* Chưa hết nỗi lo an toàn thực phẩm trường học
Sau bữa liên hoan Tết Trung thu năm 2024, 72 học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang) được đưa đến bệnh viện, trong đó 29 em có các triệu chứng ngộ độc thực phẩm, đau đầu hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng đi ngoài…
Vụ việc này xảy ra khi năm học mới vừa bắt đầu lại một lần nữa làm dấy lên nỗi lo về tình trạng mất vệ sinh, an toàn thực phẩm tại trường học.
Nhập viện sau bữa liên hoan
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đề nghị Sở Y tế tỉnh Hà Giang tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở cung cấp thực phẩm có nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Xín Mần khiến nhiều học sinh phải nhập viện vì có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và chóng mặt sau tiệc liên hoan Tết Trung thu tại trường. Đồng thời, tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho cơ sở chế biến nghi ngờ gây ngộ độc; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Trước đó, vào tối 15-9, tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Xín Mần, tập thể khối trung học cơ sở gồm 300 học sinh tổ chức liên hoan Tết Trung thu. Sau khi ăn xong khoảng 15 phút, nhiều em học sinh có biểu hiện buồn nôn, bủn rủn chân tay và đau bụng vùng quanh rốn. Ngay sau đó, các em được thầy, cô giáo đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện khám và điều trị. Tính đến 10h ngày 17-9, Bệnh viện Đa khoa huyện Xín Mần đã tiếp nhận 72 học sinh, trong đó có 29 em có các triệu chứng ngộ độc thực phẩm, đau đầu hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng đi ngoài, không sốt.
Ngoài sự việc trên, Cục An toàn thực phẩm cũng nhận được thông tin phản ánh về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường Trung học cơ sở Tôn Đức Thắng (thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai), trong đó có khoảng 21 học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và chóng mặt sau khi ăn thực phẩm trong tiệc liên hoan Tết Trung thu tổ chức tại lớp 7/1. Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm đã đề nghị Sở Y tế tỉnh Gia Lai tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở cung cấp thực phẩm có nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm và điều tra nguyên nhân; nếu phát hiện vi phạm quy định về an toàn thực phẩm phải xử lý nghiêm, công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, chỉ riêng trong tháng 8-2024, cả nước đã xảy ra 15 vụ ngộ độc thực phẩm với 503 người bị ngộ độc, trong đó có 1 người tử vong. Như vậy, tính chung trong 8 tháng đầu năm 2024, cả nước đã có 77 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.164 người bị ngộ độc, trong đó có 10 người tử vong.
Cục An toàn thực phẩm đánh giá, trong thời gian vừa qua, công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn tồn tại nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là tại bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học... Nguyên nhân là không tuân thủ các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm, trong đó có việc chưa kiểm soát chặt nguồn gốc nguyên liệu, nhận thức của người chế biến còn hạn chế...
An toàn, chất lượng bữa ăn học đường
Để ngăn ngừa các vụ ngộ độc tập thể xảy ra, Bộ Y tế đề nghị sở y tế, cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố tăng cường công tác liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại trường học... Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, chính vì vậy, việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học luôn được các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong cho biết, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học là vô cùng quan trọng bởi có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sự phát triển thể chất và trí tuệ của thế hệ trẻ. Do đó, Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh công tác quản lý an toàn thực phẩm trường học; phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học.
“Trong năm học 2024-2025, thành phố bắt đầu triển khai kế hoạch chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội”. Tại kế hoạch này, thành phố chú trọng triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn”, ông Đặng Thanh Phong thông tin.
Cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, các chuyên gia cho rằng, để giảm thiểu ngộ độc tập thể, các trường học cần tăng cường giám sát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào hằng ngày. Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại đơn vị ký hợp đồng cung cấp cho nhà trường.
Bên cạnh đó, người dân, nhất là phụ huynh học sinh, khi phát hiện thấy hàng quán không bảo đảm an toàn thực phẩm trước cổng trường hoặc phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm, cần thông tin đến cơ quan chức năng để cùng vào cuộc xác minh, xử lý.
https://hanoimoi.vn/chua-het-noi-lo-an-toan-thuc-pham-truong-hoc-679120.html
* Đảm bảo quyền lợi của người dân trong bão lũ
Ảnh hưởng từ cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Trong điều kiện giao thông bị gián đoạn do nhiều tuyến phố ngập sâu, cây cối, cột điện gãy đổ làm gián đoạn hoạt động của một số cơ sở khám chữa bệnh. Trước tình hình đó, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội đã phối hợp với BHXH các địa phương và các cơ sở y tế cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi trong việc điều trị cho bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT).
