*Hà Nội nâng cao quản lý ATTP tại các trường có bếp ăn bán trú
Chiều 23/8, Phòng GD& ĐT quận Hai Bà Trưng phối hợp với Trung tâm Y tế (TTYT) quận tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao nghiệp vụ về quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) cho các trường có bếp ăn bán trú.
Bác sĩ Trần Thị Phương Anh – Phó Giám đốc TTYT quận Hai Bà Trưng cho biết, hằng năm, TTYT quận phối hợp với Phòng GD& ĐT triển khai tập huấn liên tục, thường xuyên và cập nhật mới những quy định, kiến thức về công tác bảo đảm ATTP.
Mục đích của lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý đảm bảo chất lượng ATTP và kiến thức, thực hành đúng về ATTP của các nhà trường, đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm để tăng cường phòng chống ngộ độc thức ăn, hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm xảy ra tại các bếp ăn tập thể trường học.
Theo đó, tại lớp tập huấn, hơn 100 học viên là đại diện ban giám hiệu các trường học, cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm cũng như trong quá trình hoạt động của các bếp ăn bán trú tại các trường học công lập trên địa bàn quận Hai Bà Trưng tham dự.
Tại buổi tập huấn, các học viên tham gia lớp tập huấn đã được bác sĩ Nguyễn Văn Huynh – Phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội trao đổi nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế về công tác ATTP tại các bếp ăn bán trú trường học để áp dụng trong quá trình cung cấp, sử dụng bếp ăn tập thể và cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh.
Đồng thời đại diện các trường học đã có cơ hội trao đổi và hỏi đáp các vấn đề về những kiến thức cơ bản, quy định ATTP tại các trường có bếp ăn bán trú.
Bếp ăn tập thể trường học cần đảm bảo ATTP trong suốt chuỗi cung cấp thức ăn (sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thức ăn tại bếp ăn tập thể); nâng cao kiến thức và thực hành về ATTP cho người quản lý, chế biến thức ăn và cho người tiêu dùng tại bếp ăn tập thể.
Công tác kiểm tra, giám sát ATTP thường xuyên trong chế biến, bảo quản và sử dụng thức ăn tại bếp ăn tập thể; lưu mẫu thức ăn theo quy định; lưu trữ các dữ liệu về bảo đảm ATTP tại bếp ăn tập thể (nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, thực phẩm đã chế biến, hồ sơ sức khỏe, kế hoạch, báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát ATTP...). Các trường cần xây dựng phương án xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Đại diện Phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng nhấn mạnh, các nhà trường cần ký hợp đồng nhập thực phẩm từ các cơ sở cung ứng thực phẩm, có chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở áp dụng "Thực hành nông nghiệp tốt - GAP"; Viet GAP, cơ sở kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Việc kiểm soát nguyên liệu thực phẩm tại nơi sản xuất vùng nguyên liệu (vùng trồng trọt và chăn nuôi) là rất quan trọng. Khi tiếp nhận nguyên liệu, nhà trường cần có chứng chi (thẻ hàng) của bên cung cấp và kiểm tra nguyên liệu khi nhập như: thực hiện kiểm thực 3 bước (trước khi nhập, trước khi nấu và trước khi ăn); kiểm tra bằng cảm quan và test nhanh (Rapid test...).
Qua buổi tập huấn, các học viên đã được cung cấp các kiến thức về các quy tắc bảo đảm ATTP; tuyên truyền, phổ biến nghiệp vụ các văn bản pháp luật về công tác ATTP tại các trường học năm 2024; góp phần nâng cao ý thức bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các trường học, đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của các học sinh.
(https://kinhtedothi.vn/ha-noi-nang-cao-quan-ly-attp-tai-cac-truong-co-bep-an-ban-tru.html)
*Mạnh tay xử lý cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Từ đầu năm đến nay, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm.
Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuy lớn nhưng nhỏ lẻ, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm. Để hạn chế các vụ ngộ độc, các ngành chức năng kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Số lượng lớn, quy mô nhỏ lẻ
Trưởng phòng Y tế thị xã Sơn Tây Phạm Hùng Sơn thông tin, trên địa bàn thị xã có 1.719 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; 4 siêu thị và 10 chợ. Trong đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực y tế quản lý là 741 cơ sở (12 cơ sở sản xuất, 601 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 128 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố). Để không xảy ra ngộ độc thực phẩm, từ đầu năm đến nay, thị xã và các xã, phường đã thành lập các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm liên ngành và chuyên ngành, đoàn giám sát an toàn thực phẩm, tăng cường kiểm soát thực phẩm lưu thông trên thị trường và các loại thực phẩm có mức tiêu thụ cao. Theo đó, các đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra, giám sát được 1.270 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xử lý vi phạm 24 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 216 triệu đồng.
Tương tự, Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Trì Trần Văn Trung cho biết, trên địa bàn huyện có tổng số 6.874 cơ sở thực phẩm, trong đó, ngành Y tế quản lý 1.604 cơ sở. Từ đầu năm đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã kiểm tra 1.111 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xử phạt hành chính 33 cơ sở với số tiền 177,79 triệu đồng. Qua kiểm tra thực tế, cơ bản các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành điều kiện về an toàn thực phẩm; nhận thức tốt hơn quy định bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, một số cơ sở vi phạm quy định về hành vi sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; không có ủng hoặc giày, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Nguyên nhân xảy ra vi phạm là do trên địa bàn các huyện, thị xã còn nhiều hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, địa điểm sản xuất, kinh doanh không cố định, chưa đăng ký kinh doanh. Một số cơ sở tạm dừng, thậm chí có những cơ sở ngừng hoạt động, nhưng không báo chính quyền địa phương và cơ quan quản lý chuyên môn nên khó khăn cho công tác thống kê, theo dõi, quản lý. Nguồn nhân lực phụ trách công tác an toàn thực phẩm tuyến huyện và xã, thị trấn còn làm việc theo chế độ kiêm nhiệm hoặc luân chuyển, nghỉ việc nên gặp khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Đồng thời, việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, đặc biệt trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý. Nhận thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm về an toàn thực phẩm có chuyển biến nhưng còn hạn chế; ý thức lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng còn tùy tiện, dễ dãi, tạo điều kiện cho thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường; trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhất là quy mô nhỏ lẻ đối với sức khỏe cộng đồng chưa cao…
Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm
Hiện nay, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm tuy chuyển biến tích cực nhưng vẫn xuất hiện tình trạng vi phạm. Từ nay đến cuối năm, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao. Để giám sát chặt chẽ an toàn thực phẩm, theo Trưởng phòng Y tế huyện Gia Lâm Bùi Thu Hường, huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân và các tổ chức, cá nhân về an toàn thực phẩm; chú trọng lựa chọn nội dung, chủ đề, chủ điểm, hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp từng nhóm đối tượng. Cùng với đó, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, chú trọng kiểm tra bếp ăn tập thể; kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm; thông báo công khai kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết và giám sát…
Còn Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Tráng cho biết, từ nay đến cuối năm, huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan, như: Phòng Kinh tế, Đội Quản lý thị trường số 23, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện… tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Huyện đang triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Trung thu năm 2024; phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội tổ chức lớp tập huấn cho Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm các cấp; cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; người quản lý và trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, căng tin trong trường học.
Từ nay đến cuối năm, nhu cầu sử dụng thực phẩm tươi sống, thức ăn đường phố ở các nhà hàng ăn uống, bữa ăn đông người, bếp ăn tập thể, khu du lịch… có xu hướng tăng cao. Để không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, các địa phương cần tăng cường phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình. Đặc biệt, các địa phương chú trọng biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người.
(https://hanoimoi.vn/manh-tay-xu-ly-co-so-vi-pham-an-toan-thuc-pham-675708.html)
*Huyện Quốc Oai bảo đảm an toàn thực phẩm trường học
Thời gian qua, huyện Quốc Oai đẩy mạnh kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học nhằm chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tại cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Trưởng phòng Y tế huyện Quốc Oai Hoàng Minh Tưởng thông tin, trên địa bàn huyện hiện có 79 trường học và các nhóm trẻ có tổ chức bữa ăn bán trú, trong đó có 30 trường mầm non, 22 nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập tư thục, 26 trường tiểu học và 1 trường liên cấp. Nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm về an toàn thực phẩm, huyện Quốc Oai đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong bảo đảm an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học; đề cao vai trò, trách nhiệm các cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong thực hiện quy định về an toàn thực phẩm.
