Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra thời gian qua gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trước thực tế đó, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành chức năng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tháo gỡ. Còn tại các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô, trên tinh thần nâng cao năng lực thực thi các quy định hiện hành, đã, đang từng bước khắc phục cảnh thiếu thuốc, vật tư y tế, hóa chất điều trị.
Đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh
Mỗi ngày, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận từ 8.000 đến 10.000 người dân tới khám bệnh. Có thời điểm, bệnh viện này rơi vào cảnh thiếu trầm trọng máy móc, trang thiết bị y tế.
Để khắc phục, Giám đốc bệnh viện Đào Xuân Cơ cho biết, sau khi có một loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành Y tế của Chính phủ và Bộ Y tế, từ cuối năm 2023, bệnh viện đã tiến hành các thủ tục đấu thầu, mua sắm máy móc, thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác chuyên môn. Từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh viện đã khai trương và đưa vào sử dụng hàng loạt hệ thống thiết bị y tế hiện đại bao gồm: 4 máy chụp cộng hưởng từ, 3 máy chụp cắt lớp vi tính đa dãy, 19 hệ thống nội soi tiêu hóa, 7 hệ thống phẫu thuật nội soi...
“Với việc thêm 4 máy chụp cộng hưởng từ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Bệnh viện Bạch Mai có 7 máy chụp cộng hưởng từ cùng lúc hoạt động. Nhờ đó, bệnh nhân có chỉ định chụp cộng hưởng từ về cơ bản được chụp trong ngày mà không phải chờ đợi”, ông Đào Xuân Cơ nói.
Thông thường, số lượng thuốc và vật tư y tế mua sắm của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức luôn ở mức 130% kế hoạch, có nghĩa là đã tính cả tình huống bất thường. Thế nhưng, thời gian qua, số lượng bệnh nhân được chuyển từ tuyến dưới và cơ sở y tế khác đến bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt này rất đông. Thực tế này đã ảnh hưởng ít nhiều đến việc dự trù vật tư y tế. Tuy nhiên, Giám đốc bệnh viện Dương Đức Hùng khẳng định, hoạt động mổ cấp cứu vẫn bảo đảm đủ thuốc và vật tư y tế.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, dự báo gia tăng người bệnh sốt xuất huyết tới điều trị nên bệnh viện đã chủ động thuốc, vật tư y tế. Điều này giúp bệnh viện khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong một số thời điểm như trước đây.
Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đống Đa Dương Quốc Bảo cho biết, dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết có nguy cơ tăng cao trong tháng 8 và tháng 9. Vì vậy, bệnh viện đã lên kế hoạch sẵn sàng phương án tiếp nhận người bệnh. Hiện, thuốc, dịch truyền phục vụ công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết đều đáp ứng đầy đủ.
Trong khi đó, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường chia sẻ, cùng với việc tập trung nghiên cứu và thực hiện các quy định mới của cấp có thẩm quyền, bệnh viện đã nhanh chóng khắc phục khó khăn, có những giải pháp đáp ứng kịp thời nhu cầu thuốc, vật tư y tế phục vụ người bệnh.
Phải dám nghĩ, dám làm
Theo Bộ Y tế, đến nay, các quy định của pháp luật về đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã được ban hành đầy đủ, thống nhất và đồng bộ.
Trong đó, nhiều giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm thuốc, thiết bị y tế như được sử dụng tối thiểu 1 báo giá hoặc sử dụng báo giá cao nhất phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn làm giá gói thầu. Các quy định đã tạo hành lang pháp lý, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng chủ thể, tạo điều kiện khuyến khích các chủ đầu tư yên tâm, chủ động thực hiện, giúp cơ sở y tế công lập kịp thời mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh.