Đảm bảo tối đa quyền lợi cho người dân
BHXH thành phố Hà Nội cho biết: Nhằm đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cho người dân, BHXH Thành phố đang tích cực phối hợp với BHXH các tỉnh, thành phố xác minh thông tin đối với những trường hợp gặp nạn do lũ quét, sạt lở đất do cơn bão số 3 gây ra, đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Đây đều là những bệnh nhân nặng, không có giấy tờ tùy thân, không thẻ BHYT…
Là tuyến cuối về ngoại khoa, gần đây, mỗi ngày Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phải tiếp nhận điều trị cho những nạn nhân bị thương do bão lũ, trong đó có nhiều ca bệnh nặng, nhiều ca bệnh không có giấy tờ tùy thân, không có thẻ BHYT. Để đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người dân, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có công văn gửi BHXH thành phố Hà Nội về việc phối hợp xác minh thông tin các trường hợp không có giấy tờ tùy thân, không thẻ BHYT, bệnh nặng.... Ngay khi tiếp nhận thông tin, BHXH thành phố Hà Nội đã khẩn trương phối hợp Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức xác minh thông tin của 112 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện, trong đó có 81 bệnh nhân có thẻ BHYT và 31 bệnh nhân chưa xác định thông tin.
Để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia BHYT, BHXH thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn khẩn gửi BHXH các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc; đề nghị BHXH các địa phương phối hợp, hỗ trợ xác minh thông tin về thẻ BHYT đối với những trường hợp trên, để BHXH thành phố Hà Nội có cơ sở thanh toán chi phí điều trị và báo cáo BHXH Việt Nam.
Đảm bảo thủ tục nhanh nhất, đơn giản nhất
Tại thành phố Hà Nội, trong thời gian Bệnh viện Hòe Nhai cơ sở 2 (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) bị ngập sâu do mực nước sông Hồng dâng cao, 159 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại đây đã được kịp thời chuyển đến những bệnh viện khác như: Bệnh viện Thận Hà Nội, Bệnh viện Xanh Pôn… để tiếp tục điều trị mà vẫn đảm bảo quyền lợi thanh toán BHYT cũng như không cần Giấy chuyển viện. Sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời của các cấp, các ngành, trong đó có cơ quan BHXH khiến bệnh nhân BHYT hài lòng và yên tâm điều trị tại cơ sở mới.
Ông Lê Văn Sinh (74 tuổi, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa) là một trong những bệnh nhân được di chuyển khẩn cấp vào ngày 11/9 - khi nước sông Hồng dâng cao, gây ngập nặng tại Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai cơ sở 2 cho biết: “Tôi đã chạy thận ở đây suốt 11 năm. Khi thấy nước dâng, các y bác sĩ đã nhanh chóng đưa tôi ra khỏi bệnh viện, rồi di chuyển thẳng tới Bệnh viện Thận Hà Nội để tiếp tục điều trị. Mọi thủ tục BHYT đều được giải quyết nhanh chóng, khiến tôi thực sự an tâm”.
Đối mặt với căn bệnh đái tháo đường trong suốt 25 năm và hiện đang phải chạy thận định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai cơ sở 2, bà Hoàng Thị Hải Yến (60 tuổi, quận Ba Đình) cho biết, khi nước lũ dâng, bà được cơ quan BHXH tạo điều kiện chuyển đến Bệnh viện Thận Hà Nội và được y bác sĩ của Bệnh viện Hòe Nhai và Bệnh viện Thận Hà Nội phối hợp điều trị, đảm bảo quyền lợi.
Là một trong những người trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân thận nhân tạo ở Bệnh viện Hòe Nhai, Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết - Phó Trưởng khoa Thận nhân tạo cho biết: “Bệnh viện đang điều trị thường xuyên cho 159 bệnh nhân thận nhân tạo. Mỗi tuần, bệnh nhân phải đến bệnh viện 3 lần để lọc máu và lấy thuốc, với chi phí trung bình mỗi bệnh nhân khoảng 10 triệu đồng/tháng; chưa kể nhiều bệnh nhân tuổi cao, mắc nhiều bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp… khiến chi phí điều trị rất lớn. Vì vậy, với họ, BHYT thực sự là cứu cánh quan trọng”.