Từ đầu năm đến nay, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các trường học được thực hiện thường xuyên, không xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm đông người, đặc biệt là trong các bếp ăn tập thể trường học. Đến nay, 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn đều có hợp đồng với cơ sở cung cấp thực phẩm có hồ sơ pháp lý theo quy định, 97/107 đơn vị thực hiện xét nghiệm nguồn nước ăn uống, sinh hoạt. Ngoài ra, các bếp ăn tập thể của các trường học được bố trí khoa học, không có nguồn gây ô nhiễm thực phẩm, phần lớn được bố trí theo nguyên tắc một chiều, bếp ăn được vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng, thức ăn được lưu mẫu 24 giờ, có sổ ghi chép kiểm thực 3 bước đầy đủ, bảo đảm theo quy định.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, ngay từ đầu năm học 2024-2025, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai Nguyễn Khắc Thắng cho biết, phòng đã yêu cầu các nhà trường thực hiện đầy đủ quy định về an toàn thực phẩm, liên tục tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên và học sinh về an toàn thực phẩm. Theo đó, 100% số nhà trường có bếp ăn tập thể tổ chức tập huấn về an toàn thực phẩm; phấn đấu 100% số cán bộ quản lý, giáo viên, người trực tiếp liên quan đến thực phẩm, nhân viên nuôi dưỡng có kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm được cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; cũng như được khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm theo quy định.
Tuy nhiên, việc bảo đảm an toàn thực phẩm còn khó khăn, nhất là hoạt động của dịch vụ ăn uống xung quanh trường học. Do đó, để bảo đảm an toàn thực phẩm khu vực học đường, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng đề nghị, các xã, thị trấn, cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm cho cán bộ, giáo viên, học sinh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể; truy xuất nguồn gốc thực phẩm hằng ngày cung cấp cho cơ sở giáo dục, dịch vụ ăn uống khu vực trường học, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Các cơ sở giáo dục cung cấp đầy đủ thông tin danh sách cơ sở kinh doanh cung cấp nguyên liệu chế biến thực phẩm, cung cấp suất ăn sẵn bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, các nhà trường chỉ đạo thống nhất hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị phối hợp cung cấp suất ăn, nguyên liệu chế biến thực phẩm trên cơ sở bảo đảm quyền lợi cho học sinh tại bữa ăn học đường, bảo đảm an toàn thực phẩm và dinh dưỡng, rõ trách nhiệm các bên; nghiêm cấm cơ sở cung cấp thực phẩm không bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm khi đưa vào trường học. Mặt khác, các trường học tăng cường vệ sinh môi trường, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm Kế hoạch “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong trường học và xung quanh cổng trường học”.
(https://hanoimoi.vn/huyen-quoc-oai-bao-dam-an-toan-thuc-pham-truong-hoc-675716.html)
*Bộ Y tế yêu cầu 'lấy người bệnh là trung tâm' với tinh thần lắng nghe, cầu thị trong chăm sóc, điều trị
Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng nhằm cung ứng dịch vụ y tế an toàn, chất lượng, hiệu quả cho người bệnh; Rà soát giảm thiểu các thủ tục hành chính gây phiền hà với người bệnh; Thực hiện nghiêm công khai số điện thoại đường dây nóng của Bệnh viện và của Bộ Y tế...
Hôm nay 24/8, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Chỉ thị số 06 về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đã xảy ra một số vụ việc gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của ngành Y tế
Theo Chỉ thị của Bộ Y tế, thời gian qua, công tác khám bệnh, chữa bệnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh phục hồi đáng kể so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19.
Nhiều kỹ thuật y học tiên tiến được các bệnh viện ứng dụng, triển khai và đạt hiệu quả cao. Tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế cơ bản được khắc phục ở các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc. Phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế có nhiều đổi mới.