Bộ Y tế cũng đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo người đứng đầu các cơ sở y tế đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, lãnh đạo nhiều bệnh viện cho rằng, thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế thường chỉ xảy ra cục bộ ở một số loại và muốn đáp ứng đủ nhu cầu thì bệnh viện phải chủ động trong việc dự báo tình hình, áp dụng linh hoạt các giải pháp nhưng cần tuân thủ quy định. Lúc này, vai trò của lãnh đạo bệnh viện là phải dám nghĩ, dám làm. Trước khi tiến hành mua sắm, lãnh đạo bệnh viện phải nghiên cứu rất kỹ các văn bản quy định, họp hội đồng chuyên môn và đưa ra giải pháp phù hợp.
Mới đây, trong kế hoạch về nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đối với chất lượng, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các bệnh viện, ngoài việc nâng cao chất lượng chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ người bệnh, cần rà soát, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng thuốc và điều trị.
Đặc biệt, các bệnh viện cần bảo đảm cung ứng và sử dụng thuốc, vật tư tiêu hao đầy đủ, kịp thời, chất lượng, tuyệt đối không để người bệnh điều trị nội trú bảo hiểm y tế phải mua thuốc ở bên ngoài.
Báo Hà Nội mới (https://hanoimoi.vn/khac-phuc-tinh-trang-thieu-thuoc-vat-tu-y-te-nang-cao-nang-luc-thuc-thi-quy-dinh-hien-hanh-673674.html)
*Bộ Y tế yêu cầu chậm nhất sau 4 giờ sau ký số phải liên thông dữ liệu cho trẻ lên cổng BHYT
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Giám đốc bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng Y tế ngành về việc tiếp tục liên thông dữ liệu đã ký số Giấy chứng sinh và Giấy báo tử.
Trong văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức ký ban hành ngày 1/8 cho biết, ngày 10/6/2024 Chính phủ ban hành Nghị định 63/2024/NĐ-CP quy định việc thực hiện liên thông điện tử 2 nhóm thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất.
Trong đó tại khoản 2, Điều 21 quy định trách nhiệm của ngành Y tế "Xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành y tế, bảo đảm cấp, kết nối, chia sẻ dữ liệu chứng sinh, báo tử điện tử với Phần mềm dịch vụ công liên thông" để thực hiện các nhóm thủ tục hành chính liên quan trên môi trường trực tuyến.
Tại khoản 2 Điều 5 quy định "Dữ liệu điện tử có ký số của Giấy chứng sinh được liên thông từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với Phần mềm dịch vụ công liên thông" là thành phần trong hồ sơ thực hiện liên thông điện tử các thủ tục hành chính đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi đối với các trường hợp trẻ có giấy chứng sinh do cơ sở khám, chữa bệnh cấp.
Tại khoản 1 Điều 10 và khoản 1 Điều 11 quy định "Dữ liệu điện tử có ký số của Giấy báo tử được chia sẻ tự động từ cơ sở khám, chữa bệnh với Phần mềm dịch vụ công liên thông" là thành phần trong hồ sơ thực hiện liên thông điện tử các thủ tục hành chính đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, từ tuất đối với các trường hợp người chết có giấy báo tử do cơ sở khám, chữa bệnh cấp.
Tại Điều 25 quy định trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm liên thông dữ liệu giấy chứng sinh và giấy báo tử có ký số để kết nối, chia sẻ với Phần mềm dịch vụ công liên thông chậm nhất không quá 04 giờ làm việc sau khi cấp bản giấy Giấy chứng sinh, Giấy báo tử;
Bảo đảm hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc kết nối, cập nhật, chia sẻ dữ liệu với Phần mềm dịch vụ công liên thông;
Tiếp nhận khám bệnh, chữa bệnh bằng số định danh cá nhân, thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân hoặc thẻ BHYT, bản giấy hoặc bàn điện tử.
Theo Bộ Y tế việc thực hiện liên thông dữ liệu có ký số Giấy chứng sinh, Giấy báo tử do cơ sở khám, chữa bệnh cấp để thực hiện Đề án 06 đã được Bộ Y tế chỉ đạo tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện thường quy từ ngày 7/03/2023.
