.vn/nhiem-virus-herpes-sau-khi-xam-lam-dep-196240723174247858.htm)