Bộ Y tế ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực vượt khó của các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tại các bệnh viện để duy trì, bảo đảm hiệu quả công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; đáp ứng niềm tin của nhân dân đối với ngành Y tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành Y tế còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự gia tăng số người đến khám, chữa bệnh sau đại dịch, tập trung ở các bệnh viện trung ương, tuyến cuối dẫn đến tình trạng quá tải, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ và dễ nảy sinh tiêu cực; gần đây xảy ra một số vụ việc mang tính chất riêng lẻ nhưng gây dư luận không tốt ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của ngành Y tế.
Để khắc phục các tồn tại và tiếp tục tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, sự hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh và phục vụ tốt hơn công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị Giám đốc Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện trực thuộc Trường Đại học, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạoTiếp tục quán triệt Quy tắc ứng xử, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, quy định chuyên môn của nhân viên y tế; tăng cường tổ chức tập huấn các kỹ năng giao tiếp, ứng xử và chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện phương châm "Lấy người bệnh là trung tâm", với tinh thần lắng nghe, cầu thị trong chăm sóc, điều trị người bệnh.
Rà soát giảm thiểu các thủ tục hành chính gây phiền hà đối với người bệnh
Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện trực thuộc Trường Đại học, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát và chấn chỉnh hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Định kỳ triển khai kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy trình về quản lý chất lượng bệnh viện; việc thực hiện các quy trình, quy định nội bộ của bệnh viện; đồng thời nhắc nhở và xử lý đối với các cá nhân, đơn vị không tuân thủ.
Xác định công tác quản lý chất lượng bệnh viện là nền tảng chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch và kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác quản lý chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh theo hướng dẫn tại Thông tư số 19/2013/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện;
Bám sát các tiêu chí tại Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016 của Bộ Y tế về việc ban hành Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam; triển khai thực hiện Quyết định số 56/QĐ-BYT ngày 08/01/2024 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn về phương pháp đo lường hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công giai đoạn 2024-2030 và các hướng dẫn, quy định khác của Bộ Y tế để cải tiến, nâng cao chất lượng nhằm cung ứng dịch vụ y tế an toàn, chất lượng, hiệu quả, đem lại sự hài lòng cho người bệnh, người dân và nhân viên y tế.
Đồng thời thực hiện nghiêm việc công khai số điện thoại đường dây nóng bệnh viện, số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và những thông tin cần thiết phải công khai theo quy định; niêm yết tại nơi người bệnh, người nhà người bệnh dễ thấy, dễ tiếp cận để kịp thời nắm bắt các ý kiến phản hồi, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người bệnh.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong triển khai thực hiện các quy trình khám, chữa bệnh; thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, rà soát giảm thiểu các thủ tục hành chính gây phiền hà đối với người bệnh.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Giám đốc Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện trực thuộc Trường Đại học, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động nắm bắt, cung cấp và xử lý thông tin để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, vụ việc phát sinh trong thực thi nhiệm vụ.
Đẩy mạnh thông tin, truyền thông các thành tựu; các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong triển khai công tác khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường truyền thông trên mạng xã hội; chú trọng truyền thông nội bộ phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo.
Bên cạnh đó phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật trên địa bàn tổ chức triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế trong quá trình thực thi nhiệm vụ; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoặc cố tình tung tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến niềm tin của người bệnh, người dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tiếp tục chủ động triển khai mua sắm, đấu thầu theo quy định; bảo đảm đủ thuốc, thiết bị y tế cho công tác khám bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân;
Nghiên cứu, đề xuất, triển khai các giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân viên y tế, nhất là về chế độ đãi ngộ và có các hình thức thi đua - khen thưởng phù hợp để kịp thời động viên, khuyến khích nhân viên y tế.