Để thực hiện Nghị định 63/2024/NĐ-CP, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc hiện đang khám cấp Giấy khai sinh, Giấy báo từ thực hiện các nhiệm vụ, cụ thể:
Nghiên cứu và thực hiện Điều 25 Nghị định 63/2024/NĐ-CP, tiếp tục liên thông dữ liệu có ký số của Giấy chứng sinh, Giấy báo tử và ghi mã số liên thông lên Giấy chứng sinh, Giấy báo tử chậm nhất không quá 4 giờ làm việc sau khi cấp bản giấy lên cổng giám định BHYT theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại các văn bản chỉ đạo thực hiện liên thông dữ liệu Giấy chứng sinh, Giấy báo tử phục vụ Đề án 06;
Kiểm tra, đôn đốc, đảm bảo tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, sau khi cấp Giấy chứng sinh, Giấy báo tử phải ký dữ liệu và liên thông lên Cổng giám định BHYT để chia sẻ với phần mềm dịch vụ công liên thông, phục vụ người dân thực hiện 2 nhóm dịch vụ công trực tuyến liên quan đến khai sinh, khai tử.
Nghị định số 63/2024/NĐ-CP cũng quy định rõ hồ sơ thực hiện liên thông điện tử các thủ tục hành chính. Trong đó, hồ sơ thực hiện liên thông điện tử các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi bao gồm các thành phần hồ sơ sau:
1/ Tờ khai điện tử (Mẫu số 1 kèm theo Nghị định 63/2024/NĐ-CP).
2/ Dữ liệu điện tử có ký số của Giấy chứng sinh được liên thông từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với Phần mềm dịch vụ công liên thông. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì đính kèm các thành phần hồ sơ thay thế theo quy định pháp luật về Hộ tịch.
3/ Trường hợp đăng ký thường trú cho trẻ em khác nơi thường trú của cha, mẹ (nếu được cha, mẹ đồng ý) thì đính kèm các thành phần hồ sơ theo quy định pháp luật về cư trú.
Nghị định cũng nêu rõ, các thành phần hồ sơ trên là bản giấy thì phải thực hiện số hóa theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Báo Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-yeu-cau-cham-nhat-sau-4-gio-sau-ky-so-phai-lien-thong-du-lieu-cho-tre-len-cong-bhyt-169240802075819874.htm)
*Trẻ nhỏ mắc ho gà tăng mạnh
Từ đầu tháng 7 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) tiếp nhận gần 400 trẻ mắc bệnh ho gà đến khám và điều trị. Trong đó, phần lớn các trường hợp mắc là trẻ dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng bệnh.
Hiện tại, Trung tâm đang điều trị cho gần 40 trẻ mắc bệnh ho gà, trong đó có 1 bệnh nhi nặng cần phải thở máy. Trường hợp nhập viện mới đây nhất là bé gái (24 ngày tuổi, ở Lạng Sơn). Qua khai thác bệnh sử, gia đình bé gái này cho biết, trước khi nhập viện 20 ngày, mẹ của bệnh nhi có triệu chứng ho, nhưng không đi khám và vẫn chăm sóc trẻ.
Khoảng 1 tuần trước khi nhập viện trẻ xuất hiện ho húng hắng, không sốt. Sau đó trẻ xuất hiện ho nhiều cơn rũ rượi, trong cơn ho có tím mặt và trớ ra nhiều đờm trắng quánh dính nên gia đình đã đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ lấy mẫu dịch đường hô hấp để xét nghiệm.
Kết quả, trẻ được chẩn đoán mắc bệnh ho gà. Hiện sau 5 ngày điều trị, tình trạng trẻ đã cải thiện đáng kể, trẻ giảm ho, ăn ngủ được, dự kiến ra viện trong một vài ngày tới.
TS Trần Thị Thu Hương, Trưởng khoa Khám và Điều trị ban ngày, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết: “Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường gặp ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn”.
Đáng chú ý, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. “Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Trẻ điều trị càng sớm, càng nhanh khỏi bệnh và ít có nguy cơ bị biến chứng”, bác sĩ Hương khuyến cáo.