Trong bối cảnh nước lũ gây ngập sâu, Bệnh viện Hòe Nhai vừa phải nỗ lực bảo vệ tài sản, máy móc, trang thiết bị y tế; vừa khẩn trương di chuyển bệnh nhân lên tầng trên hoặc phối hợp với Sở Y tế Hà Nội chuyển bệnh nhân đến những bệnh viện khác để đảm bảo việc điều trị không bị gián đoạn. Hiện nay, công tác khám chữa bệnh đang dần trở lại bình thường; dự kiến sau ngày 23/9, Khoa Thận nhân tạo sẽ tiếp tục đón toàn bộ bệnh nhân trở lại điều trị.
Trao đổi về những giải pháp hỗ trợ bệnh nhân BHYT, bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng Phòng Truyền thông BHXH thành phố Hà Nội cho biết: Ngay sau cơn bão số 3 gây ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, để đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia BHYT, BHXH thành phố Hà Nội đã có văn bản đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi cho người tham gia BHYT khi đến khám chữa bệnh. Đồng thời, kịp thời giải quyết các vướng mắc về thủ tục khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo tất cả người bệnh được khám chữa bệnh thuận lợi và nhanh nhất, không yêu cầu người bệnh phải xin Giấy chuyển tuyến trong trường hợp tình trạng bệnh là cấp cứu.
Trường hợp mất điện hoặc không có mạng internet, thì cập nhật dữ liệu trên sổ sách để cập nhật lên Hệ thống sau; ưu tiên khám chữa bệnh đối với người bị bệnh hiểm nghèo, nguy cấp hoặc tai nạn, bị thương đến từ vùng ảnh hưởng của bão lũ.
Đồng thời, BHXH Thành phố cũng đề nghị các cơ sở y tế đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh BHYT (mua sắm trực tiếp, điều chuyển thuốc...); tuyệt đối không để người bệnh tự mua thuốc, thiết bị y tế thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT trong quá trình điều trị; kịp thời chuyển ngay bệnh nhân lên tuyến trên trong trường hợp cơ sở khám chữa bệnh không đáp ứng yêu cầu chuyên môn.
“Lãnh đạo BHXH thành phố Hà Nội đã yêu cầu các phòng nghiệp vụ, BHXH các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo người dân, người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi về BHXH, khám chữa bệnh BHYT với thủ tục nhanh nhất, đơn giản nhất. Phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh chỉ đạo việc khám chữa bệnh và cấp thuốc đối với người bệnh ở các vùng chia cắt; chuyển bệnh nhân ở các cơ sở không có điều kiện phục vụ về các cơ sở khám chữa bệnh khác đáp ứng được yêu cầu chuyên môn”, bà Dương Thị Minh Châu thông tin.
https://laodongthudo.vn/dam-bao-quyen-loi-cua-nguoi-dan-trong-bao-lu-177941.html
* Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi trẻ từ 1 - 5 tuổi
Ngày 23/9, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 278/KH-UBND về việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi trên địa bàn TP năm 2024.
Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi trên địa bàn TP được triển khai nhằm mục đích trên 95% trẻ từ 1 - 5 tuổi đang sống trên địa bàn Hà Nội chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định được tiêm 1 mũi vaccine phòng bệnh sởi - Rubella (MR).
Theo kế hoạch, đối tượng được tiêm vaccine trong chiến dịch này là trẻ từ 1 - 5 tuổi đang sống trên địa bàn TP Hà Nội và các nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi trên địa bàn TP chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định.
Ngoại trừ đối tượng đã được tiêm vaccine có chứa thành phần sởi hoặc MR hoặc vaccine có chứa thành phần sởi và/hoặc rubella trong vòng 1 tháng trước khi triển khai tiêm; đối tượng đã tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định.
Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi được triển khai trong quý III-IV năm 2024 (triển khai sớm sau khi vaccine được Bộ Y tế cung ứng) tại 579 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã trên toàn TP.
Địa điểm tổ chức tiêm tại Trạm Y tế; trường mầm non, mẫu giáo, các điểm tiêm chủng lưu động khác tùy thuộc vào tình hình thực tế tại địa phương.
UBND TP yêu cầu Sở Y tế Hà Nội phối hợp Sở GD&ĐT trong việc tổ chức rà soát đối tượng và tiêm tại các trường mầm non, mẫu giáo.
Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi trên địa bàn. Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức điều tra, rà soát đối tượng và tiền sử tiêm chủng; chỉ đạo các trường học phối hợp ngành y tế thực hiện tốt công tác điều tra và bố trí nhân lực tham gia tiêm chủng.
https://kinhtedothi.vn/ha-noi-trien-khai-chien-dich-tiem-vaccine-soi-tre-tu-1-5-tuoi.html