(https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-yeu-cau-lay-nguoi-benh-la-trung-tam-voi-tinh-than-lang-nghe-cau-thi-trong-cham-soc-dieu-tri-169240824141937829.htm)
Cùng nội dung thông tin:
*Tăng cường quản lý, nâng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh
(https://kinhtedothi.vn/tang-cuong-quan-ly-nang-chat-luong-dich-vu-kham-chua-benh.html)
*Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế lắng nghe, cầu thị trong chăm sóc, điều trị
(https://nhandan.vn/bo-y-te-yeu-cau-cac-co-so-y-te-lang-nghe-cau-thi-trong-cham-soc-dieu-tri-post826578.html)
*Bộ Y tế ra chỉ thị sau nhiều vụ lùm xùm trong khám chữa bệnh
(https://laodong.vn/y-te/bo-y-te-ra-chi-thi-sau-nhieu-vu-lum-xum-trong-kham-chua-benh-1384188.ldo)
*Bộ Y tế: Tình trạng quá tải bệnh viện tuyến cuối dễ nảy sinh tiêu cực
(https://dantri.com.vn/suc-khoe/bo-y-te-tinh-trang-qua-tai-benh-vien-tuyen-cuoi-de-nay-sinh-tieu-cuc-20240824174436643.htm)
*Bù lấp khoảng trống tiêm chủng
Thời gian qua, công tác tiêm chủng vẫn còn gặp nhiều khó khăn thách thức. Đại dịch COVID-19 vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến tỉ lệ tiêm chủng.
Theo Bộ Y tế, thời điểm hiện nay, cả nước đang bước vào năm học mới, học sinh các cấp đang quay trở lại trường học; có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng: Ngành y tế cần chuẩn bị đầy đủ vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm đủ mũi, đúng lịch cho trẻ em. Phải tiêm vét, tiêm bù với những trẻ thiếu mũi, bỏ mũi.
Bệnh sởi đã được khống chế bằng vaccine nhưng thời gian qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều trẻ không được tiêm chủng, vì thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng vì vậy nhiều trẻ không có miễn dịch.
Sởi có chu kỳ 4-5 năm sẽ bùng một đợt dịch lớn. Dù tỉ lệ tiêm vaccine sởi cao (90-95%) thì vẫn còn 5-10% trẻ không được tiêm vaccine. Tích lũy 5 năm sẽ có 50% trẻ sinh ra trong 1 năm có nguy cơ mắc sởi và như vậy con số mắc tuyệt đối rất cao vì khả năng lây lan của sởi là rất mạnh, có thể nói những ai chưa được tiêm chủng mà tiếp xúc với bệnh nhân sởi đều có thể bị lây bệnh.
Năm 2014 và 2019 là hai chu kỳ dịch sởi bùng phát mạnh, đặc biệt năm 2014 đã có hơn 100 trẻ tử vong vì căn bệnh này.
Năm 2024 theo chu kỳ 5 năm, có thể bùng phát dịch. Để phòng bệnh, bên cạnh nhóm tiêm đúng lịch (mũi 1 lúc 9 tháng tuổi và mũi nhắc lại lúc 18 tháng tuổi), ngành Y tế cần có kế hoạch tổ chức tiêm vét, tiêm bù cho những trẻ chưa được tiêm, đặc biệt chú ý đến vùng lõm tiêm chủng.
Về nguyên nhân dẫn đến một số bệnh truyền nhiễm theo ông Phu một phần là do vấn đề tiêm vaccine còn "khoảng trống", miễn dịch cộng đồng giảm, dịch bệnh gia tăng.
Ngành Y tế cần khuyến cáo tuyên truyền cho người dân hiểu biết các biện pháp phòng bệnh, bệnh nào có công thức để phòng bệnh đó.
Bên cạnh đó, cần có kế hoạch tiêm vaccine đầy đủ những mũi cơ bản và tuân thủ tiêm nhắc lại. Thời gian qua do thiếu vaccine vì dịch COVID-19 thì hiện nay và thời gian tới cần phải tiêm vét, tiêm bù.
Về việc nhiều trẻ đã tiêm đủ mũi vaccine nhưng vẫn có thể mắc bệnh theo PGS Trần Đắc Phu, là chuyện khá bình thường vì vaccine đạt hiệu quả ở mức độ nhất định.
Sở dĩ như vậy là bởi tác dụng của vaccine cao nhất chỉ đạt hiệu quả 90%, còn 10% vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh, chưa kể có vaccine chỉ đạt hiệu quả 70-80%. Nhưng người đã tiêm vaccine phòng bệnh, khi mắc bệnh sẽ nhẹ hơn.