Đối với các trường hợp điều trị bệnh ho gà tại nhà, bố mẹ lưu ý tuân thủ đúng theo chỉ định điều trị của bác sĩ, không tự ý cho trẻ dùng thuốc, dùng sai liều hay ngưng thuốc khi không có sự đồng ý của bác sĩ. Thuốc trị ho không có tác dụng trong điều trị bệnh ho gà, đặc biệt không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi, tránh các tác dụng phụ cho trẻ.
Ho gà là bệnh dễ lây lan qua đường không khí, vì vậy cách tốt nhất phòng bệnh ho gà cho trẻ là tránh xa những người có dấu hiệu bị ho gà hoặc nghi ngờ ho gà. Đồng thời tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà cho trẻ là biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: “Thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp trong nhiều năm qua và cả ở nhóm trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm chủng”.
Theo các chuyên gia dịch tễ, mầm bệnh ho gà vẫn lưu hành trong cộng đồng. Thời tiết thay đổi thuận lợi cho virus, vi khuẩn truyền nhiễm phát triển. Bên cạnh đó, tỉ lệ tiêm chủng ho gà giảm do khan hiếm vắc xin thời gian qua dẫn đến có khoảng trống vắc xin, miễn dịch cộng đồng giảm, dịch bệnh gia tăng.
Theo dự báo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô sẽ còn tiếp tục xuất hiện rải rác các ca ho gà, chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm vắc xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ, hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện. Ho gà có khả năng truyền bệnh nhanh hơn cảm cúm, trung bình một bệnh nhân có thể lây cho 12-17 người xung quanh.
Báo Tiền phong (https://tienphong.vn/tre-nho-mac-ho-ga-tang-manh-post1660034.tpo)
*Không xem nhẹ dịch sốt xuất huyết
Thời tiết mưa nắng thất thường đã tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng. Cơ quan chuyên môn CDC Hà Nội liên tục cảnh báo bệnh sốt xuất huyết lây truyền qua trung gian là muỗi vằn chỉ sống ở những nơi nước đọng.
Bà Đỗ Thị Nhã (xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ) vừa bị mắc sốt xuất huyết. Cả gia đình bà đều biết nguyên nhân lây truyền sốt xuất huyết là do muỗi vằn truyền bệnh. Thế nhưng bể nước mưa ngay trong sân nhà bà lại không đậy kín và không thả cá để diệt bọ gậy.
Bà Đỗ Thị Nhã kể: “Tôi cảm thấy người mệt mỏi. Bể nước mưa tôi cũng đã thả cá rồi nhưng ban kiểm tra về thì lại không thấy cá nữa. Hiện nay, tôi lại tiếp tục mua cá về bỏ vào bể nước mưa gia đình để diệt bớt bọ gậy".
Từ đầu năm đến nay, Khoa truyền nhiễm của Bệnh viện đa khoa Đống Đa đã điều trị cho trên 100 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, riêng trong tháng 7 là 55 ca bệnh.
Theo các bác sĩ của bệnh viện thì dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ gia tăng mạnh từ tháng 9 đến tháng 11 trong năm.
Thạc sĩ, bác sĩ CKII Dương Quốc Bảo, Phó trưởng Khoa truyền nhiễm – Bệnh viện đa khoa Đống Đa, cho hay: “Sốt xuất huyết có bốn tuýp, tuy nhiên mỗi năm đều có sự lưu hành của nhiều tuýp khác nhau. Năm nay có thể xuất hiện tuýp 1, 2 và 3.
Đối với người có biểu hiện như sốt, đau đầu, mệt mỏi mà nghi sốt xuất huyết thì bệnh nhân nên đi khám tại các cơ sở y tế nhằm chuẩn đoán sớm bệnh sốt xuất huyết, tránh điều trị tại nhà xảy ra các biến chứng nguy hiểm".
Tuần qua, toàn thành phố đã ghi nhận 125 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, tăng 7 trường hợp so với tuần trước. 7 tháng đầu năm, Hà Nội đã ghi nhận trên 1.400 ca bệnh sốt xuất huyết.
Đài PT-TH Hà Nội (https://hanoionline.vn/video/khong-xem-nh-dich-sot-xuat-huyet-255740.htm)