Đặc biệt, với vaccine phải tiêm nhắc lại, người dân cần ghi nhớ lịch để tiêm đủ mũi, đủ liều. Ngoài ra y tế các địa phương cần rà soát danh sách trẻ nào chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi thì vận động để phụ huynh đưa con đi tiêm vét để hạn chế tối đa các "khoảng trống" tiêm chủng.
Bộ Y tế vừa phát động các hoạt động hưởng ứng "Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024" với chủ đề "Chung tay tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh vì một Việt Nam khỏe mạnh" và phát động triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi.
(https://laodong.vn/y-te/bu-lap-khoang-trong-tiem-chung-1384314.ldo)
*Người phụ nữ Hà Nội bất ngờ khi biết đang mang thai 32 tuần
Thấy vùng ngực tiết dịch lạ, người phụ nữ 34 tuổi ở Hà Nội đi khám, bất ngờ phát hiện mang thai 32 tuần mà không hề biết. Trước đó, vì nghĩ tăng cân, béo bụng, chị còn ra sức tập thể dục.
Ngày 24/8, trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Nguyễn Trung Đạo, khoa Sản bệnh (A4), Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết thai phụ đến khám cách đây vài ngày. Kết quả siêu âm ghi nhận chị đang mang thai 32 tuần 4 ngày, thai nhi nặng 2,2kg, dự sinh vào giữa tháng 10.
Nói với bác sĩ, bệnh nhân cho biết đã sinh mổ 2 con (một trai, một gái) và không có ý định sinh thêm. Tiền sử bệnh nhân bị buồng trứng đa nang, nghĩ khó có thai nên khi thấy tăng cân chị nghĩ là do béo. Hơn nữa, bệnh lý cũng khiến chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ này không đều.
Gần đây, khi thấy ngực tiết dịch lạ ra như sữa, chị đi khám, bác sĩ chia sẻ đó là dịch của tuyến vú khi mang thai. Khi chia sẻ thấy bụng gồ lên, nghi "có vấn đề", chị đề nghị khám thêm, không ngờ phát hiện thai nhi hơn 32 tuần, tim thai khoẻ mạnh.
"Bệnh nhân chia sẻ có thấy bụng động đậy, gồ lên, nhưng chưa từng nghĩ là có thai. Trước đó, chị vẫn đi tập thể dục để giảm cân, uống thuốc điều trị sốt xuất huyết. Khi đến khám, bệnh nhân nặng gần 70kg", bác sĩ Đạo cho hay.
Nghe bác sĩ thông báo có bầu sắp sinh, chị rất bàng hoàng. Bác sĩ Đạo khuyên thai phụ xét nghiệm máu xác định một số chỉ số quan trọng, bổ sung sắt, canxi và các vi chất cần thiết, khám lại sau 2 tuần.
Hồi tháng 3, bác sĩ Đạo cũng chia sẻ trường hợp 28 tuổi trú tại Hà Nội, chưa lập gia đình, chưa từng sinh con, đến bệnh viện thăm khám lần đầu mới biết mang bầu 35 tuần.
Theo bác sĩ Đạo, nhiều người phát hiện có thai muộn song chỉ khoảng dưới 20 tuần. "Dù vẫn có những trường hợp 'sinh con mới biết mang bầu' nhưng đó là trường hợp học sinh cấp 2, đang tuổi dậy thì, thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, sinh lý hoặc sợ hãi không dám nói với gia đình", bác sĩ Đạo nói.
Vì thế, trường hợp gần 30 tuổi hay người đã từng mổ đẻ nhưng mang thai tới gần lúc sinh mà không hề biết là rất hy hữu.
Các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ dù ở tuổi nào khi bị mất kinh bất thường, rối loạn kinh nguyệt nên đi khám sớm để xác định tình trạng sức khoẻ, phát hiện nguyên nhân khiến chu kỳ kinh không đều, đặc biệt xác định có thai hay không, vị trí, tình trạng thai nhi và sức khỏe của mẹ.
(https://vietnamnet.vn/di-kham-nguc-tiet-dich-la-nguoi-phu-nu-ha-noi-bat-ngo-khi-biet-co-thai-32-tuan-2315087.html)